Chi tiết tin tức

Thắp một nén nhang

05:57:00 - 07/09/2015
(PGNĐ) -  Tối hôm đó, tôi đang học bài thì ba gõ cửa cốc cốc cốc.

- Biết má mày đi đâu không?

Ðang cắm cúi với những công thức toán, tôi không kịp nghe ba nói gì. Tôi “Dạ?”.

- Biết má mày đi đâu không?

- Dạ không.

- Ðừng có trả lời cái kiểu cho xong đó. Mày bớt lấy lý do học hành mà ù lì trong phòng hoài đi. Hả, biết má mày đi đâu không?

Cái kiểu của ba là đang bực mình lắm. Nhưng mà làm sao tôi biết má đi đâu trong khi ba là ba mà còn không biết.

Tôi trả lời bừa:

- Dạ... chắc là má qua nhà mấy cô trong hội phụ nữ.

- Trả lời cho đúng. Ðừng có đoán mò.

Tôi nín thinh.

nen nhang.jpg
Ảnh minh họa

Ba đẩy cửa phòng tôi “rầm”, cánh cửa đóng sập lại như nhốt tôi bên trong. Tiếng chân ba sầm sập.

Tôi hốt hoảng gọi điện thoại vô số di động của má. “Số điện thoại này tạm thời không liên lạc được...”. Sao má tắt máy? Hèn chi mà ba nổi cáu. Tôi vội gọi về nhà ngoại:

- Ngoại ơi, có má con ở đó không?

Sau tiếng “không” ngay lập tức tôi chào ngoại rồi vội vàng bấm số nhà cậu mợ.

- Có má con ở đó không hả mợ?

Câu trả lời cũng là không.

Tôi bấm số nhà dì dượng. Cũng không.

Làm sao báo cho má biết ba đang rất giận?

Ba tôi nổi tiếng ghen tuông nóng nảy. Dự tiệc mà có người đàn ông nào đó mời má cụng ly ba cũng nổi đóa. Ði làm về tới nhà mà gặp ông hàng xóm qua nhà mượn cái thang ba cũng cáu kỉnh hoạnh họe.

May mà má tôi hiền và chịu nhịn. Có mấy lần tổng kết cuối năm công ty thưởng nhân viên chuyến đi chơi xa vài ngày, má chấp nhận bỏ. Ði đâu có vợ có chồng cho yên cửa yên nhà.

Vậy tối nay má đi đâu một mình?

*

Chín giờ tối, má về.

Tôi hồi hộp đợi một trận cuồng phong nhưng không, ba im lặng xòe rộng trang báo trước mặt khi má đi vô phòng khách.

- Anh đọc báo có tin gì hay hay không? - Má hỏi.

- Ờ, báo thì ngày nào cũng có tin này tin kia -  Ba trả lời.

Ðợi má đi xuống bếp, ba vẫy tôi tới gần:

- Ðừng có nói gì với má mày nghe chưa. Lúc nãy gọi điện thoại không được nên ba nổi cáu vậy thôi.

- Có khi là điện thoại của má hết pin - Tôi chống chế cho má.

Ba cười, kiểu cười không muốn nghe nhảm nhí. Nhìn ba bình thản lạ lùng.

Tôi không tin sự bình thản của ba. Tôi biết tính ba mình. Ba mà kiềm chế được là chuyện lạ.

Tôi muốn xuống bếp nói cho má biết ở nhà xảy ra chuyện gì, nhưng má đã quay trở lên và đi vô phòng. Cửa phòng nằm trong tầm mắt của ba. Tôi đành thôi.

Tôi nhận ra từ nãy giờ ba không hề lật báo qua trang khác. Ba dùng tờ báo để che khuất mặt mình không cho má thấy, hay là che giấu suy tính nào đó của ba?

*

Tâm trạng bất an thật dễ lây lan. Chiều hôm sau, tôi cũng bị lôi kéo theo ánh mắt của ba, tôi cứ nhìn theo sau lưng má, tôi cũng chờ đợi má đi ra khỏi nhà. Ðúng vậy, cơm nước xong, dọn dẹp xong, má nói:

- Cha con ở nhà nghe, em đi đây một chút.

Ba “ờ” bằng giọng lơ đãng như đang chăm chú chương trình ti-vi không chú ý tới điều gì khác.

Còn tôi thì thót tim. Ba nóng nảy của tôi mà kiềm chế tới cỡ đó thì chắc chắn ba đã có cách nào đó ghê gớm hơn là nổi trận lôi đình.

Tôi muốn chạy theo ra cổng nói mà đừng đi nữa mà ánh mắt ba bắt tôi đứng lại tại chỗ. Ðợi má đóng cổng lại và đi được một khoảng xa, ba cười gằn:

- Con vô phòng học bài đi.

Chỉ đợi vậy, tôi vội đi vô phòng. Việc đầu tiên là tôi gọi điện thoại cho má, tôi muốn kêu má về nhanh. Nhưng tiếng nhạc chuông quen thuộc reo lên rất gần, chỉ cách một bức tường.

 Rồi tôi nghe tiếng chân ba tới trước cửa phòng mình.

Tôi mở cửa ra. Trên tay ba là cái điện thoại của má. Khuôn mặt ba đanh lạnh:

-  Ðể khỏi phải giải thích về cuộc gọi lỡ, má mày bỏ-quên điện thoại ở nhà luôn cho yên.

Ba nhấn mạnh hai tiếng “bỏ quên”.

Ba cười khẩy:

- Ðừng có nói là điện thoại của má hết pin nữa nghe con. Ðàn bà đi ra đường đêm hôm mà không muốn người nhà liên lạc với mình là sao? Hả? Mày thấy ba nói có oan không?

Tôi ngồi vô bàn học bài mà không vô, chữ nghĩa nhảy múa trước mắt. Nhất định tối nay tôi phải nói cho má biết là ba đang rất giận. Và tôi cũng muốn biết má đi đâu.

*

- Ði chùa - Má trả lời nhẹ nhàng - Tháng Bảy chùa có nhiều việc cần mọi người giúp một tay.

Tôi thở phào, đi chùa thì đâu có sao.

Ba tôi không thích đi chùa và cũng không thích ăn chay, nhưng má đi chùa thì ba không cấm, hơn nữa, đó là nơi duy nhất má đi một mình mà ba không khó chịu. Bữa cơm ngày rằm và mùng một má nấu đồ chay ba cũng vui vẻ ăn chung. Bà ngoại tôi nói vui có lẽ nhờ uy của Phật cho nên tính ghen tuông của ba còn có được một chỗ chừa ra.

Nhưng ngày hôm sau, khi tôi đi học về, ba nói:

- Chiều nay con thay áo quần tươm tất sẵn, khi nào ba nói đi thì đi liền.

- Ði đâu hả ba?

- Ði theo má mày.

Trời ơi, đúng là ba với cái tính ghen kỳ cục. Tôi muốn cản ba mà biết mình có nói cũng vô ích, có khi ba nổi cáu cho một bợp tai cháy da. Thôi thì đi. Ừ mà đi cũng tốt, để ba thấy rõ ràng là má có ở chùa cho ba yên lòng chứ ngồi nhà mà đoán này đoán kia càng thêm rối.

Má vừa đi ra khỏi cổng thì ba và tôi lò dò đi theo sau. Ðúng là đường tới chùa. Thấy tôi cười, ba gằn giọng:

- Nói là tới chùa rồi ai biết sau đó còn đi đâu khác nữa.

Trời đất, chẳng lẽ ba bắt tôi phải đứng với ba ở bóng tối gốc cây gần cổng chùa canh chừng suốt buổi tối cho tới khi má về sao? Tôi đi học buổi sáng, ngày mai tôi có hàng đống bài tập chưa làm, mà bây giờ phải đứng đây.

- Mình về đi ba ơi - Tôi rên rỉ - Con bị muỗi cắn quá chừng.

- Vậy thì đi vô chùa lễ Phật rồi về.

Thật là ngạc nhiên khi ba nói vô chùa lễ Phật, rồi tôi hiểu ra là ba muốn nhìn thấy má ở tầm gần.

Tháng Bảy, chưa tới rằm mà rất đông người. Tôi mừng vì đông người, nếu vắng thì sự có mặt của ba thế nào cũng có người quen nhận ra, rồi thì lại cười cợt cái tính ghen của ba.

Tôi và ba lên chánh điện. Chẳng ai lạy kiểu như ba, tay chắp trước ngực mà mắt quay nhìn tứ phía.

Chẳng thấy má đâu.

*

Ði tới nhà bếp, tôi năn nỉ ba đứng ngoài để mình tôi vô thôi, tôi sợ ba nóng nảy trong cách hỏi han rồi gây ồn ào.

Khi tôi quay ra với cái lắc đầu. Không có má. Mặt ba đanh lạnh.

Ði tới thư quán nơi bán kinh sách và tượng. Không có má.

Hay má đang bày biện hoa trái ở gian thờ linh? Cũng không có má.

Bà và tôi đi tới thư viện, nơi này khá ồn ào vui vẻ vì có nhiều anh chị đoàn sinh đang làm hoa hồng hoa trắng để ngày rằm cài áo, và cắt giấy cứng để làm đèn hoa đăng.

Không có má.

Tôi bắt đầu thấy sợ hãi. Chẳng lẽ má hiền dịu của tôi lại lấy cớ đi chùa để đi đâu khác sao? Tôi rơi vào hoang mang và không biết làm gì, cứ đi theo ba.

Còn nơi cuối cùng là thiền đường, căn phòng rộng nằm riêng biệt phía bên kia vườn rau. Nơi này thường tổ chức những buổi trò chuyện chia sẻ giữa những nhóm người đồng tu.

Tôi nhẹ cả người khi nhìn thấy má qua cửa sổ.

-  Toàn là đàn bà - Ba nói với vẻ ngạc nhiên và tò mò.

Tôi cũng ngạc nhiên và tò mò vì thấy tất cả đều khóc. Người lặng lẽ đưa tay chấm khóe mắt, người rút khăn lau mũi, người thì để mặc cho nước mắt tuôn rơi... Má tôi cúi mặt, bờ vai rung rung.

Ba tiếng chuông ngân, rồi giọng Sư cô vang lên nhỏ nhẹ:

-  Hôm qua chúng ta đã đọc kinh sám hối, hôm nay mời quý Phật tử đọc kinh cầu siêu cho các thai nhi.

*

Vậy, má tôi thời trẻ lỡ lầm, có thai, em bé không được chào đời.

Tháng Bảy, mùa báo hiếu và cũng là mùa xá tội vong nhân. Những người phụ nữ trót lỡ như má tôi đến chùa tụng kinh suốt tháng với lòng cầu mong đứa con không được chào đời tha thứ cho mình và được siêu thoát.

Suốt trên đường về nhà ba tôi nín lặng, cay đắng. Tôi cầm bàn tay nóng hổi của ba, không biết nói gì. Ba từng có những tưởng tượng vô lối nhưng hôm nay ông trời xui khiến cho ba chứng kiến sự thật tệ hại hơn cả tưởng tượng.

Tôi cũng choáng váng. Ôi má, sao lại vậy? Từ trước tới nay tôi tưởng duy nhất tôi được hưởng trọn vẹn tình thương của má, có biết đâu... Ra là tôi có một người chị (hoặc anh) khiến má phải khóc. Nếu không chứng kiến tối hôm nay thì tôi không biết trong lòng má còn có người con khác ngoài tôi.

Chín giờ tối, má về. Ba mở rộng tờ báo trước mặt như tối qua. Mình tôi dõi theo má bình thản đi lui đi tới trong nhà, miệng má mỉm cười nhẹ nhàng mỗi khi chạm ánh mắt tôi, rồi má vuốt tóc tôi “Tối nay con không học bài sao mà còn ngồi đây?”.

Tôi đã biết vẻ bình thản kia là đóng kịch, vậy vuốt tóc tôi và giọng trìu mến cũng là đóng kịch mà thôi. Tôi né tay má và bỏ đi vô phòng, gài chốt cửa lại.

Sách vở mở ra trước mặt mà tôi không học được chữ nào. Cây bút trong tay tôi gí xuống trang giấy đầy nét bôi xóa.

*

Bữa ăn sáng, má không còn bình thản như tối qua nữa. Tôi thấy nỗi sợ hãi trong mắt má khi nhìn ba và tôi. Khi tôi ngủ đã xảy ra chuyện gì? Sấm sét?

Tôi chợt nhận ra mình giống ba, tôi ghen tỵ và tôi cũng khiến má sợ. Tối qua tôi độc ác né tránh má, trong khi tôi đã nhìn thấy má trong đám đông những người đàn bà khóc một mình.

Buổi chiều căng thẳng như một sợi dây đàn. Càng gần tới tối ai cũng nhìn đồng hồ và chờ đợi. Tối nay má có đi chùa không?

Có? Không?

Không? Có?

Má loay hoay dọn dẹp hoài trong bếp. Rồi thì căn bếp cũng sạch tưng. Má lấy ra mấy cái áo cũ, đơm lại mấy hột nút bị sút chỉ.

Má đã chọn lựa ở nhà.

Má ở nhà rồi mà ba không yên. Ba liên tục chuyển kênh ti-vi. Rồi ti-vi im bặt. Ba quăng cái điều khiển vô tường và đi ra cổng.

Tôi chạy theo ba. Xin đừng là quán rượu. Khi đàn ông giận dữ thường tìm tới quán rượu. Và sau đó...

Nhưng không, ba quanh quẹo một hồi thì đi về hướng chùa. Tôi rón rén sau lưng ba.

Chùa tối nay đông hơn tối qua. Mùi nhang trầm bay. Hình như càng gần rằm người đi chùa càng đông. Ba đi xuyên qua dòng người hướng về chánh điện. Tôi biết ba đi đâu rồi.

*

Tiếng chuông ngân và giọng Sư cô nhỏ nhẹ:

-  Hôm nay mời quý Phật tử chúng ta tiếp tục đọc kinh cầu siêu cho các thai nhi.

Ba thọc hai tay vô túi quần, hai chân liên tục thay đổi tư thế đứng. Rồi ba ngoái lại nhìn tôi và vẫy tay. Ra là ba đã biết tôi đi theo ba từ nãy giờ.

-  Ba là đàn ông, không tiện. Mày vô đó thay má thắp một nén nhang được không?

Ba nói cộc cằn như là không dễ mà ba có mặt ở đây đâu nghe.

Tôi hiểu. Không dễ.

Mà ba đã có mặt ở đây rồi đó.

Nguyên Hương

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin