Chi tiết tin tức

"Cậu Tư" bao giờ bị Công An mời ?

14:23:00 - 21/09/2013
(PGNĐ) -  Từ nguồn tin của người dân, nhóm phóng viên Báo An Giang đã trực tiếp đến “xem bói” tại 2 điểm ở huyện Phú Tân. Cách thức xem bói của họ khá dị thường, mang màu sắc mê tín dị đoan. 

Khi chúng tôi đến, “cậu tư” (khoảng 60 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Vàm) tỏ ra nghi ngờ. “Cậu” chỉ đồng ý xem bói cho cả nhóm khi được một người quen giới thiệu. Sau ít phút hỏi han, “cậu” bắt đầu thắp nhang, đứng trước bàn thờ khấn vái. “Cậu” mở vài quyển tập học sinh, bên trong chi chít chữ viết (theo dạng chữ Hán hoặc chữ Nôm), bắt đầu “đọc” thuộc làu: “Cười là cười bề ngoài, chứ bề trong buồn lắm nghen con.

Đang tính toán công chuyện mà không biết có đạt được hay không. Kiếp trước con là công chúa Hoa Sơn Ca (nước Ấn Độ) vô tình làm rớt cây viết của Mẹ, bị Mẹ đày xuống trần gian. Kỵ nhất là tháng 7 và 8. Tuy nhiên, tháng sau, tức là tháng 9, con sẽ đạt ý nguyện của mình, con yên tâm. Qua sổ bộ của Phật mẫu, Cửu thiên huyền nữ ở trên đưa xuống, thầy đọc được bao nhiêu đó, tụi con thấy có trúng với số mạng mình không? Tụi con tới đây hôm nay là ý muốn gì, cần cậu giúp gì?”.

Một phóng viên ngỏ ý muốn xem dùm đường tình duyên, khi cô đang tìm hiểu một chàng trai tuổi Rồng. “Đông cung thái tử thần kim quy cho biết: Con rồng nhã nhặn, bề ngoài cười cười, nhưng hơi cộc nghe. Khi chung chạ phải nhìn lại hai bên để dung hòa. Bên gia đình người nữ thì sao cũng được, nhưng bên nam thì hơi khó, phải xem ý tứ họ kỹ nhé. Mình không thiếu nợ con rồng, mà con rồng thiếu nợ mình”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ “bà cố Ba” xem dùm, “cậu tư” cho biết: “Một lát bà cố về liền”. Rồi “cậu” quay sang hỏi chúng tôi: “Mấy đứa tới đây lần nào chưa?”. Chúng tôi trả lời: “Đã đến xem 1 lần cách đây 1,5 tháng”. “Cậu” gật gù, giải thích: “Khách cậu đông lắm, từ khắp nơi nên cậu không nhớ hết. Chỉ có ai được bà cố thọ phép nhận làm đệ tử thì cậu ghi vào sổ bộ. Khi họ đến, cậu mở sổ ra mới nhớ nổi.

Bà cố 156 tuổi, đang tu chùa Huỳnh Kim ở TP. Hồ Chí Minh, là chị của ông cố của cậu. Từ đời này sang đời khác, bà cố nhập xác lần lần vào mấy đời nhà cậu. Cậu chắc là đời cuối cùng, vì không có con trai để truyền lại. Cậu làm hơn 30 năm rồi, nhưng chỉ làm phước, không lấy tiền nên nhà nghèo lắm. Cậu xin nghỉ lâu rồi, nhưng bà cố nói chừng nào cho nghỉ thì nghỉ, cậu nghỉ bả dựa ai? Muốn làm đệ tử bà cố cũng dễ lắm, chỉ cần coi con có căn duyên với bà không”.

Đang trò chuyện, “cậu tư” thoáng chút suy tư, im lặng. Đột ngột, “cậu” cất giọng eo éo như nữ, với âm lượng lớn: “Đâu ai Kỷ Tỵ đâu? Kiếm tui có chuyện gì? Học hành sao, tới đâu, gia môn sao lung tung lủng tủng hoài vậy? Con chính là công chúa Hoa Sơn Ca, là con của bà Quan Âm Nam Hải, nghe rõ chưa! Bây giờ phải kiếm được Đông cung thái tử, để 2 người chung chạ với nhau mới hóa giải số kiếp. Con phải học nghề may, nghề y hoặc giáo cô (cô giáo – PV) để ổn định. Có gì cứ hỏi, cố phủi giúp cho. Cố xuống trần gian mượn cái xác nam giới này, chứ cố còn 1 cái xác nữa để đi chữa bệnh, lâu lâu cố mới về đây một lần”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn được “bà cố” nhận làm đệ tử, đồng thời làm phép giải hạn. “Cố” ghi vài nét chữ nghệch ngoạc trong sổ, rồi phán: “Ngọc Lan nghe. Tui là cô ba Bích Ngọc, tui lấy chữ Ngọc làm chữ lót cho tên của Lan, thành Ngọc Lan, đây là tên mới do cố đặt cho con”. Để giải hạn, “cố” nhờ ghi ra những món đồ để cúng “Biên dùm đi, tui biên (ghi) chữ Việt không được.

Đồ giải hạn bao gồm: 9 bộ đồ nữ, 9 cây kim may, 1 cặp bạch lạp (đèn cầy), 1 ốp nhang thơm, 1 dĩa ngũ quả, 3 con tép lóng, 1 trứng vịt, 1 trứng ó o (trứng gà). Ngoài ra, bao nhiêu tuổi thì cúng chừng đó tiền”. Chúng tôi hỏi cụ thể là bao nhiêu, “cố” tỏ ra lúng túng, rồi chỉ vào nắm tiền lẻ trên bàn thờ: “Tờ này (2.000 đồng), với cái tờ đỏ đỏ (500 đồng). Nếu không thì lấy tờ này (5.000 đồng) cũng được. Biên xong đưa miếng giấy để tui đóng dấu vô”.

Cầm tờ giấy nhỏ có ghi các loại đồ cúng, “cố” viết thêm vài chữ rất khó đọc, rồi đưa thêm cho chúng tôi 1 phong bao lì xì màu đỏ, bên trong có tờ giấy 2.000 đồng khá cũ. “Cố” yêu cầu gói bao lì xì vào trong tờ giấy bạc 5.000 đồng, luôn giữ bên mình: “Mỗi lần muốn gặp cố thì chỉ cần nắm chặt “bùa” và kêu tên “bà cố Ba”, rồi khấn vái những chuyện cần nhờ độ dùm. Tui sẽ về độ trong giấc ngủ, hoặc lúc đệ tử tịnh tâm”.

Khi “cố” đã “đi”, chúng tôi lấy lý do chợ quá xa, nhờ “cậu tư” mua về cúng dùm. “Cậu” xem qua danh sách món đồ cúng, tính thành 125.000 đồng (bao gồm tiền xem bói 20.000 đồng). “Tụi con có thể mua đồ về nhờ cậu cúng dùm, hoặc đem ra chùa nào gần nhà cúng đều được. Nếu tụi con kẹt quá thì đưa tiền cậu gởi người ta đi chợ mua, cậu sẽ cúng cho. Thời điểm cúng tốt nhất là chiều tối, vào giờ âm”.


“Cậu tư” đứng trước bàn thờ xem bói cho khách.


 

Nguồn: phatgiaovnn.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin