Chi tiết tin tức

Lớp cha trước, lớp con sau...

15:58:00 - 15/07/2014
(PGNĐ) -  Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, mỗi quân dân Trường Sa luôn tự hào là con Rồng, cháu Tiên tiếp nối mạch nguồn truyền thống cha ông, vượt mọi gian khổ, thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, vẻ đẹp con người mới Việt Nam ở Trường Sa.

Hòa mình vào các hoạt động văn hóa ở Trường Sa, ai trong đoàn chúng tôi cũng cảm động. Thật thú vị khi xem các cháu Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa giao lưu với các trò chơi dân gian “nu na nu nống”, “rồng rắn lên mây”..., nối nhau vừa đi, vừa hát. Nhiều cháu có khiếu kể chuyện rất hấp dẫn. Các cháu kể rằng, Lạc Long Quân và Âu Cơ ở với nhau sinh được cái bọc trăm trứng, nở được trăm người con. Năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên núi; năm mươi người con theo Lạc Long Quân xuống biển, có những người con đặt chân tới Trường Sa, Hoàng Sa... Truyền thuyết đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt qua lời ru của mẹ, lời kể của bà. Mỗi người Việt đều khắc sâu công ơn trời biển của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã khai sinh nòi giống Rồng-Tiên, xác lập bờ cõi cho con cháu ngàn đời.  

Để giữ vững độc lập, giữ vững chủ quyền biển, đảo, các thế hệ người Việt đã đổ bao xương máu, mồ hôi, công sức. Lớp người trước ngã xuống, lớp người sau đứng lên, không bao giờ chịu lùi bước, không bao giờ chịu khuất phục, trở thành truyền thống khí phách dân tộc suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nhiều người con ưu tú của đất Việt đã mãi mãi nằm lại biển xanh. Máu của cha ông đã tiếp thêm sức mạnh để quân dân Trường Sa hôm nay vượt mọi gian khổ, thách thức, giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca.

Ra Trường Sa lần này, chúng tôi được nghe câu chuyện “Lớp cha trước, lớp con sau, Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Đó là câu chuyện của Thiếu úy QNCN Bùi Trọng Luật, nhân viên thông tin đảo Đá Lớn B. Trò chuyện với chúng tôi, Luật tự hào kể: “Bố tôi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa từ khi tôi chưa ra đời. Đến khi hơn 2 tuổi, tôi mới được gặp bố lần đầu. Kể từ đó, hình ảnh người bố luôn sâu đậm trong tôi. Tôi nhớ có Tết, mong mãi mà bố vẫn chưa về. Sau này, tôi mới biết, do nhiệm vụ, nên bố tôi phải công tác ngoài khơi xa liên tục 18 tháng. Dù gặp nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều, nhưng mỗi lần về, bố lại kể nhiều chuyện về biển và cho tôi những bông hoa sò biển, quả bàng vuông, tôi rất thích. Tình yêu biển đã ăn sâu vào ký ức tôi lúc nào không hay. Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi quyết định tình nguyện nhập ngũ vào Bộ đội Hải quân. Biết tin tôi nhập ngũ, bố tôi chỉ hỏi: “Làm lính tâm phải vững, lòng phải trong, phải kiên trì vượt gian khổ, thử thách, con có đủ tự tin không? Tôi thức trắng đêm suy nghĩ về câu hỏi của bố. Cuối cùng, tôi nói với bố về quyết định của mình, nguyện tiếp nối theo nghiệp của bố để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng. Dù sẽ gian khó, nhưng bố tôi đã làm được, tôi nghĩ, tôi cũng sẽ rèn luyện và làm được”.

Nhập ngũ tháng 2-2004, kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Bùi Trọng Luật được cử đi học lớp báo vụ của Quân chủng Hải quân. Năm 2005, tốt nghiệp ra trường cho đến nay, Luật đã công tác trên nhiều đảo ở Trường Sa. Những năm công tác ngoài đảo, thời tiết khắc nghiệt, để có rau xanh, mỗi lần vào bờ, Luật luôn chủ động mua giống ra trồng trên đảo. Theo Luật, trồng rau xanh không chỉ là niềm vui mà còn làm tình quê hương, tình đồng đội thêm gắn bó. Luật tâm sự: Mỗi lần về phép, nhìn những phần thưởng của bố như tiếp cho tôi thêm sức mạnh tiếp bước cha anh vượt mọi hiểm nguy hoàn thành tốt nhiệm vụ với Tổ quốc”. 

Chia tay đảo Đá Lớn B với những câu chuyện thân thương bình dị, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến đảo Sơn Ca. 5 giờ sáng, sóng lừng đánh mạnh khiến con xuồng vào đảo như đánh võng. Bước chân lên đảo Sơn Ca, chúng tôi gặp ngay bố của Thiếu úy QNCN Bùi Trọng Luật. Đó là Trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca. Khuôn mặt sạm đen của anh đã hằn những nếp nhăn. Nghe chúng tôi kể chuyện về con trai, anh Lệ tâm sự: “Hai bố con ở hai đảo nên không có cơ hội gặp nhau. Trước đây chưa có sóng điện thoại, mỗi lần có các đoàn công tác qua lại các đảo, bố con mới có dịp gửi thư thăm nhau. Có năm, cả hai bố con cùng đón Giao thừa trên đảo, gọi điện thoại chúc Tết và tâm sự động viên con. Tôi luôn tin tưởng ý chí, nghị lực của con trai mình”.

Trung tá Bùi Xuân Lệ nhiều năm liền được khen thưởng. Là cán bộ chính trị, anh luôn chu đáo, quan tâm động viên, giúp đỡ anh em cán bộ, chiến sĩ từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống, công tác. Anh cũng là người khởi xướng, tổ chức cho đơn vị thực hiện hiệu quả các phong trào văn nghệ, mô hình “Câu chuyện tâm tình đồng đội” trên đảo Sơn Ca, giúp đơn vị giáo dục quản lý bộ đội tốt.

Chiến sĩ ở Trường Sa hôm nay tôi tiếp xúc đều trẻ trung mạnh mẽ và rất tự tin... Chiến sĩ Mao Ê, dân tộc Chăm viết trong sổ tay: “Ngồi trên ghế nhà trường, tôi biết Trường Sa qua sách báo. Tôi tự hào truyền thống tổ tiên. Tôi nuôi ước mơ một ngày nào đó được đến Trường Sa. Và ước mơ đó nay đã thành sự thực. Đảo Sinh Tồn Đông thật đẹp. Giữa muôn trùng sóng và gió biển, mỗi lần dự chào cờ, thăm nhà truyền thống… tôi lại càng tự hào về cha anh. Tôi tích cực học tập, rèn khả năng chịu đựng gian khổ để trường thành". Mao Ê vừa được đơn vị cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị về Đảng. Phấn đấu vào Đảng là cách tốt nhất để Mao Ê rèn luyện trưởng thành, gắn bó với biển, đảo, tiếp nối truyền thống cha ông”.

Chiến sĩ Nguyễn Nhật Bình thì nhắc lại ca từ trong một bài hát về Trường Sa để nói về cảm nghĩ của mình: “Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua...”. Khi đến công tác tại đảo Cô Lin, đón tôi, là những khuôn mặt trẻ trung sạm đen vì nắng gió, nhưng nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi, làm tôi thật phấn khích”. 

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân thăm, kiểm tra các đơn vị. Trong khi kiểm tra, ông làm việc rất nghiêm túc, cụ thể, tỉ mỉ. Nhưng sau mỗi cuộc kiểm tra, ông luôn dành thời gian trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ thân mật gần gũi như tình cha con.

Mỗi con người, mỗi cuộc gặp gỡ là một câu chuyện, một ấn tượng sâu đậm mà trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể kể hết được. Những suy nghĩ và việc làm của Thiếu úy QNCN Bùi Trọng Luật và người cha của mình, của chiến sĩ Mao Ê... Tuy công việc, nhiệm vụ có khác nhau nhưng các anh đều có chung một hướng đi đó là tiếp nối truyền thống cha anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Và họ đang ngày đêm rèn luyện ý chí, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong các tình huống. Trong kháng chiến trước đây, chúng ta đã nghe, ở biên cương, người chiến sĩ có rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, còn giữa muôn trùng sóng nước, quân dân Trường Sa có lòng dũng cảm, tình yêu biển, tình yêu Tổ quốc, tình đồng đội, tình quân dân... che chở. Nơi khắc nghiệt, thử thách cũng là vinh quang, nơi cán bộ, chiến sĩ khát vọng, cống hiến tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khắc họa hình ảnh đẹp về con người mới xã hội chủ nghĩa ở Trường Sa “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Nguồn: qdnd.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin