Chi tiết tin tức

Sư giả đi khất thực tràn lan, làm sao đẩy lùi?

10:20:00 - 26/02/2014
(PGNĐ) -  Trong những năm gần đây, nạn sư giả đi khất thực tràn lan trên nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam, đặc biệt là vào những mùa lễ hội tại các ngôi chùa, ngôi đền có nhiều tín đồ đến viếng, hoặc tại những nơi đông dân cư, nhiều người qua lại. 

 

 

 

sugia

 

Giả dạng nhà sư ngồi trước cổng chùa xin tiền

Vào những ngày đầu năm Giáp Ngọ, theo phản ánh của báo chí thì cũng có rất nhiều người giả dạng nhà sư để đi khất thực tại những ngôi chùa, ngôi đền lớn, tại các khu lễ hội, khu chợ, các thành phố lớn… Vì họ không phải là nhà sư thực thụ nên cả cách ăn mặc lẫn hành vi của họ đều không đúng quy cách của người tu hành nên đã gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo, làm mất niềm tin của tín đồ và người dân đối với đạo Phật, làm giảm uy tín của hàng tu sĩ Phật giáo, nhất là với những người thiếu hiểu biết. Có thể nói, việc giả dạng nhà sư đi khất thực đã trở thành một tệ nạn của xã hội. Nhiều đối tượng đã lấy việc giả dạng nhà sư đi khất thực để làm nghề mưu sinh của mình, họ lợi dụng lòng tốt của tín đồ, người dân để trục lợi, để kiếm tiền một cách bất chính và rồi rất nhiều người dùng đồng tiền ấy vào những việc bất chính như đánh bạn, ăn nhậu, thậm chí là để mua dâm.

Đi khất thực là một truyền thống thiêng liêng và đầy ý nghĩa của nhà Phật, vừa giúp người tu sĩ có thực phẩm để nuôi cơ thể, duy trì sự sống, loại bỏ dần sự ngã mạn, cống cao trong lòng, vừa là phương tiện để nhà tu hành có thể tiếp xúc với người dân và qua đó giảng dạy đạo lý cho họ, hướng dẫn họ sống một đời sống hiền lành, lương thiện. Khất thực cũng là phương tiện để cho tín đồ Phật tử và người dân có cơ hội cúng dường, làm phước, tu tập hạnh bố thí – cúng dường và thể hiện lòng tôn kính đối với Tam bảo.

su gia

 

Một kẻ cải trang thành nhà sư rất chuyên nghiệp

Có một nguyên tắc rất rõ ràng và nghiêm túc trong việc đi khất thực của tu sĩ Phật giáo từ xưa cho đến nay là: Người đi khất thực chỉ được nhận vật phẩm từ tín đồ, người dân chứ không được nhận tiền mặt. Đối với người dân thì chỉ được phép dâng vật thực vào bình bát (bát) của các vị tu sĩ đi khất thực chứ không được bỏ tiền vào đó. Nếu ai bỏ tiền vào bình bát là phạm tội. Một khía cạnh tế nhị của việc không được phép bỏ tiền vào bát của nhà sư là vì bát ấy dùng để đựng thực phẩm và nhà sư dùng bát ấy để ăn, mà tờ tiền thì như chúng ta đã biết là rất mất vệ sinh, bỏ tiền vào bát sẽ làm cho bình bát bị ô uế và làm bẩn thức ăn. Nguyên tắc này ở các nước Phật giáo Nguyên thủy như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, Tích Lan… được các nhà sư cũng như người dân chấp hành rất nghiêm túc. Chính vì vậy mà ở các nước này chưa từng có nạn giả dạng nhà sư đi khất thực.

Còn ở nước ta, vì nạn giả sư đi khất thực đang tràn lan trong xã hội nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích các vị tu sĩ hạn chế việc đi khất thực. Nhưng vì đây là một truyền thống cao quý của nhà Phật nên đâu đó vẫn còn có những vị tu sĩ chân chính đi khất thực. Do vậy, chúng ta không thể quy kết rằng, tất cả những người đi khất thực hiện tại trong xã hội đều là những kẻ giả dạng nhà sư đi khất thực được. Vậy thì làm sao để đẩy lùi tệ nạn giả dạng nhà sư đi khất thực? Câu trả lời cho vấn nạn này có thể dễ dàng tìm thấy qua nguyên tắc vừa nêu ra ở trên. Vì theo nguyên tắc của nhà Phật, người tín đồ và dân chúng chỉ cúng dường vật thực cho nhà sư khi họ đi khất thực, cho nên chúng ta cứ tuận thủ theo nguyên tắc này, khi thấy có người mang bát đi khất thực, không cần quan tâm đến việc người đó là sư thật hay sư giả, nếu chúng ta có lòng muốn cúng dường thì cứ đem vật thực bỏ vào bát cho vị ấy, vật thực ở đây có thể là cơm, là bánh ngọt, là bánh mì, sữa, trái cây… Việc chúng ta tìm vật thực để dâng cho nhà sư, thực hiện đúng theo lời dạy của đức Phật, cũng phần nào thể hiện lòng thành của chúng ta, chứ không phải tùy tiền rút tiền mặt bỏ vào bát nhà sư như nhiều người thường làm xưa nay, và điều này cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi nạn giả sư đi khất thực. Tại sao vậy? Vì người dân thường bỏ tiền vào bình bát cho nhà sư khi họ đi khất thực nên những kẻ bất hảo thấy đây là một nguồn lợi lớn, chỉ cần cải trang thành nhà sư ôm bát đi khất thực là có thể kiếm được một mớ tiền mỗi ngày, không cần phải lao động vất vả gì cả. Nếu người dân chỉ cúng vật thực cho nhà sư khi họ đi khất thực thì làm sao những kẻ bất lương lợi dụng hình ảnh nhà sư đi khất thực để kiếm tiền bất lương được. Cho dù những kẻ bất lượng có giả dạng nhà sư đi khất thực đi nữa thì họ cũng chỉ nhận được vật thực mà thôi. Vật thực đó chỉ có thể dùng để ăn, hoặc đi bán lại thì cũng chẳng đáng là bao, không đủ trang trải cuộc sống của họ, và thế là họ sẽ tự động giải nghệ sớm, không cần chính quyền, các nhà chức trách can thiệp gì cả.

Một số nguyên tắc khác liên quan đến việc đi khất thực của tu sĩ Phật giáo mà mọi người cũng nên biết để nhận dạng, đó là: Người tu sĩ đi khất thực chỉ nhận vật thực vừa đủ ăn, tức là vừa đầy bát mà thôi, khi đã đầy bát thì trở về nơi ở của mình. Và không được đi khất thực sau giờ ngọ (có thể xem là sau 12 giờ trưa), vì người đi khất thực trong Phật giáo không được ăn sau giờ ngọ. Khi đến giờ ngọ, dù đã đầy bát hay chưa đầy bát thì nhà sư cũng phải trở về nơi ở của mình để dùng cơm trưa. Cho nên, chúng ta có thể kết luận rằng, những người đi khất thực sau giờ ngọ (vào buổi chiều) đều là những người giả dạng nhà sư.

Hy vọng rằng, qua bài viết này, mọi người có thể nhận ra được thật giả của vấn đề và có cách hành xử phù hợp để góp phần đẩy lùi nạn giả sư đi khất thực đang tràn lan trong xã hội chúng ta, lập lại công bằng cho xã hội.

Hoàng Minh Phú

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin