Chi tiết tin tức Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.1) 21:48:00 - 18/07/2014
(PGNĐ) - Giáo lý Tứ Diệu Đế là một giáo lý thực tiễn, một giáo lý rất đặc biệt trong Phật giáo. Giáo lý này không phải học để mà tin mà là để ứng dụng, để hành trì trong con đường tu đạo, để chuyển hóa con người.
LỜI NÓI ĐẦU
Trong lời mở đầu buổi thuyết giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Tứ Diệu Đế là nền tảng cốt lõi của giáo lý nhà Phật, và do đó rất quan trọng. Thật ra, nếu các bạn không có sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế cũng như chưa tự mình thể nghiệm chân lý của lời dạy này thì các bạn sẽ không thể thực hành Phật pháp…”
Lời nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể trên càng thúc đẩy tôi suy nghĩ, tìm hiểu, học tập và chiêm nghiệm một cách kỹ càng hơn để có thể viết ra những hiểu biết của mình về giáo lý vô cùng thâm diệu và rất cần thiết cho mọi người, không chỉ đối với các hành giả mà còn đối với các Phật tử bình thường.
Là những người học Phật ai cũng đều biết rằng Tứ Diệu Đế là bài giảng đầu tiên của đức Phật trước năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, sau khi Ngài thành đạo. Trong bài giảng đó, đức Thế Tôn đã chỉ ra những nỗi khổ đau của con người, những nguyên nhân gây ra khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và phương pháp thực hành dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.
Về giáo lý Tứ Diệu Đế đã có nhiều cuốn sách nói đến, kể cà Đại thừa Phật giáo lẫn Tiểu thừa và các sách của Phật giáo Tây Tạng. Song với cuốn sách nhỏ này, tác giả tránh đi vào lý thuyết cao siêu có tính triết học và thuật ngữ khó hiểu, mà chỉ muốn đưa lên những kiến thức cơ bản nhất, dễ hiểu nhất và phù hợp với trình độ phổ thông nói chung của đa số Phật tử Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách nhỏ này trình bày những hiểu biết qua quá trình tu học của tác giả nhằm phát tâm góp một phần nhỏ trong công việc hoằng dương Phật pháp, giúp cho những ai có cơ duyên đọc đến, có thể tìm hiểu rõ ràng ý nghĩa thực tế của giáo lý Tứ Diệu Đế, nhằm thực hiện việc hành trì tu tập được thuận lợi.
Do trình độ còn hạn hẹp mà những giáo lý của Đức Thế tôn vô cùng rộng lớn, nên dù cố gắng đến đâu chắc chắn cũng không thể hiện được hết những điều mà Đức Phật đã nói về Tứ Diệu Đế. Nhưng với tấm lòng nhiệt thành muốn góp phần vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên mới mạnh dạn viết ra cuốn sách nhỏ này. Kính mong chư tôn thiện đức hoan hỷ xá cho và ngưỡng mong các vị Phật tử vui lòng đón nhận. Tác giả kính ghi PHAM ĐÌNH NHÂN
Pháp danh Chánh Tuệ Định
Chương thứ Nhất
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Khái niệm tổng quát về Tứ Diệu Đế:
Mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Tứ Diệu Đế là bải học nói về thực trạng đau khổ của con người, về nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến đau khổ, về sự chấm dứt đau khổ và về con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến việc chấm dứt khổ đau.
Đã là con người, ai cũng có những khát vọng bẩm sinh. Những khát vọng đó là muốn có nhiều hạnh phúc và muốn không có những khổ đau hoặc vượt qua được mọi đau khổ khi những niềm đau nỗi khổ sảy ra trong cuộc sống của mình. Điều đó là một ham muốn bản năng vốn có của con người và cũng là của mọi sinh vật. Con người cũng như mọi sinh vật đều có những khát khao tự nhiên ấy. Vì vậy con người luôn luôn phải cố gắng nỗ lực để có được và để đáp ứng được nỗi khát khao đó, nhất là những khát khao không bị đau khổ dầy vò, hoặc ít nhất là có thể vượt qua mọi khổ đau đến với mình. Vấn đề là con người hay nói rộng hơn là mọi chúng sinh cần phải nỗ lực như thế nào để đáp ứng sự khao khát mong cầu hạnh phúc và vượt qua mọi khổ đau nếu có.
Nhưng trong cuộc sống của con người, nỗi khổ là điều mà mọi chúng sinh, mọi con người đều phải chịu đựng và không ai có thể tránh được. Cuộc đời là bể khổ là nghĩa như vậy. Trong ý nghĩa này, sự phát hiện ra nguyên nhân của nỗi khổ cùng những hướng dẫn, những chỉ bảo các phương pháp và con đường đi đến sự tận diệt những nỗi khổ đó, là một điều mà con người cần phải biết. Nếu đạo Phật là đạo thỉnh thức thì bản chất đạo Phật là dạy ta cách sống ở đời. Trên đời này, không ai có thể tự cho mình là không mê và thấy được mình đang tỉnh táo, không bị chìm đắm trong tiền tài, danh vọng và tình ái.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề đã giải quyết vấn đề đó bằng cách đưa ra giáo lý Tứ Diệu Đế. Như ta đã biết, ngay trong thời pháp đầu tiên của Người, trong bài giảng tại vườn Lộc Uyển, trước năm anh em Kiều Trần Như, đức Phật đã giảng về Tứ Diệu Đế (Bốn chân lý cao quý).
Trong bài giảng này, đức Phật đã chỉ ra những nỗi khổ đau của con người (Khổ đế), những nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra khổ đau (Tập đế), sự chấm dứt khổ đau (Diệt đế) và con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến sự chấm dứt khổ đau (Đạo đế). Bài giảng về Tứ Diệu Đế của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bài giảng đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, đó là một giáo lý thực tiễn không phải là lý thuyết thông thường. Tứ Diệu Đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật đã trải qua và cũng là nội dung chính của bản kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân.
Bài giảng đó, giáo lý đó, thực sự vi diệu và thâm sâu bởi vì qua hơn 2.500 năm khi Tứ Diệu Đế ra đời đến nay, nội dung và ý nghĩa của giáo pháp đó vẫn còn là những liều thuốc vô cùng giá trị, vô cùng hiệu dụng đối với mọi chúng sinh, nhất là đối với con người trên trần thế này. Trong ý nghĩa đó, tất cả các giáo lý của Đức Phật đưa ra đều như những liều thuốc. Giá trị chính của liều thuốc là ở chỗ nó chữa được bệnh và chính giáo lý Tứ Diệu Đế là một liều thuốc vô cùng giá trị bởi vì nó rất thâm diệu và phù hợp cho mọi căn cơ con người. Đức Phật đã dạy rằng: “Nếu con người ta không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì không có cách nào khác có thể tránh được con đường sinh tử luân hồi, không hiểu rõ Tứ Diệu Đế là gì thì sẽ không thể nào tìm được con đường để thoát ly khổ đau, trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác”.
Đức Phật còn nói với các đệ tử của Người rằng: “Vì không hiểu rõ Tứ Diệu Đế mà Ta và các ngươi phải luân chuyển sinh tử luân hồi lâu năm”.
Đức Phật đã từng nói trong nhiều bài thuyết giảng của Ngài rằng đã là phật tử thì phải hiểu được Tứ Diệu Đế. Ai chưa hiểu được giáo lý Tứ Diệu Đế, người đó chưa phải là Phật tử theo nghĩa đích thực. Hoặc một người Phật tử mà chưa biết Tứ Diệu Đế là gì và chưa biết tu tập theo Tứ Diệu Đế thì thật chưa phải là một Phật tử theo đúng nghĩa, cho dù người ấy đã được quy y Tam bảo.
Vậy Tứ Diệu Đế là gì?
II. Định nghĩa về Tứ Diệu Đế.
Tứ Diệu Đế, tiếng Bắc Phạn (Sanskrit) là Catvãry Aryasatyãni, tiếng Nam Phạn (Pali) là Cattãri Ariya Saccãni, trong đó Ariya nghĩa là bậc hiển thánh, hoàn toàn trong sạch màu nhiệm, Saccãni là chân lý, là sự thật hiển nhiên, tuyệt đối, vĩnh cửu, bất di bất dịch. Tứ Diệu Đế nghĩa là bốn chân lý màu nhiệm, là bốn sự thật diệu kỳ. Tứ Diệu Đế còn được gọi là Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế, Tứ Đế, Bốn sự thật huyền diệu, Bốn chân lý cao thượng... là giáo pháp mà Đức Phật đã đưa ra trong bài giảng đầu tiên khi bắt đầu đi thuyết pháp và hình thành bước khởi đầu về Ba ngôi Tam Bảo gồm Phật bảo tức Đức Phật, Pháp bảo tức bài giảng về Tứ Diệu Đế và tăng bảo tức năm anh em Kiều Trần Như.
Tứ là bốn. Diệu là kỳ diệu, là quý báu, là màu nhiệm, là tốt đẹp, là cao quý, là cao thượng. Đế là sự chắc chắn, rõ ràng, đúng đắn nhất. Đế còn có nghĩa là chân lý cao cả, là sự thật bất di bất dịch. Còn chữ Thánh trong Tứ Thánh Đế nghĩa là thánh thiện. Chữ Chân trong Tứ Chân Đế nghĩa là chân thật. Trong tiếng Anh, Tứ Diệu Đế được dịch là The four noble truths (Bốn sự thật cao quý) là vì vậy.
Bốn sự thật cao quý ấy là bốn sự thật chắc chắn, rõ ràng nhất mà không có một giáo lý ngoại đạo nào có thể sánh kịp. Với Tứ Diệu Đế, người học đạo, bậc tu hành kiên tâm làm theo, hành trì miên mật, có thể từ chỗ tối tăm mê muội đi lên bậc giác ngộ một cách chắc chắn. Với Tứ Diệu Đế, hành giả và các Phật tử có thể ví như người đi đường trong đêm tối có trong tay ngọn đuốc sáng soi đường đi đến đích, đến bờ giác ngộ. Đó thật là điều kỳ diệu của Tứ Diệu Đế.
Tứ Diệu Đế, chữ Phạn là Catvãry Aryasatyãni. Arya (Diệu) là màu nhiệm, cao quý hay diệu kỳ. Satyã (Đế) là chân lý, là sự thật. Giáo lý Tứ Diệu Đế được nói đến trong các kinh: Đế phân biệt tâm kinh (Trung Bộ III), kinh Phân biệt thánh đế (Trung A Hàm), kinh Chuyển pháp luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm)...
III. Hoàn cảnh ra đời của Tứ Diệu Đế
Có một câu chuyện sảy ra như sau: Có một lần khi Đức Thế Tôn đang ngự trong khu vườn Kỳ Đà, gần thành Xá Vệ. Khi đêm về khuya có một vùng hào quang tỏa sảng, rồi một vị trời tên là Rohitassa đến bên Đức Phật hỏi:
- Có được không, bằng cách đi mãi, đi mãi, ta biết được, thấy được hoặc đến được tận cùng của thế gian, nơi không có sinh, không có già, không có chết, không từ giã cõi này và không tái sinh trở lại?
Đức Phật trả lời:
- Không thể được, này đạo hữu, Như Lai tuyên rằng bằng cách đi mãi, đi mãi, ta không thể biết được, thấy được, hoặc đến được, mức tận cùng của thế gian, nơi mà không có sinh, không có già, không có bệnh, không có chết, không từ giã cõi này và không tái sinh trở lại.
- Thật tuyệt vời, thật là phi thường, Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã ban dạy một cách tuyệt vời rằng không thể nào biết, thấy, hoặc đến, tận mức tột cùng của thế gian bằng cách đi, đi mãi. Trong một tiền kiếp của tôi, lúc ấy là đạo sĩ tên Rohitassa, con của Ông Bhoja, nhờ có thần thông, tôi có thể đi nhanh chóng trên không trung. Có một tay thiện xạ, đã dày công tập luyện, có tài và đã thuần thục trong nghề bắn cung. Người ấy giương một cây cung thật cứng và bắn một mũi tên nhẹ, toàn hảo, xuyên qua một khoảng dài của khu rừng thì trong khoảng thời gian ấy, tôi có thể bước một bước dài từ biển Đông sang biển Tây. Đi nhanh và bước dài như vậy, lúc ấy tôi nguyện đi, đi mãi cho đến mức tột cùng của thế gian. Và xuyên qua những ngày tháng còn lại của đời tôi, tôi đi trọn cả trăm năm, nhưng cũng không đến được mức tận cùng của thế gian, và phải chết dọc đường. Thật là tuyệt diệu, Bạch Đức Thế Tôn, quả thật là phi thường, Ngài đã ban dạy một cách tuyệt vời rằng không thể nào biết, thấy, hoặc đến mức tận cùng của thế gian bằng cách đi mãi, đi mãi.
- Quả thật vậy, này đạo hữu, Như Lai tuyên đúng như vậy. Không phải bằng cách đi mãi, đi mãi, mà có thể đến tận mức cùng tột của thế gian, chấm dứt đau khổ.
Câu chuyện trên cho ta thấy rằng con người ta thường hướng tầm mắt ra xa, ra bên ngoài hay lên trên để tìm hiểu chân lý về bản chất của đời sống. Nhưng đức Phật đã dạy ta cần phải nhìn vào bên trong chính bản thân mình. Chính vì vậy mà đức Phật đã đạt thành Đạo quả Vô Thượng, Chính đẳng, Chính giác cũng là do nhờ tìm hiểu chân lý nơi bản thân Ngài.
Sau sáu năm theo thầy học đạo và năm năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già mà không đạt được kết quả mong muốn, Đức Phật tìm đến một nơi vắng vẻ giữa khu rừng tươi tốt, bên cạnh dòng sông đẹp, ngày đêm thu thần nhập định, gom tâm quan sát từng yếu tố vật chất và tinh thần của chính bản thân mình, Ngài tìm ra ánh sáng chân lý, trở thành bậc Chính đẳng, Chính giác. Và cũng từ đó Ngài tìm ra các giáo pháp nhằm phục vụ nhân sinh trong đó có giáo lý về Tứ Diệu Đế và cũng vì vậy Ngài dạy rằng tất cả chân lý của thế gian đều nằm trọn vẹn trong tấm thân nhỏ bé của con người.
Như vậy, toàn bộ giáo lý của đạo Phật đều xuất phát từ nhân sinh và nhằm phục vụ nhân sinh. Đức Phật luôn luôn đề cập đến các vấn đề có liên quan đến đời sống con người, và những lời dạy quý báu của Ngài luôn luôn căn cứ trên những sự kiện và những chân lý thực tiễn mà mọi người đều có thể quan sát, chứng nghiệm và kiểm soát.
Và, giáo lý Tứ Diệu Đế cũng xuất phát từ con người và nhằm phục vụ con người, cũng xuất phát từ những ngày thiền định tìm ra ánh sáng chân lý dưới gốc cây Bồ Đề. Đây là giáo lý Đức Phật thuyết giảng trong thời kỳ đầu nên cũng gọi là giáo lý Nguyên thủy.
Vì vậy, sau khi rời bỏ pháp tu khổ hạnh, rời bỏ năm anh em Kiều Trần Như để lên đường thực hành thiền định theo con đường trung đạo, cuối cùng Ngài đã thành đạo. Và khi thành đạo, Đức Phật liền nghĩ rằng cần phải đem giáo lý cao siêu, thâm diệu mà Ngài vừa chứng được truyền bá cho chúng sinh, đầu tiên là nghĩ đến những người bạn cũ của mình, Ngài liền đến Vườn Lộc Uyển, nơi năm anh em Kiều Trần Như đang tu hành theo giáo pháp Khổ hạnh với những lời nói đầu tiên rằng : “Ta đã thấy được có khổ đau, có nguyên nhân của khổ đau, có sự chấm dứt khổ đau và có con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau”. Đó chính là Tứ Diệu Đế tức là khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
Khi Đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế tại Vườn Lộc Uyển, thì lần đầu tiên về mặt lịch sử Tam bảo được hình thành, trong đó Đức Phật là Phật bảo, bài thuyết giảng về Tứ Diệu Đế là Pháp bảo và Tăng bảo là năm anh em Kiều Trần Như tức năm vị đệ tử đầu tiên của Phật. Cho nên về mặt lịch sử Tứ Diệu Đế là bài thuyết pháp đầu tiên để hình thành ba ngôi Tam bảo. Sau khi thuyết pháp, Ngài đã hóa độ được năm anh em Kiều Trần Như và các vị đó đã chứng được quả A La Hán.
IV. Vai trò quan trọng của giáo lý Tứ Diệu Đế
Trong kinh Tạp A Hàm (Samyatt Nikaya), đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài: “Hỡi các Tỳ kheo, các thầy đừng để tâm trí vào việc coi thế giới là hữu hạn hay vô hạn. Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải hiểu thế nào là sự khổ, nguyên nhân của cái khổ và con đường đi đến diệt khổ. Những điều đó rất có ích, vì chắc chắn sẽ đưa các thầy đến cứu cánh của giác ngộ và giải thoát vậy”.
Cũng trong kinh Tạp A Hàm, có một đoạn như sau:
“Một lần nọ, Đức Thế Tôn đi đến một khu rừng. Lúc ấy, Ngài nắm trong tay một nắm lá, Ngài hỏi các vị tỳ kheo: "Các con nghĩ thế nào, này các tỳ kheo, số lá nằm trong bàn tay Như Lai và số lá trên cây trong khắp khu rừng này, số lượng nào nhiều hơn?”.
- “Bạch Đức Thế Tôn, số lá nằm trong tay Ngài thật không có bao nhiêu, nhưng lá trên cây trong khắp khu rừng này thì rất nhiều”.
- “Cũng vậy, này các tỳ kheo, những gì Như Lai chứng ngộ mà không truyền dạy, quả thật là nhiều như số lá trên cây. Như Lai chỉ truyền dạy một ít. Tại sao? Này các tỳ kheo, tại sao Như Lai không truyền dạy tất cả? Này các tỳ kheo, là bởi vì có những điều quả thật vô ích, không thiết yếu để có đời sống thanh cao trong sạch, những điều không dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết bàn. Vì vậy, này các tỳ kheo, Như Lai không công bố những điều ấy. Và này các tỳ kheo, Như Lai công bố những gì?
Đây là đau khổ;
Đây là nguyên nhân sinh ra đau khổ;
Đây là sự chấm dứt đau khổ;
Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.
Đó là những điều mà Như Lai công bố. Và tại sao, này các tỳ kheo, Như Lai công bố những chân lý ấy? Bởi vì các chân lý ấy hữu ích, thiết yếu để có đời sống thanh cao, trong sạch, dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ, chấm dứt, an tịnh, thấu đạt trọn vẹn, giác ngộ, Niết bàn. Vì vậy, này các tỳ kheo, Như Lai công bố các chân lý ấy."
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng có một đoạn ghi rằng sau khi thành đạo, Đức Thích Ca khởi niệm suy nghĩ, xa lìa ái dục, được tĩnh tại đệ nhất và đạt quả vị Chính đẳng Chính giác, rồi Ngài an trụ trong thiền định, hàng phục và chế ngự mọi ma lực.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo lý Tứ Diệu Đế trong toàn bộ hệ thống kinh điển Phật giáo. Sở dĩ Tứ Diệu Đế là bài học đầu tiên mà Đức Thế Tôn đã giảng giải tại Vườn Lộc Uyển sau khi thành đạo vì chính đó là giáo lý cơ bản mà con người nói riêng hay chúng sinh nói chung cần phải biết trước hết, trước mọi giáo lý khác vô cùng rộng lớn của Đức Phật. Cũng vì Đức Phật thấy rằng ở mọi chúng sinh đều có cái nhân Phật tính, và nếu biết tu tập một cách đúng đắn, đúng chính pháp thì đều có thể thành Phật.
Đức Phật đã nói “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (Tất cả chúng sinh đều có tính Phật) và với lòng từ bi vô lượng muốn cho chúng sinh được lợi lạc trong cuộc sống mà người đã thuyết giảng giáo lý này đầu tiên. Thực chất Tứ Diệu Đế là một phương pháp đủ cả hai "lý thuyết và thực hành", đưa hành giả tới giác ngộ giải thoát. Tứ Diệu Đế đòi hỏi có sự tu tập thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Giáo lý Tứ Diệu Đế còn được gọi là giáo lý Nguyên thủy. Như vậy ta thấy rõ ràng giáo lý Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản của đạo Phật không phải chỉ riêng đối với Tiểu thừa mà chung cho cả Đại thừa, không phải chỉ với một tông phái nào mà tất cả các tông phái Phật giáo hiện nay từ Nam tông đến Bắc tông, từ phương Đông sang phương Tây, cả thiền tông, tịnh độ tông hay mật tông đều tu hành theo giáo lý đó. Người tu hành xuất gia hay tại gia đều không thể bỏ qua giáo lý Tứ Diệu Đế được, bởi vì pháp môn này đặt ra đầu tiên trước mọi chúng sinh vấn đề cấp bách mà mọi chúng sinh quan tâm, đó là nỗi khổ và niềm khát khao được thoát mọi nỗi khổ ở đời. Giáo lý này giúp người tu hành từ từ tiến từng bước trên đường học đạo và tuy không đưa thẳng người tu hành đến quả vị Phật ngay, nhưng nếu tu hành một cách tinh tấn và quyết tâm cao, có thể đưa hành giả đến quả vị A La Hán, rồi từ quả vị A La Hán, hành giả tiến thêm lên một bước với các pháp môn khác cùa giáo lý Đại thừa sẽ tiến lên đến quả vị Phật. Một điểm đáng chú ý nữa là với giáo lý Tứ Diệu Đế, đây là một pháp môn phổ thông, phù hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ của chúng sinh, chứ không như một số pháp môn khác cần phải có trình độ học thức cao mới theo được. Vì vậy, ngày nay Tứ Diệu Đế là giáo lý được coi trọng phổ biến nhiều nhất trên thế giới. Các Phật tử Âu Mỹ hầu hết đều tu theo pháp môn này và những cuốn sách nghiên cứu về đạo Phật, của những nhà Phật học tây phương đều nói nhiều nhất về Tứ Diệu Ðế. V. Nội dung cơ bản của Tứ Diệu Đế:
Nội dung cơ bản của Tứ Diệu Đế bao gồm bốn phần: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế.
1.- Khổ đế:
Khổ đế là sự thật rõ ràng, là chân lý chắc chắn cho thấy tất cả nỗi khổ đau của mọi chúng sinh trên trần thế này đều phải gánh chịu, như sinh sống là có khổ, đau ốm là khổ, già nua là khổ, chết là khổ v.v…Những nỗi khổ ấy tràn ngập trên thế gian, trong cuộc sống của con người, của chúng sinh, làm cho chúng sinh chìm ngập trong nỗi khổ mênh mông như biển cả. Vì vậy đức Phật thường ví cuộc đời là một biển khổ mênh mông.
2. Tập đế:
Tập đế là chân lý chỉ rõ nguyên nhân nguồn gốc của thực trạng đau khổ ở trần gian. Tập có nghĩa là nhóm lại, gộp lại. Vì vậy tập đế còn có nghĩa là tập hợp những lý do vì đâu có những nỗi khổ ấy? Con người và chúng sinh nói chung thấy khổ, biết khổ trong cuộc sống của mình, nhưng thực ra không biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nỗi khổ của mình. Đức Phật đã chỉ rõ: do vô minh che lấp nên người đời không nhận ra thực tướng của vạn vật mà cứ tham đắm chạy theo cái hư ảo nên tạo ra nghiệp. Đó là nguyên nhân của đau khổ.
3. Diệt đế:
Diệt đế là chân lý thực sự nói về về cảnh giới tốt đẹp mà chúng sinh đạt được khi đã diệt trừ những nỗi khổ cùng những nguyên nhân gây ra đau khổ và được giải thoát. Đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt tức là tịch diệt, nghĩa là không còn khổ lụy sinh tử luân hồi nữa. Khi đó liền chứng đắc được cảnh giới Niết bàn (Hữu dư Niết bàn). Khi xả bỏ huyễn thân, thân tứ đại không còn (chết, tịch, tịch diệt nay nhập Niết bàn), khi đó gọi là Vô dư Niết bàn. Diệt đế còn được gọi là Niết bàn.
4. Đạo đế:
Đạo đế là con đường, là phương pháp hữu hiệu để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý đưa đến cảnh giới Niết bàn. Hay nói khác đi, đó là những phương pháp đúng đắn đưa ta đến con đường diệt mọi đau khổ và để được an lạc. Trong phần nói về Đạo đế, Đức Phật đã vạch ra con đường để mọi chúng sinh có thể đi theo để thoát khỏi những nỗi thống khổ và đến nơi an vui tự tại.
VI. Kết cấu bố cục tài tình của Tứ Diệu Đế:
Giáo lý Tứ Diệu Đế được Đức Phật trình bày một cách khác thường với những điều thường gặp trong khi nói về một vấn đề nào đó. Thông thường khi nói về bất cứ một vấn đề gì, người ta thường nêu cái nhân trước vì cái nhân là nguồn gốc sinh ra cái quả.
Bất cứ một sự vật nào cũng đều do nhân sinh ra quả, có nhân rồi mới có quả. Nhưng ở trong giáo lý Tứ Diệu Đế này, Đức Phật đã trình bày một cách ngược lại, nhưng đó lại là một điều kỳ diệu về phương pháp trình bày để người nghe, người đọc dễ dàng nhận thức, dễ dàng giác ngộ. Ngài nói cái quả trước rồi mới nói đến cái nhân, nói cái khổ trước (Khổ đế) rồi mới nói đến nguyên nhân gây ra đau khổ (Tập đế); nói cái cảnh vui thú an lạc sau khi đã diệt được khổ (Diệt đế) rồi mới nói đến con đường đạo dẫn đến diệt khổ tức cảnh Niết bàn đó (Đạo đế). Điều đó làm cho ngày nay, các nhà nghiên cứu Phật học ở phương Tây mỗi khi nói về Tứ Diệu Đế, thường ca ngợi cái bố cục, cái kết cấu kiến trúc của pháp môn này, ngoài việc tán thán cái nghĩa lý sâu xa, cái giá trị vi diệu của nội dung Tứ Diệu Đế . Trong Tứ Diệu Đế, thoạt tiên Đức Phật vạch cho chúng ta thấy mọi chúng sinh trên cõi đời đều phải chịu cái cảnh đau khổ triền miên bày ra trước mắt chúng ta (Khổ đế). Những cảnh khổ đau đó ai ai cũng đều có từ khi lọt lòng mẹ đến khi kết thúc sự sống.
Cái khổ đó nó ở trong ngay con người chúng ta, bởi vì ai là người mà trong cuộc đời không một lần bệnh tật, ốm đau, ai là người không một lần vấp phải những trở ngại trong cuộc sống làm cho đau khổ. Ai là người không yêu, không ghét, không có người thân hay kẻ thù; ai là người thoát khỏi cái chết cứ tự nhiên sẽ đến làm cho sợ hãi, lo lắng, buồn khổ. Đó là một chân lý không thể nào khác được và không ai là không nhận thấy. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người. Tiếp đó Đức Phật mới nói đến cái nguồn gốc, cái nguyên nhân gây ra những nỗi khổ ấy (Tập đế). Như vậy từ một thực tại có đau khổ, Ngài mới chỉ ra cái lý do gây ra đau khổ. Mà cái lý do đó không phải ai cũng có thể biết ngay khi mình bị đau khổ. Cái nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ vô minh, cái vô minh đó ở ngay trong bản thân mỗi con người tự gây ra mà thôi. Đó là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Những cái đó nó bám ta trong suốt cuộc đời.
Sang đến phần thứ ba, đức Phật nói về những cảnh vui thú, an lạc sau khi đã diệt hết đau khổ (Diệt đế). Cảnh giới đó không có gì là viển vông. Một khi con người đoạn được mọi phiền não khổ đau và tâm trở thành thanh tịnh thì sẽ chứng được Niết bàn . Vì vậy khi đã diệt hết nỗi khổ thì đó là con đường đưa đến giải thoát giác ngộ và chính thật là Niết Bàn ở trong trần thế vậy. Do đó mà nhà Phật thường nói quê hương của Niết Bàn là trần thế.
Đến phần cuối cùng, đức Phật hướng dẫn muốn thực hiện được cái vui, cảnh giới Niết bàn thì phải đi theo con đường tu hành (Đạo đế). Ở đây chúng ta thấy Đức Phật trình bày cảnh giới giải thoát trước, rồi mới chỉ ra phương pháp tu hành. Ðó là một phương pháp trình bày rất khôn khéo, đúng tâm lý. Bởi vì trước khi hướng dẫn người khác đi theo con đường nào, đến đâu thì phải nêu mục đích đến như thế nào để người ta suy xét, lựa chọn. Một khi người ta nhận thấy mục đích ấy cao quý, đẹp đẽ, người ta mới hăng hái, nỗ lực không quản khó nhọc, để thực hiện cho bằng được cái mục đích cao quý, đẹp đẽ ấy.
Trong phần Đạo đế, Đức Phật đã trình bày rõ con đường đi đến diệt khổ, đến Niết bàn là phải thực hiện ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà căn bản là Bát chính đạo. Giáo lý Tứ Diệu Đế là một giáo lý căn bản của đạo Phật, là nguyên lý hành đạo có tính thực nghiệm cao. Giáo lý này nói về bốn sự thật cao thượng được trình bày căn cứ trên luật nhân quả. Và trong Tứ Diệu Đế ta thấy có hai cặp nhân quả sau:
Cặp nhân quả thứ nhất bao gồm:
- Quả trước: Đó là sự có mặt của nỗi khổ trên đời (Khổ đế)
- Nhân sau: Nói về những nguyên nhân gây ra đau khổ (Tập đế)
Cặp nhân quả thứ hai bao gồm:
- Quả trước: Nói về niềm an lạc vui sướng khi đã diệt khổ (Diệt đế)
- Nhân sau: Nói về con đường hay phương pháp đưa tới niềm an lạc vui sướng (Đạo đế)
Như vậy, về phương pháp trình bày bố cục của Tứ Diệu Đế là đảo lộn: nói phần quả trước rồi mới nói đến nhân. Điều này rất tác dụng cho chúng sinh nhận biết nhanh chóng.
Vì thế ngay trong lần thuyết pháp đầu tiên trước năm anh em Kiều Trần Như thì tất cả các đệ tử đầu tiên đã giác ngộ ngay, phá bỏ hết thành kiến mê lầm, xuất hiện trí tuệ siêu việt và các vị này đều chứng được quả vị A La hán. VII. Về việc hành trì giáo lý Tứ Diệu Đế
1. Tứ Diệu Đế đối với người học Phật:
Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản của đạo Phật. Có một số quan điểm cho rằng giáo lý Tứ Diệu Đế là của Tiểu Thừa. Điều đó không đúng, giáo lý Tứ Diệu Đế là của chung cho cả Tiểu Thừa, Đại Thừa và cho tất cả các pháp môn khác. Vì vậy bất cứ hành giả hoặc Phật tử nào muốn con đường tu hành của mình có kết quả chắc chắn thì không thể không học Tứ Diệu Đế, bởi vì pháp môn này là giáo lý căn bản ban đầu của người học Phật, dù kết quả của nó có chậm nhưng rất chắc.
Pháp môn này không đưa hành giả và Phật tử đến thẳng quả vị Phật ngay, nhưng nếu với một quyết tâm tu hành tinh tấn, pháp môn này có thể đưa người tu hành đến quả vị A La Hán. Và từ quả vị A La Hán, hành giả sẽ tiến lên đến quả vị Phật, nếu quyết tâm thực hành các pháp môn khác của Đại Thừa. Một điều quan trong nữa là với pháp môn Tứ Diệu Đế, bất cứ với một căn cơ nào hoặc trình độ nào, người tu hành cũng có thể theo pháp môn này được, chứ không cần phải có một trình độ học thức cao mới có thể thực hành được.
Tứ Diệu Đế là một pháp môn cho mọi giáo phái của Phật giáo dù Đại thừa hay Tiểu thừa, dù Nam tông hay Bắc tông, dù Tịnh độ, Thiền tông hay Mật giáo. Vì thế ngày nay giáo lý Tứ Diệu Đế được phổ biến nhất trên thế giới, cho nên các nhà nghiên cứu Phật học kể cả các nhà tu hành đều đề cao vị trí quan trọng của Tứ Diệu Đế. 2. Việc hành trì giáo lý Tứ Diệu Đế.
Chính do địa vị quan trọng của giáo lý Tứ Diệu Đế, giáo lý căn bản và đầu tiên của đạo Phật trong Kinh Chuyển Pháp luân, nên các nhà tu hành và các Phật tử đều cần phải biết cách hành trì giáo lý này. Như trên đã nói người Phật tử (kể cả xuất gia và tại gia) không thể không biết đến giáo lý Tứ Diệu Đế. Có thể nói không hiểu Tứ Diệu Đế tức là không hiểu biết gì về giáo lý của đạo Phật cả.
Mọi con người, ai cũng có nỗi khổ và ai cũng biết ở trên đời này là khổ. Đức Phật đã từng nói : “Cuộc đời là biển khổ”. Và cũng có nhà hiền giả nói rằng : “Đời là đau khổ, ai không chịu đựng được đau khổ thì đừng làm người”. Nỗi khổ trên đời là một sự thật, một chân lý.
Song ta phải thấy không phải mọi người đều hiểu nỗi khổ trên đời như nhau. Là người học Phật, nhà tu hành cũng như Phật tử muốn hiểu sâu sắc về nỗi khổ trên đời, không gì hơn là hãy lắng nghe và tìm hiểu những gì Đức Phật nói trong Khổ đế, bởi vì chỉ có trong Khổ đế của Tứ Diệu Đế mới nói một cách rõ ràng và đầy đủ về mọi nỗi khổ ở trên đời. Do thấy được mọi nỗi khổ thực chất hành hạ mình, thì ta mới cần tìm hiểu vì đâu lại có những nỗi khổ đó, đâu là nguyên nhân sâu xa của các nỗi khổ. Và nếu có thấy được nguồn gốc của nó, ta mới có thể tìm cách để diệt trừ nó tận gốc.
Chính vì vậy mà trong Tập đế, Đức Phật đã nói một cách rõ ràng, đầy đủ và chính xác những nguyên nhân, nguồn gốc gây ra các nỗi khổ cho con người. Song, người Phật tử khi thấy được mọi nỗi khổ trên đời và nguồn gốc gây ra những nỗi khổ đó không phải để bi quan với cuộc sống, để chán nản, buồn rầu, rên siết như một số quan điểm cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế. Những người cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế bởi vì họ chưa tìm hiểu cái giá trị của các phần sau nói về Diệt đế và Đạo đế trong Tứ Diệu Đế. Người phật tử khi đã học tập Tứ Diệu Đế thì phương pháp hành trì không như thế. Bởi vì người Phật tử khi đã thấy đau khổ gây cho cuộc đời con người thì cách tốt nhất là phải tìm cách diệt trừ đau khổ, và khi nỗi khổ đã bị diệt thì niềm vui sẽ hiện ra, an lạc và hạnh phúc sẽ đến với họ. Điều đó chỉ thực sự có được khi thực hiện những lời dạy của Đức Phật đã nói trong phần Diệt đế và Đạo đế.
Trong phần Diệt đế, Đức Phật đã phân tích và nói rõ sau khi đã diệt được hết nỗi khổ thì cảnh tượng hiện ra là con đường đi đến thanh tịnh, an vui, hạnh phúc. Diệt đế là sự chấm dứt khổ đau, chấm hết mọi vọng tưởng, điên đảo đưa đến an lạc, giải thoát. Do đó Diệt đế là chân lý của sự diệt tận, diệt tận mọi vọng tưởng điên đảo, cái vô minh, cái tham lam, cái sân si v.v…Vì vậy Diệt đế tức là giải thoát, là giác ngộ, là Niết bàn.
Trong phần thứ tư, Đức Phật đã trình bày phần Đạo đế tức là con đường đi đến giải thoát, giác ngộ, Niết bàn. Một khi đã nhận thức được Diệt đế là chân lý của sự diệt tận mọi khổ đau thì phải có phương pháp hay nói khác đi là phải có con đường dẫn dắt ta đến đó. Vì vậy trong Đạo đế, Đức Phật đã vạch ra con đường đó gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà cái cốt lõi trong ba mười bảy phẩm đó là Bát chính đạo.
Giáo lý Tứ Diệu Đế là một giáo lý thực tiễn, một giáo lý rất đặc biệt trong Phật giáo. Giáo lý này không phải học để mà tin mà là để ứng dụng, để hành trì trong con đường tu đạo, để chuyển hóa con người. Do đó, việc hành trì giáo lý Tứ Diệu Đế của các Phật tử là phải học một cách thấu đáo Đạo đế. Đó là phương tiện để đưa ta đến Niết bàn, giải thoát và giác ngộ. Đạo đế là phương pháp đưa ta từ cõi u minh đen tối để đi dần đến quả vị A La Hán, và đó là bước đầu đưa ta đến giác ngộ hoàn toàn một khi quyết tâm thực hành các phương pháp tu tập cao hơn để đạt quả vị Bồ tát và Chính đẳng, Chính giác.
Bây giờ ta bắt đầu đi sâu vào nội dung của các phần nói trong Tứ Diệu Đế.
Còn nữa... Phạm Đình Nhân
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |