Chi tiết tin tức

Mài gươm trí tuệ

22:03:00 - 20/04/2018
(PGNĐ) -  Lúc mới bắt đầu đi chùa, mình thích nghe quý thầy, cô giảng pháp, thường khuyên mình nên ‘tu mau kẻo trễ’. Thế là mỗi đêm mình đến chùa tụng niệm, hành trì, cúng dường, công quả. Thấm thoát mà năm, mười năm đã trôi qua. Nhớ lại ngày quý thầy, cô nhắc nhở, giờ thì đầu đã hoa râm nhưng chưa biết tu theo kiểu gì?

 

thayphat.jpg
"Tu tập là ngón tay chỉ mặt trăng, Chân lý giác ngộ mới chính là mặt trăng"

Ngày còn trẻ, mình thích tu thiền định vì cảm thấy pháp tu này giúp mình trở về quán chiếu nguồn tâm của chính mình. Nhưng theo đuổi, công phu khá lâu mà sao không thấy có tiến bộ nhiều. Nghe nói pháp môn Tịnh độ dễ tu, dễ chứng, mình cũng vội vã chen chân, tìm cầu tu học. Rồi ngày tháng trôi qua, sao nghe nói dễ mà hành trì không thấy ngộ nhanh. Rồi mình phân vân như đứng ở ngã ba đường. Không biết giờ có nên thử qua tu tập Mật tông, hay giờ đầu đã hoa râm, thôi thì cứ tu tới đâu, hay tới đó!

Hình như đây là sự phản ảnh của đa số các vị bắt đầu nhận thức được rằng mình phải nghiêm túc trên bước đường tu đạo. Nghĩa là, mình phải thực sự ‘sống đạo’, chớ không còn cái kiểu thích thì tu, không thích thì nghỉ! Hóa ra việc giác ngộ không phải là chuyện có kiến thức rộng là đủ. Mình cần phải, không những tu đạo, mà còn phải thấy cái tuệ giác trong quá trình sống thực theo đạo, và mài giũa cái tuệ giác đó cho càng ngày càng sâu sắc, rộng lớn thêm.  

Chuyện kể rằng, có hai anh chàng trong một kỳ thi tranh tài xem ai là người đốn được cây rừng nhiều nhất. Một anh sau khi đốn khoảng nửa ngày, bỗng nhiên dừng lại, bỏ đi chỗ khác. Anh còn lại, trong bụng nghĩ thầm: ‘Rõ là đồ lười biếng! Phen này mình thắng chắc rồi!’. Thế là anh ta tiếp tục nỗ lực đốn cây. Sau khi nghỉ khoảng một tiếng, anh kia (bỏ đi) trở lại tiếp tục đốn cây.  

Khi tổng kết số cây đốn được, anh chàng nghỉ ngơi một tiếng, đốn được nhiều gấp rưỡi anh kia. Ngạc nhiên, anh bị thua bèn tìm đến anh kia hỏi rõ lý do. Câu trả lời của anh kia là: ‘Tôi nghỉ một tiếng là để mài cái rìu cho thật bén và ăn trưa!’.  Như vậy rõ ràng, làm việc nhiều mà không biết dừng lại, mài bén công cụ và bổ sung sức lực, thì dù có làm nhiều cũng không mang lại kết quả mong muốn. Trong tu tập cũng vậy! Việc ‘mài bén’ tâm trí và chăm sóc sức khỏe là điều không thể thiếu. Chính vậy mà Đức Thế Tôn đã lìa bỏ sự khổ hạnh sau sáu năm miệt mài, và đã tìm thấy Chân lý không lâu sau đó. 

Trong Bốn chân lý (Tứ đế), Phật dạy khổ đau là một sự thật không thể tránh được. Vì vậy, giáo pháp Phật dạy là những phương pháp để đối trị bệnh khổ. Dù chúng ta tu học theo pháp môn nào, tất cả đều là phương tiện, không phải là cứu cánh, để giúp mình vượt qua, giải tỏa những phiền não, sầu muộn, oán hận, sợ hãi, âu lo, v.v… Nói rõ hơn, chúng ta tu là để tìm thấy cái tuệ giác mà có thể ‘giải mã’ những ‘bí ẩn’ của khổ đau, sầu muộn.

Thông thường, muốn tìm ra giải pháp cho một nan đề nào, mình cần phải học cách để hiểu rõ nguyên nhân và nguồn cội của nó. Những phương pháp tu tập Phật dạy là cách mà mình có thể đến gần và tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nên bệnh khổ của chính mình. Cứ mỗi lần mình hiểu được nguồn cội khổ đau của mình là một lần mình giác ngộ, mình đã tìm ra đáp số cho nan đề đó. Vì mình đã thấy được đâu là nhân duyên gây khổ.

Đừng có hiểu lầm rằng cứ lo tu học miệt mài thì khổ đau sẽ cuốn gói ra đi mãi mãi. Nếu mình tu mà không đúng Chánh pháp, đôi khi lại tự hại và khổ đau thì càng chồng chất thêm lên. Nên nghe có ai nói ‘tu nhiều đổ nghiệp’ là một câu nói hiểu sai Chánh pháp. Vì ai cũng có quan niệm rằng mình tu hành siêng năng thì tự khắc sẽ được bớt nghiệp, hết khổ đau. Nên mới có chuyện một vị sư phụ mài gạch làm gương soi để dạy đạo, vì ông có đứa học trò cứ lo ngồi thiền hoài để mong thành Phật.  

Tất nhiên, ‘văn ôn, võ luyện’ sẽ giúp mình mau tiến bộ và giỏi giang. Cũng vậy, việc ngồi thiền hay niệm Phật là điều không thể thiếu trong việc mài gươm trí tuệ cho bén. Nhưng chính việc tu hành này không phải là sự giải thoát, giác ngộ, mà là phương tiện giúp mình phát sinh tuệ giác để tìm ra Chân lý. Như trong kinh luận có dạy: ‘Tu tập là ngón tay chỉ mặt trăng, Chân lý giác ngộ mới chính là mặt trăng,’ đừng tưởng lầm tu tập là mặt trăng. Đừng nghĩ rằng mình ngồi thiền lâu, hay niệm Phật nhiều thì sẽ sớm đắc quả! Ngược lại, nếu mình không biết ‘mài bén’ cái tuệ giác của mình thì kết cuộc cũng giống như anh chàng đốn củi không ngưng nghỉ, nhưng kết quả lại nhỏ nhoi! 

Thiện Ý

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin