Chi tiết tin tức

Suy nghĩ về công tác giáo dục và đào tạo tăng ni sinh hệ Trung cấp Phật giáo

16:46:00 - 27/11/2017
(PGNĐ) -  Trong quá trình phát triển, giáo dục Phật giáo đã đạt được những thành tựu khả quan về số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và dễ dàng nhận thấy rõ nhất là cung cấp nguồn nhân lực cho Giáo hội Trung ương, và địa phương trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về giáo dục tăng ni vẫn còn có những khó khăn như là một thực trạng mà cần có định hướng giải pháp cho từng cấp đào tạo. Thiết nghĩ, hệ Trung cấp Phật học là hệ đào tạo nền tảng cơ bản nhất trong các hệ đào tạo, do đó, bài viết này chỉ tập trung trình bày về công tác giáo dục và đào tạo tăng ni sinh hệ Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp.

Hiện trạng và giải pháp

 

Ngày nay, giáo dục Phật giáo nước ta đã phát triển mạnh mẽ, Phật giáo đã và đang hoàn thiện hệ thống giáo dục Phật giáo khá toàn diện, nhất là từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào năm 1981, hệ thống trường Cao cấp Phật học Việt Nam hình thành, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam có chức năng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học; hệ thống trường Cơ bản Phật học ra đời, nay là hệ Trung cấp Phật học có chức năng đào tạo Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng Phật học. Ngoài ra các chùa, tự viện còn mở các lớp giáo lý để giảng dạy cho quần chúng phật tử. 
 

Trong quá trình phát triển, giáo dục Phật giáo đã đạt được những thành tựu khả quan về số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và dễ dàng nhận thấy rõ nhất là cung cấp nguồn nhân lực cho Giáo hội Trung ương, và địa phương trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về giáo dục tăng ni vẫn còn có những khó khăn như là một thực trạng mà cần có định hướng giải pháp cho từng cấp đào tạo. Thiết nghĩ, hệ Trung cấp Phật học là hệ đào tạo nền tảng cơ bản nhất trong các hệ đào tạo, do đó, bài viết này chỉ tập trung trình bày về công tác giáo dục và đào tạo tăng ni sinh hệ Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp.

 

I. Khái quát về nền giáo dục Phật giáo nước ta:

 

Có thể nói nền giáo dục Phật giáo Việt Nam được khởi đầu từ nền giáo dục tự phát ở nhà chùa. Các nhà sư, các hệ phái Phật giáo mở trường lớp đào tạo đệ tử để phát triển mạng mạch Phật giáo, truyền thừa giáo lý cho đệ tử và dĩ nhiên, sinh hoạt chùa chiền như giảng pháp, lễ lạt cầu an cầu siêu… có ảnh hưởng đến đời sông dân chúng, và các sư là những người thầy đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam. Trung tâm Luy Lâu được thành lập và hoạt động mạnh mẽ từ thế kỷ thứ II, xứng đáng là nơi quy tụ của các sư tăng, học giả Phật học từ Trung Quốc, Tây vực và tại xứ Giao Châu. Dĩ nhiên, những khóa đào tạo tăng tài phải được thực hiện tại đây cũng như một vài nơi khác quanh Luy Lâu. 

 

Trong thời gian này, có thể xem đây là trung tâm học thuật và các cơ sở giáo dục Phật giáo được thành lập để hoạt động văn hóa giáo dục và tất nhiên cũng có thể nghĩ đây là những ngôi trường đầu tiên ở nước ta trong ý nghĩa nhà sư là nhà giáo, nhà chùa là trường? Từ thế kỷ III đến thế kỷ thứ XI thì đời sống giáo dục Phật giáo đã dần lớn mạnh thông qua sự đào tạo truyền thừa của các Thiền phái. Khởi nguyên thiền học nước ta là Thiền sư Khương Tăng Hội xây dựng Trung tâm Thiền học vào thế kỷ III, đến thế kỷ thứ VI, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã có mặt; sang thế kỷ IX thì Thiền phái Vô Ngôn Tông định hình, đến thế kỷ XI thì Thiền phái Tảo Đường hình thành và hoạt động. 

 

Mỗi thiền phái có nội dung sinh hoạt, giáo dục riêng biệt, nhưng mục đích cuối cùng là hướng đến giải thoát khổ đau. Tuy không phải là nhanh chóng nhưng so với nền giáo dục quốc dân quả là đã gây ấn tượng hơn rất nhiều. Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền 19 thế hệ, Vô Ngôn Tông truyền 19 thế hệ, Tảo Đường truyền 5 thế hệ. Tinh thần giáo dục Phật giáo được phổ biến rộng rãi trong giới chư tăng ni và trong quần chúng nhân dân. Có thể diễn đạt qua 2 câu ca dao:

 

“Rủ nhau xuống bể mò cua,

Lên non hái củi vào chùa nghe kinh”

 

Phật giáo gắn liền với mọi tầng lớp nhân dân, tức là gắn liền với dân tộc. Tinh thần này trực tiếp đến với nhân dân từ các vị sư tăng qua các buổi giảng pháp. Nhưng còn quan trọng hơn, do tài năng và đức độ, chư tăng được nhà cầm quyền kính phục, được hỏi ý kiến, được mời làm quân sư, quốc sư, việc nước trong tinh thần hộ quốc an dân qua các thời đại… Đến đời nhà Trần, tinh thần Phật giáo được tiếp tục và phát triển mạnh mẽ nhất. Chính quyền và nhân dân một lòng, tạo nên được những thành công vĩ đại trong việc giữ nước, dựng nước. Phật giáo dung hợp Nho - Lão thành một thể thống nhất. 

 

Thiền phái Trúc Lâm đã kết hợp với 3 thiền phái trước tạo thành một Giáo hội Phật giáo nhất tông vững mạnh. Hơn 170 năm, Phật giáo đời Trần không ngừng phát triển và chính giáo dục Phật giáo đã tạo được cái chủ thuyết Phật giáo và dân tộc mạnh mẽ nhất. Quốc học viện của Trần Thái Tông là một nét sáng tạo rõ ràng nhất về một nền giáo dục Phật giáo, trong đó Nho giáo cũng được tôn trọng.

TT.Thích Phước Đạt

Tinh thần giáo dục Phật giáo đã liên kết chính quyền và nhân dân đã tạo ra thời kỳ Phật giáo vàng son của nước nhà. Qua đến đời Hậu Lê tôn sùng Khổng giáo, giới nho sĩ bài bác Phật giáo thì nền giáo dục Phật giáo đã không đáp ứng được yêu cầu của quần chúng nhân dân, khiến đất nước mất đi sức mạnh thời Lý - Trần. Chính vì vậy mà thời Trịnh - Nguyễn, các chúa lại ủng hộ Phật giáo, củng cố sự nghiệp của mình và củng cố đất nước. Từ đấy, tinh thần giáo dục Phật giáo lại vươn lên.

 

Đến đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo phát khởi, chính các diễn đàn báo chí Quốc ngữ là phương tiện mạnh mẽ để giáo dục tinh thần yêu nước, yêu đạo. Trong thời gian này, các Phật học viện đào tạo tăng tài lại được mở ra khắp nước: Hà Nội, Huế, Nha Trang, Bình Định, Biên Hòa, Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XX, cùng lúc các gia đình phật tử, hệ thống trường Bồ đề do Phật giáo chủ trương, dạy con em phật tử theo chương trình nhà nước, kết hợp với quản lý Phật giáo đã có ảnh hưởng rất mạnh.

 

Năm 1965, viện Đại học Vạn Hạnh của Phât giáo ra đời, gồm các phân khoa Phật học, văn học, triết học… đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước. Sau khi đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 tại thủ đô Hà Nội. Giáo hội đã giao cho Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương có trách nhiệm, giúp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thực hiện việc hình thành hệ thống các trường Phật học, đào tạo tăng ni trẻ có năng lực để phục vụ mọi hoạt động của Giáo hội.

 

1. Hệ thống Trường Cao cấp Phật học nay là Học viện Phật giáo Việt Nam:

 

Từ năm 1981, trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội được thành lập, và từ đó, các trường Phật học cả nước lần lượt được thành lập. Đến tháng 10/1985, trường cao cấp Phật học Viêt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, tiếp đến là trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Thừa Tiên - Huế 1997 được thành lập. Từ Đại hội kỳ IV (tháng 11/1997) đã được chuyển đổi danh xưng Học viện Phật giáo Việt Nam, có chức năng đào tạo hệ Cử nhân Phật học, và từng bước nâng cấp đào tạo sau Đại học (Thạc sĩ Phật học, Tiến sĩ Phật học) khi có đủ điều kiện khách quan. Vào năm 2007, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ra đời.

 

2. Hệ thống các Trường Cơ bản Phật học được hình thành nay là Trường Trung cấp Phật học:

 

Năm 1986, Nhà nước công bố đường lối đổi mới. Tháng 10 năm 1987, Đại hội Phật giáo kỳ II, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông qua nghị quyết để xây dựng và phát triển Giáo hội, trong đó có việc mở rộng hệ thống giáo dục tăng ni. Từ năm 1987 đến nay, Giáo hội thành lập 35 trường cơ bản Phật học khắp các tỉnh, thành hội Phật giáo cả nước. Trong quá trình củng cố và hệ thống hóa, nâng cao các mặt tổ chức và nội dung giảng dạy, từ Đại hội IV (1997), Trung ương Giáo hội đã xin phép chuyển đổi danh xưng các trường Cơ bản Phật học trước đây thành trường Trung cấp Phật học, đồng bộ tại các tỉnh, thành.

 

3. Các lớp Cao đẳng Phật học:

 

Do số lượng trường Cơ bản Phật học (Trung cấp Phật học) ngày mỗi nhiều, số lượng tăng ni sinh tốt nghiệp cơ bản Phật học ngày càng đông, trong khi cả nước chỉ có 4 Học viện Phật học đào tạo chương trình Cử nhân Phật học, không đủ điều kiện đón nhận hết số tăng ni sinh tốt nghiệp Trung cấp theo học. Cho nên, việc hình thành các lớp Cao đẳng Phật học là điều tất nhiên để giúp số tăng ni sinh này được theo học nhằm nâng cao trình độ.

 

4. Hình thành các lớp Sơ cấp Phật học tại các đơn vị cơ sở từ năm 1999:
 

Do đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni sinh tân học xuất gia, Ban Trị sự và Ban Đại diện Phật giáo các tỉnh, thành có nhu cầu đã đứng ra thành lập các lớp Sơ cấp Phật học thay thế cho hình thức gia giáo buổi đầu. Hiện nay, các tỉnh thành đã mở các lớp Sơ cấp Phật học. Như vậy, đến nay hệ thống giáo dục và đào tạo tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn thiện từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân và Sau Đại học. Chính các tăng ni sinh được đào tạo từ các Học viện Phật giáo Việt Nam, Cao đẳng và Trung cấp đã góp phần nào cho việc hình thành và hoạt động ở Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước.

 

Mục đích và lý tưởng giáo dục Phật giáo của đức Phật và đạo Phật là giúp con người tự cảm nhận được những thực tế khách quan và tự chấm dứt mọi khổ đau cho chính mình trong cuộc sống. Muốn thành tựu mục đích và lý tưởng của giáo dục Phật giáo, người con Phật phải biết vận dụng tính khế lý, khế cơ phù hợp mọi thời gian, không gian. 

 

Tách rời thực tế khách quan của cuộc sống (xã hội) thì nhất định chúng ta khó có thể thành công. Trong tinh thần đó, tại Đại hội Phật giáo kỳ VII, Trung ương Giáo hội đã thông qua chương trình tu chỉnh các cấp đào tạo do Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương chủ trì, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh hệ Trung cấp Phật học từ chương trình giảng dạy cho đến phương thức quản lý tăng ni trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Vì đây là cấp học nền tảng quan trọng quyết định cho sự thành tựu nền giáo dục và đào tạo tăng ni của Giáo hội.

 

II. Hệ Trung cấp Phật học: Thực trạng và giải pháp

1. Về phương diện tổ chức:
 

Hệ thống Trung cấp Phật học trực thuộc Ban Giáo dục Tăng Ni, đồng thời chịu sự chỉ đạo và quản lý do Ban Trị sự và Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh, thành. Cả nước hiện có 35 trường Trung cấp Phật học, phía Bắc có 8 trường, phía Nam từ Huế trở vào có 27 trường. Như vậy, chúng ta có một hệ thống đào tạo chương trình Trung cấp Phật học cho tăng ni trẻ kế thừa phát triển, cứ trung bình 2 tỉnh là có một trường Trung cấp so với 63 tỉnh thành trong cả nước. 

 

Tuy nhiên, do hoàn cảnh thực tế, số lượng tăng ni tham dự học tại các trường Trung cấp các khóa vừa qua có xu hướng giảm rõ rệt, (do mỗi gia đình có 2 con, nên số lượng xuất gia giảm chăng), dẫn đến một số trường chỉ còn số lượng từ 25 đến 30 tăng ni sinh theo học trong một khóa, thậm chí có trường phải tạm ngưng chiêu sinh một thời gian khá dài mới mở lại. 

 

Mặt khác, do kinh tế suy giảm trong thời gian gần đây, cho nên về phương diện điều hành và cơ sở vật chất (trường lớp, phương tiện tài liệu, dụng cụ) phục vụ công tác đào tạo thiếu thốn dẫn đến chất lượng đào tạo tăng ni cũng khó đáp ứng như mong muốn. Để duy trì và phát triển Hệ Trung cấp Phật học mang tính vững bền, Ban Giáo dục Tăng Ni đã định hướng trong thời gian tới sẽ hướng đến xây dựng các trường đào tạo theo mô hình liên tỉnh hoặc khu vực như điều 23 của Nội quy Ban Giáo dục Tăng Ni quy định.

 

1.1. Xây dựng trường nội trú 100% cho tăng ni sinh theo học:
 

Giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ kế thừa mạng mạch Phật pháp, cơ sở nền tảng phát triển Giáo hội, do đó đây là trách nhiệm chung của của chư tăng ni và quý phật tử, chứ không riêng gì của Ban Giám hiệu. Do đó Ban Trị sự cần chỉ đạo các Ban ngành tỉnh nhà, các tự viện, các mạnh thường quân phật tử đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, thư viện cũng như phương tiện dạy và học: tài liệu, sách vở, công cụ giảng dạy như máy chiếu, vi tính… đúng chuẩn của nền giáo dục Phật giáo phù hợp xu hướng phát triển xã hội.

 

1.2. Hình thành Ban Quản chúng kết hợp Ban Giám thị của trường hướng dẫn tăng ni tu học theo tinh thần hành trì giới định tuệ:
 

Nội dung của giáo dục Phật giáo thường được gọi là Tam học hay Tam Vô lậu học. Đó là Giới, Định và Tuệ. Giới là sự giữ gìn, tu dưỡng đạo đức, nâng cao phẩm hạnh, tạo điều kiện để thanh lọc tâm, khiến tâm trong sạch. Định là sự ổn cố tâm ý, phát triển tâm linh. Tuệ là trí tuệ sáng suốt và khế hợp với chân lý. Giới, Định và Tuệ liên kết mật thiết, ảnh hưởng qua lại với nhau. Có Giới mới có Định, có Định mới có Tuệ, có Tuệ mới thấy rõ và hành trì được Giới và thành tựu Định. 

 

Trong nghĩa thông thường, Giới được xem là đạo đức, là sự giữ mình, sự tiết độ. Định là sự vững vàng, sự thực hành, là sức vươn lên. Tuệ là sự nhận thức, kiến thức đúng đắn, sự nhìn thấy, thể nhập chân lý. Toàn bộ giáo lý của đức Phật và những lời giảng dạy của chư Tổ đều có thể phân thành Giới, Định, Tuệ, để học để hành trì đưa đến giải thoát. Do hoàn cảnh khách quan, cũng như chủ quan, thực tế hiện nay, các trường Trung cấp Phật học chỉ tập trung quản lý học đường trên lớp, do không có điều kiện tổ chức tăng ni sinh nội trú 100%. 

 

Vì vậy, việc nâng cao phẩm chất đạo hạnh của tăng ni sống theo tinh thần thực thi giới luật, và theo quy củ thiền môn đòi hỏi cần thành lập Ban Quản chúng kết hợp Ban Giám thị của một trường nội trú đúng nghĩa là điều cần thiết. Ban Quản chúng này chịu trách nhiệm quản lý về sự tu học, sự hành trì giới luật, thực thi nếp sống thiền môn đối với tăng ni sinh. Ban Giám thị chịu trách nhiệm quản lý tăng ni sinh theo đúng nội quy của trường, lớp trong việc học tập và thi cử. Hay nói khác đây là mô hình giáo dục học đường Phật giáo kết hợp giáo dục tự viện trong môi trường tu học nội trú lý tưởng sẽ góp phần nâng cao phẩm hạnh của tăng ni sinh, là cơ sở phát triển nâng cao chất lượng đào tạo.

 

2. Về phương diện chuyên môn:
 

Trong 3 thập niên qua, sự thành tựu của ngành Giáo dục Tăng Ni trên toàn quốc không chỉ là nỗ lực của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương mà còn là sự đóng góp to lớn của các Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh thành và đặc biệt là sự ủng hộ của GHPGVN ở các tỉnh thành. Tuy nhiên, về phương diện chuyên môn vẫn còn đó sự khác biệt quá lớn về cấu trúc chương trình, nội dung môn học, thời gian tuyển sinh và đào tạo, tài liệu và giáo trình… dầu có nhiều nỗ lực, các trường Phật học của chúng ta đã phát triển không đồng đều. Để nâng cao chất lượng đào tạo tăng ni thì phương diện chuyên môn cần được chuẩn hóa theo tiêu chí của nền giáo dục Phật giáo phù hợp với xu hướng phát triển xã hội hiện đại.

 

2.1. Tu chỉnh chương trình Trung cấp Phật học:
 

Trong thời gian qua, do trình độ tăng ni sinh đầu vào của một số trường có độ chênh về trình độ và lứa tuổi khác nhau mà dẫn đến khung đào tạo khác nhau về chương trình và thời gian đào tạo. Việc giảng dạy vô cùng khó khăn cho Ban Giáo thọ là cùng một lúc mà phải giảng dạy cho nhiều đối tượng khác nhau về tâm sinh lý và trình độ. Cho nên Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương điều chỉnh chương trình Trung cấp Phật học nhằm tiến tới việc thống nhất trên toàn quốc chương trình Trung cấp Phật học trên 3 phương diện: 

 

- Thời gian đào tạo: từ 4 năm thành 3 năm (chương trình cứng); những trường đang đào tạo 4 năm sẽ chuyển đổi thành 3 năm trong thời gian tới. 

 

- Nội dung các môn học: Hội đủ các Kinh, Luật, Luận căn bản, nhằm giúp người học nắm vững từ lý thuyết đến thực hành Phật pháp. Nhiều môn học mới được bổ sung như Đại cương Thiền Phật giáo, Thực hành Tịnh độ tông và Mật tông, Kinh Trung Bộ trích giảng, Kinh A Hàm trích giảng, Văn học Phật giáo Việt Nam, Đại cương văn điển Phật giáo, Cổ ngữ Phật học, Pali, Sanskrit. 

 

- Các tăng ni sinh Trung cấp Phật học sẽ học cùng một giáo án do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương biên soạn và ấn hành.

 

2.2. Thực thi việc biên soạn giáo án theo chương trình tu chỉnh của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương. 

 

Một trong những hạn chế của việc giáo dục và đào tạo tăng ni của chúng ta là chưa có bộ giáo trình sách giáo khoa Phật học dành cho hệ Trung cấp mang tính chất thống nhất cả nước. Từ đó dẫn đến việc biên soạn giáo án đứng lớp của mỗi giáo thọ cho từng môn học cũng mang tính tự phát, và phụ thuộc vào sự kinh nghiệm của mỗi giáo thọ hơn là theo sự quy định, quy trình sư phạm của Ban Giám hiệu. Đối với cấp học nền tảng này, việc chuẩn bị giáo án giảng dạy cho từng môn học cụ thể phải đảm bảo tính sư phạm, là điều kiện cần và đủ của một giáo thọ đứng lớp thành công cho mỗi môn học. Việc Ban Giám hiệu định hướng và quản lý đề cương chi tiết môn học và giáo án của mỗi giáo thọ sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho tăng ni sinh.

 

Hiện nay chương trình Hệ Trung cấp Phật học đã được tu chỉnh và đang triển khai việc biên soạn sách giáo khoa (10 đầu sách đã vận hành trong đời sống học đường). Trong khi chờ đợi, bộ sách giáo khoa hệ Trung cấp Phật học được Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương biên soạn hoàn tất, quý giáo thọ có thể sử dụng các bộ Kinh Luật Luận có sẵn do Chư tôn đức biên soạn trước đây để triển khai giáo án giảng dạy.

 

2.3. Về phương pháp giảng dạy:

 

Ngày nay ngành Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang xây dựng và chuyển đổi thành một nền giáo dục Phật giáo hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục trong thời đại phát triển hội nhập. Do đó, việc đổi mới về phương pháp giảng dạy trên cơ sở phát huy truyền thống giáo dục Tự viện kết hợp phương pháp giáo dục hiện đại của hệ thống học đường, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường Trung cấp Phật học là điều tất yếu. Chúng ta có thể tìm thấy tất cả các phương pháp sư phạm hiện đại tiềm năng trong kinh điển Phật giáo.

 

Trong các thời thuyết giảng, đức Phật rất linh động trong phương pháp. Có khi tự đức Phật nêu vấn đề và triển khai chi tiết (diễn giảng), có khi do được hỏi, hay do Ngài gợi ý bằng câu hỏi (vấn đáp). Đức Phật thường dùng các phương pháp thí dụ, ẩn dụ, so sánh, đối chiếu, quy nạp, tổng hợp, diễn dịch, loại suy. Đây là những phương pháp mà về sau này, các ngành khoa học đều thường sử dụng. Trong thiền học, chúng ta có thể tìm thấy những phương pháp đặc biệt của giáo dục Phật giáo qua kỹ thuật thiền định, sự tập trung quán tưởng, sự thâm nhập đề tài bằng tất cả tâm thức.

 

Điều cần lưu ý khi mọi phương pháp giáo dục tùy thuộc vào nội dung giáo dục và do đó tùy thuộc vào mục tiêu, đối tượng, biện pháp và cách tổ chức giáo dục. Phương pháp giáo dục còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, môi trường và thiết bị giáo dục. Phương pháp thì bao gồm lãnh vực dạy (thầy) và học (trò) với mục đích đạt hiệu năng qua 5 phương pháp: 

- Kích thích học sinh học tập. 

- Trình bày thông tin. 

- Rèn luyện kỹ năng. 

- Củng cố hệ thống hóa tri thức. 

- Kiểm tra đánh giá kiến thức kỹ năng. 

Năm phương pháp này có thể được thực hiện ngang qua hai biện pháp là biện pháp diễn dịch (trình bày chủ đề rồi giảng giải, chứng minh) và biện pháp quy nạp (phân tích chủ đề rồi rút ra kết luận). 

 

Thực tế, mọi phương pháp giáo dục đều có sự tham gia của thầy và trò, trong đó trò là chủ động (tránh việc giảng dạy theo một chiều). Do đó, giáo dục cần chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người học tự khai mở, tự trau dồi và chủ động trong việc suy tư, tìm kiếm, thâu nạp kiến thức và rèn luyện kỹ năng mà giáo dục Phật giáo mong chờ. Ngày nay, có nhiều phương pháp giáo dục hiện đại nhưng không có phương pháp nào là ưu việt, chúng phải bổ túc cho nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố giáo dục. Theo thiển ý của chúng tôi nếu được vận dụng linh hoạt sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy cho tăng ni sinh hệ Trung cấp Phật học.
 

2.4. Hình thành Ban Giáo thọ sư cơ hữu của trường chuyên môn cao:

 

Ngoại trừ một số tỉnh thành lớn trong cả nước có thành phần Ban Giáo thọ là Chư tôn đức có kinh nghiệm tu tập, truyền trao giáo điển Phật đà và có nguồn nhân lực kế thừa tốt nghiệp Cử nhân Phật học, Cao đẳng Phật học. Còn lại các tỉnh thành khác ở vùng xa, thành phần Ban Giáo thọ do Chư tôn đức lãnh đạo phải kiêm nhiệm nhiều phật sự, đội ngũ kế thừa còn mỏng. Do đó việc hình thành Ban Giáo thọ có trình độ chuyên môn cao, có học vị chuyên trách việc giáo dục và đào tạo tăng ni là trọng trách của Ban Giám hiệu mỗi trường. Thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và hưởng chế độ ưu đãi, cơ hữu của trường, đây chính là cơ sở để phát huy năng lực giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo đối với tăng ni mà Giáo hội giao phó.

 

III. Thay cho lời kết:

 

Mục tiêu của giáo dục đào tạo tăng ni thì vô cùng cao xa là đào tạo những con người có khả năng thuận tiện để thành Phật và thoát khổ vĩnh viễn. Mặt khác, tính chất cao xa ấy lại vô cùng thiết thực và cụ thể là giúp cho người ta nhận thấy rằng cuộc đời là khổ, là vô thường và giả tạm. Ngành Giáo dục Tăng Ni đang nỗ lực xây dựng nền giáo dục Phật giáo được tổ chức và thực hiện chương trình giảng dạy các cấp Phật học mang ý nghĩa của một nền giáo dục Phật giáo phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập trên nhiều phương diện. 

 

Trong đó, chú trọng xây dựng Hệ thống đào tạo Trung cấp Phật học với một nền tảng vững chắc là cơ sở để hoàn thiện các cấp Phật học cao hơn. Thiết nghĩ, giáo dục Phật giáo đã có bề dày lịch sử phát triển từ xưa đến nay, đã hội đủ mọi nhân tố, điều kiện tốt nhất để đảm đương sứ mạng đào tạo tăng ni phật tử trong bối cảnh của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang phát triển và hội nhập toàn cầu.

 

TT.Thích Phước Đạt - UV HĐTS Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ 
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-------------------------

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb Văn học, 2008

2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 3 tập, Nxb TP.HCM, 2002.

3. Nhiều tác giả, Phật giáo với các vấn đề thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Nxb Đại học Quốc gia, 2014.

4. Ban Giáo dục Tăng Trung ương GHPGVN, Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển, Nxb Tôn giáo, 2012.

5. Thích Chơn Thiện, Giáo dục và Giáo dục Phật giáo, Lưu hành nội bộ.

6. Thích Giác Toàn, Giáo dục Phật giáo, Lưu hành nội bộ.

7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Dự thảo quy chế giáo dục Phật giáo Việt Nam, Tài liệu nội bộ, 2012.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin