Chi tiết tin tức Lặng nghe tiếng trẻ ê a vườn chùa 15:14:00 - 11/07/2015
(PGNĐ) - Chùa Hương Mai (thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn) được biết đến qua những câu chuyện huyền bí gắn liền với quá trình sinh cơ lập nghiệp của cư dân nơi đây. Nhưng không mấy ai biết, ngoài những câu chuyện mang đầy tính tâm linh ấy, Hương Mai còn là “ngôi chùa của cuộc sống”…
Qua cây cầu vượt biển dài hơn bảy cây số luôn lộng gió từ đầm Thị Nại, chạy thêm một quãng đường gần chục cây số qua những cồn cát vàng trải rộng mênh mông đến hút tầm mắt, là đến với xã đảo Nhơn Hải. Chỉ cách thành phố Quy Nhơn có vài cây số đường chim bay, nhưng sự ồn ào náo nhiệt của phố thị dường như không thể nào vượt qua nổi đầm nước Thị Nại và bức tường núi cao cả trăm mét của hệ thống bán đảo Phương Mai, để có thể phá vỡ không gian yên bình nơi đây… Khung cảnh của một “làng ngư phủ” với những ngôi nhà nhỏ trầm lặng hướng về phía biển, nơi những con thuyền neo đậu sau chuyến đánh bắt dài ngày, có nắng hắt lên cát vàng biển xanh một màu lung linh như màu cổ tích. Phía xa, nơi cuối làng chài, một ngôi thiền tự nằm trầm mặc dựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển với bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm nhìn vọng khắp cõi chúng sinh đầy từ bi… * Những con người luôn bận rộn với cả núi công việc sở nhiệm, có những ngày thảnh thơi, luôn muốn tìm đến những nơi bình yên để cho đầu óc thư giãn. Xã đảo Nhơn Hải với địa thế đầy hứa hẹn của mình, nơi có ngôi cổ tự an nhiên tĩnh tại, là lựa chọn đầu tiên cho cả đoàn. Và dường như, ai cũng muốn tìm về những miền tĩnh lặng như thế, để tìm chút thư thái trong tâm hồn vốn đầy lo toan phiền muộn vì gánh nặng mưu sinh. Rồi như một định ước sẳn, người ta thường tìm đến cửa thiền, nơi mà từ xưa đến nay, trong tâm thức mỗi người, là chốn bình yên nhất, là cõi tịnh lạc giữa đời thường… với vòng tay Phật Tổ luôn dang rộng bốn phương, đón vào lòng những sinh linh trần thế… Chúng tôi đến Hương Mai vào một buổi chiều tháng sáu, trong cái nắng vật vã của mùa đang chuyển. Trái ngược hoàn toàn với những gì chúng tôi nghĩ, thay vì tiếng mõ cùng lời kinh vang vọng của sư sãi trong một không gian thiền tự trang nghiêm như vẫn biết, ngôi chùa lại rộn lên những tiếng ê a đọc sách của trẻ nhỏ. Lần theo những tiếng ê a đó, chúng tôi bắt gặp hơn chục em nhỏ độ từ năm đến mười tuổi đang say sưa với sách. Thấy chúng tôi, các em nhỏ chỉ quay đầu ra khẽ chào rồi lại tiếp tục “công việc” của mình. Có cả những em nhỏ chưa biết đọc thì ngồi nghe anh chị lớn hơn đọc cho nghe. Bên cạnh là tủ sách, lúc này vị sư đang hướng dẫn một số em tìm sách đọc. Đó là người trụ trì chùa Hương Mai, Đại đức Thích Quảng Thức. Thầy chia sẻ, từ khi hình thành từ năm 1944 cho đến những năm 2000, Hương Mai được trông nom bởi những Trưởng ban hộ đạo và Phật tử địa phương. Mãi đến 2006, trước sự mong mỏi bấy lâu của toàn thể ban Hộ tự, bổn đạo và Phật tử nơi đây, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh hội Phật giáo Bình Định, Đại đức Thích Quảng Thức về trụ trì chùa rồi xây dựng, phát triển và tôn tạo để ngôi chùa khang trang như ngày nay. Trong quá trình làm trụ trì, Đại đức luôn quan tâm tới đời sống của bà con ngư dân nơi đây. Điều nhận thấy rõ nhất là bà con ngư dân thảy đều đánh bắt xa bờ, rất ít thời gian trông nom chăm sóc cho trẻ nhỏ. Các em nhỏ ngoài thời gian đến trường thì không có một sân chơi nào thật sự an toàn và lành mạnh dành cho các em. Đại đức đã liên hệ với các Phật tử khắp nơi để quyên góp sách, xây dựng tủ sách vì cộng đồng mang số hiệu 007. Tủ sách vì cộng đồng nằm trong khuôn viên chùa, dưới những hàng cây rợp bóng mát, đang mang lại cho các em nhỏ một nơi sinh hoạt vui chơi lành mạnh. Vị trụ trì chùa tin tưởng rằng đọc sách, những loại sách thuộc nhiều chủng loại từ sách truyện thiếu nhi tới những cẩm nang cho cuộc sống, là một trong những hoạt động hữu hiệu nhất giúp hoàn thiện nhân cách trẻ nhỏ ở một vùng không mấy thuận lợi về những điều kiện phát triển xã hội như Nhơn Hải. Từ khi mở tủ sách vì cộng đồng, như ước nguyện, Đại đức Thích Quảng Thức đã tạo được sân chơi bổ ích, thu hút trẻ em và ngay cả người lớn đến sinh hoạt trong khuôn viên chùa. Tinh thần từ bi và trí tuệ thể hiện qua Phật sự đơn giản này đã đi vào cuộc sống và lòng người, chỉ bằng những việc làm tuy nhỏ bé mà hết sức hữu ích. Bởi một lẽ, trong không gian thiền tự trang nghiêm trầm mặc khác xa với cuộc sống xô bồ bên ngoài, lòng người dễ lắng lại. Và, bên lời kinh tiếng mõ chuyên chở bao điều răn dạy của nhà Phật, những cuốn sách nhỏ có nội dung trong sáng kia sẽ cộng hưởng khiến nhân cách trẻ nhỏ được phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Hứa hẹn từ nơi xã đảo còn nhiều khó khăn, một thế hệ tương lai đầy tươi sáng phía trước đang mở ra, dựa trên lòng nhân ái. * Rời Hương Mai, trở về với phố thị ồn ã. Khi đi qua những cồn cát trải dài hút tầm mắt, trong mỗi chúng tôi đều trào dâng một nỗi niềm khó tả về kiếp người, tử sinh đều từ cát bụi. Ngôi chùa nơi xã đảo nằm phía đầu sóng ngọn gió, những câu chuyện liên quan đến ngôi chùa và những gì chúng tôi thấy đã gợi cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Bởi, không riêng gì chúng tôi mà những ai một lần đặt chân tới vùng đất này chắc cũng không khỏi sinh lòng mến phục trước việc làm của một con người tưởng đã chẳng còn vướng bận chuyện trần tục mà vẫn luôn quay quắt về những mầm non tương lai… Kiếp người, ngắn chẳng tày gang; con người ta cứ cắm đầu vào công việc với hai chữ mưu sinh, đã mấy ai sống mà nghĩ cho những người xung quanh mình được nhiều như thế. Chạnh lòng khi chiều muộn, chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Khải Huyền đã viết:
Ngôi c ổ tự, tiếng mõ chiều khoan nhặt
Điệu nghêu nga câu kệ tụng Mông Sơn,
Người ngược xuôi bao nẻo thiệt hơn
Nắng vàng vọt báo một ngày sắp hết… ■
Bài & ảnh: GIANG DƯƠNG Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 180
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |