Chi tiết tin tức

Sắc màu lễ hội Trung thu ở chùa Thầy

16:36:00 - 08/09/2014
(PGNĐ) -  Suốt từ ngày 4 đến 8-9-2014 (tức 11 đến 15-8 Giáp Ngọ), đêm nào cũng lung linh xe hoa từ chùa Thầy đi khắp các các ngõ xóm trong địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Đặc sắc lễ hội Trung thu chùa Thầy

Trong 6 đêm, đoàn xe rước đèn Trung thu đi qua gần 200 thôn xóm thuộc 21 xã, thị trấn với 5 xe diễu hành: xe rước ảnh Bác Hồ, mô hình chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, xe cỗ… Đoàn xe của chùa đi đến bất cứ làng, xóm nào, người xem cũng đổ ra chật đường để chiêm ngưỡng ánh đèn nến lung linh, trong tiếng trống tùng - cắc và tiếng niệm Phật.

Trên đường diễu hành, đoàn xe đã tặng hàng nghìn phần quà cho các em thiếu nhi.

cmkhoi5.JPG
Xe rước đèn Trung thu đi khắp thôn xóm trong huyện Quốc Oai, mang yêu thương tới trẻ em

ĐĐ.Thích Trường Xuân, trụ trì chùa Thầy cho hay, được sự nhất trí của UBND huyện Quốc Oai, Chi bộ khối VHTT, Đoàn Thanh niên khối VHTT phối hợp cùng CLB Tuổi trẻ chùa Long Đẩu tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu năm 2014 cho các em thiếu nhi trên địa bàn huyện Quốc Oai. Những hoạt động này nhằm mang đến cho các tất cả các em thiếu nhi một Tết Trung thu nhiều niềm vui, ý nghĩa, nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn.

Đoàn xe rước Trung thu của chùa Long Đẩu (chùa Thầy) hoạt động theo lịch được sắp đặt với UBND huyện và các xã, để làng xã nào trong huyện cũng được vui đón Trung thu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xe hoa. Cụ thể, ngày 3- 9-2014 (10-8 âm lịch) tổ chức rước đèn trung thu qua 4 xã (Phú Mãn, Đông Xuân, Phú Cát, Tuyết Nghĩa); ngày 4-9-2014 (11-8 âm lịch) tổ chức rước đèn Trung thu qua 4 xã (Đông Yên, Cấn Hữu, Hòa Thạch, Nghĩa Hương); ngày 5-9-2014 (12-8 âm lịch) rước qua các xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Ngọc Mỹ, Thạch Thán; ngày 6-9-2014 (13-8 âm lịch) rước qua các 4 xã (Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn, Thị trấn Quốc Oai); ngày 8-9-2014 (15-8 âm lịch) tổ chức rước đèn trung thu qua 5 xã (Đại Thành, Tân Phú, Tân Hòa, Cộng Hòa, Đồng Quang).

Đặc biệt, chương trình đêm Văn nghệ “Vui Trung thu” tổ chức tại sân vận động huyện Quốc Oai vào tối ngày 7-9-2014 (14-8 âm lịch) do các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Thầy biểu diễn, ĐĐ.Thích Trường Xuân đạo diễn.

Ông Nguyễn Đạt Thuyên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Quốc Oai chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, chùa Thầy đã tham gia chủ trì nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn huyện, rất hiệu quả và sinh động, thu hút đông đảo các em thanh, thiếu niên tham gia. Bởi vậy, hầu như các hoạt động kỷ niệm lớn của huyện trong thời gian gần đây, chúng tôi đều đề nghị chùa tổ chức giúp các hoạt động nghệ thuật, như đêm văn nghệ kỷ niệm Quốc khánh vừa rồi và chương trình vui Trung thu cho các cháu thiếu nhi.

Bằng những hoạt động thiết thực, Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Quốc Oai đã, đang và sẽ tiếp tục đảm bảo mang đến cho các em thiếu nhi trên địa bàn huyện những điều tốt đẹp nhất. Để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn huyện có một Tết Trung thu vui tươi, phấn khởi, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành kế hoạch số 103/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu năm 2014 với chủ đề: Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.

cmkhoi4.JPG
Mừng tháng Tám đèn hoa khoe sắc, người người chung vui đoàn tụ - Ảnh: CMK

Mùa Trung thu cúng thí Mông Sơn

Vào chiều và tối 6-9-2014 (tức 13-8 âm lịch) tại sân trước chính điện chùa Thầy, đã diễn ra lễ mông sơn thí thực, cúng tế cho các cô hồn ngã quỷ bị đói khát do bị nghiệp báo thâm lam bỏn xẻn. Đàn lập uy nghiêm, có 2 thanh nữ làm kim đồng ngọc nữ hai vị, thị giả có hai vị làm hộ đàn, hai vị dẫn lục cúng, hai vị tiến đăng và 10 nhà  đứng hai bên. Ban nghi trượng rất đông các nam nữ thanh niên Phật tử tham gia rước bát bửu, kiệu, đăng trà quả thực…

Giữa tiếng nhạc réo rắt, trống phách rộn ràng đệm cho câu canh tiếng kệ ngân nga đưa đẩy, một nhà sư đạo mạo đội mũ hoa sen, áo cà sa, tay cầm tích trượng, quấn dải khăn trắng dẫn đầu đoàn lễ cung kính diễu qua các đàn tế tượng trưng cho những cửa ngục nơi địa phủ. Tiết tấu bỗng thay đổi khi vị sư đứng trước một cửa ngục cùng hai tiểu đồng cầm đèn hoa đăng. Trống, kèn, não bạt, thanh la, tiu cảnh... lập tức rộn lên dồn dập, chuyển sang một khúc nhạc mau hoạt đầy tính vũ điệu. Nhà sư tay bắt quyết múa lượn liên hồi, dứt khoát, chân di chuyển theo nhịp trống mõ, khi khoan khi nhặt như vẽ những chữ vô hình lên mặt đất.

cmkhoi6.jpg
Đàn Mông Sơn tại chùa Thầy

Đàn Mông Sơn ở chùa Thầy đã hội tụ  rất nhiều lễ nhạc Phật giáo, với đầy đủ Canh, Kệ, Tụng, Thỉnh, Bạch, Tấu... cùng những vũ điệu đậm đặc chất nhà Phật như bắt quyết, lướt chân, uốn cổ tay mềm dẻo như rồng bay phượng múa giữa âm điệu biến ảo của dàn lễ nhạc.

Đôi nét chùa Thầy

Chùa thầy là địa danh phong cảnh đẹp nổi tiếng ở Hà Nội, có tên chữ Thiên Phúc tự, còn có tên khác là chùa Long Đẩu. Chùa tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, do thiền sư Tự Đạo Hạnh khởi dựng từ thời nhà Lý. Thiền sư Từ Đạo Hạnh được nhân dân ngưỡng vọng gọi là Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy, núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy.

Kiến trúc chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau, tòa ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, tòa trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống.

Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng. Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi. Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên.

Tương truyền rằng động Phật Tích ở trên núi là nơi ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.

 

Chu Minh Khôi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin