Chi tiết tin tức Thú chơi ngày Tết 22:15:00 - 24/02/2015
(PGNĐ) - Người Huế xưa có thú đổ xăm hường vào ngày Tết. Cũng là cách chơi ăn tiền nhưng không có tính chất bài bạc đỏ đen sát phạt. Nó tao nhã như chơi cờ tướng pha chút thần bí như đi bói tuồng đầu năm.
Vậy nên, đổ xăm hường vào những ngày đầu xuân là có ý nghĩa và thích hợp nhất. Bộ xăm hường gồm thẻ xăm, sáu hạt xúc xắc và một cái bát. Bộ thẻ xăm hường có hình dáng từa tựa như thẻ xăm tại các đình, chùa. Quý thì làm bằng ngà. Bình thường thì bằng sừng hay gỗ. Tên thẻ được chạm khắc bằng chữ Hán trông trang trọng lắm. Bộ thẻ xăm hường của nhà tôi truyền từ thời ông nội, lâu ngày lên nước bóng láng. Nó được cất trong một cái hộp gỗ phảng phất mùi quế. Nếu làm đẹp nó không chỉ là vật chơi mà là một tác phẩm nghệ thuật. Bộ xúc xắc gói trong cái bọc gấm. Thêm cái bát sứ mỏng manh, xanh lam màu men cổ, thế là đủ lệ bộ. Thẻ xăm hường có nhiều loại với hình dáng và kích cỡ khác nhau. Tổng số thẻ cùng loại là 32 ứng với 32 điểm.
Như vậy sẽ có: ba mươi hai thẻ nhất hường, mười sáu thẻ nhị hường, tám thẻ tứ tự, bốn thẻ tam hường, hai trạng em và một trạng anh. Người Việt từ bao đời vốn hiếu học. Trạng là đỉnh cao của tri thức mà người xưa khát khao đạt được. Sở hữu một ông trạng thực là hạnh phúc cho dù chỉ là trong cuộc chơi. Nhưng biết đâu nó lại ứng nghiệm ngoài đời… Trong các mặt của hạt xúc xắc có mặt tứ đỏ tuyền còn gọi là mặt hường. Đây là mặt quan trọng, nó quyết định phần lớn cách chơi và số điểm có được sau mỗi lần bỏ hạt. Ví dụ đổ ra một mặt tứ gọi là nhất hường, được một thẻ tương đương với một điểm, cứ thế mà tính lên. Bốn mặt tứ không gọi là tứ hường mà gọi là trạng anh được thẻ cao nhất tương đương với ba mươi hai điểm. Đổ ra càng nhiều mặt đỏ càng tốt. Người Á Đông vốn chuộng màu đỏ, nhất là vào các dịp lễ, Tết vì đó là màu của cát tường, đại hỷ. Bát chơi xăm hường vừa đủ lớn, chất men phải tốt để hạt nẩy và quay đều. Cái tiếng“leng-keng, leng-keng” trong vắt, vui tai là âm thanh đặc trưng của trò chơi này,cùng với mùi hương trầm, khói pháo, hương mai… dậy lên hương vị Tết xưa…. Nhắm mắt lại… và tưởng tượng… Thời gian như lùi lại mấy chục năm về trước… Chơi bài, chơi cờ dùng trí tuệ và kinh nghiệm để điều khiển. Đổ xăm hường không như thế. Sáu hạt xúc xắc thu gọn vào nắm tay rồi thả vào lòng bát. Chúng nhảy múa, xoay vòng, va chạm, xô đẩy nhau…. Mặt đỏ, mặt đen loang loáng… Khi chúng ngừng quay, các mặt xuất hiện và kết hợp một cách ngẫu nhiên theo quy ước của trò chơi. Chẳng ai điều khiển được ngoài thế lực siêu nhiên (người chơi tin như thế). Bởi vậy mới có tên là xăm hường, vừa để giải trí vừa để đoán thời vận đầu năm. Đối với người Việt, Tết là cơ hội để mọi người trong gia đình dù ở đâu xa cũng trở về đoàn tụ. Không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, rộn ràng. Còn gì thú vị hơn bằng tổ chức một hội xăm hường. Một chiếc chiếu hoa cạp điều được trải trên một tấm ngựa gõ hay sập gụ khảm chân quỳ. Sáu hay bảy người chơi chính thức xúm xít quay thành vòng tròn. Bát sứ đặt chính giữa, các thẻ xăm xếp theo từng loại. Ba ông trạng được đặt riêng ra. Một người bỏ hạt để xác định người được đổ bát đầu tiên giống như trọng tài gieo đồng tiền sấp, ngửa trước mỗi trận bóng. Cuộc chơi bắt đầu… Ngoài số người chơi chính thức, số người ngồi góp vui chung quanh nhiều lúc còn hơn số đó nữa. Mọi con mắt đổ dồn vào những con xúc xắc đang nhảy múa trong lòng bát… Nhiều khi năm con đã yên vị, con thứ sáu quay cuồng, xô bên này, đẩy bên kia làm thay đổi nước cờ chuyển có thành không, chuyển không thành có. Tiếng xuýt xoa tiếc nuối, tiếng trầm trồ, la hét tán thưởng. Hấp dẫn nhất vẫn là ăn trạng rồi bị cướp trạng. Đổ ra cái ngũ hường đoạt tam khôi ăn được cả ba ông trạng. Chưa kể trường hợp lục phú, có sáu mặt đen giống nhau thì lùa cả làng. Tất cả những người còn lại phải chung đủ ba mươi hai điểm bất kể trước đó đã đổ được bao nhiêu thẻ. Còn nếu ra sáu mặt tứ đỏ chói đến nhức mắt gọi là lục phú hường. Cái này cực kỳ hiếm, không những lùa cả làng mà làng còn phải chung gấp đôi. Đỏ quá như vậy! Hên quá như vậy! Thua là phải. Chung tiền mà vẫn tâm phục, khẩu phục. Tùy theo thỏa thuận, mỗi thẻ là một điểm ứng với một số tiền nào đó. Số tiền ăn thua không nhiều, thuần túy để giải trí đầu năm. Những đêm mùa xuân… Mưa lất phất… Cái thứ mưa không ướt đất rây rây từng hạt mịn… Bên ngoài trời lạnh đủ để cảm nhận sự ấm cúng trong nhà. Ông bà hiện diện trên bàn thờ đèn, nến sáng trưng chứng kiến cảnh con cháu quây quần, đoàn tụ. Trẻ con ba ngày Tết sướng như tiên vì được hưởng nhiều đặc ân. Chúng không buộc phải học bài, không bị bắt đi ngủ sớm. Chúng được phép ngồi chầu rìa bên hội chơi cùng người lớn. Nhiều lúc, thương tình người ta cũng cho chúng đổ thế một vài lượt; những bàn tay nhỏ xíu nắm không trọn những hạt xúc xắc, hồi hộp, lóng ngóng thả vào lòng bát… Một hạt văng ra ngoài. Thế là mất một lượt đi. Tiếc thật! Cũng có khi may mắn chúng đỏ và ăn được một thẻ có điểm cao. Sướng mê! Mắt tít lại, mặt hơn hớn y như lập được công trạng gì to lắm. Cuộc chơi đang còn sôi nổi, hào hứng thì cơn buồn ngủ bổng dưng ập đến. Không chống được nhưng cũng chẳng muốn về phòng. Đứa bé là tôi đành nằm xuống, kê đầu bên gối mẹ, mắt lim dim… Hương trầm quyện với hương mai phảng phất. Một thứ hương xuân rất đặc trưng… Ngọn nến trên bàn thờ chập chờn lay động rồi nhòe dần… Tiếng leng-keng, leng-keng của những con xúc xắc nẩy lên trong cái bát cổ, tiếng cười nói râm ran trở nên mơ hồ, xa xăm… Mắt ríu lại, đứa bé bay vào những giấc mơ đẹp… Ngày Tết kéo dài vô tận và phong bao lì-xì mỗi lúc một dày thêm… Ngày nay ở Huế người ta cũng ít đổ xăm hường. Có lẽ vì thiếu không khí. Ba ngày Tết trôi qua vội vội, vàng vàng. Người Huế bây giờ, nhất là những người trẻ, có nhiều trò chơi hiện đại, hấp dẫn hơn, có nhiều mối quan tâm hơn đâu còn đủ kiên nhẫn để ngồi chơi trò may rủi cổ xưa này nữa. Dầu vậy, đổ xăm hường không chỉ là chuyện bài bạc, đỏ đen trong ba ngày Tết. Nó là phong tục, là nét văn hóa truyền thống của một vùng miền. Nó là sản phẩm của một thời đã qua. Và chỉ còn lại trong ký ức của những ai đã từng biết, từng sống với những hình ảnh đẹp, những hoài niệm, ngậm ngùi về một thời vang bóng… •■ Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 170-171
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |