Chi tiết tin tức Sân khấu truyền thống vẫn còn đó hy vọng 11:02:00 - 02/11/2015
(PGNĐ) - Sân khấu truyền thống Việt Nam với những thể loại như múa rối nước, tuồng, chèo, cải lương,… đã trở thành những tinh hoa dân tộc. Nó không chỉ phản ánh chân thực nếp sống bình dị ngàn đời của cư dân nông nghiệp lúa nước, mà qua cách diễn xuất của diễn viên mang đặc trưng dân tộc, đã giúp công chúng thế giới hiểu hơn về đất nước, tâm hồn và tính cách Việt Nam.
Nói như Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái thì “sân khấu truyền thống Việt Nam… trong quá khứ và hiện tại vẫn đang xứng đáng là căn cước văn hóa của dân tộc Việt Nam trong cuộc trình diện với văn minh của thế giới”. Cho nên, công cuộc bảo tồn, phát huy những vốn quý này trong thời đại mới là rất quan trọng, bởi hầu hết các giá trị đích thực của các loại hình sân khấu cổ đang bị “cải biên”, “cách tân” vô nguyên tắc làm mất đi cái “khuôn vàng thước ngọc” đã được bao lớp nghệ sĩ, nghệ nhân già cội gây dựng. Tuy nhiên, công việc này không phải dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều bởi nó bắt buộc chúng ta phải nhận diện sâu sắc cái thực trạng và căn nguyên cuộc khủng hoảng của nền sân khấu hiện nay. Từ đó, mới tìm ra được chiếc chìa khóa vạn năng hóa giải khó khăn, phục hưng lại những vốn văn hóa quý giá của cha ông. 1. Đi tìm thực trạng sân khấu truyền thống Việt NamTrong thời kỳ hội nhập và phát triển khi nhu cầu giải trí tinh thần của con người được nâng cao lại xảy ra một thực trạng đáng buồn: sân khấu truyền thống Việt Nam ngày càng ảm đạm, vắng bóng công chúng hâm mộ. Nếu như những đêm ca nhạc của các ca sĩ, những “game show” hay trò chơi truyền hình lúc nào cũng tưng bừng, sôi động thì các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống lại càng thưa thớt; những hàng ghế vắng tanh; đặc biệt khán giả trẻ lại càng hiếm gặp. Âu cũng dễ hiểu bởi một “dân tộc nông dân” thuần túy như Việt Nam khi đứng trước giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin thì giới trẻ có quyền tìm đến những phương tiện nghe nhìn tiên tiến thời hội nhập với biết bao loại hình nghệ thuật đương đại, các chương trình giải trí mới lạ hấp dẫn để được thỏa trí tò mò. Nó cũng giống như trường hợp của cô gái trong bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính: từ lũy tre làng bước ra thế giới bên ngoài lắm cái hay cái lạ thì không thể cưỡng nổi đành để cho hương đồng gió nội bay đi ít nhiều mà thôi! Tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là ý thức thẩm mỹ của thế hệ trẻ đang thay đổi quá nhanh chóng. Ngày nay, họ cần một thứ giải trí mang tính thực dụng dễ nghe, dễ nhìn và dễ cảm một cách hời hợt, gấp gáp chứ không cần một làn điệu dân ca luyến láy, lên bổng xuống trầm chứa chan cảm xúc hay một tích chèo giảng dạy biết bao giá trị sống tốt đẹp… Thực trạng này liệu có phải chỉ do nguyên nhân hoàn cảnh sống thay đổi, hay còn bởi giới trẻ Việt Nam chưa thực sự được cung cấp những kiến thức cần thiết để cảm nhận được cái hay cái đẹp của các loại hình sân khấu cổ. Một khi họ không hiểu được thông điệp từ nội dung những vở diễn, từ cách diễn xuất đặc thù của diễn viên, thì làm sao họ có thể tự nguyện ngồi xem trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật. Nếu có xem thì cũng chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”. Nói cách khác, khi nào các loại hình sân khấu chỉ được hiểu biết một cách chung chung đại loại như đây là một vốn quý của dân tộc, thì khi đó nó còn bị quên lãng. Cho nên, phải nhanh chóng giải mã rõ ràng cho công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng rằng nó quý giá như thế nào và làm sao lại quý giá. Không chỉ vắng giới trẻ ở hàng ghế khán giả, trên sân khấu cũng vắng luôn lớp hậu sinh kế cận để làm cái việc “gìn vàng giữ ngọc” cho muôn đời sau. Đội ngũ những người làm nghệ thuật sân khấu ngày càng lớn tuổi cũng đồng nghĩa với sự mai một, bởi một lẽ rất tự nhiên nếu “tre” già mà “măng” không mọc thì làm sao tồn tại! Có lẽ do chế độ đãi ngộ thấp khiến đội ngũ làm nghề trẻ vắng bóng trên sân khấu. Dù nhiều người rất đam mê nhưng không mấy ai dám theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống trước gánh nặng cơm áo gạo tiền. Diễn viên trẻ là sức sống của sân khấu nhưng một khi đời sống của họ không được đảm bảo lấy gì để họ dành hết tâm huyết cho nghệ thuật. Đây vừa là thực trạng vừa là khó khăn của ngành sân khấu truyền thống Việt Nam trong bước đường bảo tồn và phát huy. 2. Từng bước hóa giải khó khăn bằng cách thu hút giới trẻ đến với sân khấu truyền thốngVới những khủng hoảng của nền sân khấu như đã trình bày ở trên, có thể nói rằng chìa khóa để hóa giải vấn đề thuộc về giới trẻ nếu ta biết cách thu hút, biết cách nuôi dưỡng tâm hồn và biết cách làm họ yêu mến, trân trọng thực sự những giá trị văn hóa cổ truyền. * Giáo dục ý thức thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu cho thế hệ trẻ Một mặt, sân khấu truyền thống cần làm mới mình, nâng cao chất lượng biểu diễn, quảng bá, tuyên truyền; các tác giả kịch bản sân khấu phải là người đồng hành và chia sẻ những suy tư, trăn trở cùng cuộc sống, phản ánh những vấn đề của thời đại, nhận diện con người thời đại hôm nay; các nghệ sĩ cũng cần phát huy tốt trách nhiệm của mình, bên cạnh “ôn cố tri tân”, sân khấu phải góp phần phản ánh chân thực những vấn đề cần quan tâm trong cuộc sống. Mặt khác thì vấn đề giáo dục thẩm mỹ về nghệ thuật sân khấu cho tầng lớp thanh niên, nhất là tuổi trẻ học đường là một việc làm mang tính chiến lược tạo điều kiện sớm hình thành một lớp khán giả thực sự yêu thích và thấu hiểu hết những thông điệp của mỗi loại hình sân khấu. Nói cách khác, đây là việc “đào tạo” khán giả. Trong mười năm qua, dự án sân khấu học đường triển khai ở một số tỉnh thành phố trên cả nước đã minh chứng rằng giới trẻ Việt Nam không quay lưng với vốn cổ truyền mà các em cần được bồi dưỡng, hướng dẫn để đến gần hơn với những môn nghệ thuật như chèo, tuồng, cải lương… Các ngành văn hóa và giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ để đưa các bộ môn kịch hát dân tộc vào dạy trong trường học, trở thành một môn học chính thức. Theo đó, môn học này sẽ có giáo án giảng dạy cụ thể về các làn điệu, vũ đạo, nghệ thuật biểu diễn… Như vậy, các em sẽ được học một cách có hệ thống, liên tục và có trách nhiệm. Đây là việc làm hoàn toàn khả thi bởi “Nghệ thuật dân gian truyền thống là tổng hòa tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, triết lý sống của dân tộc ta, nó càng thâm nhập sâu vào tâm hồn tuổi trẻ thì càng làm cho thế hệ công dân tương lai có văn hóa hơn, hiểu biết hơn và có lòng yêu nước, yêu dân tộc hơn bởi không một câu hát dân ca nào mà không mang yếu tố giáo dục, nâng tâm hồn của con người lên cao hơn” (nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc). Hơn nữa, sau mỗi giờ học căng thẳng, các em được hòa mình vào những làn điệu dân ca quen thuộc phù hợp với lứa tuổi, lớp học sẽ trở thành một không gian nghệ thuật thu nhỏ. Điều này là động lực để các em học tập tốt hơn. Ngoài ra, cần đưa sân khấu truyền thống đến với thanh thiếu niên nhiều hơn thông qua các buổi biểu diễn, giao lưu trong học đường để các em có thể tiếp cận với sân khấu truyền thống và hiểu rõ được ý nghĩa, giá trị mà nghệ thuật truyền thống mang lại. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và tăng thời lượng phát sóng trên truyền hình để xã hội hóa sân khấu truyền thống nhằm góp phần nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả trẻ. Trước cơn lốc của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống chỉ có thể bảo tồn khi được thế hệ trẻ đón nhận bằng cả tâm hồn! * Có chính sách thu hút giới trẻ Để thu hút nhiều tài năng trẻ theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà nước cần xây dựng chiến lược lâu dài để các nghệ sĩ có thể toàn tâm, toàn ý biểu diễn phục vụ khán giả mà không phụ thuộc vào kinh tế. Trước mắt, cần có chính sách đãi ngộ thích hợp về lương, phụ cấp với nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên… để thu hút lớp diễn viên trẻ cũng như học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống; đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất, con người… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề đầu ra cho những người theo học sân khấu truyền thống. Những vấn đề về chính sách đãi ngộ nêu trên đây dường như là những lời nói khó khả thi bởi nó là chính sách của nhà nước không phải muốn thay đổi lúc nào cũng được. Nhưng thực sự nếu chính sách đãi ngộ cho giới nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung không được quan tâm đúng mức thì khó lòng mà phục hưng được nền sân khấu truyền thống Việt Nam trong tương lai. 3. Thay lời kết: Sân khấu truyền thống Việt Nam vẫn còn hy vọng lớnDẫu còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của nền sân khấu truyền thống, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng về một tương lai huy hoàng của sân khấu Việt Nam. Hội diễn các tiết mục tiêu biểu của dự án sân khấu học đường trong thời gian vừa qua là một dấu hiệu đáng mừng. Khi xem các em học sinh ở Hải Phòng, Hà Nội diễn những vai xã trưởng, mẹ Đốp và các trích đoạn trong vở tuồng lịch sử như: Trưng Nữ Vương, Triệu Quốc Trinh… mới thấy hết lòng đam mê của các em với những môn nghệ thuật truyền thống. GS.Hoàng Chương, đồng trưởng ban chỉ đạo dự án khẳng định: “Nhìn các em học sinh 12, 13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị rất nhịp nhàng đã gieo vào lòng chúng tôi một niềm tin là nghệ thuật truyền thống không thể mất nếu người lớn biết cách hướng dẫn, gợi mở và truyền nghề có phương pháp khoa học. Những tiết mục khó như Hộ Sanh Đàn, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… được các em biểu diễn nhuần nhuyễn”. Hay như nếu chúng ta thường xuyên theo dõi chương trình “Đồ Rê Mí” – một sân chơi cho những tài năng nhí của đất nước trong mấy năm qua hẳn sẽ nhận ra trong số những nội dung biểu diễn của các bé có cả những trích đoạn chèo cổ, trích đoạn kịch được các em thể hiện với niềm đam mê thực sự. Các em chính là hạt mầm tương lai của nền nghệ thuật nói chung, nền nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, tại đất Hà thành trong thời gian qua theo bài đăng của “Dân Trí” thì trong khi một bộ phận bạn trẻ quay cuồng với rock, rap… thì lại có không ít bạn trẻ tìm đến âm nhạc truyền thống như quan họ, chầu văn, xẩm,… như tìm đến sự đồng điệu với tâm hồn và thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc. Có bạn đã chia sẻ: “Khi hòa vào những làn điệu ngọt ngào đó… thấy tâm hồn như phong phú hơn và cảm thấy tự hào hơn về mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn”. Từ việc xem biểu diễn, thích thú, rồi tìm hiểu, không ít bạn quyết định đăng ký các lớp học về âm nhạc dân gian và trở thành những “nghệ sĩ” nghiệp dư biểu diễn cho nhiều người khác xem. Những bạn trẻ này thậm chí còn sẵn sàng đi biểu diễn không công, miễn sao tìm thấy ở đó những ánh mắt lấp lánh niềm vui, đón chờ của công chúng. Anh Đoàn Minh Thông (Trưởng đoàn nghệ thuật Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam) cho biết: “Những bạn đến đây, trước giờ diễn là những bạn rất trẻ, rất teen. Thế nhưng, khi lên sân khấu họ lại là những anh nông dân chân chất, những cô thôn nữ e lệ đến đằm thắm, mặn mà”. Rõ ràng các loại hình âm nhạc, sân khấu truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt như một dòng chảy, nếu được khơi thông sẽ phát triển không ngừng. Như vậy, một khi giới trẻ Việt không “quay lưng” lại với sân khấu thì sân khấu truyền thống còn hy vọng lớn!■ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |