Chi tiết tin tức

Về hiện tượng bê-tông hóa kiến trúc chùa

19:37:00 - 19/12/2015
(PGNĐ) -  Tựu trung thì có ba hướng bê-tông hóa thường thấy: bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới; bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa cũ (cổ) và bê-tông hóa một phần ngôi chùa cũ (cổ).

Cùng với sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam từ buổi đầu Tây lịch, các ngôi chùa dần dần được xây dựng. Chùa không chỉ là nơi thanh tịnh để thờ Phật, các nhà sư tu hành và tín đồ đến tụng kinh, mà còn là trung tâm văn hóa của mỗi làng xã. Bước phát triển của kiến trúc chùa từng thời kỳ chịu sự chi phối sâu sắc của các yếu tố lịch sử và xã hội; cho nên, trên cả nước, từ Bắc chí Nam không có một kiểu mẫu chung nào cho hàng ngàn ngôi chùa được xây dựng trong nhiều thế kỷ qua. Song nếu phân tích kỹ có thể rút ra một số đặc điểm thường thấy, đó là những ngôi chùa dù được xây dựng bằng chất liệu gạch vữa hay kết cấu gỗ thì cũng không mang vẻ hoành tráng, choáng ngợp hay thách thức, chinh phục thiên nhiên mà rất đỗi khiêm nhường, bình dị, nép mình dưới lớp lớp tán cây xanh mát. Rõ ràng, kiến trúc chùa phần nào đó phản ánh đúng tâm thức Phật giáo Việt Nam! Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, kiến trúc chùa Việt đang thay đổi từng ngày bởi quá trình bê-tông hóa một cách rầm rộ. Ở vấn đề này, dẫu chưa bàn đến chuyện đúng sai thì cũng phải quan tâm nghiên cứu tìm ra cái được, cái mất của nó để rồi góp phần hóa giải bài toán hóc búa giữa truyền thống và cách tân trong kiến trúc chùa nói riêng, kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng nói chung ở Việt Nam.

1.Thực trạng bê-tông hóa các ngôi chùa hiện nay

Để đưa ra con số chính xác có bao nhiêu ngôi chùa đã và đang được bê-tông hóa trên khắp cả nước chắc cần phải chờ thời gian kiểm kê cụ thể. Tuy thế, bằng những gì có thể quan sát và theo dõi được trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sự hỗ trợ của internet, có thể thấy tình trạng bê-tông hóa chùa chiền diễn ra không phải một nơi mà nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn; từ một ngôi chùa làng đơn sơ cho đến một ngôi cổ tự lừng lẫy tiếng tăm. Tựu trung thì có ba hướng bê-tông hóa thường thấy: bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới; bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa cũ (cổ) và bê-tông hóa một phần ngôi chùa cũ (cổ).

Trường hợp bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới, điển hình nhất là chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Vì cả hai ngôi chùa đều được đặt tên theo những danh lam cổ tự nổi tiếng của địa phương nên người dân thường gọi một cách dân dã là chùa Bái Đính mới và chùa Linh Ứng 3 để phân biệt với chùa Bái Đính cổ trên đỉnh núi Đính cũng như hai chùa mang tên Linh Ứng, một tọa lạc trên núi Non Nước Ngũ Hành Sơn và một tọa lạc trên núi Chúa Bà Nà. Hai chùa xây dựng ở vị trí hoàn toàn mới, không làm ảnh hưởng đến những ngôi cổ tự nên có thể coi chúng là những chùa mới hoàn toàn. Nhờ vào kỹ thuật xây dựng hiện đại và vật liệu bê-tông cốt thép, qua bàn tay tạo tác của người thợ Việt Nam mà cả hai chùa có kiến trúc bề thế, hoành tráng nhưng không kém phần tinh tế và thẩm mỹ. Chùa Bái Đính mới đã trở thành khu tâm linh lớn nhất Việt Nam và giữ nhiều kỷ lục như: chùa lớn nhất Đông Nam Á; chùa có tượng Phật dát vàng lớn và hành lang dài nhất châu Á… Trong khi đó, chùa Linh Ứng  trên bán đảo Sơn Trà trước biển khơi Đà Nẵng cũng lập kỷ lục với bức tượng Bồ-tát Quan Thế Âm bằng đá trắng lớn nhất Việt Nam. Thực ra tổng thể pho tượng này cũng là một kiến trúc thờ cúng bởi với chiều cao thân tượng là 67,9m thì bên trong lòng tượng chia ra 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 vị Phật. Đài sen khổng lồ dưới chân tượng rộng 35m cũng là một kiến trúc vững chắc, bên trong có không gian thờ cúng thoáng đãng bởi xung quanh được trổ rất nhiều cửa vòm với ý nghĩa cửa Phật luôn rộng mở muôn phương cho thập loại chúng sinh tu tập. Với địa thế khá đẹp và lối kiến trúc mới hoành tráng, hàng năm du khách thập phương hành hương về chùa Bái Đính mới và Linh Ứng 3 rất đông, điều đó đồng nghĩa với việc chúng đã trở thành điểm sáng tâm linh mới của thời đại mở cửa và hội nhập.

Trường hợp bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa cũ (cổ). Tại nhiều làng quê Việt Nam hiện nay, những ngôi chùa làng rêu phong cổ kính đang dần thay hình đổi dạng. Từ chỗ có quy mô vừa và nhỏ, nhiều bộ phận được kết cấu bằng hệ thống gỗ truyền thống độc đáo nay mái chùa bề thế vươn cao hơn choáng ngợp cả không gian cây cối. Tất cả phần gỗ trong kiến trúc được đúc bê-tông và sơn vẽ giả gỗ. Mái chùa cũng được đổ bê-tông và lợp ngói công nghiệp đỏ tươi. Nhiều công trình phụ như am miếu quanh chùa vốn nép mình dưới tán đa, tán si cổ thụ thâm nghiêm cũng bị phá đi và chuyển đến vị trí mới. Nền chùa nếu không được lát gạch hoa thì cũng đổ trạt xi-măng, còn tường thì được quét vôi ve hoặc lăn sơn nhiều màu sắc hiện đại. Với lối kiến trúc mới như vậy, dường như không gian thờ cúng thâm nghiêm của ngôi chùa đã bị triệt tiêu hoàn toàn, cho nên khi bước vào không gian đó ta có cảm giác trống trải và lạnh lẽo.

Trường hợp bê-tông hóa một phần ngôi chùa cũ (cổ). Trên phạm vi cả nước có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng bổ sung thêm các hạng mục mới mà phổ biến là hệ thống bảo tháp vốn là biểu tượng Phật giáo. Ví dụ như chùa Từ Đàm (Huế), ngay cổng tam quan bảo tháp được xây dựng đối xứng với cội bồ-đề do Đại đức Narada người Tích Lan trồng tặng. Hay chùa Tiên Hương (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) xây dựng thêm một bảo tháp có chiều cao lên đến vài chục mét, từ rất xa cũng có thể nhìn thấy đỉnh tháp này…. Việc xây dựng thêm bảo tháp nếu hài hòa và ăn khớp với kiến trúc chùa cũ sẽ có ý nghĩa góp phần hoằng dương đạo pháp, ngược lại nếu tháp quá to lớn và đồ sộ sẽ dẫn đến sự lạc lõng, xa lạ đối với chính tổng thể kiến trúc của cảnh chùa.

Bên cạnh đó, rất nhiều ngôi chùa cổ vốn là di sản, là báu vật quốc gia có kiến trúc độc đáo mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đã bị trùng tu, chắp vá một cách sai nguyên tắc dẫn đến hậu quả khôn lường. Sự kiện chùa Trăm Gian (Hà Nội) thời gian gần đây là một ví dụ điển hình. Từ một ngôi chùa gần ngàn năm tuổi, với mỗi hạng mục là một báu vật không gì thay thế nhưng dưới sự tác động “thiếu hiểu biết” của con người, nó đã trở thành một kiến trúc chắp vá của thế kỷ XXI. Cổng chùa bị xây mới hoàn toàn. Mái chùa được lợp lại đỏ tươi, tranh tượng bạc màu thời gian được quét lại bằng sơn công nghiệp, cột gỗ được đánh lại vécni bóng loáng… Đáng tiếc hơn nữa là những công trình gác khánh, nhà Tổ, bậc thang đá còn bị tháo dỡ, phá bỏ hoàn toàn để thay vào đó một kết cấu mới làm mất hẳn kiểu dáng và vật liệu gốc của công trình. Phải nói rằng đây là việc làm mang tính chất xâm hại nghiêm trọng đến một di tích cổ quý giá đã được xếp hạng để bảo vệ cho muôn đời sau.

2.Những lý giải

Một vài ví dụ trên đây chỉ mang tính điển hình nhưng đủ cho thấy hiện tượng bê-tông hóa kiến trúc chùa đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều mức độ khác nhau. Chỉ có thể lý giải hiện tượng này qua ba góc độ:

  • Thứ nhất, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra mau lẹ. Cơ sở hạ tầng đô thị từ cầu, đường, trung tâm thương mại, khu chung cư hiện đại… ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ trong thời kỳ hội nhập, mở cửa đất nước đã dần xuất hiện và định hình lối tư duy mới, kỹ thuật mới về kiến trúc và xây dựng. Dẫu rằng lối tư duy xây dựng này không ảnh hưởng hoàn toàn đến tư duy xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng nói chung, chùa chiền nói riêng thì cũng ảnh hưởng một phần nhất định. Người kỹ sư và công nhân xây dựng hiểu rất rõ rằng, mái đình, mái chùa… thì phải cong cong mềm mại chứ không thể góc cạnh vuông vức như các công trình hiện đại nên có rất nhiều ngôi chùa xây dựng từ bê-tông, song người thợ đã cố gắng hết sức trong việc hóa giải những chỗ góc cạnh để công trình vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát như một công trình gỗ truyền thống. Hoặc như, dù hệ thống cột, xà, kèo… có được đúc bằng bê- tông thì người ta cũng tìm cách sơn, vẽ làm sao cho giống chất liệu gỗ nhất có thể. Hơn nữa, giữa lúc cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải gồng mình chống chọi với những biến động và thiên tai ngày càng khốc liệt như chiến tranh, động đất, bão lụt, sóng thần… thì những công trình bề thế bằng bê-tông cốt thép mới được đánh giá là vững chãi và vĩnh cửu nhất. Ngoài ra, để xây dựng được những công trình mang tính chất hoành tráng (ví dụ chùa Bái Đính mới, chùa Linh Ứng) có lẽ nếu chỉ dùng vật liệu gỗ thì khó lòng thực hiện, nên những loại vật liệu hiện đại như sắt, thép, cát, đá, xi-măng… đã được lựa chọn vì nó đảm bảo vừa rẻ, tiện dụng và phổ biến.
  • Thứ hai, về mặt kinh tế, một khi xã hội phát triển, đời sống của con người ngày càng phú quý, thịnh vượng ắt sẽ dẫn đến nhu cầu được làm những điều lễ nghĩa. Nhiều đệ tử chốn cửa Phật, công ty, doanh nghiệp… phát lòng hảo tâm muốn cúng dường tiền bạc để tu sửa và xây cất chùa chiền. Thực tế, hầu hết những ngôi chùa mới hiện nay có sự đóng góp rất lớn của các cá nhân và tập thể. Âu đó cũng là tấm lòng, là cách thế hệ cháu con thời đại mới tích dày thêm công đức để mong được hưởng điều an lạc trong cuộc sống lắm lo toan, trắc trở.
  • Thứ ba, vì thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh, nhu cầu được giải tỏa tinh thần và được cầu nguyện ngày càng nhiều nên dường như những cơ sở hành lễ tôn giáo – tín ngưỡng nói chung đang ngày càng quá tải và chật chội. Cho nên, việc xây dựng thêm các cơ sở thực hành tôn giáo là điều rất dễ hiểu và hợp với lẽ “cung – cầu” trần tục. Riêng đối với đạo Phật – một thứ tôn giáo hướng dẫn con người làm điều từ bi, hỷ xả và giải thoát khỏi nỗi khổ đau sẽ được nhiều người lựa chọn bởi theo chân tu của Bậc Đại Đạo Sư con người sẽ tìm được niềm vui, niềm tin, sự an định và tĩnh tại trước sóng gió cuộc đời. Chính vì vậy, bên cạnh hàng nghìn ngôi chùa lớn, nhỏ trên khắp cả nước nhiều chùa mới tiếp tục được xây dựng để đáp ứng lòng thành tâm hướng thiện của con người.

3. Ngẫm nghĩ về cái được – mất

Cũng như mọi hiện tượng xã hội đều có hai mặt vấn đề, hiện tượng bê-tông hóa kiến trúc chùa cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi không phán xét hiện tượng này dạng như tích cực và tiêu cực như thế nào. Mà nhẹ nhàng hơn là làm rõ những cái đượBe Tong hoa chuac – mất:

  • Về cái được, trước tiên chúng ta có một số các công trình bề thế, hoành tráng, đôi khi là niềm tự hào của một địa phương hay đất nước như trường hợp chùa Linh Ứng 3 tại Đà Nẵng hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Các công trình này tuy đồ sộ song vẫn hài hòa với thiên nhiên, tựa vào hình sông thế núi rất hợp lý tạo nên không gian thiền tráng lệ. Vì có không gian rộng nên các công trình bộ phận được thiết kế rất chi tiết từ nơi ăn chốn ở của Tăng Ni, nơi bán sách văn hóa Phật giáo đến hệ thống điện chiếu sáng, sân chơi, vườn cảnh, ao hồ… tạo nên mối liên kết khép kín rất đăng đối, khoa học hơn hẳn so với nhiều công trình kiến trúc truyền thống của cha ông thường xây dựng chắp nối qua các thời kỳ lịch sử nên đôi khi không có sự thống nhất.
  • Cái được thứ hai là không gian thờ cúng, hành lễ được mở rộng tạo điều kiện đón tiếp Phật tử muôn phương hành hương về lễ Phật. Một ví dụ điển hình là chùa Từ Đàm Huế, với không gian chật hẹp của tòa đại đường cũ xây từ những năm 30 của thế kỷ XX quá chật chội không thể tiến hành các khóa lễ lớn. Nhưng từ khi chùa được quy hoạch, xây dựng mới và đưa vào sử dụng mấy năm gần đây đã tổ chức được rất nhiều buổi hoằng pháp cũng như các đại lễ lớn của Phật giáo, chứa được cả ngàn người một lúc.
  • Cái được thứ ba đó là việc thay thế vật liệu gỗ bằng bê-tông cốt thép trong xây dựng chùa chiền chắc chắn đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc làm giảm nguy cơ chặt phá rừng đầu nguồn vốn là vấn nạn hiện nay. Dẫu có là người nghiệp dư trong vấn đề xây dựng cũng sẽ bàng hoàng, thảng thốt nếu một ngôi chùa như Bái Đính mới được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ bởi có lẽ nó sẽ phải sử dụng đến con số mấy mươi ngàn khối chứ không kém! Cho nên, hoàn toàn có thể nói rằng mỗi một ngôi chùa xây dựng mới bằng bê-tông cốt thép là góp thêm một tiếng nói bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường sống nói chung, giúp con người tránh được những hiểm họa khổ đau khôn lường trong tương lai. Đó là điều rất thiết thực và có ích không nằm ngoài mục đích và tôn chỉ tu hành của đạo Phật.

Bên cạnh rất nhiều cái được thì cũng không hiếm cái mất. Xin đơn cử ba cái mất dễ nhận ra nhất:

  • Cái mất đầu tiên là sự mai một trong kiến trúc, kết cấu truyền thống từ kiểu dáng đến kỹ thuật mộng, mẹo kết nối các chi tiết gỗ. Nhiều họa tiết trang trí nóc mái, bờ đao như họa tiết rồng, dây leo hóa long… giúp bộ mái các công trình thanh thoát, bay bổng được làm đơn giản và kém sắc sảo nên thoạt nhìn là biết đó là tác phẩm của kỹ thuật công nghiệp. Cho nên việc một ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi bị tu sửa mà phá đi nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo như trường hợp chùa Trăm Gian là đồng nghĩa với sự phá hoại di sản bởi chúng ta đã làm mất đi rất nhiều cái độc nhất vô nhị như kiểu dáng, họa tiết hay sự bạc màu thời gian. Đau lòng thay! Chính những yếu tố đó lại là cái quý giá và giúp công trình được xếp vào danh mục di sản văn hóa lịch sử cần gìn giữ, bảo vệ.
  • Một cái mất nữa là không gian linh thiêng trong thờ cúng đã bị trần tục hóa hơn rất nhiều. So với một điện thờ Phật trong các ngôi chùa gỗ truyền thống thì điện thờ trong các ngôi chùa mới thường quá sáng bởi hệ thống điện và cửa. Vẫn biết là đạo phải hòa vào đời, song không gian thờ cúng như vậy ít nhiều tạo ra cảm giác trống trải và lạnh lẽo.
  • Quan trọng hơn, các công trình càng bề thế bao nhiêu càng làm mất đi vẻ khiêm nhường vốn là đặc điểm của kiến trúc chùa Việt Nam bấy nhiêu, nếu như không được thiết kế và quy hoạch phù hợp với môi trường thiên nhiên xung quanh.

4. Thay lời kết: Cần phải ứng xử có nguyên tắc

Trong thời đại ngày nay, bê-tông hóa các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nói chung là một xu hướng không thể tránh khỏi. Đứng ở góc độ nào đó nó hoàn toàn hợp lý bởi tính tiện dụng, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên. Tuy nhiên cũng cần phải đặt ra một số nguyên tắc nhất định khi bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới là: phải quy hoạch sao cho hài hòa với cảnh quan, môi trường thiên nhiên xung quanh; bản vẽ thiết kế xây dựng và trang trí cần dựa trên kiểu dáng, họa tiết truyền thống; hạn chế mức tối đa sự pha trộn và lai tạp bởi kiến trúc và cách thờ tự trong mỗi ngôi chùa chính là căn cước văn hóa giúp nhận diện ra bản sắc Việt Nam.

Tất nhiên, những hiện tượng bê-tông hóa hoàn toàn hoặc một phần ngôi chùa cũ (cổ) một cách thiếu hiểu biết là một việc làm khó chấp nhận cần phải lên án. Đối với những báu vật kiến trúc như vậy chúng ta phải tìm cách để bảo vệ tính nguyên trạng của nó. Nếu như vì lý do bị hư hại, xuống cấp phải trùng tu thì phải cẩn trọng làm có quy trình: kiểm tra đánh giá thực trạng xuống cấp, lập kế hoạch sửa chữa dựa trên ý kiến của các chuyên gia và những người có chuyên môn. Đặc biệt khi trùng tu nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc hỏng chỗ nào sửa chỗ đó và đảm bảo tính nguyên mẫu từ nguyên liệu đến hình dáng, màu sắc… của công trình.

Cũng cần nói thêm   rằng, dẫu dựa trên những nguyên tắc khắt khe song việc trùng tu tôn tạo cần phải tiến hành khẩn trương và có trách nhiệm bởi tuổi thọ của các di sản kiến trúc có thể khiến chúng sụp đổ bất cứ lúc nào do tác động từ ngoại cảnh. Xin đừng quá vội vàng trùng tu như trường hợp chùa Trăm Gian nhưng cũng đừng quá ì ạch, mòn mỏi đợi chờ trùng tu như chùa Diên Hựu (Hà Nội)!■ „

 

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 188

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin