Chi tiết tin tức Nước mắt người cha 11:09:00 - 13/04/2015
(PGNĐ) - Người đàn ông sinh ra luôn được gọi là phái mạnh. Bởi vậy, mọi người luôn mặc định họ phải là những người mạnh mẽ nhất, gan dạ nhất, không bao giờ được yếu đuối hay gục ngã.
Bố tôi là một người lao động bình dị. Bố làm nghề buôn bán xe máy cũ. Bố tôi vẫn hay nói đùa: “Bố làm nghề mua của người chán – bán cho người cần. Công việc này quan trọng lắm đó”. Rồi bố cười.
Vì tính chất công việc của bố mà từ bé một đến giờ tôi không nhớ mình đã được đi bao nhiêu chiếc xe máy. Tôi đã được đi những chiếc xe vespa cổ mà ở Hà Nội là hàng thời thượng. Hay cũng có khi đó là những chiếc xe phân khối lớn với động cơ kêu ầm ầm cả một góc phố. Nhưng nhớ nhất phải kể đến năm học cấp hai bố đến đón tôi với một chiếc xe còn mỗi cái khung, đồ đạc xung quanh bị tháo sạch, nhìn không khác gì con gà bị trụi lông. Đi đường ai cũng nhìn. Chắc họ vừa thấy lạ vì cái xe nhỏ tí còn mỗi cái khung mà trở được hai bố con rõ mập, vừa thấy ái ngại vì đoán nhà tôi chắc phải hoàn cảnh lắm mới đi con xe này.
Thế nhưng tôi chưa bao giờ lấy làm xấu hổ với nghề nghiệp của bố như nhiều người khác. Có thể bố các bạn làm tổng giám đốc, trưởng phòng các doanh nghiệp lớn nên hàng ngày được ô tô đưa đón đi học sẽ thấy thích thú. Còn với tôi được bố đưa đi học bằng những chiếc xe “lập dị” này là một niềm hạnh phúc. Tôi luôn thấy vui vì bố được làm công việc đúng với đam mê của mình.
Tôi vốn là một đứa ngang bướng, lỳ lợm và hay cãi lại người lớn. Nhưng những lúc như vậy bố tôi chỉ im lặng mà không mắng hay đánh. Khi đó, tôi tự biết mình đã sai và nhắc nhở bản thân phải sửa đổi lại tính cách.
Đã có lần tình cờ tôi đọc được một bài báo. Họ nói sống trên đời người đàn ông chỉ khóc đúng ba lần. Lần đầu là khi con họ cất tiếng khóc chào đời. Lần thứ hai là khi mẹ của họ qua đời. Và cuối cùng là khi người vợ của họ rời xa họ mãi mãi.
Năm trước tôi đã được đến viện để chờ đợi khoảnh khắc em họ tôi ra đời. Khi ấy, tôi đã được chứng kiến hình ảnh thiêng liêng đúng như bài báo ấy đã viết. Khác với giọt nước mắt dữ dội, nức nở vì hạnh phúc của những người mẹ khi lần đầu được nhìn thấy đứa con do mình vừa sinh ra, giây phút người cha nhìn thấy đứa con của mình thật tĩnh lặng. Chú tôi dùng đôi bàn tay rắn chắc, rắn rỏi của mình ôm đứa con vào lòng và khẽ mỉm cười. Phải tinh ý lắm tôi mới nhận ra được giọt nước mắt khẽ tràn nơi khóe mắt của chú. Rồi chú đưa tay lên lau nhẹ, khéo léo để không ai nhìn thấy được. Tôi có thể cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc trong đôi mắt của chú khi chú âu yếm nhìn vào mắt em và nắm những ngón tay bé xíu ấy.
Còn giọt nước mắt thứ hai tôi đã nhìn thấy khi bà nội tôi qua đời. Trong đêm đông ấy, tôi thấy bố gục đầu vào vai mẹ. Bố khóc và giọng nói run run: “Anh hụt hẫng quá...”. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố yếu ớt và đáng thương đến vậy. Hóa ra, con người ai cũng giống nhau. Ai cũng có quyền được yếu đuối và tìm một nơi nương tựa.
Nước mắt của người đàn ông là một thứ quý giá. Và nước mắt của những người làm cha còn quý giá hơn gấp bội. Bởi cả cuộc đời có những người không một lần rơi nước mắt. Nỗi đau hoặc niềm hạnh phúc khi ấy lớn đến nỗi họ nuốt trọn vào trong tim và chỉ thể hiện ra bên ngoài là sự mạnh mẽ vốn có.
Có những lúc tôi vô tâm, mải cuốn theo những cuộc vui với chúng bạn mà lãng quên đi sự hiện diện của cha mẹ. Phải đến khi nhìn thấy mái tóc đã bạc màu thời gian cùng làn da đã sạm đi vì nắng gió của cha tôi mới thấy cha mình già quá rồi...
Chúng ta thường nhắc nhiều đến tình mẫu tử nhưng lại quên mất rằng tình phụ tử cũng thiêng liêng không kém. Bố luôn yêu thương con mình theo một cách âm thầm và bình dị nhất.
“Cha là nắng cuối chiều soi tận cửa
Sáng tâm hồn tình nghĩa thuở nằm nôi”.
Nguyễn Linh Chi - sinh viên Khoa Quan hệ Công chúng & Quảng cáo, Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |