Chi tiết tin tức Vai trò mới của ngôi chùa trên xứ người 21:48:00 - 12/11/2014
(PGNĐ) - Khi còn nhỏ chúng tôi thường nghe câu nói trong dân gian về vai trò và vị trí của ngôi chùa trong quá trình tu tập: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Do vậy, trong những năm đầu của đời sống người Việt tỵ nạn cho đến cuối thập niên 1990, ngôi chùa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì bản sắc của người Việt sống ở xứ người. Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa dân tộc và tôn giáo trong mọi lễ hội hàng năm của cộng đồng người Việt, nào Tết, nào Trung thu, nào các ngày lễ trọng đại của dân tộc và, đặc biệt là các lễ hội của Phật giáo như Vu lan, Phật đản, Rằm tháng Giêng v.v…
Sau khi có sự bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1990, vị trí của ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa và cộng đồng của người Việt tỵ nạn cũng dần dần thay đổi. Mặc dù những sinh hoạt như trên vẫn tồn tại nhưng ý nghĩa thực sự của những buổi sinh hoạt văn hóa tại các ngôi chùa hải ngoại đã mất dần nét văn hóa Việt Nam, thay vào đó chúng mang đậm nét tôn giáo và tín ngưỡng. Đặc biệt là những nơi có đông đúc người Việt sinh sống, các lễ hội dân gian lại càng được tổ chức rộng rãi và khắp nơi trong địa phương đó nên nhu cầu tổ chức tại chùa cũng không còn thực tế nữa! Ngoài ra, khuôn viên chật hẹp của các ngôi chùa cũng không đủ sức chứa số lượng đông đảo người đến tham dự. Chưa kể, những người Việt khác, không cùng tôn giáo. Những nhu cầu lễ bái, cúng kiếng trở nên thịnh hành và thực tế hơn cho các ngôi chùa trên xứ người. Tuy nhiên, có một số đông những người muốn tìm hiểu về Phật pháp cảm thấy bị lạc lõng vì đa số chùa vẫn chưa cung ứng những nhu cầu học Phật cho họ. Dù tất cả các kinh sách giờ đây đều được cho lên mạng (internet) nhưng thiếu thầy hướng dẫn và giảng dạy cụ thể nên đa số vẫn còn lần mò, học hỏi khắp nơi. Vì đạo Phật nhấn mạnh đến phương pháp hành trì nên ‘không thầy, đố mầy làm nên’ có một giá trị thật sự trong bối cảnh tu học Phật pháp. Đạo Phật ở xứ người thường thuộc về thiểu số nên những người Phật tử, nếu không may sống ở những vùng ít người Việt, phải lái xe hàng giờ để được đến chùa. Nhớ chùa, nhớ Phật nên họ đã không quản ngại đường sá xa xôi. Đặc biệt, những Phật tử người Mỹ họ lại càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nơi tu học. Chùa là nơi hoằng pháp lợi sinh, bất kể cho người Việt hay người bản xứ. Đa số các chùa có những nhu cầu phục vụ tín ngưỡng cũng như hành trì, tu niệm cho Phật tử người Việt. Tất nhiên, cung ứng nhu cầu tín ngưỡng là một phương tiện để hoằng pháp. Nhưng ít có ngôi già-lam nào cung ứng những sinh hoạt tu học Phật pháp cho người bản xứ - một nhu cầu rất lớn mà đa số chùa đã không làm! Một trong những trở ngại lớn nhất là nhiều chùa thiếu các vị giáo thọ sư hay quý thầy, cô biết rành ngôn ngữ bản xứ. Đã có một số Phật tử bản xứ phàn nàn là nhu cầu của họ đã không được xem trọng! Họ đến chùa nhưng mọi sinh hoạt đều bằng tiếng Việt, mà tiếng Việt thì rất khó học, nên họ đành lễ Phật rồi ra về, hoặc nếu có vợ hoặc chồng người Việt đến chùa dự lễ thì họ ngồi ngoài xe, đọc báo, nghe radio… Chúng ta hiện đang sống trên xứ người nên đạo Phật cần phải cải biến để thích hợp với người dân bản xứ. Ngoài mục đích truyền thừa Phật pháp, chúng ta còn cần đến người địa phương giúp duy trì và trưởng dưỡng đạo Phật trong tương lai. Như chúng ta biết ‘nhập gia thì phải tùy tục’ để chúng ta có thể sống còn trên quê hương mới; đạo pháp cũng vậy, nếu không biết hóa độ theo tập tục của người địa phương thì sau này Phật pháp làm sao tồn tại! Có nhiều bài học và kinh nghiệm của người Trung Hoa di dân sang Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ XIX, để xây dựng tuyến đường sắt xuyên bang. Họ đã đến đây và, tất nhiên, mang theo văn hóa của họ. Họ xây chùa, lập miễu v.v... Tuy nhiên, chỉ sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa, không bành trướng, mở rộng ra ngoài cho người bản xứ. Sau nhiều năm tháng, những ngôi chùa không có các thầy kế nghiệp nên rơi vào tay những người cư sĩ Phật tử, và sau đó, là con cái họ. Rốt cuộc, những ngôi chùa trên bị sang nhượng lại để người ta làm chỗ buôn bán. Hiện những hình ảnh này vẫn còn thấy được trên các đoạn đường trong khu phố Tàu của San Francisco. Một điều sai lầm của những người đi trước đã để lại cho chúng ta những bài học thật giá trị. May mắn thay, các thầy sau này đã nhìn thấy sự sai lạc đó nên đã mở rộng đến người bản xứ, thậm chí xuất gia cho họ. Điển hình là Hòa thượng Tuyên Hóa, ngài di dân sang Hoa Kỳ vào những ngày đầu của thập niên 1960. Đạo Phật tại Hoa Kỳ khi ấy còn rất non trẻ. Nhờ thấu hiểu rằng muốn Phật pháp được mọc rễ trên xứ người và phát triển lâu dài, ngài phải tạo dựng một trung tâm Phật giáo rộng lớn, dạy dỗ và đào tạo đủ thành phần Tăng tục, cũng như người bản xứ và các sắc dân khác. Hôm nay, Vạn Phật Thánh Thành đã trở thành một biểu tượng Phật giáo trên xứ Mỹ và vị trụ trì là một thầy người bản xứ. Có thể, chúng ta chưa làm được những công trình to tát như ngài Tuyên Hóa. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng có khả năng để truyền đạt những lời Phật dạy cho các thế hệ sau mà hiện giờ, rất ít các cháu sanh trưởng trong gia đình Việt, đọc, viết, và hiểu tiếng Việt cho rành. Nếu theo tiến độ của tình hình hiện nay, thì chỉ trong khoảng 50 năm nữa đạo Phật Việt sẽ mất dần những ảnh hưởng đối với thế hệ trẻ người Việt lẫn người bản xứ. Dù các trung tâm Phật giáo của các nước như Tây Tạng, Thái Lan, Tích Lan v.v... đang dần dần mở cửa khắp nơi, nhưng thực sự mà nói, đạo Phật Việt có một tiềm năng to lớn và lợi thế hơn đạo Phật của các nước khác vì cộng đồng người Việt đang sinh sống rộng rãi khắp nơi trên xứ Hoa Kỳ và các nước khác. Hiện có thể lên đến hàng trăm, hay có thể là cả ngàn ngôi chùa Việt đang hoạt động khắp thế giới. Nhưng thử hỏi bao nhiêu chùa cung ứng nhu cầu tu học cho các bạn trẻ và người bản xứ. Đó là một vấn nạn rất lớn cho cộng đồng Tăng-già với nhiệm vụ đem giáo pháp của Đức Phật truyền bá khắp nơi. Với một lực lượng Tăng, Ni đông đảo hiện sinh sống trên xứ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, việc hoằng pháp, lợi sinh không có gì phải nói. Nhưng để duy trì những giá trị Phật pháp lâu dài trong tương lai, nếu chư Tăng, Ni không được chuẩn bị để hướng dẫn và dạy dỗ cho thế hệ sau thì thử hỏi khi tre già lấy đâu có măng để mọc? Việc chuẩn bị ở đây có nghĩa là chư tôn đức có trách nhiệm cần phải giáo dưỡng, đào tạo, hay yểm trợ thêm nhiều Tăng, Ni có khả năng và trình độ Phật pháp lẫn thế học, và ngôn ngữ địa phương để có thể truyền thông một cách hiệu quả đến các thế hệ sau và người bản xứ.
Phật pháp và thế gian pháp không thể tách rời vì nếu không có người muốn học Phật thì Phật pháp sẽ dạy cho ai! Đạo Phật Việt có thể ứng dụng thành công trên đất Việt. Nhưng khi truyền sang xứ khác, nếu muốn được tiếp tục phát triển tốt đẹp, đạo Phật Việt phải được cải biên, hình thức lẫn nội dung, để thích hợp với người bản xứ cũng như người Việt Nam sống trên xứ người. Cải biên không có nghĩa là vứt bỏ tất cả, mà là điều chỉnh những ứng dụng Phật pháp cho thích hợp với hoàn cảnh để đáp ứng nhu cầu tu học tâm linh cho những thế hệ mới và người bản xứ. ‘Trồng người trăm năm’ nên mong các vị lãnh đạo Phật giáo địa phương khắp nơi sớm thấy rõ và thực hiện những chương trình và kế hoạch trên. Mong lắm thay!!! San Jose, tháng 10, 2014
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |