Chi tiết tin tức

"TS" là tiến sĩ hay thiền sư?

22:24:00 - 22/09/2016
(PGNĐ) -  Có một dạo, đọc một số bài trên báo chí, phần tác giả thấy có đề tiến sĩ này, tiến sĩ kia đi kèm. Dạo đó, báo chí đã có bài phê bình, vì tiến sĩ là một học vị cao cả, nó xứng đáng được tôn vinh đúng với chuyên ngành mà họ đã cống hiến, đã thành tựu, chứ không phải là cái danh để rung chuông mọi lúc, mọi nơi.

Nên có chuyện ngộ danh đến mức, có vị là Tiến sĩ về Nông nghiệp viết bài về lĩnh vực thẩm mỹ, Tiến sĩ Luật viết bài về cuộc thi hoa hậu mà cũng để danh là tiến sĩ trong phần tác giả bài báo.

Trong khi ai ai cũng biết bài báo có để lại ấn tượng hay không là ở nội dung chứ tên tuổi, học vị không “gột nên hồ”. 

Hiện tượng khoe học hàm, học vị không đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ sẽ rất phản cảm. Dù cho người đó có bằng thật, học thật thì bằng Tiến sĩ cũng chỉ có giá trị cho lĩnh vực chuyên môn mà người đó đạt được, lấy gì đảm bảo Tiến sĩ thì cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết nên "giới thiệu học vị tiến sĩ" mọi lúc, mọi nơi rất khó coi. 

Sau khi báo chí phê bình, góp ý thì phong trào tiến sĩ đứng tên tác giả ở các bài báo giảm đi trông thấy. Hết phong trào khoe học vị trên báo chí, xã hội lại chuyển sang phong trào xây dựng chuẩn “quy hoạch cán bộ” là phải có bằng cấp, có thành phố đã quy hoạch cán bộ với tiêu chí Giám đốc các Sở phải có bằng Tiến sĩ.

Nắm bắt thời cơ và dòng chảy "danh - lợi" của xã hội, các lò đào tạo tiến sĩ mở ra đường cong "mềm mại" cho những kẻ có tiền, háo danh giờ cũng có thể dễ bề có bằng tiến sĩ như ai. 

 

Thời gian qua, báo chí đã phanh phui không biết bao nhiêu vị lấy bằng tiến sĩ đạo văn, khai man là tiến sĩ, tiến sĩ mua “danh” ở các trung tâm đào tào trong và ngoài nước cỏ đủ. Thậm chí ở nước ngoài, nhiều khi mảnh bằng tiến sĩ giấy chỉ cần lên Internet đăng ký, ghi danh và nộp lệ phí tượng trưng là có. 

Đó là chuyện đời. Đành tự an ủi. "Thế gian" nó vậy. Nên không ít người giờ chỉ còn nhìn vào cõi “xuất thế gian” như một niềm tin và điểm tựa vào đạo đức con người. 

Vậy mà, điểm tựa đó giờ lại mong manh, ở chốn thiền môn phong trào học tiến sĩ nhanh đến mức "đáng ngại", phong trào nhận bằng tiến sĩ danh dự nhưng nào có danh dự gì ngoài việc nộp lệ phí và nhận “bằng” cũng đáng ngại không kém. 

Danh xưng của người xuất gia không có gì cao cả hơn là được mang họ Thích, hay tên gọi Sa môn, Tỳ kheo, ngày nay theo tổ chức Giáo hội là Giáo phẩm được quy định hoặc được nhân dân, phật tử kính ngưỡng tôn xưng, như sư Ông, Ôn, sư bác, sư chú, trưởng lão....

Người đời khi xá chào một vị sư với sự cung kính là ở sức tu, là mạch đạo của người xuất gia, nhưng dường như chưa an tâm với cái danh, nên một số vị đã bị cơn lốc có bằng tiến sĩ cuốn đi theo chiều gió.

Học hành, khoa bảng bằng tài năng và trí tuệ để cống hiến phật sự thì còn gì cao quý bằng. Học chỉ là phương tiện, bằng cấp nào đâu ở mảnh giấy. Ấy vậy mà có nhiều tấm bằng tiến sĩ và đề tài chẵng ăn nhập gì với vai trò của một sứ giả Như Lai nhưng các vị cũng học, các vị cũng đạo văn, các vị cũng mua bằng, mua chứng chỉ....tiếp tay cho những lò đào tào tiến sĩ có nguồn thu. 

Đời và "Đạo" móc ngoặc, song hành. Phàm làm việc phàm chỉ tội làm trò cười cho người đời và phương hại đến Phật giáo. Các vị đang xúc phạm đến những vị tu hành đang phấn đấu học hành nghiêm túc, cống hiến cho đạo, noi gương cho đời.

Có phải tâm lý chạy theo danh đến mức hoang tưởng, nên dù đã có "danh" vẫn chưa thấy "yên tâm", chưa thấy “vững” nên có "tục hóa với đời" đến mức trở thành tiến sĩ giấy, ai xì xào, ai chửi cũng chẵng sao? 

Thời gian qua, báo chí có đề cập đến một số trường hợp đạo văn, mua chứng chỉ văn bằng liên quan đến một số vị tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Nhiều người hỏi tôi. Chuyện thật hay đùa. Sao lại đến nông nỗi này? 

Đem chuyện hỏi một vị sư, thiền môn ai nỡ để đời kéo đi?. Cụ ôn tồn bảo, đừng vội trách các nhà sư và mảnh bằng tiến sĩ giấy, có trách là trách cơ chế chính sách, trách cái lò đào tạo ra tiến sĩ giấy, không có lò đó, lấy đâu ra…? 

Chúng tôi lại nghĩ khác, cái lò như nhà máy sản xuất tiến sĩ, nhưng mình có tự trọng, mình chủ động không chui vào thì ai bắt? 

Cụ thở dài và ngâm lại bài thờ “Vĩnh tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến đã làm từ cách đây cả trăm năm:


Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò, 
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu. 
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi, 
Giấy má nhà bay đáng mấy xu? 

Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ, 
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu. 
Hỏi ai muốn ước cho con cháu, 
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.


Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Ngày nay, “hoa man” không chỉ là người làm nghề hàng mã mà là hệ thống “lợi ích nhóm”, không có học trò thì “lò tiến sĩ” lấy đâu ra kim tiền, nên ảo giác có bằng tiến sĩ với sự cung kính giả tạo, với cảnh chen chúc tấp nập nâng tụng nhau để cùng lên hàng "phẩm giá" là thị trường có kẻ bán, người mua. 

Mỗi người một vai xây dựng nên sân khấu cuộc đời, nhưng sân khấu với diễn viên là các tiến sĩ giấy thì tuyệt nhiên ở đó không dành cho kẻ nghèo, không dành cho người có tự trọng. 


Thôi, chẵng qua cũng một kiếp nhân sinh, không ít vị chức dài vô tận, đủ hàng danh xưng nay có thêm vào TS đọc là Thiền sư hay Tiến sĩ thì nào cũng có xá chi ở cái danh xưng?

Chỉ có kẻ lẩm cẩm như tác giả bài viết này, ngồi viết vài ba dòng gảy lên trời cao, lạc vào thinh không rồi gật gù phán xét. Thật lạc lọng, vì sân khấu thì bao giờ cũng là sân khấu.

Cư sĩ An Lộc

Chú thích: (1). Hoa man: người thợ làm nghề hàng mã. (2). Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên. (3). Văn khôi: đầu làng văn. ở đây chỉ người có đỗ đạt cao. (4). Hời: giá rẻ.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin