Chi tiết tin tức Cuộc đời bó buộc của các thánh nữ đồng trinh ở Nepal 08:30:00 - 16/02/2015
(PGNĐ) - Những cô gái được chọn để trở thành hóa thân của Nữ thần Trinh tiết phần lớn dành thời gian tuổi trẻ của mình chỉ để ngồi và vì không được phép chạm chân xuống đất nên họ dường như quên cả cách đi.
Nepal vốn được biết đến như vùng đất huyền bí, nơi còn tồn tại khá nhiều tục lệ truyền thống đặc biệt, lạ lẫm với du khách thế giới. Một trong số đó là việc tôn thờ Nữ thần Trinh tiết (Kimari Devi) của gia tộc Newar dòng dõi. Theo truyền thuyết, hóa thân của Durga - nữ thần tối cao trong tín ngưỡng Hindu - là những cô gái trẻ làm nghề thợ kim hoàn. Cho đến khi những cô gái đó đến tuổi dậy thì, họ sẽ được tôn thờ và bảo vệ như một nữ thần bởi hàng ngàn người theo đạo Hindu và cả Phật tử ở Nepal.
Để trở thành người được chọn, Kumari tương lai phải trải qua hơn 30 bài kiểm tra khe khắt của những bậc trưởng lão. Một trong những yếu tố ban đầu để được lựa chọn là cô bé đó phải có một chiếc cổ mảnh mai như vỏ ốc xà cừ, đôi mắt dịu dàng của một con bò cái. Tại bài kiểm tra tiếp theo, cô gái trẻ sẽ phải đi qua một căn phòng tối tăm với những chiếc đầu động vật đáng sợ và một người đàn ông đeo mặt nạ gớm ghiếc nhảy múa. Những phản ứng của cô sẽ được quan sát và ghi chép lại tỉ mỉ. Sau đó, cô bé cũng phải xác định chính xác những đồ vật mà vị thánh nữ tiền nhiệm đã sử dụng, tương tự như trong nghi lễ lựa chọn Phật Sống (Đạt Lai Lạt Ma) ở Tây Tạng.
Khi đã vượt qua mọi bài kiểm tra cần thiết và chính thức được công nhận, vị Kumari mới cùng gia đình mình sẽ được chuyển tới sinh sống ở một nơi riêng biệt dành cho Thánh nữ, có tên gọi là Kumari Bahal. Tại đây, Thánh nữ sẽ được bảo vệ cẩn thận, chỉ xuất hiện trước công chúng khi có dịp lễ hội. Cô thường được ngồi trên ngai vàng và nhận sự lễ bái thành kính của người dân. Do phong tục của người Nepal, các Thánh nữ không được để chân tiếp xúc với đất - vì người dân nơi đây cho rằng nền đất là thứ bẩn thỉu, không sạch sẽ - nên sẽ được di chuyển bằng cách ngồi xe, kiệu hay trong vòng tay của người thân mọi lúc mọi nơi. Một Kumari có cuộc sống hoàn toàn khác so với trẻ em cùng tuổi. Cô bé sẽ không đi học và hiếm khi ra khỏi nơi mình sinh sống, không giao tiếp với ai trừ những người thân cận quanh mình cho đến khi xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Họ dành phần lớn thời gian ngồi một chỗ nên hầu như Thánh nữ nào cũng gần như quên cả cách đi. Khi đến tuổi dậy thì, Thánh nữ sẽ trải qua một nghi lễ đặc biệt kéo dài 12 ngày gọi là lễ Gufa - nghi lễ chính thức đánh dấu việc kết thúc "nhiệm kỳ" của mình. Trong nghi lễ này, các Kumari sẽ tắm trong dòng sông Bagmati ở Patan, Nepal. Sau đó, cô sẽ mặc váy cưới truyền thống và trùm vải che mặt rồi được đưa ra ngoài để làm nghi lễ tế thần mặt trời. Kết thúc nghi lễ, cô gái bắt đầu cuộc sống của một thường dân, cô sẽ được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Những ngày đầu tiên quay về với cuộc sống bình thường, các Thánh nữ thường rất yếu ớt, rụt rè. Đặc biệt là đôi chân của họ không khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Hầu hết họ phải học cách tập đi lại từ đầu, và thời gian đó có thể kéo dài đến hàng năm.
Chanira Bajrachary - một cựu Thánh nữ 19 tuổi - nhớ lại cô đã có một thời kỳ khó khăn. Thậm chí cô không thể đi lại nếu không có sự giúp đỡ của mọi người. Thế giới bên ngoài cũng hoàn toàn xa lạ với cô. Chanira được chọn làm Thánh nữ từ khi 5 tuổi và kết thúc nhiệm kỳ 10 năm sau đó, sau khi cô dậy thì ở tuổi 15. Cô cũng gặp khó khăn trong giao tiếp khi đi học ở trường. Tuy nhiên mọi thứ với Chanira được giải quyết khá ổn thỏa. Cô hòa nhập nhanh với cuộc sống và hiện là sinh viên của đại học ngành quản trị kinh doanh ở Kathmandu. Mơ ước của Thánh nữ sau này sẽ trở thành một nhân viên ngân hàng. "Trước đây, Kumari không được phép kết hôn. Nhưng ngày nay mọi thứ đã thay đổi", Chanira cho biết. Vì các Thánh nữ luôn phải ở trong nhà hoặc đền thờ, sinh hoạt cũng chịu ảnh hưởng từ những nghi thức truyền thống nghiêm ngặt nên một số tổ chức nhân quyền đã lên án Nepal và coi đây là một hình thức bóc lột trẻ em, khiến họ không có tuổi thơ hoàn hảo. Tuy nhiên quan điểm này không nhận được sự đồng tình của người dân bản địa. Chanira cho biết trở thành Thánh nữ là một giấc mộng đẹp đối với nhiều cô gái, dù sau đó họ có gặp khó khăn khi kết thúc nhiệm kỳ. Với cô, đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong đời, là niềm tự hào của cô và cả gia tộc.
Anh Minh (theo Beforeitsnews)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |