Chi tiết tin tức

Ngọn Đèn Không Tắt

19:50:00 - 31/07/2014
(PGNĐ) -  Người làng Thượng ai cũng thương tâm cho cái chết của cụ già mù, tên cụ là cụ Tứ, cụ hưởng thọ 70 tuổi. Kể từ ngày Liễu, con gái cụ bỏ đi, cụ phải sống lủi thủi một mình trong ngôi nhà tồi tàn, dột nát, mà nói đúng hơn là một túp lều tranh vách đất, mái lợp bằng lá cọ. Mà chẳng hiểu tại sao, đêm nào cụ cũng thắp một ngọn đèn dầu leo lét cho đến sáng.

Chính quyền địa phương đã dăm lần, bẩy lượt vận động xây cho cụ một ngôi nhà tình nghĩa nhưng cụ nhất định không nghe, cụ nói cụ sống ở đây quen rồi, và dường như trong lòng cụ vẫn đang ngóng chờ một điều gì đó. Vì vậy mà bà con lối xóm vẫn thường qua lại thăm nom cụ. Hàng năm, cứ vào dịp tết đến, xuân về, bà con lại tụ họp để sửa sang lại ngôi nhà của cụ cho thật “khang trang”. Cảm động trước tấm lòng của tình làng nghĩa xóm, cụ rớt nước mắt, nói chẳng lên lời.

 


          Chồng của cụ Tứ là cụ Cường. Cụ Cường thời trai tráng rất khoẻ mạnh, vạm vỡ, có nét đẹp mê hồn làm say lòng bao thôn nữ, nhưng cụ Cường là người theo chủ nghĩa vô thần, cụ không tin bất cứ 1 chuyện gì thần bí. Năm 40 tuổi, cụ Cường là một cửu vạn khai thác vàng trên vùng biên giới, trong một chuyến đi khai thác tại bản Đồng Khương, cách quê cụ đến vài trăm cây số, tình cờ cụ phát hiện một tảng đá rất đẹp, giống hình thù đầu tượng Phật, anh em trong nhóm khuyên cụ mang về chùa để thờ, nhưng cụ không nghe. Do cụ tôn thờ chủ nghĩa vô thần, nên cụ đã dùng búa để phá vỡ tảng đá đó, lạ kỳ thay bên trong có 1 viên ngọc màu xanh óng ánh, nhỏ hơn ngón tay cái người trưởng thành một chút, cụ vui mừng mang về chế tác thành chiếc nhẫn đeo tay rất đẹp.


          Cũng sau chuyến đi ấy, không biết trùng hợp hay có nét huyền bí, cụ ốm 1 trận thập tử nhất sinh, đầu đau như búa bổ, đúng được 7 ngày thì cụ qua đời, khi đó con gái cụ (cô Liễu) cũng vừa tròn 5 tuổi.


          Chồng chết, cụ Tứ đau khổ, buồn rầu, một mình côi cút nuôi con, gia cảnh thì túng thiếu. Nhưng cụ rất mực thương con và luôn cố gắng hết sức để nuôi dạy con thành người.


          Thiếu vắng tình thương của cha, cô Liễu luôn cảm thấy mặc cảm trước bạn bè, cô thường tủi nhục, đau khổ trước những lời chế giễu tàn nhẫn của bạn bè cùng trang lứa “cái đồ không cha”.


          Sự hụt hẫng đúng giai đoạn quan trọng nhất phát triển nhân cách con người. Cô bỗng dưng trở nên lầm lì, ít nói, nhưng mỗi lần phẫn uất cô rất cục cằn, thậm chí có nhiều lần cô đánh nhau với các bạn, mặt mũi, chân tay chảy máu đầm đìa. Nhìn cô, cụ Tứ thương lắm chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc, cụ khóc cho một mảnh đời bất hạnh, khóc cho chính sự vô dụng của mình.


          Ngày ngày, cụ Tứ hai chuyến chợ phiên, một gánh rau xanh, dăm mớ hành và vài ký cà chua, thu nhập cũng vừa đủ cho bữa cơm đạm bạc và lo cho cô Liễu ăn học. Cụ Tứ vì thương con nên không bao giờ trách mắng hay đánh đập, vì vậy được nước cô Liễu càng ỷ lại, thậm chí có nhiều lần còn nói hỗn láo với cụ Tứ.
Thay vì chơi với bạn hiền, cô Liễu bắt đầu giao du với những thành phần cá biệt, nhất là với những cậu con trai lớn tuổi hơn, thường xuyên đàn đúm, tụ tập. Cô bỏ bê việc học hành, trốn học để đi chơi.

 


          Khuyên bảo con nhiều lần không được, cụ Tứ buồn lắm, nhiều lần cụ lên tận Ban giám hiệu nhà trường để nhận lỗi và xin cho con được tiếp tục đi học.
Một buổi tối nọ, cụ Tứ vô tình phát hiện những dấu hiệu bất thường của cô Liễu, thấy cô tự dưng hay ăn vặt, không đúng bữa, mắt thì trắng ra, lúc nào cũng uể oải, khó chịu, lại có triệu chứng nôn khan. Linh cảm mách bảo, cụ Tứ đã lờ mờ nhận ra điều tồi tệ gì đã xảy ra. Cụ Tứ gặng hỏi cô về những mối quan hệ đặc biệt, nhưng cô nhất định không nói. Cụ buồn rầu khóc than mấy đêm liền vì ngẫm mình bạc phận, cụ thường tự trách mình ăn ở vô phúc.


          Và chuyện gì đến đã đến, cô Liễu bụng chửa trông thấy khi mới tròn 15 tuổi, lúc ấy dường như cô Liễu đã hiểu được nội tình sự việc, cô lẳng lặng mua thuốc phá thai của thầy lang làng bên thì vô tình bị cụ Tứ phát hiện. Cụ Tứ nhất định không cho Liễu làm việc thất đức ấy, nhưng cụ chỉ ngăn được lúc ấy thôi, còn một khi Liễu đã quyết thì sao cụ ngăn cản được.

 
          Mấy ngày sau, khi cụ Tứ phát hiện ra cái bụng của Liễu đã không còn nữa, cụ gào thét và mắng chửi cô. Lần đầu tiên trong đời cụ Tứ mắng chửi con gái của mình, nhưng thực sự đã quá muộn rồi.


          Trước sự hư hỏng của cô cón gái, cụ Tứ cảm thấy như một lần nữa mất đi người thân yêu, hàng ngày cụ đều quỳ trước bàn thờ tổ tiên mà sám hối, mong cho con gái không đi lạc đường nữa.


          Nhưng chứng nào tật nấy, một năm sau Liễu lại bụng chửa tướng, lần này thầy lang nói không phá thai được, cô ta vẫn tự mua thuốc về để hòng phá thai, có lẽ cô ta “điếc không sợ súng” vì nghĩ chuyện đó rất đỗi bình thường. Nhưng lần này cô vẫn bị phát giác, cụ Tứ như đứt từng khúc ruột vì một đứa con hư. Cụ phải quỳ xuống mà van xin cô Liễu đừng làm chuyện thất đức ấy. Dường như nhận ra sự nguy hiểm, cô Liễu quyết định không phá thai nữa mà chờ đến ngày sinh nở.
Nhưng cô nghe ở đâu đó có loại thuốc hay lắm, kích thích sinh non, và cô âm thầm quyết định việc ấy.


          Tháng thứ 6 rồi, mà cô quyết không để yên, cô mua thuốc để giải quyết. Và rồi chuyện gì xảy ra chắc ai cũng biết, thuốc kích thích sinh non chính là loại thuốc giết chết thai nhi trước khi kích thích đẻ. Đứa trẻ đã chết một cách vô tội và thương tâm, khi cụ Tứ đi chợ về thì đã quá muộn.


          Cụ Tứ như người điên dại, cụ la hét, mắng chửi và tát vào mặt đứa con hư, cụ đau khổ tột cùng khi chuyện thất đức ấy lại xảy ra đúng gia đình mình.
Cụ vừa khóc vừa nói:

- Mày không phải là con tao, mày là đồ cầm thú, sao mày lại có thể độc ác thế chứ! Mày mà còn chơi với đám bạn hư hỏng thế thì có ngày tai hoạ đấy!
Cô Liễu cũng không vừa:

          - Việc của tôi, tôi lo, không việc gì đến bà.


          Cụ Tứ lại đón nhận một nhát dao xuyên thấu tim bởi lời nói hỗn láo của đứa con hư.

- Mày cút đi, đừng gọi tao là mẹ nữa, tao không có đứa con như mày, cụ Tứ vừa nói vừa nấc lên từng hồi.

          Một thái độ ngang ngược, kèm theo lời nói bất hiếu lại thốt lên từ miệng của Liễu:
- Bà không phải đuổi, tôi cũng chán sống với bà lắm rồi, suốt ngày chỉ biết lải nhải.
Cụ nóng giận cụ nói vậy thôi, chứ cụ đâu dám đuổi Liễu, ai ngờ rằng sáng sớm hôm sau cô đi thật, bỏ lại bà mẹ già bên túp lều tranh rách nát.
Cụ Tứ bần thần, ánh mắt điên đảo như người mắc bệnh hoang tưởng, cụ không nghĩ rằng một sự bất hạnh nữa lại đến với mình.


          Từ ngày con gái bỏ đi, cụ mất ăn mất ngủ, đêm nào cụ cũng tựa cửa trông đợi con về, thế mà vẫn bặt vô âm tín. Cụ mắng chửi con vậy thôi, nhưng trong lòng cụ thương con lắm, cụ thương vì con gái mình không có cha, lại sinh vào một gia đình nghèo khó, do nhất thời bồng bột, chơi với đám bạn hư hỏng nên mới như vậy, cụ không còn trách con nữa mà ngược lại cụ cảm thấy thương con nhiều hơn. Mười năm bên chiếc đèn dầu leo lét cụ vẫn đợi con về, cụ chẳng dám đi đâu vì cụ chỉ sợ rằng khi nghĩ lại, con gái sẽ quay về mà không gặp được cụ. Cụ khóc vì thương nhớ con, những dòng nước mắt đã trở nên khô cạn, cụ khóc nhiều đến nỗi đôi mắt cụ không còn nhìn thấy gì nữa. Cụ đã mù hẳn, nhưng không hiểu sao đêm nào cụ cũng thắp ngọn đèn dầu ấy.

          Từ ngày cụ Tứ bị mù, thấy cụ cô đơn, người hàng xóm thương tình biếu cụ 1 con chó con để cho đỡ buồn, cụ đặt tên nó là Vện. Từ ngày có con chó, cụ Tứ bớt cô quạnh hẳn, cụ thấy cuộc đời vẫn còn ý nghĩa, và có lẽ cũng nhờ có nó mà nghị lực sống của cụ vươn lên.

          Con chó ngoan lắm, cụ bảo gì nó nghe đấy, bảo nó nằm thì nó nằm, bảo nó ăn thì nó ăn, thấy người lạ thì nó xồ ra, nhe cái nanh ai cũng sợ.

          Thế mà thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua từ ngày cụ Tứ nuôi con chó ấy, giờ đây nó to lắm, nó cũng già rồi, nhưng đôi chân nó vẫn mập mạp, tai nó lúc nào cũng vểnh lên để nghe ngóng, mồm há ra, thè cái lưỡi rồi thở hồng hộc, nhưng nó rất ngoan, lại còn khôn nữa. Cụ Tứ cứ đi đâu là nó dẫn lối đi trước, lúc cụ loạng choạng ngã, nó liền nằm xuống để đỡ cho cụ, ăn gì cụ cũng cho nó. Lúc đi ngủ nó cũng nằm bên cạnh cụ.

          Đúng là một con chó khôn, nó bỗng dưng trở thành một người bạn thâm tình của cụ từ bao giờ mà cụ cũng không biết nữa. Vắng nó cụ buồn lắm, nhiều hôm con Vện đi chơi xa, cụ lo lắm, cụ cứ ra ngóng vào trông, chẳng khác gì một người mẹ đang chờ mong con về. Mà lạ thay, con Vện như biết lỗi, mỗi lúc nó mải chơi, khi về nó xà vào lòng của cụ như nũng nịu.

          Nhiều đêm cụ khóc nhớ con, nó cũng nằm úp mặt trên đôi tay của cụ, dường như nó cũng khóc thì phải vì cụ thấy ướt bàn tay. Những đêm mưa to, gió lớn, nó không ngủ mà nó đứng chắn trước ngọn đèn dầu hình như cố tình che không để cho ngọn đèn dầu bị tắt.

          Tuổi già như ngọn đèn trước gió, một cơn bạo bệnh đến với cụ chắc có lẽ không thể chống đỡ nổi nữa. Cụ nằm liệt giường cả tuần lễ, bà con lối xóm ai cũng đến chăm sóc cụ nhưng cụ vẫn mê man bất tỉnh, không còn nhận ra ai nữa. Con Vện già cũng buồn dầu túc trực bên chủ, nó không rời cụ nửa bước, ai cho gì nó cũng không ăn. Thấy cụ Tứ thoi thóp thở, hình như nước mắt nó cũng đang chảy thì phải, sao lại có con chó khôn đến như vậy, nó lại còn tình cảm nữa, chẳng bù cho con người, có người còn bỏ mặc mẹ mình như cô Liễu.

          Đêm hôm ấy, có lẽ là cái đêm cuối cùng cụ Tứ được sống ở trần gian, cụ có một giấc mơ kỳ lạ, trước mắt cụ là một cung điện rộng lớn nhưng tăm tối, rùng rợn, những khuôn mặt dữ tợn, quái dị đằng đằng sát khí. Trên ngai của cung điện ấy, một người to lớn có đôi mắt to mở trợn trừng, hai hàng lông mày rựng ngược, khuôn mặt thì đen thui trông thật kinh sợ. Ở dưới công đường là một người con gái khoảng 16 tuổi đang cúi gằm mặt, đứng bên cạnh là hai người dị dạng, khuôn mặt như quỷ giữ, một người tay cầm thương, một người tay cầm đao, nhìn dáng vẻ của họ đã khiếp vía kinh hồn.

 


          Một giọng nói gầm như tiếng sấm phát ra từ phía người mặt đen hướng về cô gái:

          - Ngươi ngẩng mặt lên cho ta

          Cụ Tứ giật bắn mình vì nhận ra đó chính là Liễu, con gái của cụ

          Người mặt đen tiếp tục:

          - Ngươi phạm tội gì?

          Cô gái đôi mắt long lanh, ầng ậc những giọt nước trả lời the thé:

          - Dạ! Tôi… tôi bị chết oan ạ

          Người mặt đen quát:

          - Ngươi hãy kể ta nghe toàn bộ sự việc!

          Cô gái bật khóc, những tiếng khóc nức nở mà bà cụ Tứ chưa bao giờ được nghe những tiếng ấy, vừa khóc cô gái vừa nói:

          - Tôi bị người ta hãm hiếp và giết hại!

          - Ngươi hãy nói tiếp, người mặt đen hỏi

          Cô gái như lấy lại bình tĩnh kể lại rõ ràng mọi chuyện:

          - Tôi xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo, chính vì lầm đường lỡ bước mà tôi đã bỏ mặc mẹ già ra đi. Tôi tưởng rằng mình sẽ có một cuộc sống tự do, thoải mái, có ngờ đâu nghe lời dụ dỗ của đám bạn xấu tôi đã 2 lần phá thai, tự tay giết chết đứa con ruột thịt của mình. Tôi còn bị chúng lừa bán cho bọn xã hội đen, chúng đã bắt nhốt tôi và ép trở thành gái mại dâm.

          Những ngày đau khổ, cùng cực ở chốn địa ngục ấy, tôi đã gặp bao cảnh trái ngang giống tôi, và những hoàn cảnh ấy đã cho tôi hiểu thêm về cuộc đời này. Tôi đã hiểu được mình đang đi lầm đường, mình bất hiếu với mẹ, tôi muốn được quay về bên mẹ, xin mẹ tha thứ nhưng đã quá muộn rồi.

          Một lần chúng ép buộc tôi, tôi không thể chịu đựng được hơn nữa, tôi cự lại và bỏ trốn. Nhưng thật không ngờ chúng đã bắt lại được, và chúng thật dã man cưỡng hiếp và giết hại tôi.

          Người mặt đen liền nói:

          - Quỷ Dạ xoa! ngươi xem lại có đúng vậy không?

          Một con quỷ đầu to, hai mắt lòi ra đỏ rực, cái bụng to tướng như cái trống, cổ rất dài và bé tí, tay cầm một cái gương to như cái quạt, nó nhìn vào trong đó một lát, rồi tâu với người mặt đen:

          - Dạ thưa Diêm Vương, lời cô gái này nói là đúng sự thật.
Diêm vương quát:

          - Bay đâu, ném nó vào vạc dầu sôi cho ta.

          Cô gái thảm thiết kêu la, van xin Diêm Vương:

          - Ông ơi! Làm ơn cho tôi một lời cầu xin.

          Tiếng nói của Diêm Vương lại ù ù như sấm:

          - Ta cho ngươi nói!

          - Dạ thưa ông, tôi còn mẹ già không người chăm sóc, xin ông cho tôi được đầu thai làm thân trâu, thân chó cũng được để tôi được ở bên cạnh mẹ tôi.
Diêm Vương cũng mủi lòng trước lời khẩn cầu của cô gái, lại ôn tồn nói:

          - Được! Cảm động trước tấm lòng Đại hiếu của ngươi, ta chấp nhận lời thỉnh cầu, nhưng ngươi vẫn phải trải qua 1000 lần chịu đau đớn trong vạc dầu lửa mới cho đi đầu thai. Thương tình ngươi, ta cho ngươi được làm kiếp chó để được bên cạnh mẹ ngươi. Ngươi nhớ rõ phải bảo vệ mẹ nghe chưa!

          Cô gái xúc động cảm ơn sự gia ân của Diêm Vương, liền quỳ mọp xuống đất mà thưa:

          - Tôi không sợ nỗi đau thể xác, vạc dầu lửa tôi cũng cam lòng, tôi chỉ mong sao được một lần nữa ở bên cạnh mẹ.

          Công đường giải tán, cô gái bị 2 con quỷ Dạ xoa ném vào vạc dầu lửa đau đớn, kêu la thảm thiết. Bà cụ Tứ nhìn con thương cảm gào khóc liền ngất đi.
Đột nhiên cụ Tứ tỉnh lại, khi ấy cụ không còn thấy hình ảnh địa ngục man rợ nữa mà chỉ thấy bóng đêm kinh hoàng, cụ đã trở lại thực tại, cụ cảm nhận trên ngực cụ có cái gì âm ấm, đè nặng. Đó chính là con Vện mà thường ngày cụ vẫn âu yếm nó, cụ nhớ lại hình ảnh dưới địa ngục, cụ đã khóc trong hơi thở yếu ớt khi 20 năm qua cụ không nhận ra con gái mình. Từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má, lạ kỳ thay cụ cử động được hai cánh tay ôm con Vện vào lòng mà nức nở, con Vện dường như cũng cảm nhận được tình mẫu tử, nó lấy lưới liếm từng giọt nước mắt của cụ Tứ.
          Bên song cửa, một cơn gió nhẹ khẽ thổi làm cho ngọn đèn dầu vụt tắt, cụ Tứ và con Vện đã trút hơi thở cuối cùng. Nhưng hai luồng sáng rất lạ từ túp lều tranh bay vút lên bầu trời bao la, rộng lớn, giữa đêm khuya tĩnh mịch, vắng lặng, nhìn xa nó giống như ngọn đèn dầu mà hằng đêm cụ Tứ vẫn thắp.


Tác giả: Hiếu Nghĩa

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin