Chi tiết tin tức

Lễ hội chùa Láng & chuyện tái sinh của một Thiền sư

11:06:00 - 04/04/2017
(PGNĐ) -  “Nhớ ngày mồng 7 tháng Ba/ Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Mồng 7 tháng Ba năm nay kỷ niệm tròn 900 năm ngày Thánh sư Từ Đạo Hạnh thoát xác ở hang Thánh Hóa - chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), để đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Những ngày này, cùng với lễ hội chùa Thầy, thì người dân ở quanh chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) nô nức tụ về vui hội chùa Láng.


 

DSCN8944.jpg
Chùa Láng - nơi diễn ra lễ hội chào đón khách về dự hội

Về Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép nhiều trong sử sách, điển hình như trong: An Nam chí lược, 1333; Thiền uyển tập anh, 1337; Việt điện u linh, 1329; Đại Việt sử ký toàn thư, 1479 và vô vàn những bia ký.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, tên húy là Từ Lộ, con của Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan ở làng Yên Lãng (còn gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (còn gọi là núi Sài Sơn - Hà Nội). Tại đây ông cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Ông là người có kiến thức uyên thâm về đạo Phật, thường đi khắp nơi giảng đạo pháp.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển III ghi lại việc Từ Đạo Hạnh thoát xác tại chùa núi Thạch Thất (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) vào năm 1117, ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời. Theo đó, Lý Nhân Tông tuổi cao chưa có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tông thất để lập con nối. Khi đó Sùng Hiền hầu cũng chưa có con, gặp lúc nhà sư Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà liền bàn việc cầu tự. Từ Đạo Hạnh hứa sẽ đầu thai vào làm con của Sùng Hiền Hầu. Quả nhiên sau đó Đỗ Thị có mang, nhưng trở dạ mãi không đẻ. Sùng Hiền Hầu liền sai người đi báo với Từ Đạo Hạnh.

Ngày mồng 7 tháng Ba năm (1117), Từ Đạo Hạnh sau khi tụng kinh niệm Phật và cầu khấn Sơn Thần, bèn lên hang Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, tọa thiền và trút xác trong hang. Khi ngài chết ở tư thế ngồi, thân xác để nguyên 100 ngày trong hang núi không thối rữa. Người đời bèn đem thân xác ngài đặt lên bàn thờ ở chùa Thầy để thờ. 

Vài trăm năm sau, xác ngài vẫn nguyên vẹn trên bàn thờ. Đến khi giặc Minh sang xâm lược, chúng đem xác của Thánh sư Đạo Hạnh ra đốt thì mới cháy, lúc đó thân xác mới mất. Ngay đúng hôm thánh sư Từ Đạo Hạnh viên tịch, vợ của Sùng Hiền Hầu là Đỗ Thị bỗng dưng thụ thai. Chín tháng sau, Đỗ Thị sinh ra con trai, đặt tên là Dương Hoán. Nhân Tông nghe thế đưa vào cung làm con nuôi và lập Dương Hoán làm Thái tử. Sau khi vua Lý Nhân Tông băng hà, Dương Hoán kế vị, trở thành vua Lý Thần Tông.

Ngày nay, rất nhiều ngôi chùa trên địa bàn các phường Láng Thượng, Láng Hạ, Láng Trung, Quan Hoa, Hạ Yên Quyết cùng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hoặc thân phụ, thân mẫu của ngài. Vì vậy hội Láng là lễ hội lớn được đồng thời tổ chức bởi các ngôi chùa: chùa Láng Cả, chùa Nền, chùa Thưa, chùa Hoa Lăng… được mở cùng ngày với hội chùa Thầy - nơi tu hành của Thiền sư.

Hội Láng được tổ chức ra sao?

Tài liệu cũ ghi chép rằng: hội Láng không phải được tổ chức hàng năm mà cứ phải mươi, mười lăm năm nhất là vào những lúc mưa thuận gió hòa, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở. 

DSCN9057.jpg
Quang cảnh khu vực khai mạc lễ hội

Hội Láng hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu với sự tham gia của 9 làng (nay là 7  phường thuộc quận Đống Đa và 2 phường thuộc quận Cầu Giấy). Trong đó, rước kiệu Đức Thánh Từ lên chùa Hoa Lăng thăm Thánh Phụ, Thánh Mẫu và diễn thuật lại tích Đức Thánh diệt ác, trừ gian trên sông Tô Lịch tại khu vực Quan Hoa.

Khi kiệu rước từ chùa Láng ra Cổng Cót, kiệu không đi trên Cầu mà lội qua sông Tô Lịch gọi là Độ Hà, dừng lại trên “Hòn Ngọc” để Hàng Đô chuyển tiếp sang bờ bên kia sông, có đội múa rồng xung quanh Hòn Ngọc. Để thực hiện cảnh này, bộ đô tuỳ nội phải có 18 trai đinh, phải là những người đang còn chịu tang, như có ý để tang cho Thánh phụ (Từ Vinh) sẽ rước kiệu từ chùa Láng đến cống Cót, rồi độ hà sang sông, chuyển kiệu cho đô tỳ ngoại gồm 36 người, rước kiệu đi tiếp sang tận Dịch Vọng Hậu và lại rước trở về chùa Cả.

Sự độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp.

Lễ hội chùa Láng năm 2017

Ngày nay, lễ hội chùa Láng được tổ chức hàng năm và chỉ diễn ra trong 3 ngày. Năm nay, lễ hội diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Ba âm lịch. Từ tờ mờ sáng ngày 2-4-2017, đại diện Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của phường Láng thượng dâng lễ tại chùa Láng. Các sư thầy và các cụ vãi trong chùa làm lễ tụng kinh cúng Phật. Sau đó, các cụ ông làm lễ Mộc dục, giải phục tu hành (cởi bỏ áo cà-sa của tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh) và mặc áo triều phục hoàng đế cho ngài. 

DSCN9090.jpg
Màn trống chào mừng lễ khai hội

DSCN9098.jpg
Và đánh trống chính thức khai hội

Trước khi làm lễ Mộc dục (tắm tượng), có bài khấn “Gải y thất Phật cà-sa”. Kiệu Thánh được rước lên chùa Nền để ông thăm lại nơi chào đời, rồi lại rước Thánh xuống chùa Tam Huyền ở làng Mọc để thăm cha. Buổi tối, tượng ngài được rước trở về chùa Cả (tức chùa Láng) ngự tại nhà bát giác để Thánh xem mười cô gái xiêm y lộng lẫy hát múa. Buổi chiều tại chùa, lần lượt các tổ dân phố của phường Láng Thượng tiến hành tế lễ trước Tam bảo chùa Láng. Các phường lân cận biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Buổi tối, các cụ ông làm lễ bao sái tượng Phật, Thánh và đồ thờ cúng, đồ tế.

 Sáng 3-4-2017 (tức mồng Bảy tháng Ba Đinh Dậu), tại sân chùa Láng trước tiền đường, lễ hội Láng chính thức được tổ chức trang trọng, rộn rã, với sự tham dự của lãnh đạo quận Đống Đa, lãnh đạo phường Láng Thượng, đại diện chính quyền các phường trong quận, chư Tăng Ni trên địa bàn quận. Mở đầu là màn trống hội tưng bừng. Bà Phạm Thị Hồng Hải, chủ tịch UBND phường Láng Thượng, quận Đống Đa phát biểu: “Di tích lịch sử chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự, được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 đến năm 1175), từng được coi là “Đệ nhất tùng lâm” trên vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Theo tấm bia dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656), hiện còn tại chùa ghi: “Vì có điềm tốt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh của Thiền sư Đại thánh nên gọi là Thiền”. Do quy mô to lớn, vị thế của chùa nên được gọi là chùa Cả. Chùa Láng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Văn bia Thịnh Đức miêu tả: “Thật là danh lam bậc nhất thế gian, không chùa nào sánh kịp, khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về…”.

IMG_6195.jpg
Nghi thức rước kiệu thánh sư

 Kiến trúc của chùa, cổng ngoài cùng phía trước chùa chính là cửa Tam thiền, còn gọi là cửa Tam triều. Hai bên có 2 ông voi chầu phục. Bên trong chùa có lầu bát giác ở giữa sân chùa với mái chồng 2 tầng, 16 mái với những đầu đao cong vút uốn lượn thanh thoát.

Kiến trúc chính của chùa được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc gồm đúng một trăm gian. Tiền đường cao, phía trên có lầu bốn mái cong.

Chùa có trên 60 bức hoành phi câu đối, 198 pho tượng Phật lớn nhỏ với niên đại tạo tác từ thế kỷ 17 đến  thế kỷ 19. Ngoài ra chùa có 15 tấm bia đá, lầu treo chuông, nhà tổ, nhà khách.

Bà Phạm Hồng Hải cho hay: “Theo tục truyền, con trai của vua Lý Thần Tông cho xây dựng chùa để thờ vua cha và tiền thân của cha là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Từ Đạo Hạnh mất năm 1117. Theo truyền thuyết người ta cho rằng ông được đầu thai vào làm con trai của Sùng Hiền Hầu được đặt tên là Dương Hoán, được bác ruột là vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi. Dương Hoán được phong làm thái tử, sau đó kế vị trở thành vua Lý Thần Tông.

Lý Thần Tông là một ông vua anh minh, luôn quan tâm việc chính sự, trọng dụng hiền tài, đặt khoa hoành tử, đặt lệnh binh nông. Phía Bắc thì hòa Tống, phía Nam 2 lần đánh tan quân Chân Lạp xâm chiếm. Tương truyền sau khi lên ngôi, biết mình là hậu thân hóa thác của Từ Đạo Hạnh, ông đã cho xây chùa Nền (nay là Đản Cơ tự) để thờ cha mẹ là Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Đồng thời vua Lý Thần Tông cho xây chùa Thưa để thờ chị là Từ Nương và xây đền vua Bà Vĩnh Giai để thờ nhũ mẫu.

Bên cạnh chùa Láng được coi là trung tâm của hệ thống di tích liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh, trên địa bàn phường còn có nhiều di tích quan trọng khác. Đó là chùa Nền tương truyền chính là nền nhà của Từ Đạo Hạnh. Chùa Hoa Lăng (xưa còn gọi Ba Lăng) là nơi thờ phụ mẫu, chính là nơi bà Tăng Thị Loan từng đến tu, dựng xây chùa và qua đời, sau được vua Lý Thần Tông xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh (cha), bà Tăng Thị Loan (mẹ) và chính Từ Đạo Hạnh”. 

DSCN9107.jpg

DSCN9116.jpg
Dòng người về chùa dự hội với lòng tri ân tiền nhân có công với đạo pháp, dân tộc

 Sáng mai 4-4-2017 (tức mồng 8 tháng Ba Đinh Dậu), tiếp tục diễn ra các hoạt động tế lễ, dâng hương của các phường lân cận vào làm lễ tế Thánh tại chùa Láng. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội do các cụ ông tiến hành vào lúc chiều tối.

Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi thổi cơm, đập niêu, đi cầu kiều, thi cờ tướng, hội thơ, hội thư pháp, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa…

  Bài, ảnh: Chu Minh Khôi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin