Chi tiết tin tức

Từ thần tài hóa đến ông Địa hóa Phật Di Lặc

06:38:00 - 05/05/2014
(PGNĐ) -  Phật Di Lặc trong Phật giáo là một vị Phật của tương lai, qua lời giới thiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo Trung Quốc thường cụ thể hóa hình tượng Phật Di Lặc qua hình ảnh một vị hòa thượng trong lịch sử: mập mạp, tươi cười, cởi mở. Tượng Phật Di Lặc như thế được Phật giáo Bắc tông thờ phượng.
image

Trong  một bài viết trước đây, chúng tôi đã có dịp bàn đến việc “Thần tài hóa” tượng Phật Di Lặc. Về tình tướng, đó là những tượng tương tự Phật Di Lặc, nhưng cầm thỏi vàng, đeo tiền điếu, ở nhiều dạng khác nhau: tay nâng cao, khoác bao vàng, đeo xâu tiền… Có người vẫn thờ những tượng cầm vàng, đeo tiền đó như tượng Phật. Nhưng cũng có người thờ như thần tài, bày biện ở cửa tiệm, quán ăn, đặt thấp dưới đất, cúng thức ăn mặn, cúng cả thuốc điếu rượu bia. Rồi gọi tên lung tung, như Phật, thần tài. 

 

Chúng tôi chưa có dịp đi sâu tìm hiểu hiện tượng này, mà chỉ ghi nhận việc đã diễn ra, với những tác dụng tiêu cực đối với đạo Phật. 

Cho dù là nói rằng thần tài và Phật Di Lặc có “ngoại hình giống nhau”, cầm vàng, tiền là thần tài, còn các dạng khác như cầm chuỗi ôm cắc đứa trẻ… là Phật Di Lặc, thì trong thực tế, đây vẫn là một hiện tượng tiêu cực đối với Phật giáo. Nhiều người, thậm chí là tu sĩ Phật giáo, tôn trí ở nhà, và cả ở chùa hình “Đức Phật Di Lặc” cầm vàng, cầm tiền, coi đó như thờ Phật. Có thể đây là việc lầm lẫn. Thần Tài thành Đức Phật Di Lặc, nhưng cũng có thể là những người tạc tượng cố ý vẽ vời thêm thắt, để thỏa mãn tâm lý cầu tài cầu lộc của người thờ, mong Phật mang tới tiền của bạc vàng. 

Với cách thờ này, cho dù thượng Phật Di Lặc được thờ cúng nơi trang nghiêm, nhưng động tác cầm vàng nén, tiền điếu rõ ràng là mâu thuẫn với giáo lý nhà Phật. Một tượng Phật như thế thờ nơi trang nghiêm tự thân cũng mất vẻ trang nghiêm, vì thỏi vàng, đồng tiền. Nếu dẫu đây là mức lẫn lộn ít tệ hại nhất, tượng vẫn còn ở nơi trang nghiêm, dầu tượng Phật có bị lai tạp. 

Trường hợp đưa tượng cầm tiền vàng như thế xuống thờ như Thần Tài, Ông Địa, với tượng đặt dưới đất, trong cửa tiệm, hàng quán, nơi giao dịch thương mại thì cũng vẫn gây tác động không tốt đối với Phật giáo, vì nhiều người không thể phân biệt rõ là Thần Tài, mà lầm sang Phật Di Lặc do tương đồng. 

Thờ Thần Tài lên vị trí Phật, lầm lẫn Phật Di Lặc với Thần Tài đều là đáng tiếc, nhưng tệ hại hơn cả là thờ tượng Phật Di Lặc ở vị trí thờ Thần Tài, Ông Địa. 

Đây là trường hợp thỉnh về tượng Phật Di Lặc hẳn hòi, không phải là tượng cầm khoe vàng, hay đeo xâu tiền, nhưng lại cho rằng đó là tượng Thần Tài, Ông Địa và thờ theo kiểu Thần Tài, Ông Địa, tức là bày dưới đất, kể cả dưới lối đi, gầm cầu thang…, cúng đủ thứ hỗ lốn rượu thịt, thuốc lá… 

Lỗi có thể do người bán thiếu hiểu biết, có thể do cố ý miễn sao bán được hàng. Mà hiện nay tượng Phật Di Lặc bày bán nhiều ở chợ, lẫn lộn với trang thờ thần tài và tượng Ông Địa. Việc thờ Ông Địa, Thần Tài thì dễ dãi hơn so với thờ Phật, không cần chỗ thanh tịnh trang nghiêm và ở trên cao. Dường như, vì vậy nên nhiều người bán không quan tâm đến việc phân biệt. Còn người mua thì không ít người biết đến giáo lý cơ bản, không phân biệt được Phật Di Lặc, Thần Tài, Ông Địa, quan niệm dễ dãi “Có thờ có thiêng”. Vì vậy, vô tình sẽ làm mất trang nghiêm tượng Phật, đối với tượng Phật mà như đối với tượng thần. Thậm chí có người còn thờ nơi để két sắt trong phòng ngủ. Điều này làm nhiễm ô tượng Phật không kém việc thờ dưới gầm cầu thang. Thờ sai như thế, không những chẳng cầu được gì, mà lại còn mang tội. 

Phật tử chúng ta, nếu có biết qua việc thờ Phật, thì gặp trường hợp thờ sai như vậy, Thần Tài hóa, Ông Địa hóa Đức Phật Di Lặc, nên góp chỉ dẫn người thờ điều chỉnh, phân biệt đâu là tượng Phật, đâu là tượng Thần Tài, Ông Địa. 

Đúng ra, đã quy y Phật thì không nên thờ cúng thiên thần quỷ vật, dù bất cứ hình thức nào. Chùa chiền không nên phát hành tượng Ông Địa, trang thờ Thần Tài… Người tu sĩ Phật giáo nên hướng dẫn tín đồ đep bỏ những hình thức thờ thần thánh ngoài ngoài việc thờ Phật. 

Hiện tượng lầm lẫn Phật Di Lặc với Thần Tài, Ông Địa hiện nay có chiều hướng gia tăng. Người Phật tử chúng ta không thể làm ngơ với việc tôn tượng Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật vốn được thờ phương trang nghiêm, thanh tịnh ở chùa chiền, lại bị bày trí thờ cúng lộn xộn, mất trang nghiêm, bị Thần Tài hóa, Ông Địa hóa. Tâm lý người thờ cúng bao giờ cũng sợ tội lỗi với thánh thần. Nếu được chỉ dẫn thờ cúng đúng cách chắc chắn họ sẽ điều chỉnh, không để xảy ra trường hợp lầm lẫn. 

Còn việc bày trí (chỉ để trang hoàng vui mắt) tượng có nhận dạng bên ngoài giống tượng Đức Phật Di Lặc nhưng đeo tiền điếu, cầm vàng thỏi cũng là điều nên tránh vì cũng tạo nên một sự lầm lẫn khác, trái với tinh thần giáo lý nhà Phật. 

MT

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin