Chi tiết tin tức Phóng sinh phải là lòng từ bi thôi thúc bên trong 21:05:00 - 15/08/2022
(PGNĐ) - * Tôi viết bài này những mong cứu sống dù chỉ là một sinh mệnh. Và cũng là lời sám hối cho một thời thanh niên xốc nổi – tôi đã từng đi săn bắn chim.
Nho gia quan niệm rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là con người sinh ra vốn đã sẵn có tính thiện. Một số trường phái tôn giáo quan niệm “mọi chúng sinh đều có phật tính”. Quan niệm này không chỉ cho thấy sự bình đẳng ở tất cả sinh linh mà còn là hạt giống bồ đề đã sẵn có, tâm từ bi đã hiện hữu trong mỗi sinh mệnh. Phải chăng đó là ánh nhìn tuệ nhãn của bậc minh triết, để nhắc nhở con người biết sống đúng, hòa hợp với tự nhiên; khuyến thiện, có tâm từ, lòng bi mẫn. Tính thiện ấy ở con người có thể bị cuộc đời xô đẩy mà đôi khi mai một hoặc thế chỗ bằng cái ác. Nhưng dù thế nào trong sâu thẳm tâm trí vẫn lưu dấu bản tính lương thiện, đó là lòng trắc ẩn trong những hoàn cảnh, thời khắc đặc biệt. Con người nhờ có trí tuệ mà đứng trên muôn loài trong thế giới hữu tình. Từ sự thống trị này con người như có quyền sinh, quyền sát với những sinh mệnh thấp hơn mình. Nhưng “thế giới bản thể tự nhiên, có đức hiếu sinh”, muôn loài được tạo hóa sinh ra trong bản năng đã ham sống, muốn được sống. Khi con cá đặt trên thớt được cứu, thả xuống sông nó liền vẫy đuôi mừng; con chim được cứu, sẽ bay lên cành cao cất tiếng hót. Đó là những minh chứng sống động, rõ nét cho tính “hiếu sinh” của sinh vật. Hiểu được thiên lý này có người luôn sẵn lòng bi mẫn với chúng sinh, giải thoát cho chúng được tự do, cứu mạng chúng trước cái chết cận kệ. Điều này có lẽ nhiều người cũng từng thực hiện một lần trong đời. Đạo Phật chỉ cho con người con đường giải thoát, bước ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mà muốn thế trước hết con người phải nuôi dưỡng lòng từ, sống hoà ái với muôn loài xung quanh. Từ đó “phóng sinh” như một việc hành thiện để giúp chúng sinh giữ được sinh mạng, kéo dài thọ mạng; và cũng là một pháp tu thực hành để đánh thức hạt giống bồ đề, để nuôi dưỡng lòng nhân. Phóng sinh hiểu cho đúng là cứu thoát, giải thoát cho một sinh mệnh khi đứng trước cái chết. Với ý nghĩa này ai cũng có thể thực hiện được chứ không thuộc “đặc quyền” của riêng nhà chùa, tăng, ni, hay chỉ dành cho các tín đồ Phật giáo. Phóng sinh có thể thực hiện trong bất kì hoàn cảnh nào, thời gian nào mà không cần phải đợi đến những ngày lễ của tôn giáo. Điều cốt yếu của phóng sinh là lòng tư bi thôi thúc bên trong. Chỉ như vậy sinh mệnh được giải cứu mới có cơ may sống sót. Ngày nay việc phóng sinh đã trở thành phong trào và mang nặng tính hình thức. Người người, nhà nhà đợi đến những ngày rằm, ngày lễ Phật mới đi mua chim, mua cá để phóng sinh với ý nghĩ rằng mình làm việc thiện, tích công đức. Nhưng chính cái sự ồ ạt đó từ lâu đã biến phóng sinh thành một nhu cầu xã hội, mà theo quy luật – có cầu ắt có cung. Từ đó sinh ra một nghề chuyên đi săn bắt chim, cá. Họ bắt vô tội vạ không kể lớn nhỏ, họ săn bằng mọi cách có thể. Và kết quả là một lượng không nhỏ sinh vật bị cướp đi sự tự do, bị giam cầm, và ngay cả bị tước đoạt mạng sống. Trong số những sinh vật khốn khổ ấy có những chim mẹ đang đi kiếm mồi cho đàn con thơ. Chúng đợi mãi, gào thét khản cổ, khát khô cả họng, bụng đói cồn cào mà mẹ đâu không về! Chúng vô vọng trong từng hơi thở yếu ớt, rồi lịm đi. Hóa thành những nắm xương khô. Hay chúng là những chú chim non mới chập chững vào đời; chúng đâu biết rằng cuộc sống này là hiểm nguy rình rập, là cạm bẫy vây quanh. Vì thế, chuyến bay đầu tiên cũng là cuối cùng. Một đi không trở lại. Cảnh ấy khác nào, mẹ hiền đã mất con thơ. Ở những cửa hàng bán chim, họ nhốt những chú chim không may ấy chung lại và gắn bảng “chim phóng sinh”. Những người đi làm phóng sinh đến, cứ thế chỉ mua loại “chim phóng sinh” này. Thử hỏi, vậy những loại chim khác bị nhốt thì sao? Chúng không phải là một sinh mệnh cần được giải cứu? Hay phóng sinh cũng phải có sự phân biệt, phân loại? Thêm nữa, những con chim bị nhốt đợi cho đến ngày được phóng sinh thì gần như đã kiệt sức. Hơn thế, có nơi những người chủ còn cho chúng uống thuốc để khi được thả ra chúng không thể bay xa, họ bắt lại và tiếp tục bán cho những nhóm người làm phóng sinh khác. Cứ thế như một vòng lặp không lối thoát. Nhiều chú chim khi được phóng sinh không muốn bay ra khỏi chiếc lồng, vì chúng đã biết sẽ bị bắt lại; chúng bám víu trong ánh mắt van lơn: hãy cho chúng ở lại chiếc lồng chật hẹp này. Cảnh tượng ấy thật xót xa! Những chú chim còn đủ sức thoát ra từ lồng thì cũng không đủ sức để trở về với tự nhiên, trở về với cuộc sống hoang dã. Nếu chúng không chết trên hành trình trở lại thiên nhiên thì cũng sẽ chết mòn nơi những chiếc lồng. Như vậy, từ phóng sinh đã biến thành sát sinh; từ việc thiện trở thành bất thiện. Mà hơn thế đó là một cuộc lạm sát trong sự hoan hỷ của việc tạo phước, và dưới cái vỏ bọc của lòng từ bi. Rõ ràng, từ bi mà vô minh sẽ đưa ta đến những hậu quả khôn lường, những sai lạc không thể hoán cải. Cho nên từ bi phải trí tuệ và bác ái phải công bằng. Cứ như thế, phóng sinh ngày một nhân rộng, mức độ ngày một gia tăng thì không mấy chốc chúng chỉ còn là bóng chim tăm cá. Còn nhớ Trung Quốc từng phát động Chiến dịch diệt chim sẻ (Đả ma tước vận động) từ năm 1958-1962 đã khiến cho họ nhận ngay bài học nhãn tiền. Ban đầu họ bắt giết chim sẻ vì nghĩ rằng chính chúng làm giảm năng suất lúa. Nhưng sau khi chim sẻ bị diệt gần hết thì là lúc họ bị mất mùa do sâu bệnh. Kết quả là thiếu lương thực trầm trọng, trong 7 năm sau đó, đất nước rơi vào nạn đói khiến cho hơn 30 triệu người chết. Về mặt khoa học, cho là do sự mất cân bằng sinh thái; về tâm linh, là sự báo ứng của luật trời; và cũng là luật nhân quả trong giáo lý nhà Phật. Tạo hóa vốn có an bài, tự nhiên đã có sự cân bằng, con người cần phải tôn trọng và sống hòa hợp với nó. Những gì con người tác động vào vũ trụ này đều sẽ nhận lại được sự phản xạ tương ứng. Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần trả lại việc phóng sinh cho đúng ý nghĩa. Không cần những trào lưu hình thức dưới mọi sự nhân danh, mà phải hành động bằng chính lòng từ, lòng nhân ở mỗi cá nhân đối với bất kì sinh mệnh nào trong mọi thời khắc có thể. Thiết nghĩ, việc này nhà chùa và chư tăng – ni vốn có sức ảnh hưởng và trách nhiệm đối với các tín đồ, phật tử, khai thị giúp họ đoạn diệt vô minh, tránh lầm lạc trên còn đường hành thiện. Điều đó góp phần chấn hưng các giá trị cao đẹp trong tinh thần cốt yếu “duy tuệ thị nghiệp” của Phật giáo.
Tác giả: Nguyễn Thanh Huy
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |