Chi tiết tin tức

Xuân có đi, có đến

17:20:00 - 09/02/2017
(PGNĐ) -  Thật tình tôi chẳng biết xuân có tự bao giờ để mà định nghĩa. Xuân cứ y như ngàn hoa nở mà chẳng biết hoa nào nở sớm hoa nào nở muộn vì vốn tất cả đều là sự biến thiên của quy luật tự nhiên hay là tất cả là pháp, khi ẩn khi hiện như con chữ lúc gọi là danh từ, lúc cho là tính từ, trạng từ? Nên, khó có thể lý giải xuân đến lúc nào, có “ở lại cùng ta” hay “ra đi từ độ nào”? Đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc?


Người xưa nói “vạn vật bắt đầu từ mùa xuân”, thấy chồi đâm lá mụt là gợi ý xuân. Thấy cái lạnh rét buốt bỏ đi thay chỗ cho cái mát mẻ trong lành thì gọi đã xuân về. Nhận ra hiện tượng ấy mà Nguyễn Du hứng khởi bộc lộ “Cỏ non xanh rợn chân trời” hay nhận thấy “Trước thềm mờ tỏ nở đầy hoa” của Bạch Cư Dị rồi để chợt có phải như là “Đêm qua chớm nở một cành hoa” (Tảo mai - Sư Tề Kỷ) dù đã mơ màng cả đêm xuân quên cả đất trời mặc bao nhiêu hoa nở rồi  “…rụng nhiều hay ít?” (Xuân hiểu - Mạnh Hạo Nhiên).

Sự báo hiệu ấy theo Đỗ Phủ “Tháng Chạp mai hé nụ” (Giang Nam)  để “ghẹo gió đông” của Thôi Hộ rồi được đặt tên là như thế theo nghĩa tùy duyên thuyết nên gọi là xuân dù “hình tướng” ấy đã có từ bao nhiêu thế kỷ trước được đóng khung trong thời gian từ tiết xuân phân? Chỉ biết là “Xuân sang hoa nở rộn trong lòng” (Xuân vãn - Trần Nhân Tông), theo cảm nhận hễ thấy bấc về nồm đi cành mai nẩy lộc là đứng trước ngưỡng cửa nhà xuân vậy thôi!

Cứ xuân đến là mơ ước, “mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” (Ông đồ - Vũ Đình Liên) cũng là dịp để thù tạc tán thán nhau và mong cầu sao đời được thái bình an lạc, làm ăn được mùa “Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà, tháng Ba cày vỡ ruộng ra…” (Ca dao), mong sao đất trời an hòa để người không lâm vào cảnh tang thương lụt lội hạn hán, gác bỏ hận thù như dáng dấp ý nghĩa Olympic khởi thủy thời Hy Lạp cổ đại. Đến nỗi phải “Hãy yêu nhau đi khi mùa xuân tới” (Hãy yêu nhau đi - Trịnh Công Sơn).

Xuân thì gần gũi vui tươi lên đi, phải đợi đến xuân mới tỏ bày nỗi lòng yêu thương chở che, còn mấy mùa khác thì ghét bỏ chối từ? Hay xuân chỉ là một cái cớ, một cái duyên trong cuộc sống tranh đấu lắm bon chen? Tìm xuân có cần phải đợi đến sau ngày đông chí trong lúc trái đất đang trở chứng mưa nắng khắc nghiệt thất thường như rét nàng Bân, nên khiến Sư Tề Kỷ từ xưa lòng đã đinh ninh “Sang năm có theo như luật thời tiết hay không?” (Tảo mai) và cũng có thể ông nhận rõ được sự vô thường của vạn pháp, sự thay đổi ngay từng sát-na đến mức không phân biệt được thời điểm nào là quá khứ, là hiện tại, sự vật vừa đến đã thoắt đi.

Có thật xuân đến lúc nào chẳng hay chẳng biết, đột ngột bất ngờ như ngồi xem hoa nở, như “Khách vắng đường hoa chưa vội quét” (Khách chí - Đỗ Phủ)?  Cũng có thể, xuân chỉ là một chàng lãng tử đó đây lang bạt kỳ hồ theo vòng quay của thiên nhiên mà cảm nhận ra mọi chuyến đi về đều không giống nhau.

Thật tình, tôi không biết xuân đến hay xuân đi. Kể câu chuyện thời còn i tờ để chỏm, được ba mẹ dẫn xem phim (ciné) dù hình ảnh chỉ trắng đen cũng là nhất, lúc cái kịch tuồng cải lương bắt đầu có đối thủ cạnh tranh mới trong môi trường văn hóa xem-nghe. Tết đến nườm nượp bọn trẻ cả xóm đi xem. Thương “thằng vai chính” oai hùng mà bị đánh bầm dập. Mai rạp không chiếu, hỏi ra mới biết “thằng vai chính” bệnh nên không đóng phim nữa... vài bữa “nó” đóng lại nhưng đóng vai phụ thôi!?

Thế đó, đời như thật như giả, vui đó buồn đó, còn đó mất đó, mới thấy đã đi, vô thưởng vô phạt, giữ lại chăng trong lòng là hình ảnh xuân xưa ngô nghê nhưng lắm hồn nhiên thật thà với lối đi hàng ngàn hoa vông rụng đỏ bờ sông bát ngát. Còn nhớ như in thuở nhỏ nhìn ra cửa toa tàu xe lửa thấy cảnh vật như chạy lùi ra sau cứ như mình ngồi một chỗ. Tâm động hay cảnh động? Tất cả đều động hay bất động? Thế thì ngồi lại bên hiên nhà thấy bóng đổ của tôi và hàng cây thu ngắn duỗi dài rồi tự hỏi tôi và cảnh tĩnh hay động, ánh nắng có từ bao giờ, tiếng khóc cười có tự bao giờ?

Rồi hỏi thêm lần nữa, tại trái đất quay động. Trái đất quay động hay đứng yên trong hệ thái dương, trong vũ trụ hàng tỷ tỷ hệ? Và rồi lớn lên, lắm lúc cũng tự hỏi: Xuân chỉ là khái niệm hay chỉ là lý thuyết của cuộc sống với bộ mặt hình tướng của thiên nhiên như cây cổ thụ với lắm cặp mắt nhận xét chung quanh, như tiếng “Om” vang vọng từ dòng sông trong câu chuyện của nhà văn Hermann Hess.

Kể cũng lạ, cần gì nhau câu chúc phải đợi đến xuân? Thế mới thấy rõ cuộc đời này vốn cứ lăn tròn trong khổ đau khốn khó nên cứ mãi mong cầu. Tâm yên bình sẽ được thân yên bình, ấy thế mà không chịu hiểu. Cuộc sống chống chọi đối đãi nhau giữa cái bằng lòng và không bằng lòng khiến cho than vãn trách móc tủi phận đố kỵ hờn căm “gặp thời thế, thế thời phải thế” (Ngô Thì Nhậm) nên “Xuân về những nhớ cùng thương” (Xuân về nhớ cố hương - Nguyễn Bính) và với cái kết đáng ngẫm cái kết cục sự đời “Thịnh suy như giọt sương đầu ngọn cỏ” (Thiền sư Vạn Hạnh).

Có người khuyên sống sao hãy được tâm an ý tịnh; xem mọi vật có như không có, nhìn sự vật bên ngoài không là sự thật, không bền lâu để tâm được yên với trạng thái xả ly tích cực, không chạy theo ảo vọng vô minh, chuyển mê thành giác, thấu hiểu như thuyết Duyên sinh nhà Phật mới hiểu thấu thế nào là xuân (chuyện làm người quá dễ phải không?). Nếu như thế cũng nhận ra phần nào xuân nên cứ an nhiên để mọi sự đến rồi cũng đi là lẽ thường tình, tồn tại rồi hủy hoại là lẽ thường tình… chẳng so đo tính toán căng thẳng phiền lòng.

Thư thái mà rời khỏi cái sự vật thường tình, mảy may không bận lòng chuyện thế thái nhân tình, mấy khi được như vua Trần Nhân Tông - một nhà văn hóa của dân tộc, Tổ Thiền phái Trúc Lâm “Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế” (Xuân cảnh) khi đã hiểu lẽ Sắc-Không, tìm ra chân tướng của cái Không từ kinh văn Bát-nhã, hay “Xin đừng nói gì chỉ biết thêu thôi” (Thiền sư Huyền Quang) an trú trong thực tại hiện tiền... 

Nói thì nói thế, sống thường tình làm người thường tình trong cõi Ta-bà này làm sao tránh khỏi mong cầu phân biệt. Cái nhu cầu nhỏ cho mình, cái nhu cầu lớn hơn cho người, từ tự độ cho đến độ tha, chắp tay thanh tịnh niệm Nam-mô cho gia đình may mắn lợi đầy hay cầu cho quốc thái dân an là đang tìm xuân, một cái xuân tình thường mà huyền diệu vô cùng. Làm sao trong lòng ai ai cũng nguyện “chừng nào thế gian không còn nước mắt” để nhận ra ông Phật trong mình? Thế thì góp nhặt những gì hay ho tốt đẹp nhất tổng hòa lại để được có chung một “gọi là” xuân chắc thật, những gì “làm khổ nhau” thì vứt bỏ tha thứ xả buông.

Mà thôi, xem như “Hoa rụng hoa nở vẫn là xuân” (Vương Hải Thiềm) cho “ngàn hoa mai chợt nở”(Tưởng Duy Hàn) thế mà hay. Xuân như thật như huyễn, thấy được nhưng không nắm bắt được nên tôi không thể tâm sự cùng xuân. Xuân đứng bên lề ván cờ nhân sinh mà ngẫm suy đời người luân chuyển thiên biến vạn hóa bao nghiệp chướng nặng nề không thể tả nỗi - nan tư nghị. Nếu biết nghĩ suy thì xuân không lấy làm hổ thẹn vì mỗi lần đến rồi đi gánh theo biết bao nhiêu khóc cười thành bại mất còn. Cứ mỗi độ chuyển sang mùa cuối năm, cây cứ đâm chồi nẩy lộc, vạn vật cứ sinh sôi cho thêm cuộc sống mới từ loài vô cơ đến hữu cơ, từ loài vô tình cho đến hữu tình.

Cũng chẳng biết phải vậy không, lòng người cứ cân đong đo đếm lấy cảnh làm điểm tựa cho tâm mà tỏ bày “Ngàn dâu xanh ngát một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn), giữa một màu xanh lục bao la thơi thới mát lạnh mà vẫn buồn cũng lạ, dù xuân kia có tươi vui bao nhiêu chăng nữa mà lòng héo hắt khó mà cảm thông vì tâm ý bất an, chưa tịnh, buồn kia mênh mông biết chừng nào! Thật khác với câu thơ Kiều của Nguyễn Du, đó có phải do tâm cảm nhận từ hiện tượng sự vật bên ngoài mà sinh ra vui buồn hay “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Vui đó buồn đó… cũng đều do mình cả thôi!

Cứ cho lòng được vui, thanh thản, chẳng vướng bận tiếc nuối muộn phiền là thấy biết được xuân. Không nghĩ, không làm ác là cảm nhận được xuân. Xuân hiền lành, tri kỷ, giàu lòng vị tha, bình đẳng, không hề phân biệt và ẩn hiện tựa như nàng tiên trong huyền thoại.

Xuân về kia, đất trời với người là một, tam tài đồng hành Thiên-Địa-Nhân là một. Xuân bước đến khoan thai nhè nhẹ như tiếng mõ công phu, thỉnh thoảng là âm vang của đại hồng chung len lỏi vào từng ngõ ngách lòng người. Có hay chăng vui buồn cũng do tâm mình nhận rõ. Xuân đâu có bận lòng gì tâm trạng con người vì xuân vốn đã là xuân… và cũng chẳng hỏi trái đất quay quanh mặt trời hay mặt trời quay quanh trái đất?

Có gọi xuân là “nàng” đỏng đảnh gieo cầu tìm duyên chi nữa để thêm chút mỹ miều yểu điệu thục nữ thì đó cũng chỉ là một khái niệm không-thời gian, một phạm trù của duyên ly hợp - hợp ly duyên cho nên chỉ cảm nhận mà suốt hành trình làm người không bao giờ nắm giữ như một sản phẩm vật chất hoặc giả chỉ là tấm gương soi lòng mình, một chỗ tựa nhắn nhủ tâm sự với bao nỗi vui buồn nối tiếp nhau của cuộc đời, ví như “Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở/ Mối sầu riêng ai gỡ cho xong?” (Ai tư vãn - Lê Ngọc Hân).

Xuân lại về vì mắc nợ trần gian hay chỉ thay hình đổi dạng như có từ muôn ngàn kiếp trước? Tôi tung tăng bồng bột lang bạt kỳ hồ - mỏi mệt dừng chân tư lự cũng là tôi. Dù sao đi nữa cũng cám ơn xuân mang lại ý đẹp tình thơm, một cảm giác cho đời tựa câu thơ “Chẳng nghĩ suy, chẳng một lời/ Tôi chỉ biết tình yêu kia vô tận” (Arthur Rimbaud) tựa như chàng thi sĩ đang yêu thốt lên câu “gặp nàng cười là đã thấy xuân rồi”. Thế thì, đã nói đến xuân là nói đến những gì tích cực nhất trong cuộc sống.

Thục Độ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin