Chi tiết tin tức

Phía sau bóng mặt trời

20:33:00 - 20/01/2016
(PGNĐ) -  Truyền thông internet được coi là một thành tựu của loài người trong thế kỷ XX. Khi internet trở thành phương tiện đại chúng thì báo mạng điện tử cũng ra đời theo xu thế phát triển của thời đại. Chỉ cần một cái nhấp chuột, mọi cánh cửa thông tin liền mở toang ra. Một thế giới muôn màu muôn vẻ mặc sức cho ta bước vào tìm hiểu, chiêm ngưỡng. Kỷ nguyên mạng ra đời đã chiếm lĩnh hết mọi suy tư thị hiếu của con người.

Internet không chỉ đáp ứng mọi nhu cầu sở thích mà còn là chiếc chìa khóa vạn năng đưa dẫn con người vào thăm hầu như khắp cả lâu đài tri thức. Những sự kiện đã trôi qua, những câu chuyện đời thường… những kiến thức về văn hóa, khoa học, các vấn đề về chính trị quân sự cho đến các chương trình giải trí văn nghệ, v.v… và vv… đều cấp tập hiện ra trong tích tắc. Người làm công việc nghiên cứu học tập không còn phải cất công tìm kiếm trong thư viện sách vở. Thư từ trao đổi cũng không cần chờ đợi lâu xa. Trang mạng điện tử còn là nơi kết thân giao hữu, là cửa ngõ khai thông trí tuệ và là kênh giải trí đa năng đem lại nhiều niềm vui sáng tạo cho mọi tầng lớp người trong xã hội.

Khi internet đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì giới tu sĩ cũng tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu làm quen với ngành công nghệ tin học để trau dồi học vấn và nắm bắt thông tin. Thời đại khoa học phát triển vượt bực, máy tính trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc hoằng pháp lợi sanh. Với Tăng Ni trẻ bây giờ, sở hữu một chiếc máy tính để có phương tiện học tập nghiên cứu là điều cần thiết và cũng không còn vượt quá tầm tay mong đợi. Cùng góp mặt trong xu thế toàn cầu, những trang website Phật giáo ra đời đã thổi một làn sinh khí mới, một bước tiến hội nhập đầy sắc nét làm sáng tỏa cả ngôi nhà đạo pháp vốn được lưu truyền và gìn giữ trong suốt hơn hai ngàn năm qua. Đó là nơi mà người học Phật dù là tu sĩ hay tại gia đều có thể thâm nhập để cùng trau dồi nghiên cứu và tìm ra phương pháp tu tập cho riêng mình. Mỗi trang báo điện tử chứa đựng cả kho tàng kiến thức Phật giáo.Tam tạng kinh điển, những lời dạy của chư Phật chư Tổ được ghi chép qua mỗi thời đại, các nền tư tưởng văn hóa triết học Phật giáo được các học giả trên khắp thế giới dày công ghi chép biên soạn hằng bao thế kỷ. Chưa bao giờ hình ảnh và tư tưởng của người xưa được tái hiện một cách tinh tế và rộng rãi như thế.

Trang mạng Phật giáo cũng là một kênh thông tin mang tính xã hội hóa về các vấn đề liên quan đến sự tu tập, hoằng pháp của chư sư và Phật tử trong hiện thời. Những trang viết chứa đựng nguồn giáo lý sâu xa tràn đầy pháp vị, các bài thuyết pháp của quý thầy quý ni, các khóa tu tập, những chuyến hành hương trên đất Phật… đều được truyền tải trên mạng để mọi người cùng chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Và nghe đâu, các nhà khoa học đang có ý định thu lại tiếng nói của loài người từ hằng ngàn năm trước còn lưu giữ giữa hư không. Trong một tương lai không xa lắm, chúng ta sẽ nghe được lời giảng từ chính kim khẩu của Đức Thế Tôn phát ra, nghe được giọng nói chư Thánh giả đắc đạo và các vị thiền sư qua mỗi thời đại.

Một khu vườn đầy hoa hương còn là mảnh đất tốt để cỏ dại mặc sức sanh sôi nảy nở; một bàn tiệc với quá nhiều thức ăn hấp dẫn nhưng cơ thể con người chỉ có thể tiếp thu những phẩm chất cần thiết có mức hạn. Không biết tiết chế vừa độ, thì hoa thơm cũng biến thành cỏ dại mang đầy độc tố ăn mòn tâm trí não bộ. Một cơ thể dung nạp quá nhiều thức ăn sẽ dẫn đến chứng bội thực khó tiêu, nhiều di chứng mầm bệnh cũng phát sinh từ đó. Tràn ngập trên mạng là những trang thông tin thượng vàng hạ cám khiến khi mở ra, ta như lạc vào một thế giới muôn màu muôn vẻ mà nếu không có điểm dừng, tư tưởng ta sẽ dễ dàng thu nhận cả những điều tệ hại vô bổ.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng. Một gã thợ săn đi sâu vào rừng và tìm thấy một hang động lớn. Vì tò mò, gã đu mình trèo xuống. Có biết cơ man nào là cảnh vật hiện ra trước mắt. Thật là sinh động, thật là vui thú. Và thế là gã cứ miệt mài đi, đi mãi nên không hề hay biết có một con quái vật đang chờ phía dưới để nuốt chửng mình. Câu chuyện còn dài với nhiều tình tiết ly kỳ. Chỉ dẫn chứng bấy nhiêu để làm điển hình cho những đam mê thị hiếu không chừng mực của con người. Đam mê không hẳn là xấu. Nhưng ranh giới giữa thiện và ác, giữa bờ thanh lương và vực thẳm thật quá mong manh mà khi chúng ta kịp nhận ra thì không còn là mình của thuở ban sơ

Là hành giả trên con đường giải thoát của Đức Như Lai… hơn ai hết ta biết mình đang đi ngược chiều gió, sẵn sàng chiến đấu với mọi ma quân phiền não. Trải qua quá trình tu học, việc hội nhập với nền văn minh công nghệ hiện đại là điều tất yếu. Hòa nhập mà không hòa tan, biết rõ đường đi và điểm đến, có như vậy ta mới có thể vượt qua mọi chông gai chướng ngại để chiến thắng với chính mình. “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình…”, lời Phật dạy từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa và càng có giá trị hơn khi nhân loại bước vào kỷ nguyên tin học. Những việc làm dù tốt dù xấu, là vô tình hay hữu ý của chúng ta cũng sẽ bị giới truyền thông nắm bắt rồi nhanh chóng đưa lên trang mạng. Đó là nhu cầu của thời đại… mà người tu sĩ không biết giữ mình sẽ trở thành tiêu điểm của muôn trò thị phi nhân ngã.

Một chút cảm nhận trong cuộc sống đa chiều thời công nghệ tin học nhiều niềm vui nhưng cũng đầy những cạm bẫy hệ lụy. Phía sau mặt trời… vượt qua hết những đám mây mù thì mọi thứ sẽ dần trở nên sáng tỏ hơn. Chân lý luôn nằm phía trước. Có đi ắt sẽ đến. Và đến như thế nào là tùy theo mục đích và hướng đi của mỗi người. ■„

 

LAM KHÊ

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 190

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin