Chi tiết tin tức

Lễ và đại lễ…

18:23:00 - 09/08/2015
(PGNĐ) -  Nghi lễ là một trong những yếu tố quan trọng của đời sống tín ngưỡng tôn giáo.

Thông thường, nghi lễ được phân loại thành 3 nhóm; đó là (1) những nghi lễ có tính chất định kỳ, được tổ chức vào những thời gian nhất định trong ngày, tuần, nửa tháng, tháng, một năm, 10 năm, 50 năm, v.v...; (2) nghi lễ đời người, liên quan đến những thời kỳ chuyển tiếp đời sống của một con người; và (3) nghi lễ đặc trưng của từng tôn giáo, liên quan tới quy định về giáo luật, hoặc vì mục đích giáo dục nhận thức về giáo lý, phát nguyện giữ gìn các nguyên tắc đạo đức cụ thể...

dai le.jpg
Đại lễ Phật đản PL.2559 - DL.2015 tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: Vũ Giang

Ở khía cạnh tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Bắc truyền, khi du nhập và phát triển ở các quốc gia ngoài Ấn Độ, Phật giáo đã hòa quyện với văn hóa bản địa, hình thành nên hệ thống nghi lễ phong phú, đa dạng, đủ sắc màu tùy theo từng vùng, dân tộc.

Với Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng vậy. Ngay từ thời kỳ đầu du nhập, Phật giáo đã không phủ nhận văn hóa truyền thống bản địa mà khiêm tốn và uyển chuyển hội nhập, làm phong phú thêm cho nội dung của nền văn hóa dân tộc.

Phật giáo phát triển qua các thời kỳ, theo đó có những biến đổi. Và dù có biến đổi thế nào, lễ nghi Phật giáo Việt Nam phù hợp phải đủ hai yếu tố chính, chuyển tải được tinh thần từ bi - trí tuệ và mang hơi thở của nền văn hóa dân tộc, ngoài các yếu tố giao thoa và tiếp biến văn hóa thường xảy ra trong quá trình phát triển cũng như đặc điểm văn hóa vùng miền.

Có thể nói rằng, nền Phật giáo mà chúng ta được thừa hưởng hiện nay là kế thừa truyền thống được tiếp nhận chọn lọc từ quá khứ, trực tiếp là thành quả của cuộc chấn hưng Phật giáo - một nỗ lực cải cách Phật giáo đồng loạt trên cả ba miền của chư tôn đức Tổ sư, chư Hòa thượng, cư sĩ trí thức.

Cuộc chấn hưng Phật giáo chủ yếu ở nửa đầu thế kỷ XX đã đem đến những cải cách hết sức ý nghĩa, nốt son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Một trong những cải cách được thể hiện rõ nét là loại bỏ những pha tạp, hủ tục mê tín dị đoan trong tín ngưỡng - tôn giáo của đạo Phật.

Với Phật giáo, lễ nghi là phương tiện để dẫn dắt tín đồ đến với Phật pháp, nhận thức rõ hơn về lời Phật dạy để ứng dụng những nguyên tắc đạo đức ấy vào lối sống, vì sự an lạc và hạnh phúc hơn cho cá nhân và cộng đồng. Một số người đã bày tỏ mối quan tâm lo lắng rằng, hiện nay có hiện tượng dễ dãi trong việc vận dụng nghi lễ mang màu sắc Phật giáo, ý nghĩa phương tiện như đã nói được viện cớ theo hướng lệch lạc. Nhiều lễ nghi được tổ chức tùy tiện, không có sự định hướng trong tinh thần thừa kế và phát huy thành quả chấn hưng, diễn biến phức tạp.

Tình trạng tùy tiện và phức tạp đó được thể hiện rõ nhất qua danh xưng “lễ”, “đại lễ” cũng như pháp phục, hạ lạp của vị thừa hành pháp sự… Một sự kiện đôi khi đơn giản như nhập tự, đặt đá xây dựng, hay chỉ là trai đàn chẩn tế… cũng có thể gọi là “đại lễ”, một sự kiện của Trung ương Giáo hội tổ chức cũng gọi là “đại lễ”, ngang bằng cách gọi đối với Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan…

Thiết nghĩ, Giáo hội nên có quy định về lễ nghi, để theo đó, ít ra có sự thống nhất và thực hiện trong những sự kiện thuộc các cấp Giáo hội. Không thể coi thường và tùy tiện trong lễ nghi, bởi đó là một trong những biểu hiện để nhận diện một tôn giáo, sự thống nhất của một tổ chức tôn giáo.
 

Hoàng Độ (GNO)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin