Chi tiết tin tức

Một thoáng hương xưa

16:03:00 - 21/02/2016
(PGNĐ) -  Cuộc sống của ta đã“hiện đại”quá, đã“Âu hóa”quá chăng? Thôi, ta phải “trở lại với nguồn”, mặc cho ai cười nhạo khi thấy giữa ngày xuân, ta đốt lên một lò trầm hương, pha chén trà thơm và ngâm ngợi đôi bài thơ cũ.

Ôi những hồn muôn năm trước, dù có lưu tán phương nào, cũng xin hãy về đây. Mặc cho những tư tưởng “tân thời”đã đẩy xã hội chạy quá đà theo triều duy lý phương Tây, từng gây bao nhiễu nhương trong hồn dân tộc. Ta sẽ dựng lại một cành cây từ lâu vắng vẻ lời ca.

Không chủ định, bất chợt ta nhớ tới hình ảnh Hoàng Hạc lâu. Lạ thật, ta chưa từng thấy lầu Hoàng Hạc. Vậy mà tại sao ta vẫn nhớ? Phải không, lầu hay gác cũng chỉ là một cái cớ, là lầu mà cũng là không lầu. Phải không, từ những ngày còn rất nhỏ, ta đã bị mê hoặc bởi réo rắt bổng trầm của thế giới Đường thi. Phải không, ta hãy nhớ ơn Tản Đà, nhà thơ soi bóng mình trên đôi bờ của dòng sông thơ ca Việt Nam cận đại, đã một lần nữa sáng tạo bài thơ qua bản dịch hay nhất trong các bản dịch bài thơ chữ Hán này:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không du Hoàng Hạc lâu

(Hạc vàng ai cỡi đi đâu / Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ).

Tiên ông Phí Văn Vĩ đã cỡi hạc qua chốn này. Giờ đây, người đời sau còn thấy gì? Hay chỉ đành bắt chước Trần Tử Ngang mà cất tiếng than về nỗi hiu quạnh của kiếp người:

Tiền bất kiến cổ nhân Hậu bất tri lai giả.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

(Hạc vàng đi mất từ xưa / Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay / Hán Dương sông tạnh cây bày / Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non).

Hạc vàng bay đi. Cõi trời chỉ còn mây trắng ngàn năm theo gió trôi vô định, còn trần gian thì bao nhiêu hệ lụy bày ra. . .

Có ai không giật mình trước bài dịch xuất thần của Tản Đà, nhất là hai câu thần bút bay bổng tuyệt vời:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?).

Quê hương nào vậy? Thôi, ta cứ gọi đó là cái sầu cô đơn của thi sĩ hay đúng hơn, là của con người. Hoặc nói theo G. Marquez, đó là bản chất nhân loại.

Xin đừng vội vàng “quy tư tưởng”, ít nhất là trong khoảng xuân nhật ngắn ngủi, để ta tạm đôi lời dông dài về một cái thú trong cảnh vạn vật tươi cười, xuân tâm thư thái. Ôi, tại sao người ta cứ đem triết học ra mà rọi chiếu tâm hồn thi nhân, khi cho rằng Hoàng Hạc lâu kêu gọi một kiểu thoát trần nhuốm màu Trang – Lão? Với ta, ta hiểu đơn giản hơn. Đó là trái tim thi sĩ mở ra trước đời sống, rung động trước bao trái ngang, để mà suy ngẫm về lẽ phù trầm, được còn, không sắc: Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Dứt tiếng cuối cùng, nhấc chung trà lên môi, lạ thay, sao chẳng thấy buồn. Không phải: vẫn có đấy ! Nhưng là một nỗi buồn trong sáng. Khiến cho lòng nhẹ nhàng hơn, làm cho ta yêu cuộc sống hơn. Chứ đâu phải là một mối sầu u uất. Kỳ lạ thay là vẻ đẹp của cái buồn trong thơ! Lầu Hoàng Hạc khói sương quyến rũ như vậy nhưng thơ Thôi Hiệu lại tuyệt vời đến nỗi Tửu Trung Tiên Lý Bạch đã phải kêu lên:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

(Trước mắt có cảnh mà không tả được, vì đã có thơ của Thôi Hiệu ở trên đầu).

Ôi, diệu kỳ cái đẹp của thơ, của nghệ thuật, “cái Đẹp sẽ cứu chuộc thế gian này”.

Mùa xuân. Nhưng dù có hết mùa xuân chăng nữa, thì đình tiền tạc dạ nhất chi mai (trước sân, đêm qua, cành mai vẫn còn). Mai là gì vậy? Ấy là cái thần của người, cái hồn của dân tộc mà Thiền sư Mãn Giác đã chiêm nghiệm cách đây gần một ngàn năm.

Khói trầm thơm thoảng hòa vuông sân nhỏ, lan nhẹ sang đâu bên hàng xóm. Trà đã cạn đôi tuần.■

 

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 193-194 Xuân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin