Chi tiết tin tức

Hiểu về chữ "không" của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trả lời Lương Võ Đế

19:18:00 - 04/07/2022
(PGNĐ) -  Chúng ta biết rằng, trong hệ thống Kinh điển nhà Phật, đặc biệt là Kinh Đại Thừa, có nói nhiều về chữ “không”. Tuy nhiên, sau này, do căn cơ của chúng sinh không đảm nhận nổi nghĩa lý ngắn gọn đó...mà sinh ra nhiều quan điểm cho rằng Đạo Phật là hư vô, là không, là thụ động, là tiêu cực.

Chính những người Phật tử mà đã Quy Y Phật rồi, nhưng nếu ta không có sự nghiên cứu và tu tập nghiêm túc, đúng đường lối...và hơn cả, là không có bậc minh Sư hướng dẫn thì ta cũng rơi vào thụ động tiêu cực không khác gì người chưa vào Đạo...có khi là người cư sĩ vào Đạo rồi, có tí hiểu biết, Giáo lý, tí tu tập...khi học tập Kinh Điển mà thiếu lòng khiêm hạ, tâm từ bi thì lại vướng vào tà kiến, và tăng thượng mạn còn hơn cả người chưa vào Đạo.

Chúng ta cùng nhìn lại câu chuyện lịch sử nổi tiếng mà ai cũng biết về Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma gặp vua Lương Võ Đế, và sẽ cùng bàn về chữ “Không” mà Tổ Sư trả lời vua. Vì câu chuyện này, nhiều người không hiểu nghĩa lý “không” lại đâm ra tâm lý hoang mang, hồ nghi và kiêu mạn.

Giai thoại vua Lương Võ Đế gặp tổ Bồ Đề Đạt Ma được kể rằng: khi Tổ đến Trung Quốc thì Tổ ra mắt vua Lương Võ Đế ngay. Theo truyền thống đạo Phật là đạo Phật ở đâu thì phải gắn bó với chính quyền ở đó để hành đạo. Đức Phật cũng vậy, người luôn giữ mối quan hệ với các vị Quốc Vương rất tốt, sau này các đệ tử Phật cũng đều như vậy. Đó là nguyên tắc mà các vị Thánh Tăng xưa nay đều y theo mà hành sự. Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng vậy. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi vừa đặt chân đến Trung Quốc, Ngài liền vào kinh đô để yết kiến vua Lương Võ Đế. Chính vua cho mời Ngài đến khi nghe tiếng một vị danh Tăng từ Ấn Độ sang. Vua Lương Võ Đế rất mộ Đạo. Ông thường triệu tập quần thần, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, chư Tăng trong kinh thành lại, rồi đắp cà sa ngồi giảng kinh, phóng quang Bát Nhã. Nghĩa là, ông vua mà giảng kinh Bát Nhã, nghĩa lý hết sức cao siêu. Ông còn xây dựng rất nhiều ngôi chùa, giúp đỡ không biết bao nhiêu người được xuất gia, hỗ trợ những trai đàn, in kinh ấn tống rất nhiều. Ông thật sự là vị vua rất đặc biệt.

Khi Tổ và vua gặp nhau đàm luận rất nhiều vấn đề, nhưng có vẻ như hai người ít duyên với nhau, nên Tổ có những câu nói ngắn gọn mà ấn tượng quá, vua không hiểu hết. Cuối cùng, vua hỏi một câu rất vô duyên “Trẫm đã cất chùa, in kinh, độ Tăng rất nhiều, có công đức gì chăng?” 

Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời một chữ là “không”. Thật ra, chữ “không” đó chính là chữ Không của kinh Kim Cang, là xem như không chứ không phải là không có gì. 

Nhưng vua Lương Võ Đế không hiểu nổi, tưởng là mình không có công đức gì hết, nên ông hoang mang. Tâm huyết của ông suốt bao nhiêu năm gây dựng mà ngày nay có vị Tăng nói không có gì hết. Sau đó vua cũng lạnh nhạt với Tổ, nên Ngài vượt sông Trường Giang ra đi, lên Thiếu Lâm thiền định. Lúc đó, nếu vua Lương Võ Đế hiểu cái Không của Kinh Kim Cang thì có lẽ vua đã quỳ xuống lạy Tổ Bồ Đề Đạt Ma mà xin làm đệ tử, có khi, ông trở thành Nhị Tổ chứ không phải là Tổ Huệ Khả. Nhưng thời cơ của lịch sử, giây phút trọng đại hiếm hoi thiêng liêng đó đã qua, không có một điều gì tốt đẹp xảy ra, không có một ông vua làm Nhị Tổ. 

Cái chính ở đây, người mới tìm hiểu Đạo, mới tu tập và giống như vua Lương Võ Đế là ông không hiểu rằng, ông phải xem tất cả mọi điều làm được như không, không có gì, như mây như gió để ta không chấp công mà sinh ngã mạn, hoặc tăng thượng mạn. 

Cho đến khi xuất hiện một tráng sĩ, một tướng quân đánh Đông dẹp Bắc, cuối cùng quay vào chùa tu hành là Nhị Tổ Huệ Khả. Nhị Tổ là một người cực kỳ giỏi võ, một ngày kia Ngài hối hận, khoác áo nạp vào chùa, quỳ dưới tuyết suốt đêm, chặt đứt cánh tay mình cầu Pháp. Và chúng ta có vị Tổ thứ hai. 

Do đó, chữ “không” mà Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma trả lời vua Lương Võ Đế, trong hoàn cảnh này, ngữ cảnh này ta hiểu nghĩa “không” theo Kinh Kim Cang. Tức có nghĩa là nếu điều đó, vật đó, làm ta mất đạo đức dần đi (kiêu mạn khi làm được nhiều việc phước, công đức, hay thấy vật mà khởi lòng tham...) thì phải xem nó như không. Tức là có hiện hữu nhưng chúng ta xem như không có gì thì mới chấp nhận được. Còn nếu sự vật đó không đánh vào đạo đức, chúng ta không cần phải xem nó như không, không cần phải bận tâm là sự vật đó hiện hữu hay không. Đó là thái độ chuẩn mực của người Phật tử. 

Như vậy, đây là nghĩa Không của Kinh Kim Cang. 

Quý Phật tử hiểu như vậy rồi, thì sẽ không còn hồ nghi, bán tín bán nghi với việc tại sao làm công đức rất nhiều như vua mà Tổ nói là không. Mà chúng ta phải hiểu đúng theo Chánh Kiến, theo lý Không của Kim Cang là việc tu tập của chúng ta phải rất dày, rất công phu rất tinh tấn, việc phước thiện ta gieo phải sâu dày, việc công đức ta làm phải rất nhiều nhưng chúng ta vẫn xem như là Không làm gì hết để tránh kiêu mạn rồi sau đó lại tạo tội và tăng chấp ngã về sau.

 

Khánh Quản

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin