Chi tiết tin tức

Bóng tối hay ánh sáng

14:52:00 - 23/01/2015
(PGNĐ) -  Mấy hôm trước, tôi được một người bạn mời gia nhập Hội Cựu sinh viên Đại học Tổng hợp thành phố HCM. Những kỷ niệm xưa ập về qua những tấm hình đen trắng đã nhòe; trong đó bỗng nổi rõ những hình ảnh suốt thời gian hai năm tôi sống ở Thủ Đức, khu vực Đại học Quốc gia bây giờ. 

 

Quả thật, những năm học hành ở Sài Gòn, nơi trung tâm của sự náo nhiệt, cái đám sinh viên nhỏ nhoi kia hoàn toàn chìm nghỉm giữa đám đông xã hội với không biết bao nhiêu quan hệ khác. Nhưng khu Cơ sở ba, tên gọi lúc ấy của khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp tại Thủ Đức, lại như một ốc đảo; ở đó hầu như chỉ có sinh viên và những ngôi nhà. Ngôi nhà ký túc xá thì giống như một khu gia binh, nằm trên đồi bạch đàn thoáng đãng; trong khi khu học hành lại là một kiến trúc được xây dựng từ năm 1974 nhưng vẫn còn dang dở. Về lý do có khu đại học này, lúc ấy chúng tôi đã được nghe lý giải rằng vào đầu thập niên 1970, lo ngại trước các cuộc biểu tình của sinh viên liên tục diễn ra trong nội đô, chính quyền miền Nam đã phải quyết định lần lượt dời tất cả các đại học ra ngoại ô để cô lập mọi hoạt động của sinh viên. Dù sao, khi sau này có dịp đi đây đi đó, đến thăm nhiều khuôn viên đại học ở nhiều nơi trong và ngoài nước, tôi vẫn không thấy kiến trúc khuôn viên đại học nào đẹp như cơ sở ba.

Nhìn lại thì thấy rằng cuộc sống sinh viên lúc ấy cũng khá đơn điệu; ăn sáng ăn trưa trong khu ký túc xá rồi đi bộ băng qua một sân banh là tới chỗ học. Hết giờ học thì có sân bóng chuyền, sân bóng đá, hay là đi dạo lòng vòng quanh các khu vực khai thác đá xanh và đá ong bỏ hoang. Nhiều ngày như vậy trôi qua khi tôi vào năm thứ nhất. Rồi một sự việc chợt ngắt cái lặng yên đơn điệu đó, và hơn nữa, nó còn để lại trong lòng tôi nhiều suy nghiệm cho tới ngày nay.

Sáng sớm hôm ấy có tin một tên trộm bị bắt trong đêm hôm trước. Chúng tôi kéo nhau đến cái phòng nhỏ có bàn bóng bàn, người ta giam tên trộm ở đó. Đó là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay tôi thấy một tên trộm. Anh ta ngồi bó gối trên bàn bóng bàn, mắt trắng dã, nhưng có điều lạ là anh ta không có vẻ gì sợ sệt. Có lẽ anh ta nghĩ mình phạm tội vặt, chắc cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng anh ta lầm, còn tôi thì bàng hoàng. Đám đông đổ đến thật chộn rộn; rồi vài tiếng thét vang lên, đánh đi, đánh đi. Trong tiếng ồn ào, tôi chỉ nhớ có chừng ấy. Cũng phải gần mười phút, cái đám đông đó cứ dợn lên dợn xuống; rồi một người xồng xộc tiến vào phòng. Đó là D, một sinh viên bên khoa Sử, bộ đội phục viên. Tôi nhớ anh ta cầm một thanh gỗ bản mỏng, gườm gườm đi vào. Anh ăn trộm nhìn sững, có vẻ hơi ngạc nhiên. Rồi D xông tới đạp anh ta lăn quay ra đất, bốn năm sinh viên nữa hùa vào, tôi nhớ chắc họ là nhóm sinh viên lớn tuổi, đi bộ đội về, học tại hai khoa Văn và Sử. Anh ăn trộm van xin khóc lóc, tôi không nghe được gì. Chỉ biết chắc chắn là D không cần cái thanh gỗ đó. Thôi thì đấm thì đạp tới tấp lên người tên trộm đang oằn oại dưới đất. Rồi Thà bạn tôi cũng xông vào. Thà hơn tuổi tôi nhiều, một Phật tử ở Huế, cũng đi lính ở Cambodia về, học khoa Vật lý. Nhưng Thà xông vào là để đẩy mấy sinh viên kia ra, dựng anh kẻ trộm dậy. Tôi nghe loáng thoáng giọng Thà, không được đánh người ta như vậy. Nhóm sinh viên kia đẩy bật Thà ra ngoài, tôi nghe loáng thoáng có tiếng chửi, rồi cảnh đấm đạp tiếp tục. Tôi cùng nhiều bạn trẻ khác bỏ đi.

Trong giờ ăn trưa hôm ấy, tôi nghe loáng thoáng là N, sinh viên khoa Sinh, cũng đi lính về, làm trưởng ban Tự quản, có ra vẻ đồng ý với việc trừng trị tên trộm sáng sớm đó. Tâm hồn tôi, chú nhóc 17 tuổi, xáo trộn dữ dội. Suốt 17 năm đầu đời, tôi chưa bao giờ nhìn cảnh người đánh người như thế. Có chăng cảnh chiến tranh trên TV, trong phim, nhưng nó xa, nó dường như không thật. Nhiều câu hỏi không lời đáp lúc đấy. Đó có phải là công lý không? Còn công an đâu? Anh ta ăn trộm, nhưng anh ta sao cũng giống như mọi người khác vậy? Anh ta lấy cái không phải của mình thì bị trừng phạt là đúng chứ, nhưng có cần hành xử như những gì anh ta đã được đối xử không?…

Chiều hôm ấy khi đi dạo quanh cái hồ cạn ở khu khai thác đá ong, Thà nói với tôi, “chúng nó không có tính người”.

Mấy chục năm đã trôi qua. Tôi đọc nhiều hơn, thấy nhiều hơn. Tôi tiếp xúc với đủ loại người trong xã hội. Từ ông bảo vệ tinh tướng ở cơ quan cho đến ông bộ trưởng nói-không-với-lung-tung và không-ăn-thịt-gà- lậu. Tôi xâu kết nhiều sự kiện với nhau, để thấy rằng hình như đất nước chúng ta bị một vệt sáng quái đản nào đó kéo qua mà chưa chấm dứt, sáng mà tối, như “đêm giữa ban ngày” vậy. Dưới ánh sáng đó, người ta lập những “phiên tòa” đấu tố trong cải cách ruộng đất, người ta lập ra các nhóm sao đỏ trong trường học bằng các em học sinh bặm trợn, rồi chúng nó yêu cầu các bạn yếu ớt hơn cống nạp sau một lỗi lầm gì đó, rồi người ta vây đánh những tên trộm chó cho đến chết. Trong vệt sáng tối ấy, như cái phòng bóng bàn năm nào nhập nhoạng trong ánh bình minh đen đúa, có tên trộm và Thà bạn tôi. Nhà văn Tạ Duy Anh, khi phát biểu về các vụ bạo lực gần đây (2012) có nói, “chúng tôi được giáo dục để tiến thẳng thành quỷ sứ”.

Tôi thấy rằng tất cả có liên quan với nhau, trong một định mệnh oan nghiệt của dân tộc này. Chúng ta đã đi qua ba phần tư thế kỷ trong thứ ánh sáng đó, từ những phiên đấu tố cải cách ruộng đất, đến phiên hành hình kẻ trộm chó trong thế kỷ 21, từ mông muội này đến mông muội khác, chúng ta không trưởng thành chút nào cả.

Tôi không còn gặp Thà nữa sau năm thứ ba ở Sài Gòn. Sau này nghe nói anh cũng không thành công lắm. Tôi không ngạc nhiên. Tình cờ, tôi cũng có xem được một vài trang trong tập bản thảo Tái thiết hậu chiến Lilienthal – Vũ Quốc Thúc; tôi biết rằng dự án khu Đại học Thủ Đức không phải để dè chừng các cuộc biểu tình của giới sinh viên. ■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 167

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin