Chi tiết tin tức Con chim bìm bịp 10:29:00 - 10/05/2015
(PGNĐ) - Được nghỉ học buổi chiều, thằng Khang bày dụng cụ ra hàng ba ngồi làm nạng giàn thun. Một cây kéo, một khúc ruột xe đạp, một miếng vải kaki cũ, một chùm dây thun khoanh, một nhánh cây cỡ ngón tay cái, hình chữ Y, được cắt ngắn gọn và lột vỏ sạch sẽ.
Nhìn thằng cháu ngoại cặm cụi cắt buộc, tôi chợt mỉm cười. Hình ảnh của nó là bản sao của tôi hơn năm mươi năm trước. Hình ảnh của nó đã đưa tôi trở về với những cảm xúc và kỷ niệm vui buồn thời thiếu niên…
Chim bìm bịp - Ảnh minh họa Năm 1958, tôi mười hai tuổi, học lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ). Nói đến bắn chim bằng nạng giàn thun, không phải khoe chứ tôi là tay thiện xạ. Bạn bè trang lứa và kể cả người lớn trong xóm ấp cũng không có ai là đối thủ của tôi. Hồi mới tập bắn, tôi cũng bằng tuổi thằng Khang bây giờ (mười tuổi) và cũng xài cái nạng nhánh cây như nó nhưng cặp giàn bằng giây thun khoanh kết lại, chớ hồi đó ruột xe đạp cũ rất hiếm. Sau khi bắn rành, tôi thay cái nạng nhánh cây bằng hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt. Bắn kiểu này chính xác hơn kiểu trước nhưng đôi khi đường bắn cũng bị lệch, trật mục tiêu do hai ngón tay bị so le dưới sức kéo mạnh của cặp giàn. Anh Năm tôi bèn cắt một khúc cây tròn, mày mò đục đẽo, bào gọt cho tôi một cái nạng rất đẹp, cặp giàn bằng giây thun bản. Nhờ nó tôi mới trở thành tay thiện xạ nổi tiếng. Đạn vò cũng ảnh hưỏng đến đường bắn. Đạn càng tròn càng láng, đường bắn càng ngay, càng hiệu quả. Đạn méo mó như sỏi đá, trái ổi non… bắn mười cục trật hết bảy tám. Đạn vò bằng đất thông thường rất bở, bắn trúng mục tiêu dễ bể cho nên tôi chỉ vò đạn bằng đất sét vàng, vò rất kỹ, tròn vo, láng lứt, cứng như cục đạn keo. Thấy tôi phơi đạn ngoài sân, ai đi ngang cũng trầm trồ khen tôi khéo tay, chịu khó. Vài người còn hỏi xin ít cục về cho con họ bắn cu-li, tôi vui vẻ cho họ để quảng cáo tài thiện xạ và sự khéo tay của mình. Hồi đó, ở nông thôn lúa thóc vàng đồng, vườn cây trĩu quả, tôm cá đầy sông, là môi trường lý tưởng cho vô số chim chóc sinh sống. Nhỏ có chim sâu, chim sắc, chim sẻ, lớn có trau trảu, sáo sậu, cu gáy, cò trắng, cúm núm, tu hú, quạ diều… Trong vườn, ngoài ruộng, ven sông rạch, kinh mương nơi nào cũng có. Hồi đó bắn chim cũng thoải mái lắm, không ai ngăn cấm, không ai bảo vệ, không ai cho là phá hoại môi trường, không ai cảnh báo loài này loài kia đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào Sách đỏ cần phải bảo tồn. Tôi xách nạng giàn thun đi chừng vài tiếng đồng hồ là có chim rô-ti cho cả nhà ăn thoải mái. Một hôm, anh Sáu Đẻn đến nhà tôi chơi đúng lúc cả nhà đang ăn cơm. Ba tôi mời anh Sáu theo kiểu xã giao: - Gặp bữa ăn cơm với chú, Sáu ơi! Anh Sáu lắc đầu, bước đến gần bàn ăn, nhìn dĩa chim khìa nước dừa vàng tươi, giòn rụm, chép miệng, nói: - Chim khìa nước dừa mà để ăn cơm thiệt uổng!? Má tôi cười, nói: - Nhà tui đâu có ai biết nhậu. Anh Sáu bước đến vịn vai tôi, nói: - Mơi mầy bắn cho tao vài con nhậu chơi nghen Út, anh cho tiền đi học? Được anh Sáu “đặt hàng” tôi vô cùng hãnh diện với gia đình. Hôm sau, tôi bắn cả chục con trau trảu, sáo sậu, cu đất, tu hú, cò ma, hí hửng đem đến cho anh Sáu. Anh Sáu mừng rỡ trả tiền công cho tôi rồi hú anh hai Lạc qua phụ nhổ lông chim làm mồi nhậu. Dượng Tư Lâu khen tôi: - Thằng nhỏ bắn giỏi như Dưỡng Do Cơ bách phát xuyên dương. Tôi không biết Dưỡng Do Cơ là ai, bách phát xuyên dương là gì nhưng trong bụng rất vui trước lời khen của dượng Tư và nhất là trước những đồng bạc do tôi kiếm được lần đầu tiên trong đời. Anh Hai Lạc vừa nhổ lông chim vừa nói với tôi: - Mầy ráng kiếm cho tao vài con bìm bịp coi, Út Nho? - Bìm bịp khó kiếm lắm anh Hai ơi! Tôi đáp. - Kiếm bìm bịp chi vậy? Chim gì nhậu cũng được chớ cần gì bìm bịp? Có của mà còn đèo bồng? Anh Sáu trách anh Hai Lạc. - Hổng phải! Đặng ngâm rượu. Anh Hai Lạc phân bua. Bìm bịp ngâm rượu trị bịnh đau nhức gân cốt, phong tê bại xuội đại tài. Dượng Tư Lâu xua tay nói: - Mầy lầm rồi Lạc ơi! Thịt bìm bịp lớn cũng như thịt gà chớ có thuốc men gì ở trỏng mà ngâm rượu? Muốn ngâm phải ngâm chim con còn trong ổ chưa biết bay và làm như vầy nè… Theo kinh nghiệm dân gian thì chim bìm bịp biết kiếm bài thuốc trị gãy xương rất hay. Để lấy được bài thuốc đó, người ta tìm ổ của nó, bẻ gãy xương ống, xương đùi, xương cánh chim con. Chim cha mẹ sẽ tha thuốc về xức đắp cho con, trong ba ngày những chỗ xương gãy sẽ liền lại như cũ. Người ta tiếp tục bẻ lần hai, lần ba cho được nhiều thuốc mới bắt chim con về ngâm rượu. Học được cách làm bài thuốc hay, tôi ráo riết săn lùng ổ chim bìm bịp, bắt chim con về ngâm rượu cho ba má tôi uống. Bìm bịp thường sống và làm ổ ven sông rạch nên tôi càn lùm lướt bụi, lội sình, dang nắng dầm nước, bất chấp vất vả hiểm nguy, rình rập tìm kiếm gần nửa tháng mới gặp được một ổ trong đám bần và ô rô cóc kèn rậm rạp. Lòng hiếu thảo của tôi được đền đáp xứng đáng. Để món quà cho ba má có thêm ý nghĩa, tôi chưa vội ra tay mà ngồi núp trong lùm đợi chim cha mẹ tha mồi về cho con ăn bắn luôn một thể. Nhưng… nếu bắn chết chim cha mẹ thì con nào tha mồi tha thuốc về nuôi nấng chữa trị vết thương cho lũ chim non? Nếu không có mồi ăn, không có thuốc chữa trị lũ chim non sẽ chết đói, mình sẽ không lấy được thuốc chẳng phải hoài công vô ích sao? Nghĩ vậy nên tôi không chờ bắn chim cha mẹ, leo lên nhánh bần có ổ chim. Trong ổ có ba con chim non chưa mọc lông vũ đang nằm ngủ vô tư hồn nhiên. Nghe tiếng động, ba con chim non tưởng cha mẹ tha mồi về, vui mừng ríu rít, nghểnh cổ lên, hả hoác miệng chờ miếng mồi tươi ngon chứ chúng đâu có ngờ đó lại là tên hung thần ác sát sắp giáng họa lên đầu chúng! Tôi bắt một con cầm gọn trong lòng bàn tay. Hồi nãy nó vui mừng bao nhiêu, bây giờ hoảng loạn bấy nhiêu. Nó vùng vẫy, chòi đạp thoát thân một cách yếu ớt, miệng kêu lên chíp chíp liên tục như báo cho cha mẹ nó nghe biết, đến bảo vệ cứu giúp nó. Tôi dừng tay ngẫm nghĩ. Mình sơ ý bị trặc khớp, bong gân còn đau nhức thấu trời huống gì nó bị bẻ một lượt đến sáu khúc xương! Nếu có ai đó bẻ chân bẻ tay mình như vậy liệu mình chịu nổi không? Ba má mình sẽ nghĩ gì? Nếu bài thuốc không hiệu quả thì có phải mình đã giết oan ba sinh linh bé nhỏ không đủ sức kháng cự hoặc chạy trốn! Tôi đặt con chim trở lại ổ, cả ba con đều nằm im thin thít trông thật tội nghiệp, đáng thương. Tôi rời ổ chim bìm bịp với nhiều ý nghĩ lung tung. Loài vật cũng có gia đình, cha mẹ, con cái, anh chị em và thương yêu, đùm bọc, chia sẻ mọi thứ với nhau như loài người. Chúng cũng biết sung sướng khi được sống bình yên, cũng biết khổ đau khi bị săn bắt, giết hại. Báo hiếu cho cha mẹ là chuyện nên làm bằng nhiều cách khác nhau nhưng không thể lấy khổ đau bất hạnh của chúng để mưu cầu sung sướng hạnh phúc cho mình. Để có những món ăn thơm ngon khoái khẩu cho gia đình, thời gian qua tôi đã bắn chết nhiều loài chim, trong số đó chắc chắn có không ít chim cha hoặc chim mẹ đang nuôi con và có thể cả hai, gián tiếp giết chết lũ chim non chưa đủ sức tự lực cánh sinh vì thiếu mồi. Tôi đã phạm phải sai lầm đáng trách, sung sướng trên sự đau khổ của các loài chim. Từ đó tôi đốt bỏ cái nạng giàn thun và thề sẽ không bắn chim nữa. * Ngày nay, tiến độ thành thị hóa nông thôn khá nhanh khiến ruộng đồng vườn tược bị thu hẹp dần, môi trường sinh thái bị hủy hoại, ô nhiễm nên chim chóc không còn nhiều như xưa. Thằng Khang cũng không phải tay sử dụng nạng giàn thun chuyên nghiệp, không phải tay thiện xạ nhưng tôi vẫn không cho nó chơi nạng giàn thun, không cho nó có điều kiện tập nhiễm tính sát sinh hại vật rồi phạm phải sai lầm như ông ngoại nó hơn năm mươi năm trước. Hơn nữa, cái nạng giàn thun của nó cũng có thể gây phiền toái cho xóm giềng và bạn bè trang lứa bởi tính khí nghịch ngợm, hiếu thắng của trẻ con.
Trương Hoàng Minh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |