Chi tiết tin tức Cây nhang cong 17:16:00 - 18/12/2016
(PGNĐ) - Chú Vĩnh là thợ mộc. Thím Vĩnh bán tạp hóa. Buổi sáng, trước khi bày đồ nghề để làm mộc thì chú Vĩnh đi ra chợ phụ vợ dọn hàng. Trong khi chú Vĩnh dọn hàng thì thím tranh thủ qua mấy quầy gần đó mua rau mắm để lát nữa chú ăn sáng xong tiện tay cầm luôn, khi đứa con gái tan học về nhà thì có sẵn mà nấu bữa trưa.
Chú Vĩnh vui vẻ xởi lởi nên ai cũng thích được chú mở hàng. Dân chợ tin người có tính xởi lởi mở hàng thì cả ngày đó buôn may bán đắt. Bằng chứng là ngày nào chú Vĩnh ăn sáng bằng bánh mì thì hàng bánh mì bán không kịp nghỉ tay, ngày nào chú Vĩnh ăn bún riêu thì hàng bún riêu tấp nập khách cho tới khi cạn nồi... Cho nên sớm nào mấy hàng ăn sáng quanh đó cũng hay hóng nhìn về phía hàng tạp hóa, vừa thấy chú Vĩnh đi tới thì nhao nhao mời chào, có khi còn sinh chuyện giận nhau vì sao bà Cúc bán xôi nhanh miệng mở lời trước mà chú lại ăn bánh hỏi. Vậy mà sáng hôm đó chẳng ai buồn gọi tên chú Vĩnh. Người ta đợi chú bày hàng ra nhanh nhanh để họ mua hộp dầu gió. Trước tiên là bà bán bánh mì, bà quệt dầu day day thái dương và than thở “nhức đầu quá đi”. Bà Cúc bán xôi nói “Chóng mặt từ tối qua tới giờ”... Mới sáng sớm mà cả chục người hỏi mua dầu gió vì nhức đầu chóng mặt. Dân chợ đâu dễ bị bịnh, thường ngày mệt mỏi tới cỡ nào mà tới lúc dọn hàng ra thì đều lướt qua được hết. Chuyện lạ. Lo lắng hỏi han nhau một hồi coi chừng là bị ngộ độc tập thể. Kỳ vậy? Nhà ai nấy ở mỗi nhà ăn mỗi mâm khác nhau. Sao ngộ độc giống nhau được? Hỏi ra mới biết rằm tối qua nhà ai cũng thắp nhang hiệu Ngọc Lan. Mùi nhang thơm y hệt hoa ngọc lan, thắp cây nhang xong cứ muốn hít hà hoài. Mà mua nhang Ngọc Lan ở đâu? Ở hàng tạp hóa thím Vĩnh chứ còn đâu nữa. Từ trước tới nay bán loại nhang kia mà sao nay bán thứ nhang Ngọc Lan này? Thắp bàn thờ Phật. Ham lời bán hàng độc hại là tội lỗi lắm đó nghe. Nãy giờ cúi đầu lặng im chịu nghe mắng vốn, nghe nhắc tới Phật, thím Vĩnh hoảng hồn: - Tôi cũng chỉ mua đi bán lại thôi, đâu biết mùi thơm độc hại. - Nói vậy sao được - Bà Cúc cáu kỉnh - Mình kiếm đồng lời thì mình phải chịu. Rõ ràng là buộc tội người bán ham lời hại người. Mà biết chịu sao đây? Vợ chồng chú Vĩnh chịu nhức đầu chóng mặt thay cho cả chợ có được không? * Chú Vĩnh không muốn ra chợ phụ dọn hàng cho vợ nữa. Chú ngại. Ngại nhất là đụng mặt bà Cúc vì lời buộc tội nặng nề. Chú quen với ý nghĩ mình là người tốt tính mới được người ta vui vẻ gọi mời nhờ mở hàng mà nay thành ra tội phạm cùng vợ. Mặt mũi nào. Chú khó chịu ghê gớm. Ngày ngày cưa cưa bào bào, chiều nào chú Vĩnh cũng quét dọn mạt cưa dồn vô bao cho người ta đem về rây mạt mịn để làm nhang. Chú nảy ra ý nghĩ mình sẽ làm nhang thơm để đền cho mỗi người một bó. Biết nhang tự tay chú làm thì chắc bà con cũng vui lòng mà quên cái vụ ngộ độc kia đi. * Chú Vĩnh tưởng mình bỏ ra vài ngày là xong. Nhìn người ta làm nhang cũng dễ mà. Nào ngờ nghề cũng lắm công phu, tẩm trầm tẩm quế là bình thường thôi. Chú Vĩnh hết sức ngạc nhiên khi biết có loại nhang thảo dược làm từ cây cỏ, khói nhang thành bài thuốc lá xông. Chú mê loại nhang này liền, đúng là loại chú muốn có để đền cho bà con. Chú Vĩnh đi khắp xóm làng mua gom hương nhu, đinh lăng, ngải cứu, sả, gừng… Có những loại cây chỉ hợp với thời tiết vùng cao cách xa hàng trăm cây số như hương thảo, bạc hà... Chú chạy xe máy cả ngày trời đi tới tận nơi luôn. Gom được nguyên liệu đem về, chỉ riêng khâu phơi phóng đã đáng gọi là kỳ công vì có những loại hoa lá phải phơi trong bóng râm. Chú dẹp gọn đống gỗ ván dồn lại bên hông nhà để nhường cái sân rộng cho hoa lá cành. Khắp sân nhà chú đầy những cái mâm đựng thân cây, vỏ cây, lá, hoa, rễ, củ… Chú phải quây rào đan kín lại để bầy mèo con không vọc tới được. Khi trời kéo mây đen mà hai đứa con của chú đi học chưa về thì một mình chú chạy vắt giò lên cổ để bưng đống mâm vô nhà kịp trước khi mưa xuống. - Nhìn ông chăm mớ cây cỏ đó còn hơn đàn bà chăm con mọn - Bà hàng xóm có tiếng nhiều chuyện nói làm ra vẻ bâng quơ. Ai cũng tò mò chờ đợi mẻ nhang đầu tiên và thì thầm với nhau chắc chắn là hư sự vì chưa từng thấy nhang gì mà tùm lum lá lẩu rễ củ kiểu này, nhìn như sắp mở quầy bán thuốc nam thì đúng hơn. * Mẻ nhang đầu tiên thất bại thảm hại. Cây nhang phơi chưa khô đã cong queo và nứt nẻ, bột rớt lả tả… Tiếc công chồng hì hục bấy lâu, thím Vĩnh gom lại mớ bột lả tả đó đựng vô cái âu, rồi thím bắt chước như trong phim ngày xưa người ta đốt lò hương trầm. Chú Vĩnh hụt hẫng lắm. Cứ tưởng mình hết lòng cố gắng thì việc gì cũng thành, biết trước ê chề như vầy thì chú đã giấu biệt ở nhà sau, không cho ai nhìn thấy. Bây giờ biết ăn nói sao đây. Đã có mấy bà ở chợ cười cười hỏi han “Sắp được thắp nhang thơm thứ thiệt rồi hả?”. Vừa quê độ vừa nản lòng, chú Vĩnh làm ra vẻ không thèm chú ý tới vợ đang làm gì với mớ bột nhang lả tả. Nhưng khi âu bột bốc khói thì không thể không quay mặt lại nhìn. Làn khói trắng tỏa mùi thơm dễ chịu quá đi mất. Hít một hơi thật dài thật sâu mùi thơm thảo dược nồng ấm, cảm giác sảng khoái nhẹ nhàng lan tỏa khắp, chú Vĩnh bưng âu bột để trên bệ cửa sổ cho mùi thơm bay qua nhà bà hàng xóm nhiều chuyện... * Sau hai năm, nhang chú Vĩnh làm ra không kịp cột thành bó. Chú phải thuê thêm người làm mà vẫn không đủ hàng bán. Mẻ nào vừa phơi xong là đã có sẵn người đợi mua. Buồn cười, thường thì nhang bán thành bó cho nên cây cong cây thẳng gì cũng thành một bó, còn đây, chưa thành bó nên khách mua nhanh tay loại ra những cây nhang bị cong. Thím Vĩnh bực mình lắm nhưng chú Vĩnh ngăn vợ lại, đừng lỗi phải với khách hàng làm chi, thôi thì mấy cây nhang cong đó để nhà mình thắp cũng được. Cong hay thẳng thớm thì mùi thơm cũng là chính nó mà. - Chấp chi hình tướng - Chú Vĩnh nói. Thím Vĩnh nhìn chồng, hứ một tiếng. Từ trước tới giờ chú Vĩnh chỉ niệm A Di Đà Phật. Làm được nhang thơm đem lên chùa cúng dường mới chịu ngồi lại hết buổi, nói là để nghe Sư cô giảng kinh mà thật ra là vì muốn nghe mọi người tấm tắc khen mùi nhang thơm dễ thương quá. Già rồi mà như con nít. Nhưng cũng nhờ vậy mà được biết thêm kinh kệ, như là bài kinh hình tướng này. Chú Vĩnh cười hì hì: - Học kinh có lợi ghê nghe. Thấy chưa, ít ra là mình không mất công mỏi miệng nói qua nói lại với khách mua. Thím Vĩnh hứ thêm tiếng nữa: - Nói nghe hay lắm mà sao từ đó tới nay mỗi khi gặp bà Cúc vẫn cứ sượng sùng? Chú Vĩnh gãi đầu, ờ, cố làm ra nhang thơm thứ thiệt tặng bà con dân chợ mỗi người một bó như là đền bù cho lòng mình được nhẹ mà sao mỗi khi đụng mặt bà Cúc vẫn thấy nặng nề quá đi. Lời buộc tội làm chú xốn xang tới tận bây giờ vẫn chưa nguôi. * Mùa mưa tới, công việc làm nhang thảo dược cực gấp nhiều lần. Mưa dầm suốt ngày, thấy trời hửng chút nắng thì tiếc, bèn hò nhau bưng mâm lá lẩu ra sân, nhưng vừa mới đó thì mây đen đã ùn ùn, lại cuống cuồng bưng chạy ngược vô nhà. Sấy trên lò than thì sợ bay hết mùi thơm, chú Vĩnh phải mua mấy cái quạt. Hoa lá mỏng manh cứ bay tung lên, chú Vĩnh lại tốn tiền mua lưới về che chắn... Mùa mưa, hong khô được mấy bao nguyên liệu đáng gọi là kỳ công. Tận mắt thấy chú Vĩnh làm, hàng xóm công nhận loại nhang này đúng là của một đồng thì công một nén. Nhắm chừng lũ sắp về, cùng với gạo mắm mền chiếu, chú Vĩnh khiêng luôn mấy bao nguyên liệu quý giá đem lên gác sát mái nhà chuẩn bị cho việc né lũ. Đêm đó lũ về bất ngờ. Nửa đêm bỗng nghe hò hét náo loạn bên ngoài, là những gia đình ở vùng trũng lai dắt trâu bò heo gà chạy rần rật về vùng cao hơn. Thềm nhà chú Vĩnh cũng đã xâm xấp nước. Trước tiên là chú Vĩnh bưng bàn thờ Phật lên gác, rồi chú thúc hai đứa con đang dụi mắt ngái ngủ leo lên mau, tới con chó với con mèo, thím Vĩnh leo lên sau cùng. Nhìn vợ con và chó mèo đã yên trên gác, chú Vĩnh chạy ra ngoài coi có giúp được ai một tay không. Đêm tối, những thân người chui trong áo mưa lùng thùng lội bì bõm trong dòng nước dâng cao rất nhanh. Ai đó kêu vang phẫn nộ và tuyệt vọng “Thủy điện lén xả lũ nửa đêm ác quá đi”… Trời hửng sáng nước đã dâng cao quá đầu người. Đồ đạc trôi lềnh bềnh… Chợt chú Vĩnh nhìn thấy tượng Phật bập bềnh trong dòng nước đục ngầu. Tượng có chân đế hình hoa sen, một cánh hoa hơi bị lẹm. Chú Vĩnh nhận ra ngay đây là tượng Phật nhà mình. - Trời ơi… - Chú Vĩnh kêu lên. Ôi thôi rồi, cái gác nhỏ sát mái nay có thêm mấy bao nguyên liệu làm nhang nên chật chột, chắc là hai đứa con ngủ say quơ tay đụng trúng hay là con mèo nhảy phóc đụng trúng bàn thờ… Dòng nước bỗng trào lên đẩy pho tượng ra xa. Chú Vĩnh bơi theo, ngộp nước mấy lần rồi thì chú cũng cầm được pho tượng trong tay. Cùng lúc đó thì vang tiếng kêu thảm thiết, hai con chó con đang bám vô một cành cây nhỏ và có những cành cây khác cũng đang vùn vụt trôi tới. Không kịp nghĩ ngợi, chú Vĩnh tay này chụp lấy cành cây và tay kia túm lấy hai con chó con nhấc lên cao trước khi những cành cây đụng nhau xoay mòng mòng. Chợt nhận ra tay mình đã buông thả pho tượng, chú Vĩnh hốt hoảng nhìn quanh thì chẳng thấy Phật đâu nữa. * Hai con chó con hóa ra là của nhà bà Cúc. - Con chó mẹ đẻ được bốn đứa mà nó chỉ kịp tha hai đứa theo tôi lên gác thôi. Còn tôi thì khi đó quýnh quáng quá nên… - Bà Cúc vừa ôm hai con chó lông tơ xơ xác vừa rớm nước mắt mếu máo tưởng tượng tới cảnh hai đứa nhỏ tí phập phù từ nửa khuya tới sáng trong ướt át lạnh lẽo. Cảm ơn xong, bà Cúc nói thêm, mặt ửng đỏ: - Hôm bữa tôi lỡ miệng nặng lời, thôi bỏ qua giùm nghe. - Có gì đâu mà. Chú Vĩnh cười cười gãi đầu, mấy bà mạnh miệng đôi khi khó hiểu quá. Sao lại gắn vụ hai con chó với vụ kia? Mà thôi, cũng thấy nhẹ lòng. * Qua cơn lũ là dọn dẹp nhà cửa và trước tiên là bày biện lại bàn thờ. Thím Vĩnh nói để thỉnh một tượng Phật khác nhưng chú Vĩnh lắc đầu: - Đợi đã. - Đợi gì? Thím Vĩnh nhăn nhó thở dài thở ngắn. Thím muốn dọn dẹp bày biện việc nhà nhanh nhanh để còn lo việc chợ búa. Chú Vĩnh chẳng biết mình đợi gì nữa. Chú cảm thấy thỉnh liền một pho tượng khác thì như là mình phụ phàng bạc bẽo với pho tượng cũ thân thiết bấy lâu. Chú hối hận ghê gớm. Thà là trôi đâu không thấy thì đành, đằng này, ngay trước mặt mà chú không giữ được. Phật của mình mà mình không giữ được, tội lỗi quá đi. Chú Vĩnh cứ để bàn thờ trống không vậy mà thắp nhang. Thím Vĩnh thở dài, thờ cúng gì mà lúc nào cũng cây nhang cong, bây giờ thì thêm cảnh không có tượng Phật. Thím chẳng hiểu nổi chồng mình ra làm sao nữa. Hay là tại thắp nhang cong không thành kính nên bị phạt? Trách móc lo lắng của vợ khiến chú Vĩnh càng thêm rối rắm. Ờ… chắc là chú bị phạt cái tội kiêu ngạo, mình là ai mà dám nói không chấp hình tướng. Mệt đầu quá. Chú Vĩnh lang thang qua các nhà vườn với hy vọng mong manh là có còn sót lại mớ rễ củ nào xài được không. Rồi chú thấy mình đang đi tới chùa. * - Con lo cho hai con chó mà bỏ rơi tượng Phật nhà mình, con bậy quá hả Sư cô? Sư cô cười: - Chú không cứu hai con chó thì mới đúng là bỏ rơi Phật. Phật hiện ra để dẫn dắt chú tới chỗ hai con chó đó mà. Chú Vĩnh nghe mà nhẹ nhõm cả người. Chú thơ thới đi tới thư quán, thỉnh một pho tượng rồi đem lên chánh điện nhờ Sư cô trì chú. Chú tự nhủ sẽ sơn lại bàn thờ mới mẻ để đón tượng mới cho đẹp luôn tất thảy. Trên đường đi về nhà, chú sực nhớ mình quên hỏi Sư cô vụ nhang thẳng nhang cong. * Cơn lũ ác hại khiến rau cỏ ngập úng hết, các loại cây lá cần để làm nhang mà chú Vĩnh đặt mua tại vườn người ta và trồng ở vườn nhà mình cũng chịu chung số phận. May mà chú Vĩnh cất giữ được mấy bao nguyên liệu, cũng đủ cho những mối thân quen mua về thắp nhang trong tháng vía Phật A Di Đà. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách lạ gọi điện thoại tới, có cả những phòng tập yoga và dịch vụ spa sẵn sàng mua với giá cao hơn. Nghe chú trả lời người ta là hết hàng rồi mà điện thoại vẫn chưa chịu ngắt, thím Vĩnh vội vàng lựa ra một ôm nhang thẳng thớm đem cất riêng cho nhà mình, phòng khi khách năn nỉ quá khiến chú lạt lòng. Vậy mà tháng vía Phật A Di Đà nhà chú Vĩnh vẫn là nhang cong. * Cô gái trẻ rụt rè trước thềm nhà chú Vĩnh ngày đầu tháng mười một, khi thím Vĩnh đang sửa soạn dĩa trái trái cây đặt lên bàn thờ, còn đứa con gái thì lăng xăng cắm hoa. Cô gái ấp úng: - Cháu là người hôm kia gọi điện thoại cho chú. Cháu… mới về làm dâu. Mẹ chồng cháu nói mua bó nhang mà không xong thì biết làm gì được. Nhìn cô gái bối rối tự vặn hai bàn tay, chú Vĩnh thấy tội nghiệp quá. Ờ, mình cũng có con gái. Coi kìa, con gái mình mới đúng là vụng về, cắm bình hoa nãy giờ chưa xong lại thêm tỉa cành lá xả lung tung. Chú Vĩnh nhìn vợ. Thím Vĩnh làm như không nghe không thấy gì. Rồi chú Vĩnh đi tới chỗ thím cất mớ nhang đẹp dành riêng cho nhà mình. Chú lấy dây thun cột lại thành bó đưa cho cô gái. Khi cô gái đi rồi, chú Vĩnh đợi nghe vợ càu nhàu mà đợi hoài vẫn không nghe động tĩnh, chú tuôn ra luôn: - Sao bà không nói gì đi? Nguyên Hương
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |