Chi tiết tin tức

Tinh thần tu học của một hạ trường tại PG H. Tân Thành

15:41:00 - 10/08/2015
(PGNĐ) -  Đang đi vào thời điểm gần cuối mùa An cư Kiết hạ, cũng như bao trường hạ khác, Chư tăng trường hạ chùa Huệ Minh cũng tinh tấn thúc liễm tu hành và cũng có nhiều Phật sự vừa phải tu mà vừa phải lo trường hạ cho hoàn tất, trong đó có chương trình tham gia hội thi Báo tường cho Tăng Ni trẻ của các trường hạ do BTS Phật giáo huyện Tân Thành tổ chức.

Sáng ngày 02/08/2015, tại hạ trường chùa Huệ Minh đã diễn ra buổi thuyết giảng của TT Thích Chân Quang – Hóa chủ trường hạ về chủ đề BA HẠNG NGƯỜI THÂN và tiếp theo là buổi thuyết trình Báo tường do Chư hành giả an cư thực hiện, với sự tham dự của đông đảo phật tử xa gần đến thính Pháp và cúng dường trường hạ.

Đặc biệt, hôm ấy trước khi bắt đầu thời khóa tu học của Chư tăng thì HT Thích Giải Thiện – Thiền chủ Trường hạ huyện Tân Thành – Trụ trì chùa Huệ Minh cùng các thành viên trong Ban Chức Sự trường hạ cũng như Chư tăng an cư được cung kính tiếp đón phái đoàn của BTS GHPGVN tỉnh BRVT tổ chức thăm viếng các trường hạ trong toàn tỉnh do HT Thích Nguyên Trực – Phó thường trực BTS PG tỉnh làm trưởng Đoàn, cùng các thành viên là Trưởng/Phó trong Thường trực BTS PG tỉnh và các Ban ngành trực thuộc BTS PG tỉnh BRVT cũng như các phật tử trong phái Đoàn. 

Tại buổi thăm viếng, HT Thích Như Thị - Phó ban/kiêm Trưởng Ban Tăng Sự làm Phó Đoàn đã có đôi lời thăm viếng, sách tấn Chư hành giả an cư được thân tâm thường lạc, đồng thời Hòa thượng nhắc nhở Chư tăng cố gắng khép mình trong giới luật, phải ý thức sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống Tăng đoàn để được an ổn tu hành, có giới đức hầu làm nơi nương tựa cho phật tử tu hành. Sau đó, đại diện BTC hạ trường nhận phẩm vật cúng dường do phái Đoàn dâng cúng. 

Đáp lời, HT Thích Giải Thiện - Thiền chủ Trường hạ huyện Tân Thành đã báo cáo về công tác tổ chức an cư cũng như tình hình tu học của các hành giả an cư kể từ ngày khai hạ đến nay. Hòa thượng cho biết, trường hạ chùa Huệ Minh – đây là lần đầu tiên được thành lập có 47 vị tăng về hành trì cấm túc an cư và tùng hạ 83 vị. 

Chương trình tu học suốt từ đầu đến giờ với lịch học luôn khít khao, ngoài các thời khóa căn bản như: Lễ Phật, tụng Kinh, ngồi thiền, học Kinh – Luật – Luận, còn có một chương trình ngoại khóa bao gồm nhiều lĩnh vực như: Chư tăng tham gia hội thi thuyết trình Báo tường, tập thuyết giảng quản lý cơ sở tự viện và làm công tác phật sự; đồng thời một tháng có hai buổi thuyết giảng chung cho hành giả an cư và hàng phật tử tại gia cùng tu học, với số lượng tham dự dao động từ 700 đến 1000 nghìn người, do TT Thích Chân Quang thực hiện. 

Ngoài ra, trong những ngày dạy cho Chúng an cư, BTC cũng mời các vị Hòa thượng trụ trì các chùa và các Tu viện chuyên tu đến giảng dạy Giới luật cho chư Tăng. Nói chung, mỗi ngày đại chúng được nhấm trọn dòng sữa pháp ngọt ngào đầy từ bi và tuệ giác của Chư tôn đức truyền trao.

Mặt khác, tại trường hạ có các Chư ni và phật tử (20 vị) phát tâm công quả, hộ trì trường hạ, luôn túc trực chăm lo về đời sống, về an ninh trật tự, làm sao bảo đảm sức khỏe cũng như sự an toàn cho các hành giả an tâm tu học trong sự hòa hợp thanh tịnh. 

Cuộc viếng thăm đã thể hiện được sự quan tâm của Ban trị sự GHPGVN tỉnh BRVT tới các hành giả an cư và đây cũng là dịp để Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh gặp gở các hành giả an cư mà sách tấn, lắng nghe về quá trình tu học cũng như mặt chăm lo đời sống của các hành giả, để từ đó có phương hướng hoạt động tốt hơn cho việc tổ chức An cư Kiết hạ trong những năm tiếp theo.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại BA HẠNG NGƯỜI THÂN, Thượng tọa tản mạn về các danh xưng được gọi trong đạo Phật hay tôn giáo khác, ví dụ: đạo hữu (bạn đạo); bên tôn giáo bạn có từ tín hữu (tức là bạn trong tín ngưỡng) và ông Linh mục kêu các con chiên của ông là friend (bạn). Để hiểu tại sao lại gọi là bạn, Thượng tọa sẽ chia sẻ cái hiểu biết này với chúng ta như chính tựa đề của bài Pháp thoại.

Thiết nghĩ, tại sao có người ta coi như bạn, tại sao người ta xem họ như đàn anh và có người tại sao ta coi như thầy mình. Để hiểu khái niệm này, Thượng tọa dùng nhiều ví dụ để phân tích, chứng minh cho thấy chúng ta dựa vào tam nghiệp của đạo Phật (Thân – khẩu – ý) để phân định tại sao có người ta coi như bạn; người coi như anh và người coi như bậc thầy, trong đó người mà ta coi như thầy hơi khó biết vì tâm ý khó đánh giá.

Sự thật, ở trên đời này mình gọi nhau là thầy thì nhiều nhưng không phải là thầy thật, vì người mà ta gọi là thầy thật thì người đó ta thực sự kính trọng ở thẳm sâu trong tâm hồn mình. Cho nên, chỉ có chữ “Thầy” giống nhau, chứ tình cảm mình gửi vào đó khác nhau xa lắm. 

Như vậy, dựa vào 3 mức độ đó, bây giờ người xuất gia nhìn lại xem mình đang ở mức độ nào, mình là bạn, là anh, hay là thầy của phật tử tín đồ?

Nếu chỉ có cái miệng hay thì mình là bạn của phật tử thôi, đừng đòi hỏi “Tại sao họ không kính trọng tôi”. Người tu mà cái miệng hay gồm 3 điều: Một là thuyết pháp hay, hai là nghi thức tụng tán hay; ba là đàm đạo nói chuyện hay (trong lúc bình thường nói chuyện qua lại nghe lý thú thì đó là miệng hay), nhưng dù có hay gì - thì trong lòng người - ta vẫn chỉ là bạn mà thôi.

Trong cuộc sống cũng vậy, có những người ta gặp họ nói chuyện nghe rất lý thú, vui vẻ, hấp dẫn, kiến thức nhiều, chuyện gì cũng biết. Vì vậy ta rất thích gặp để nói chuyện, rất thích mời nhau ly coffe, tách trà nhưng cũng chỉ là bạn thôi. 

Tương tự, Thượng tọa phân tích tiếp một người xuất gia có những ưu điểm gì khiến phật tử bắt đầu có sự nể trọng coi như là anh. Và tới lúc nào thì mình làm thầy của thiên hạ thật sự. Nhân đây, Thượng tọa cảnh tỉnh quá trình mà một người bắt đầu vào đạo xuất gia tu hành cho tới cái ngày đứng sừng sững giữa cuộc đời như một ngọn núi, đủ sức mạnh của tâm linh, đạo đức mà dạy người ta được (làm thầy người ta được) là cả một quá trình gian khổ, chứ không phải là đắp được chiếc y Tỳ kheo đâu. 

Đắp được y Tỳ kheo không khó, nhưng mà để có được một nội tâm vững vàng, tốt đẹp, thánh thiện mà người phật tử khi họ biết được nội tâm đó, họ quỳ xuống dâng trọn lòng tôn kính. Phải biết, chúng ta làm một ông thầy xứng đáng giữa cuộc đời mà chư thiên nhìn xuống cũng không chê trách được thì là một quá trình không đơn giản, đó là sự phấn đấu cả đời người cũng chưa chắc đã xong. Chúng ta nhớ điều này nên phải biết khiêm tốn là vậy. 

Thượng tọa cũng phân tích nguyên nhân vì sao một người đời này không xuất gia được, chỉ được làm thân cư sĩ phụng sự đạo Pháp. Theo Thượng tọa, cái sợ nhất là tưởng mình cao rồi, tâm đó bí mật ở trong đầu sẽ phá tan hết mọi công đức lành của chúng ta. Đó là lý do khi tu chúng ta phải tác ý ngược lại, tưởng mình là cát bụi mà thôi. Đây là câu thần chú có thể cứu cuộc đời của ta, giúp ta đứng vững được. Ngược lại, cái suy nghĩ mình là Thánh – là thầy thiên hạ rồi là tiêu tan hết, có khi phát điên. 

Mục đích Thượng tọa chia sẻ đề tài này là cảnh giác những người tu đừng có vì lối xưng hô bên ngoài mà tưởng mình cao rồi. Phải dựa vào tam nghiệp thân – khẩu – ý, tức miệng mình hay mới là bạn thôi; mình oai nghi tế hạnh, cư xử đúng mực chỉ là anh thôi; khi nào ta có một nội tâm thánh thiện thật sự, lúc đó ta mới là thầy của thiên hạ. 

Nhưng quá trình tu từ lúc xuất gia cho tới khi làm thầy của thiên hạ cực kỳ gian khổ, mà điều đầu tiên là biết lỗi mình. Cái biết lỗi đó càng tinh vi dần cho tới chỗ sâu xa huyền diệu không lường được. Và chính nhờ cái biết lỗi như vậy mà tâm ta tốt lên từ từ. Và người phật tử họ không biết tâm ta tốt lên đâu, chỉ có Chư thiên, Bồ tát và Phật mới biết tâm ta ra sao. Còn phật tử họ chỉ biết 2 điều: một là nghe miệng ta nói và hai là nhìn hành vi ta sống. Mà đến khi họ cảm nhận xuyên vào trong lòng ta, tâm ta tốt thật thì họ coi ta là thầy. 

Lại nữa, với kinh nghiệm nhìn người mà Thượng tọa đã trải nghiệm trên thực tế ở các góc độ quan sát, Người phân tích thêm có trường hợp miệng ta tốt, hành động có vẻ tốt mà tâm chưa tốt là thế nào bằng việc mô tả đi kèm với chứng minh, từ đó đưa ra nhận xét “Đạo hạnh phải rèn luyện cả một đời, tích lũy từng giây trong sự tỉnh giác, thanh tịnh, tác ý. Vì vậy quý thầy phải nhớ kiểm tra lại tam nghiệp (thân – khẩu – ý) của mình mà biết mình đang đứng ở vị trí nào trong lòng của phật tử. Nếu ý mình chưa sạch, chưa đẹp, chưa từ bi thì bây giờ dù mình có làm thầy thì cũng chỉ là ông thầy bên ngoài, chứ chưa phải là ông thầy trong tâm hồn của mọi người, nên ta phải cẩn thận. 

Ở đây, người tu theo lời Phật dạy ta phải đạt được tam nghiệp thanh tịnh. Nếu chúng ta kiểm soát được thân – khẩu – ý là kiểm soát được hết cuộc đời, sự tu hành của mình. Tuy nhiên, sống trong thế gian nầy muốn giữ được tam nghiệp thanh tịnh không phải là điều dễ dàng, vì có cái nghiệp dễ tu mà cũng có cái khó tu. Và Thượng tọa đã phân tích thế nào là khẩu nghiệp thanh tịnh; thân nghiệp thanh tịnh là sao; đồng thời ý nghiệp thanh tịnh là thế nào. 

Mà giữ tam nghiệp thanh tịnh là việc chính yếu của người tu, Thượng tọa nhấn mạnh khi nào ta đạt được Thiền định (nhiếp tâm trong thanh tịnh, kiểm soát được lỗi của mình trong vi tế), thì lúc đó ta mới làm Thầy thiên hạ được.

Mở rộng hơn, Thượng tọa cho biết: Người thầy của thiên hạ là người phải có tâm hư vô nhưng trong sự hư vô đó, tâm từ bi luôn tràn đầy để che mát cho chúng sinh. Nhân đây, Người nghiêm túc nhắc nhở « Cái tâm hư vô, thanh tịnh có hai loại: một loại là « Tà định », một loại là « Chánh định » và có sự giải thích rõ ràng cho quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến Chánh định của đạo Phật có đặc điểm gì. 

Qua đó, Thượng tọa muốn nhắc nhở : Khi một người đã cạo tóc, đắp y, được mọi người xưng gọi là « Thầy » rồi thì phải đạt được ý nghiệp thanh tịnh. Cái chữ Thầy mà phật tử gọi mình, phải hiểu rằng đó là sự thúc đẩy cho ta tiến tu cho tới cái ngày mà ý nghiệp ta được thanh tịnh hoàn toàn, chứ đừng thỏa mãn với cái chữ « Thầy » mà phật tử đã gọi. 

Phải hiểu rằng chữ “Thầy” đó là nỗi khổ, là gánh nặng cả một đời ta. Một tiếng người ta gọi bằng Thầy, mình phải nhìn lại lòng mình đã thanh tịnh chưa? Nên ở đây, một vị xuất gia rồi phải tu hành rất nghiêm mật, có công phu nhiếp tâm đúng cách. Nhớ ta dùng chữ công phu là cái gì vất vả, gian nan chứ không phải dễ dàng, tức là phải cực khổ nhiếp được tâm mình, phải cực khổ diệt được bản ngã, diệt được phiền não, cực khổ khởi được tâm từ bi yêu thương mênh mông. Còn nếu dễ dàng không cần gọi là công phu. Quan trọng là phải thành thật với chính mình thì công phu tu hành mới tiến. 

Cho nên, trong trường hạ chùa Huệ Minh năm nay, Thượng tọa đề bạt, thỉnh nguyện với Hoà thượng Thiền chủ tăng giờ ngồi thiền cho đại chúng là vì vậy. Tuy ngồi một chỗ bất động, cực khổ với thân, với tâm, với ý mình, nhưng phải hiểu rằng sức mạnh của đạo Phật từ đây mà có. 

Từ những phân tích trên, Thượng tọa kết luận: Tu để trở thành một người thầy chân chính (thầy của thiên hạ) rất vất vả và khổ cực. Các thầy phải kiểm soát được thân mềm mại, bất động thì trong đời sống mình từng bước đi, dáng đứng, giơ tay, nhấc chân đều đẹp, vì có sự kiểm soát. Hay quý thầy chiến đấu vất vả với vọng tưởng thì trong đời sống này quý thầy cũng biết được lầm lỗi của mình. Thì cái cực khổ đó chính là sức mạnh của đạo Phật.

Mà tu cho phải tới cái khẩu, cái thân, cái ý thanh tịnh thì mới là Thầy thiên hạ được. Tóm lại, quý thầy phải gương mẫu tu hành nhiều hơn phật tử để làm gương cho họ, để họ xem ông thầy đó là sự may mắn mà cuộc đời họ đã gặp được. 

Như vậy, bài Pháp thoại đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình tu tập của mọi người. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại quá trình tu tập và thành quả mình đã đạt được. Từ đó, biết mình đang đứng ở vị trí nào, vì sao mình lại ở vị trí đó và có cách tu hành tốt hơn để cải thiện vị trí của mình, làm sao xứng đáng là những trưởng tử của đức Như Lai với sứ mạng Hoằng pháp độ sinh và trang nghiêm Giáo hội.

Sau bài giảng của Thượng tọa là phần thuyết trình Báo tường do 4 Tăng sinh trẻ với 4 tờ báo tường của trường hạ chùa Huệ Minh sẽ tham gia hội thi Diễn giảng và Thuyết trình bích báo vào ngày 04/08/2015 tại giảng đường Phật học Đại Tòng Lâm do Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Thành phối hợp cùng Ban Chức sự của 9 trường hạ tổ chức.

Đây không đặt nặng việc làm trên tinh thần dự thi mà trường hạ Chùa Huệ Minh tổ chức làm Báo tường để ôn lại những gì đã tu đã học, đồng thời rèn luyện kỹ năng thiết kế báo tường, làm việc nhóm cho các hành giả an cư. Được biết, mỗi một tác phẩm mang một sắc thái, một phong cách sáng tạo riêng của từng chủ đề, dưới sự định hướng và quán triệt sâu sát của TT Thích Nhuận Trí – Tổng Biên Tập và ĐĐ Thích Nghiêm Giám – Phó Tổng Biên Tập.

Mở đầu, Tỳ kheo Thích Khải Hạnh thuyết trình bài báo tường có chủ đề “ XƯNG TÁN”. Tờ báo lấy hình ảnh rất gần gũi với người tu sĩ là Đức Phật nhận bát sữa của nàng thiếu nữ có tên là Sujata như trong truyện tích. Ngài chính là hiện thân cho trí tuệ, cây bồ đề là hiện thân cho lí tưởng tu hành và công đức tràn đầy. 

Lấy hình ảnh Đức Phật ngồi thiền dưới cây bồ đề, bài báo tường muốn nhắn gửi tới mọi người rằng khi chúng ta có lí tưởng tu hành cộng với sự tinh tấn, công đức tràn đầy thì chắn chắn chúng ta sẽ đạt được trí tuệ của sự giác ngộ. Còn cô thiếu nữ Sujata tượng trưng cho chúng sinh muôn loài đang ngưỡng vọng cung kính bậc toàn giác. 

Giải thích về tiêu đề của báo tường, Tỳ kheo Thích Khải Hạnh cho rằng mọi lời ca ngợi, tán thán, tôn vinh của chúng sinh về những điều thiêng liêng liên quan đến Đức Phật chỉ mang ý nghĩa rất thấp và đơn điệu, nên khi dùng từ xưng tán, ta mường tượng được điều gì đó siêu việt, cao cả hơn về Ngài. Ngoài những bài hát, bài thơ, báo tường còn kèm theo cả hình ảnh của Đức Phật để làm tăng cảm xúc về Ngài.

Phần nội dung được trình bày rất đầy đủ. Báo tường tập trung nói về quá trình tu tập và đắc đạo của Đức Phật, làm toát lên đạo đức, công hạnh, trí tuệ cao siêu của Ngài. 

Từ đó, báo tường đưa ra kêt luận rằng “Tôn kính Phật” tuyệt đối là việc thiết yếu nhất mà bất cứ người tu hành nào cũng phải thực hành cho được, bởi đó là duyên lành cho chúng ta đắc đạo, là tâm hạnh căn bản nhất cho những ai quyết tâm đi trên con đường giác ngộ giải thoát, là nguồn nhiên liệu thắp sáng lên lí tưởng tu hành của chúng sinh.

Để có được lòng tôn kính Phật tuyệt đối, chúng ta phải hiểu chính xác về cuộc đời cũng như công hạnh của Ngài; phải tin vào giáo lí, con đường mà Ngài đã chỉ dẫn. Đặc biệt, ta phải hiểu và làm một cách chính xác lời Ngài dạy.

Tiếp đó, Sa di Thích Minh Thoại đã giới thiệu cho mọi người về nghi lễ Phật giáo bằng chủ đề “Diễn xướng”. Sa di Thích Minh Thoại cho rằng “Nghi lễ” được đưa vào Phật giáo là một bước tiến quan trọng, vì đây là phương tiện giáo hóa truyền bá về đạo đức; giáo lí; niềm tin thông qua tư tưởng một cách nhanh và hiệu quả nhất. 

Nghi lễ luôn phải thỏa mãn được ba yêu cầu là làm cho mọi người hiểu được tầm quan trọng, ích lợi của đạo Phật đối với cuộc sống hiện tại và vị lai; phải chỉ ra được phương diện tu tập và tăng niềm tin cho họ (làm tăng lòng tôn kính của mọi người đối với Tam Bảo); phải phù hợp với chánh pháp, không mang tính chất mê tín dị đoan. 

Để minh chứng cho điều đó, nội dung phần “Diễn xướng” đã dẫn dụ ra rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc. Cuối cùng, hành giả kết luận rằng nghi lễ không những dùng để tán tụng, để cúng dường lên chư Phật mà còn là phương tiện để giáo hóa, giúp cho cõi âm được siêu, người dương thanh thới. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao nghi lễ càng ngày càng phát triển và đi vào lòng người. 

Vậy nên, nếu chúng ta biết áp dụng nghi lễ một cách khoa học để làm cho mọi người dễ dàng tiếp xúc với đạo và để đạt được hai kết quả trước mắt, thu hút được nhiều người đến với Phật pháp, khiến nhiều người phát khởi được tín tâm muốn xuất gia thì đạo Phật sẽ phát triển vững mạnh.

Nói về chủ đề “Chánh giác”, Tỳ kheo Thích Toàn Xán giải thích Chánh giác là tâm hạnh hướng về sự tu hành chân chính, hướng về sự tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn và lòng khát khao chân lí. Đồng thời, đó là lòng tôn kính Phật tuyệt đối.

Tiếp đến, hành giả Tỳ kheo đi vào giới thiệu bố cục và nội dung báo tường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào phần nội dung với những chủ đề nhỏ hơn là: Biển trầm luân, cuộc chiến nội tâm. Mỗi phần hành giả lại đưa ra nhiều ví dụ sinh động, hấp dẫn nên nhận được rất nhiều lời tán thành, ca ngợi của người nghe.

Chủ đề cuối cùng là “Nương tựa” được Sa di Thích Khải Tính trình bày đến các phật tử. Từ những phân tích ngắn gọn, hành giả Sa di đi đến kết luận rằng chùa chính là nơi trở về đích thực, là bờ bến cuối cùng của tất cả mọi người. 

Để mọi người có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về tờ báo, hành giả đã chia bài báo thành 6 phần là: Phi lộ, âm nhạc, bàn luận, tập thơ, truyện ngắn, hình ảnh và tương ứng với đó là 6 vấn đề khác nhau là đời sống phạm hạnh của tu sĩ; việc truyền tải đạo lí; vấn đề gia sự của các phật tử; cảm nhận của phật tử khi đến chùa; võ thuật và âm nhạc. Qua đó, hành giả trình bày nội dung các bài viết rất hay, có ý nghĩa, có cảm xúc. 

Kết thúc các bài báo tường, Hòa thượng Thiền chủ đã có lời tán thán Thượng tọa TT Thích Chân Quang và các đệ tử cũng như công đức hộ trì trường hạ của các phật tử. Nhờ có sự cúng dường đó, Chư tăng an cư mới nghiêm trì giới luật, dốc tâm tu hành được.

Hòa thượng hy vọng Chư tăng phải tiếp tục cố gắng tu tập để không phụ tấm lòng của các phật tử hảo tâm./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin