Chi tiết tin tức

Chân tu

09:00:00 - 25/10/2014
(PGNĐ) -  Chữ Cút trong tiếng Việt có ít nhất hai nghĩa. Nghĩa động từ là xéo, tếch, vọt, dông thẳng, bỏ đi không minh bạch, không đường đường chính chính, nói theo phim Tàu là chẳng quang minh lỗi lạc. Chữ Cút theo nghĩa danh từ là tên gọi tắt của loài chim Cun Cút. Tôi ngờ rằng hai nghĩa này có liên quan nhau ít nhiều. Ai từng sống ở miền Đông Nam Bộ Việt  Nam  hẳn là phải thấy qua giống chim này. Chúng to lắm cũng hơn nắm tay một chút, sống quanh quất mấy lùm bụi, cả đời cơ hồ chẳng biết bay, chỉ lầm lũi lặng lẽ đây đó và khi gặp biến thì lủi nhanh vào một mô đất hay bụi cỏ nào đó và thế là mất tăm. Ngày còn nhỏ, tôi từng tin lời người lớn rằng chim cút biết tàng hình, như tôi vẫn từng tin vào vài huyền thoại về loài chim gõ kiến.

Sau này tôi còn biết thêm một vài loài chim khác cũng lạ lùng như chim cút ở chỗ suốt đời chỉ biết đi; hoặc chỉ biết bơi lặn, không biết bay, chẳng hạn chim cánh cụt (penguin) ở hai miền địa cực của trái đất. Bẩm sinh chúng không có sẵn khả năng bay lượn. Mang tiếng là chim nhưng chúng thua cả giống vịt xiêm về khả năng di chuyển. Mấy con vịt xiêm ngó lạch bạch vậy nhưng lúc cần vẫn có thể bay qua mấy công đất như chơi. Dĩ nhiên chúng chỉ xài tới khả năng này những lúc không còn lựa chọn nào khác. Mấy loài lông vũ kỳ cục đó chẳng hiểu sao cứ ám ảnh tôi như những đề tài suy gẫm thú vị.

Mang tiếng là chim nhưng không biết bay vì chỉ có khả năng đi, hay có quá nhiều những sức nặng không cần thiết cho những lần chắp cánh. Muốn lên được với trời xanh hãy tự làm nhẹ chính mình. Trọng lượng là một thứ cần được quan tâm trước tiên trong những chuyến bay. Dù về sinh học hay kỹ thuật đều thế cả. Có người hỏi tôi sao thời nay không thấy ai có thần thông, tôi nhớ đã trả lời rằng người bây giờ hầu hết đều thích khuân vác nên ai cũng là chim cánh cụt, khá lắm cũng chỉ là chim cút hay vịt xiêm, thịt mỡ nhiều hơn lông cánh thì làm sao bay nhảy chứ!

Phàm kẻ còn mê luyến ngũ dục thì không sao chứng đạt các tầng thiền định Sắc Giới. Còn nặng lòng với các tầng thiền định Sắc Giới thì làm sao vươn đến các tầng thiền định Vô Sắc Giới. Ngày nào dạ còn mong mỏi hiện hữu ở cảnh giới nọ kia thì không sao tu chí Vô Sanh. Còn hệ lụy phố chợ đình quán thì đừng hòng nói chuyện viễn ly thâm xứ, cõi riêng của các bậc hiền giả. Trời sanh mỗi người chỉ có hai bàn tay, làm gì có chuyện một tay buông một tay nắm. Đôi bàn tay không thể cùng lúc làm hai việc đối lập. Chúng ta chỉ có thể chọn một trong các chọn lựa. Muốn bay cao phải biết bỏ lại những gánh nặng không thật sự cần thiết. Trọng lượng thừa thãi chỉ khiến mình thêm ì ạch, lạch bạch mà thôi.

Tôi thích hiểu chữ Chân Tu là tu cái chân, là bỏ đi, là chia tay, là chẳng dừng chân quá lâu một nơi chốn nào. Một cơ thể thiếu vận động dễ khiến dư mỡ, cao máu, mau chết. Một lòng tu thích nấn ná, nắm níu cũng dễ có vấn đề. Cầm lấy vài món hành trang gọn nhẹ rồi sống... Hành Đạo. Chữ này tôi lại cũng cố ý hiểu theo nghĩa mới. Hành Đạo là đạo đi, là phép tu bằng đôi chân theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mọi thứ phải dời đổi theo nghĩa hướng thượng, tích cực. Đứng yên hay dừng lại là chỏi, là chống, là vướng, là kẹt, là nặng nề, mệt mỏi rồi thì kiệt sức. Năng lượng phải được tuần hoàn, luân lưu bằng những trao đổi xê dịch. Tu hành là bỏ lại sau lưng những hình bóng cũ, kể cả cái bóng hôm qua của mình. Tu là bước tới, là xoay lưng, là từ biệt, là tìm về những quán trọ qua đêm để ngủ nhờ, những bến đò để quá giang. Chữ Hán có mấy từ theo tôi hay quá. Tá Túc là mượn tạm chỗ của người ta để ngủ, không phải chỗ sở hữu của mình. Còn Quá Giang là đi nhờ tàu xe để qua sông hay vượt qua một đoạn đường trên bộ, ngắn thôi. Xa quá, lâu quá thì không còn là Quá Giang nữa. Lúc đó là hệ lụy, là có vấn đề với nhân gian rồi.

Nghĩ mà thương cho những loài chim một đời không vỗ cánh bay, chỉ vỗ cánh ơ hờ để tự gãi ngứa, như những loài chim không biết hót, chỉ há mỏ để ngáp vặt. Uổng cho cái danh xưng chim trời. Trời cao xa nghìn trùng cho những loài chim không biết bay. Tôi nhớ có đọc đâu đó, hình như của nhà văn Thi Vũ, về một loài chim không chân, một đời mòn mỏi bay không đậu. Ông muốn nói đến cái gì tôi không nhớ nữa, chỉ thấy mệt nhiều với hình ảnh một loài chim không thể về đất. Tôi theo tinh thần Trung Đạo: Có chân để nghỉ ngơi và có cánh để chao lượn. Nghỉ ngơi lúc cần và tung bay khi thấy thích. Đức Phật có nói đến những trụ xứ náu mình và những con đường du hóa trong cuộc đời mỗi tỷ-kheo. Chọn hẳn một thứ là kẹt cứng. Bầu trời để đi và mặt đất để về.

Tôi viết một mạch không dám đọc lại, vì sợ mình cụt hứng thì nguy. Viết theo cách vừa nói ở trên. Viết như kẻ đang trên đường: Gì cũng ở sau lưng. Quay đầu là bịn rịn, vướng vít. Trong các hồng danh của Phật, tôi thích niệm nhất chữ Thiện Thệ, người đi chẳng về, đi chẳng nhìn lui, đã xoay lưng thì chẳng quay đầu. Và một trong ba mươi thông lệ của chư Phật ba đời có chỗ tiêu sái độc đáo là đản sinh, thành đạo hay viên tịch đều ngoài rừng cây, không dưới mái che nào hết. Các ngài là những cánh dã hạc, không thuộc về một phố xá phồn hoa nào cả. Đẹp lắm thay!

TOẠI KHANH

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin