Chi tiết tin tức 6 pháp Lục Hòa kính 15:14:00 - 03/08/2015
(PGNĐ) - Phật giáo là một trong những tổ chức cộng đồng ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Một cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc vì lợi ích cho tất cả mọi người với 6 nguyên tắc sống hoà hợp (Sáu pháp lục hoà kính), thích ứng với mọi thời đại từ xưa đến nay
I. DẪN NHẬP: Phật giáo là một trong những tổ chức cộng đồng ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Một cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc vì lợi ích cho tất cả mọi người với 6 nguyên tắc sống hoà hợp (Sáu pháp lục hoà kính), thích ứng với mọi thời đại từ xưa đến nay. LỤC HÒA LÀ GÌ? Lục là 6, hòa là hòa thuận, vui vẻ với nhau trong mọi công việc của cuộc sống. Lục hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống. Hòa ở đây với mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình. Trong gia đình, anh em sống không hòa thuận vui vẻ với nhau, thì tình cốt nhục chia lìa. Vợ chồng không hòa hợp, thì sự nghiệp gia đình khó mà thành tựu, con cái chịu ảnh hưởng cách sống của cha mẹ mà bị dằn dặt đau khổ. Ở chung làng xóm với nhau không hòa thì hay sinh ra rầy rà, gây lộn, cãi vả và kiện cáo hơn thua tranh giành hủy diệt lẫn nhau. Sinh hoạt chung một đoàn thể nếu không hòa thuận thì đơn vị đó trước sau gì cũng tan rã, bởi gì không có sự hợp nhất và cảm thông cho nhau. Thế cho nên, chúng ta biết áp dụng tinh thần lục hòa vào trong đời sống hằng ngày, thì con người biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống. Hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể. Một gia đình biết sống hòa thuận thì gia đình có hạnh phúc, đất nước hòa thì nước nhà được bền vững và lâu dài, mọi người biết sống hòa hợp thì thế giới sẽ không còn chiến tranh binh đao, loạn lạc. Chính vì sự quan trọng của nếp sống hòa thuận trong đời sống gia đình và xã hội, đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên đã chỉ dạy cho mọi người biết pháp lục hòa kính.
A-Ý nghĩa và nội dung của lục hòa 1-Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): Nghĩa là cùng ở chung với nhau dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, sống hoà thuận, thương yêu đùm bọc giúp đỡ và san sẻ cho nhau, để làm tròn trách nhiệm công việc được phân công. Khi đã sống chung và làm việc trong một tổ chức thì phải hòa thuận vui vẻ với nhau, không dùng uy quyền thế lực hay sức mạnh để lấn hiếp mà làm tổn hại cho nhau. Trong một gia đình nếu là anh em, vợ chồng, con cái, thì phải biết kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái biết phép tắc lễ nghi theo thứ tự lớn nhỏ, để mọi thành viên biết tôn trọng và quý kính lẫn nhau. Nếu là Phật tử, cùng tu học với nhau trong một ngôi chùa, là những người bạn đạo, là đệ tử Phật thì cũng phải vui vẻ hòa thuận với nhau, không được chia phe phái công kích lẫn nhau mà làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh nhà chùa. Nếu là đồng bào, cùng chung sống trong một đất nước, thì phải lấy sự đoàn kết dân tộc làm đầu với tinh thần không phân biệt chủng tộc hay màu da sắc áo. Dân gian Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tóm lại, đã cùng chung sống với nhau trong một hoàn cảnh, trong một giới hạn nào đó thì ta phải biết sống hòa hợp với nhau để làm tròn trách nhiệm của mỗi người. 2- Khẩu hoà vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái. Có người thân hòa mà miệng không hòa, ăn thua đủ với nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai nói xấu nhau, tạo ra sự chia rẽ về ý thức hệ nên dễ dẫn đến thù hằn ghét bỏ mà làm tổn hại cho nhau. Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi và không nên nói ra những lời vô bổ mà có thể làm tổn thương cho người khác. Việc thực hiện theo nguyên tắc này có nghĩa là phải biết thận trọng trong sử dụng lời nói, trong chừng mực có thể được phải luôn chọn lựa những cách diễn đạt hòa nhã, êm dịu thay vì là căng thẳng, xúc phạm. Và điều cần thiết là phải tránh hẳn sự tranh cãi hơn thua. Chính vì thế, thân hòa cùng chung ở chưa phải là đủ, mà Phật dạy cần phải hòa thuận trong giao tiếp và đối nhân xử thế. Nghĩa là chúng ta phải nói lời dịu dàng, hòa nhã với nhau, không được cãi lẫy, gây gỗ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn bạc cho ra lẽ đúng sai, thì tuyệt đối phải dùng lời nói ôn tồn, hòa nhã mà trau đổi với nhau. 3-Ý hoà đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán. Ý thức hệ là quan trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng nói năng và thân hành động tốt hay xấu. Nếu xét công thì ý đứng đầu, mà kết tội cũng là do ý thức. Trong gia đình, hai vợ chồng không cùng một quan điểm, không biết cảm thông cho nhau thì dễ phát sinh ra nạn bạo hành và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Trong một đoàn thể hay một đất nước, nếu không thống nhất một quan điểm sẽ dẫn đến gây chia rẽ và tạo ra sự đối kháng mãnh liệt mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Ðức Phật đã thấu rõ như thế, nên Ngài dạy chúng ta sống chung với nhau phải có tâm ý vui vẻ hòa hợp và thông cảm cho những suy nghĩ không đồng quan điểm. Chính vì thế, trước hết phải có sự hòa hợp tâm ý thì sau đó mới có thể cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp. Khi thực hiện theo nguyên tắc này, mọi người trong một tập thể phải có được sự đồng lòng nhất trí mà cùng nhau thực hiện mọi công việc để đạt được kết quả tốt đẹp. Muốn được tâm ý hòa hợp, chúng ta phải tu hạnh từ bi hỷ xả. Hỷ xả nghĩa là vui vẻ, bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã vô tình hoặc cố ý làm cho mình buồn khổ.
4- Giới hoà đồng tu (giới hòa cùng tu tập): Cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung. Trong đạo Phật, từ người xuất gia cho đến Phật tử tại gia, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ Ngũ Giới; người xuất gia thiì thọ 10 giới nếu là Sa Di, thọ 250 giới nếu là Tỳ kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ kheo Ni v.v… Khi mọi người cùng hội họp lại một chỗ, hay cùng tham gia sinh hoạt trong một đoàn thể để tu học, mỗi người tùy theo khả năng của mình mà phát nguyện giữ giới nhằm có cơ hội sống tốt hơn. Nói rộng ra, trong cuộc sống của chúng ta bất kể là đoàn thể nào đều phải lấy kỷ luật làm đầu. Trong nhà trường, nếu học sinh không giữ kỷ luật chung, ai muốn ra vô thì ra, ai muốn học chơi tùy sở thích thì trường trước sau gì cũng tan rã. Trong sinh hoạt gia đình Phật tử, mỗi người đều tự ý làm theo suy nghĩ riêng của mình, không tuân thủ người hướng dẫn thì sinh hoạt ấy sớm muộn gì cũng tan rã. Nói tóm lại, trong một đoàn thể, đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc, thì chúng ta không bao giờ sống chung và hòa hợp với nhau được. Vậy chúng ta muốn sống cùng hòa hợp với nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải tôn trọng và gìn giữ giới luật như nhau. 5-Kiến hoà đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu): cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người. Trong sự sống chung và cùng làm việc, mỗi người hiểu biết được điều gì tốt đẹp, phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi. Khi ta khám phá hay phát minh được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì lợi ích cho nhiều người, nếu ta không hướng dẫn cho người khác biết, thì ta trở thành kẻ tham lam, ích kỷ. Người Phật tử tu học trong thời hiện đại với tam tạng kinh điển và có sự giải thích của nhiều người, nếu chúng ta không có trí tuệ sẽ không phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là phương tiện thiện xão, đâu là cứu cánh. Trong trường hợp này, nếu người hiểu đúng và biết đúng mà không giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người biết đúng sai thì sẽ dẫn đến tình trạng gây chia rẽ và làm hại cho nhau. 6-Lợi hoà đồng quân (lợi hòa cùng chia): Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng. Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang v.v…thì phải đem ra chia đều cho nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, mà phải lấy sự công bằng làm trọng theo thứ tự lớn nhỏ. Trong xã hội sở dĩ có sự bất bình đẳng với nhau dẫn đến đối kháng, phân chia giai cấp, cũng vì không biết lợi hòa đồng quân.Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của chung, mọi người phải được chia đều một cách bình đẳng không phân biệt. LỢI ÍCH CỦA SÁU PHÁP LỤC HÒA KÍNH Kinh Pháp Cú viết: Vui thay hòa hợp tăng già Lành thay bốn chúng vui mà đồng tu’’. Những lời dạy chân chính của đức Phật có được phát triển và tồn tại bền vững lâu dài hay không, là do nơi bốn chúng vui vẻ đồng tu với nhau trên tinh thần hòa hợp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Thế gian ai cũng biết thực hành pháp lục hòa kính sẽ giúp cho chúng ta sống có nhân cách đạo đức, nên không bao giờ gây sự chia rẽ, đố kỵ, phân biệt để làm tổn hại cho nhau. Giúp cho mọi sinh hoạt tập thể được phát triển theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thông cảm và biết chia sẻ cho nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần. LỜI KHẤN NGUYỆN Chúng con thành tâm đãnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng con thành tâm đãnh lễ Thánh đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng con thành tâm đãnh lễ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chúng con nguyện sống có ý thức và trách nhiệm hơn, luôn biết học hỏi và lắng nghe, để cùng nhau chia sẻ những khó khăn đối với gia đình và xã hội, để cuộc sống ngày càng được hạnh phúc hơn. Kính lạy đấng Phật-đà ngài đã dạy cho chúng con biết sáu pháp sống hòa kính thương yêu tương trợ nhau bằng sự tôn trọng biết kính trên nhường dưới, chúng con nguyện thực hành và chia sẻ với mọi người về sáu phương pháp hòa hợp này. CÂU HỎI CHIA SẺ 1. Lục hòa là gì? 2. Lục hòa gồm những gì? Kể ra? 3. Lợi ích của pháp lục hòa là gì? Bạn rút ra được bài học gì sau khi học xong bài Lục hòa? II. KẾT LUẬN: Tinh thần sáu pháp lục hoà kính là cẩm nang sống cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đạo đức đẹp, là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống cộng đồng xã hội. Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này được xem như là bản hiến pháp đầu tiên trong Phật giáo, nêu cao tinh thần trách nhiệm chung rất cởi mở, tự do, dân chủ và có ý thức trong mọi hoạt động. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, nguyên lý sống hòa hợp này không chỉ áp dụng trong Phật giáo mà nó có thể thích ứng trong mọi gia đình, học đường và bất cứ mọi hoạt động tổ chức nào trong xã hội.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |