Chi tiết tin tức

Cần có chương trình đào tạo trụ trì chính quy

21:58:00 - 31/07/2015
(PGNĐ) -   Tại Điều 57, Chương X Hiến chương Giáo hội xác định: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi tắt là tự viện) là đơn vị cơ sở đồng thời là giáo sản của Giáo hội.

Theo thông tin mới nhất được lãnh đạo Giáo hội xác nhận, hiện cả nước có 17.287 tự viện, chưa kể hơn 2.000 cơ sở tự viện chưa đăng ký hoặc không chịu vào Giáo hội.

bdtt-3.jpg
Gần 200 Tăng Ni trụ trì thuộc PG tỉnh Kiên Giang tham gia khoa bồi dưỡng trụ trì năm 2015,
diễn ra từ 23 tới 28-7, tại chùa Phật Quang (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) - Ảnh minh họa của Minh Triết

Trách nhiệm quản lý, điều hành trực tiếp số lượng hàng ngàn cơ sở tự viện đó là các vị trụ trì. Và như chúng ta đã biết, vai trò và trách nhiệm của trụ trì rất quan trọng, nhưng mấy mươi năm qua, Giáo hội chưa hề có một chương trình đào tạo trụ trì một cách chính quy, cập nhật tư duy cũng như phương thức quản lý, hoằng pháp phù hợp với những biến động, thay đổi của xã hội.

Liên quan tới nghiệp vụ trụ trì, lâu nay Giáo hội chỉ tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn ngày. Quan sát nội dung của các khóa bồi dưỡng này cho thấy chủ yếu nhằm phổ biến pháp luật, các nghị định, quy định sinh hoạt tín ngưỡng cũng như liên quan tới ngành Tăng sự của Giáo hội. Tất nhiên nội dung đó là cần thiết, nhưng nếu chỉ vậy thôi thì có thể nói là khó làm thay đổi một cách đồng bộ và sâu sắc nếp điều hành, tư duy quản lý của các vị trụ trì ở cơ sở.

Người trụ trì cần có nhận thức về Phật học, hiểu biết về pháp luật và rất cần nhiều kỹ năng đối nội cũng như đối ngoại. Bởi những suy nghĩ, lời nói và việc làm của người trụ trì có ảnh hưởng rất lớn lên Tăng chúng, Phật tử. 

Vị trụ trì là người hướng dẫn tâm linh, tu học đúng Chánh pháp và phù hợp với Hiến chương, quy định của Giáo hội cũng như luật pháp của Nhà nước hiện hành, chứ không phải là người chủ của cơ sở tự viện, toàn quyền quyết định theo ý chí của cá nhân. Cũng như một tổ chức hay doanh nghiệp, không thể buông lơi sứ mệnh đã đặt ra, vị trụ trì tự viện cũng vậy, phải ý thức và không bao giờ rời mục tiêu đó trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Vì nếu rời bỏ mục tiêu, sẽ dễ dàng có những quyết định lệch hướng.

Ở phương diện quản lý đơn thuần, người trụ trì cũng giống như giám đốc một đơn vị, doanh nghiệp. Tư duy, phương pháp cũng như kinh nghiệm, kỹ năng điều hành sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả tốt hay xấu của doanh nghiệp đó. Cái khác ở chỗ: mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận (trong tương quan chia sẻ, trách nhiệm với công nhân viên, cộng đồng…), còn mục tiêu của tự viện chính là hoằng dương Phật pháp, làm cho nhiều người hiểu biết, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, điều chỉnh hành vi làm sao xứng với nhân cách của người con Phật (xuất gia cũng như tại gia), phù hợp với truyền thống dân tộc.

Được biết, trong một vài tôn giáo bạn, việc đào tạo các kỹ năng cho các tu sĩ rất được chú trọng. Bởi người tu sĩ là người hướng dẫn, họ cần nắm bắt, xin nhấn mạnh là kỹ năng chứ không phải lý thuyết suông, của một người hướng dẫn, như là cách quản trị nhân sự và công việc, xây dựng chương trình và viết kịch bản cho một buổi lễ (sự kiện), viết một thông cáo, diễn đạt ý tưởng trước công chúng, v.v… 

Hiện nay Giáo hội chúng ta đã có hệ thống 4 học viện đào tạo chương trình cử nhân Phật học, mong rằng, việc đào tạo trụ trì sẽ được đưa vào chương trình chính quy, chứ không thể chỉ là những khóa “bồi dưỡng” ngắn ngày như lâu nay.

Thích Tâm Hải

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin