Chi tiết tin tức

Bơi qua sông

19:07:00 - 14/12/2015
(PGNĐ) -  Mười tuổi, thằng Cưng bị cha nó đem bỏ vào cái sọt tre nhấn xuống con sông gần nhà. Người trong xóm ùa ra đứng xem. Xôn xao. Ồn ào. Hai chàng thanh niên xông tới túm được cái sọt lôi khỏi mặt nước rồi xốc ngược thằng Cưng lên.
May, thằng Cưng uống chưa căng ruột. Lát sau nó đã mở được mắt kêu đói bụng. Cha nó lúc đó đã được người ta dắt vào nhà pha nước chanh cho uống. Vài tiếng xì xồ, trời, say rượu mà đem con ra nhấn sông, thiệt hết nói nổi.

Lần sau, vẫn là kịch bản cha đem con nhấn sông. Xóm làng bớt người ùa ra nữa. Mệt. Kệ nhà nó. Thằng con mà chết thì thằng cha đi tù mọt gông.

boi quasong.jpg

Lần thứ ba, thằng Cưng quẫy đành đạch dưới nước. Thấy đông người đứng trên bờ ngó nghiêng nhưng chả ai lao vào cứu, cha nó hét to: “Tui giết thằng này cho bà con coi. Nó không phải con ruột của tui”. Nói xong người cha vật ngã ra nước khóc. Thằng Cưng lật sọt lặn một hơi trồi lên bờ ngồi buồn. Người ta lại dìu cha nó về nhà pha nước chanh cho uống.

Xóm làng quở mồm cái nhà gì đâu oan nghiệt. Vợ mới chết năm ngoái trên sông này, giờ thằng cha đem con đi nhấn nước. Người xưa bảo chết nước có nòi. Khéo rồi thằng con cũng như mẹ nó.

Chuyện mẹ thằng Cưng chết trên sông hồi năm ngoái cũng dậy tiếng cả vùng. Nửa đêm mẹ nó lặng lẽ bơi đò một mình qua sông. Đò chìm. Mất nửa buổi sáng thợ lặn vớt được người xấu số lên. Cha thằng Cưng đinh ninh vợ mình cố tình bỏ đi theo trai, mà không phải theo trai, mẹ nó theo thằng bồ cũ trên thành phố. Sau đó có lần say, người cha đưa tay túm hai tai thằng Cưng dằn mặt ra nói: “Cái mặt mày rõ ràng là mặt của thằng cha trên thành phố. Mày không giống tao chút nào”.

Mới chỉ ba lần nhấn sông nhưng thằng Cưng có cảm giác “quen” nước. Nó không sợ nữa. Và nó cũng đã có một sự chuẩn bị. Mỗi khi thấy cha khật khờ say rượu về đầu ngõ là nó vào bếp nốc một ngụm nước mắm như kiểu thợ lặn trước khi xuống nước. Đến khi cha nhấn cái sọt xuống sông, thằng Cưng vẫn cứ lặng im. Cha lơi tay, nó lật sọt lặn tiếp một chặng thì nổi lên rồi tiếp tục bơi ngang qua sông. Và nó đã bơi được qua tận bờ bên kia. Sáng hôm sau cha nó hỏi: “Sông dài không con?”. Cưng đáp: “Cũng ngắn thôi”.

Sau chuyện thằng cu mười tuổi bơi vượt sông, dân làng bảo chắc cha nó hết dám thi gan với thằng con rồi. Quả đúng thật, cha con không đem nhau ra sông cho thiên hạ cười nữa. Cha nó cũng bỏ rượu, chú tâm làm lụng nuôi con.

*

Chuyện xảy ra hơn mười năm trước. Giờ thằng con đã ngoài hai chục tuổi, trổ mã chắc chắn, tay chân to khỏe. Nhiều lần người ta thách anh cu Cưng lặn thi, bơi thi, ai thua chịu một chầu rượu. Lần nào anh cu Cưng cũng được chiêu đãi rượu mồi miễn phí. Còn người cha không biết do máu xấu, hay do cực nhọc làm ăn mà tóc đã bạc nhiều. Hai cha con vẫn sống với nhau vui vẻ. Cứ như không có chuyện hồi trước.

Đời, bi kịch nào rồi cũng qua được. Sông rộng bao nhiêu cũng vượt qua được. Nhưng những mối bận tâm trong lòng thì xem ra khó nguôi ngoai. Như cái lần hai cha con Cưng ngồi ăn cơm tối và nghe thời sự. Đài đang nói chuyện dạo này tràn lan nạn bạo hành trẻ em. Kinh nhất là chuyện mẹ ruột dung túng cho tình nhân đánh đập con mình. Đến đó cha bỏ bát. Anh cu Cưng năn nỉ có cá ngon cha ăn thêm bát nữa, nhưng cha lắc đầu từ chối. Cưng nhẹ nhàng bảo: “Chuyện thiên hạ. Cha đừng nghĩ nhiều đau đầu”.

Hôm sau cha sang hàng xóm chơi, tâm sự với ông bạn chí cốt rằng nghe thế thì biết là thằng con mình nó còn nhớ chuyện hồi xưa ông ạ. Người hàng xóm bảo: “Nhưng nó là thằng có hiếu có tình. Ai bơi được qua sông cũng là kẻ dễ thứ tha”. Cha gật đầu vẻ tâm đắc câu này.

Buổi chiều anh cu Cưng đi làm về thấy cha nấu nướng xong xuôi, lại còn giặt phơi tất cả áo quần trong chậu. Trước tới nay hai việc này là của Cưng, phận làm con trong nhà không có đàn bà. Cưng nghèn nghẹn nuốt nước mắt. Cha con mà làm gì khách sáo quá. Mười năm nay anh đâu có giận cha. Nhiều lần ngồi nhớ lại bữa đám tang mẹ, cha uống say cứ chửi mẹ bỏ theo trai. Hay chuyện cha suýt nữa nhấn chết chìm mình… Cưng đều chỉ xem đó như những kỷ niệm buồn chứ không hề oán trách cha. Lại nghĩ, đó là tại rượu làm người ta hư, chứ thực chất cha rất tốt. Hoặc là cha giả vờ lấy cớ giận mẹ để đỡ đau hơn trước cái chết tức tưởi của mẹ mà thôi. 

*

Bác hàng xóm gọi Cưng sang bảo: “Dạo này thấy cha cháu hay buồn, thử hỏi xem ông có tâm sự gì không. Hình như là ông còn áy náy chuyện xưa. Chuyện xưa là chuyện gì, chắc cháu biết rồi. Thôi về nghĩ cách làm cho ông vui”.

Hôm sau Cưng gói áo quần lên phố, quyết tâm kiếm việc gì đó nhanh có tiền, chứ cứ ở nhà lặn sông đãi cát chỉ đủ ăn. Cưng tính chỉ đi chừng hai ba tháng, làm ngày làm đêm gì cũng được, cốt là dư ra chục triệu để đưa cha đi Sài Gòn làm cái xét nghiệm huyết thống. Nếu anh đúng là con ruột của cha, chắc cha sẽ vui lắm, mọi ngờ vực sẽ được xua tan. Nhưng nếu anh không phải con của cha thì sao? Thì cũng là dịp để chứng minh rằng cha đúng. Cha hận mẹ là đúng. Cha từng đem con bỏ sông là đúng. Sự thật đôi khi chả để làm gì mà chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thế nhưng người ta rất cần.

Lên phố năm ngày thì Cưng nhận được tin cha mất. Buổi trưa, cha một mình ra sông cởi áo lội xuống nước. Người ta ngỡ là ông chỉ muốn xuống tắm nên không để ý. Nào ngờ ông cố bơi qua sông. Đến được nửa dòng thì chìm. Bác hàng xóm kể lại cho Cưng rồi ngậm ngùi bảo hình như cha cháu cố bơi qua sông để chứng minh một điều gì đó.

Hoàng Công Danh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin