Chi tiết tin tức

Vấn đề lạm xưng "Pháp vương": Cuồng tín cá nhân

11:41:00 - 19/10/2015
(PGNĐ) -  Vừa qua, trong một bản tin liên quan tới việc Trung ương Giáo hội tiếp phái đoàn truyền thừa Drukpa, PV đã căn cứ quy cách giới thiệu trong văn bản mà Văn phòng II TƯGH chuyển đến tòa soạn - gọi ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 là Hòa thượng, một vài ý kiến phản hồi về tòa soạn cho rằng cách gọi đó là “thiếu lễ độ”, lẽ ra phải gọi là “Đức Pháp vương”, hay “Bậc Toàn tri Tôn quý”.

Để rộng đường dư luận, tiếp sau các ý kiến của chư tôn giáo phẩm Hòa thượng, BBT xin giới thiệu ý kiến của TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN, nguyên Tổng Thư ký Đại lễ Vesak LHQ 2008:

BTN_0277edit.jpg
TT.Thích Nhật Từ - Ảnh: Bảo Toàn

- Trong văn học Phật giáo Sanskrit, Pháp vương (Dharmarja) là đức hiệu cao quý nhằm tôn xưng Đức Phật như “đức vua của chân lý”. Khái niệm Pháp vương trong Phật giáo chỉ Đức Phật Thích Ca, bậc tuệ giác toàn mãn, ngay cả các bậc Bồ-tát đẳng giác trong truyền thống Đại thừa hay thánh A-la-hán trong truyền thống Nguyên thủy, cũng không thể sánh bằng.

Về ngữ nghĩa, Drukpa có nghĩa là “con rồng”, hoặc “sấm sét”. Tại Bhutan, vua của nước này còn được gọi là “Vua Rồng sấm sét” (Druk Gyalpo). Khái niệm “Drukpa” theo ngữ cảnh nêu trên là từ được chỉ cho “thuộc về Bhutan” hoặc “thuộc về dân tộc Ngalop, một dân tộc thiểu số quan trọng tại Bhutan. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, chi phái Drukpa (mà Gyalwang Drukpa là trưởng chi phái) là một phái nhánh của trường phái Kagyu (phái Mũ Đỏ) thuộc Phật giáo Tây Tạng. Phái Mũ Đỏ chỉ là một trong bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng. Trưởng của môn phái này còn không lạm xưng mình là Pháp vương. Đức Dalai Lama, xem như là vua của xứ Tây Tạng, đứng đầu phái Mũ Vàng cũng chưa bao giờ gọi mình là Pháp vương. Khái niệm Phật sống (hoạt Phật) mà người Việt Nam thường dùng để chỉ cho Dalai Lama là do người Việt Nam tôn kính nhân cách đặc biệt của ngài. Bản thân ngài không hề gọi mình là Pháp vương và cũng không thừa nhận khi người khác gọi mình bằng danh xưng đó, ngài chỉ tự nhận mình là một tu sĩ bình thường.

Thiển nghĩ, việc lạm xưng khái niệm “Đức Pháp vương” hoặc “Bậc Toàn tri Tôn quý” của một số Tăng Ni và Phật tử Việt Nam chẳng những thể hiện sự thiếu hiểu biết về Phật pháp, mà còn dẫn đến tình trạng “sùng bái thần tượng”, vốn rất xa lạ đối với lời dạy cao quý của Đức Phật.

0603-004.jpg
Ngài Gyalwang Drukpa ở Hồng Kông - Ảnh: Drukpa Hongkong

Cần nói thêm, dòng truyền thừa Gyalwang Drukpa chỉ là chi phái nhỏ trực thuộc trường phái Mũ Đỏ, một trong bốn trường phái Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng. Gyalwang Drukpa 12 đang làm đạo tại tiểu bang Ladakh, Ấn Độ, không phải là vua của Bhutan hay Sikkim, lại càng không phải là người đứng đầu cao nhất của phái Mũ Đỏ; là một nhân vật “tầm trung” trong các dòng truyền thừa của Kim Cương thừa tại Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ…

Trong các tổ chức Phật giáo quốc tế tầm vóc như Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (Nhật Bản), Giáo hội Tăng-già Phật giáo Thế giới (Đài Loan), Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (Thái Lan), Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Thái Lan), Diễn đàn Phật giáo Thế giới (Trung Quốc)… tôi chưa từng thấy Gyalwang Drukpa được mời tham dự như các vị Tăng thống, Chủ tịch các hiệp hội Phật giáo thế giới hay quốc gia.

Về phương diện ngoại giao Phật giáo quốc tế đối với Giáo hội, việc chúng ta mặc nhiên để hiện tượng lạm xưng “Pháp vương” và “Đấng Toàn tri Tôn quý” với một cá nhân như trên, dễ dẫn đến tình trạng hiểu lầm không đáng có đối với bốn trường phái chính của Kim Cương thừa Tây Tạng, trong đó, chi phái Drukpa chỉ là một chi phái nhỏ thuộc phái Mũ Đỏ.

Một thực tế không thể phủ định là sự lạm xưng “Pháp vương” và “Đấng Toàn tri Tôn quý” đối với Gyalwang Drukpa đã làm cho nhiều Phật tử đến với đạo Phật bằng con đường tín ngưỡng, cầu phước, dễ cuồng tín cá nhân. Ảnh hưởng tiêu cực của sự lạm xưng này còn làm cho một số Phật tử Việt Nam xem thường các bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam, dẫn đến tình trạng chỉ cầu phước báu, thay vì phải học Phật, tu Phật nghiêm túc để sống cuộc đời tỉnh thức.

 

Diệu Nghiêm thực hiện

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin