Chi tiết tin tức

Ý nghĩa của chữ “Tử tế”

07:49:00 - 23/11/2014
(PGNĐ) -  Sự tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người. Ở đâu có tử tế thì ở đó có sự an vui, ở đâu thiếu từ tế thì ở đó mọi người bất hòa nhau và không tôn trọng lẫn nhau. Tử tế đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, thế nhưng có lẽ không ít người chưa hiểu hết ý nghĩa của hai từ “Tử tế”.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về sự tử tế, có người cho rằng “Tử tế là sự có qua, có lại, là cách ăn ở, cư xử với nhau cho tốt”, hay “Tử tế là cách hành xử của một con người, còn không tử tế đó gọi là hủi chứ không còn là người nữa”, hoặc sâu sắc hơn thì “Tử tế là sự tế nhị, cẩn trọng trong những việc nhỏ nhất”… Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau về “tử tế”, nhưng có một điểm chung là ai cũng cho rằng, “tử tế” là một giá trị đẹp và rất nhân văn. Có thể ví sự tử tế như những bông hoa tô điểm cho cuộc đời này vậy, nếu thiếu vắng đi sự có mặt của những bông hoa trong cuộc đời này thì cuộc sống chẳng còn gì là đẹp.
 
Tử tế không chỉ đơn giản là cách ứng xử tốt với nhau. Sự đối xử tốt với nhau chỉ là một trong những khía cạnh nhỏ để nói lên sự tử tế của một con người, mà đã là con người thì phải có sự tử tế.
Tôi đã từng xem qua đoạn phóng sự về “sự tử tế” của “những nhà làm phim tử tế” trong những năm tháng đất nước ta còn lâm vào cảnh đói nghèo. Bộ phim rất hay, thực tế và cảm động vì cốt truyện hoàn hoàn có thật chứ không phải là sản phẩm được dựng lên bắt nguồn từ trí tượng tượng của đạo diễn hay nhà biên kịch nào viết ra nó cả. Câu chuyện ấy chắc chắn đã cướp đi không chỉ của tôi mà còn những người khác ít nhiều nước mắt. Chân lý vẫn luôn là sự thật và không một ai có đủ sức mạnh để phá hủy nó. Sau một màn đêm u tối như thường lệ thì mặt trời vẫn luôn tỏa sáng và với cái ác thì cái thiện vẫn luôn là người chiến thắng.
tử tế,phật tử
Sự tử tế cũng thách thức trí thông minh của con người, vì sự tử tế cũng cần phải học. Để làm một con người tử tế đúng nghĩa thì chúng ta cần phải học tập và rèn luyện.
 
Có thể khẳng định rằng, một con người tử tế là một con người thông minh. Những người thông minh họ biết chắc chắn một điều rằng, đã là chân lý thì không bao giờ đổi thay. Họ hiểu được rằng, cho đi là sẽ được nhận lại nên sẽ không ngại ngần gì khi đối đãi tử tế với một người, với họ đối xử tử tế với người khác là một cơ hội lớn. Đơn giản như việc giúp đỡ người khác lúc khó khăn, lau nước mắt cho bạn khi bạn khóc, ngồi lắng nghe bạn giải bày tâm sự khi bạn buồn, mua cho bà lão ăn xin một hộp cơm… Đôi khi những điều đơn giản đó lại là ước mơ của nhiều người khác. Như vậy, những việc làm tử tế của chúng ta đã nói lên rằng mình may mắn hơn những người muốn trở thành người tử tế mà không có cơ hội để làm.
 
Tử tế không chỉ là giúp đỡ một ai đó trong lúc khó khăn mà tử tế còn là sự chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau, xoa dịu cho nhau những vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn… Có một nhà làm phim trước lúc lâm chung đã trăn trối với những người bạn chí cốt câu nói rằng: "Tâm hồn con người nặng hơn gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không thể mang nổi. Bởi thế, chừng nào chúng ta còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người khác ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống này".
Khi xem đoạn phóng sự về “sự tử tế”, tôi thật sự rất xúc động bởi câu chuyện có thật của một người mẹ bị bệnh hủi (phong cùi). Người phụ nữ ấy có chồng và một đứa con trai, chẳng may chị bị mắc bệnh hủi và chồng chị đã bỏ ra đi, để lại người vợ đau đớn, bệnh hoạn cùng với đứa con trai thơ dại. Chị không thể nuôi con vì sợ con bị lây bệnh nên đã gởi cháu cho bà, chị lang thang nơi đầu đường xó chợ để xin ăn dưới con mắt xa lánh, miệt khinh của người đời. Nhưng hằng đêm chị vẫn mò về nhà, mang những gì xin được về cho con. Cuộc sống quá đau đớn và cùng cực, chị đã nghĩ đến cái chết, nhưng sự tử tế của một người mẹ đã không để chị ra đi một cách dễ dàng như vậy. Trước khi chết chị phải để lại cái gì đó cho con và chị đã quyết định xây cho con một căn nhà bằng gạch. Ban ngày vẫn lay lắt đi xin ăn, còn ban đêm người mẹ ấy phải chống chọi với cơn đau xé ruột của bệnh tật, cái lạnh cắt da của tiết trời mùa Đông miền Bắc, bằng đôi tay lở loét của người bị bệnh hủi, suốt một thời gian dài chị đã hì hục đúc mười vạn tám trăm viên gạch bằng đất sét để xây căn nhà cho đứa con trai.
Chị là một người mẹ tử tế nhất trong những người mẹ khác. Dù bản năng làm mẹ là yêu thương con cái nhưng đâu dễ người mẹ nào cũng tử tế đến mức như thế, trước sau gì cũng chọn cái chết, sao không chết quách đi cho khỏe, đau đớn về bệnh tật chưa đủ hay sao mà lại còn đày đọa mình lăn lộn trong đêm giá rét cực khổ đóng từng viên gạch một vì con. Như vậy mới biết sự tử tế còn bao gồm cả sự bền bỉ, chịu đựng và hy sinh. Sự tử tế cao thượng ấy chỉ có thể là sự tử tế của một người mẹ đối với con mình. Đâu phải dễ để có thể làm một người tử tế. May mắn cho chị, căn bệnh hủi lúc bấy giờ rất khó trị liệu, chị là một trong những người có phước duyên lớn, chị đã gặp được một người bác sĩ giỏi và tử tế, người bác sĩ này đã chữa trị cho chị khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Thật mừng cho hạnh phúc của hai mẹ con lại thêm một lần được nở hoa.
 
Là những người học Phật, chúng ta hãy sống thật tốt trong khả năng mà mình có thể, cuộc đời sẽ đối đãi tốt lại với mình, cho đi là nhận lại, gieo nhân nào gặt quả nấy. Luân hồi xoay chuyển, ta cho-ta nhận, ta gieo-ta gặt, ta giúp-ta được… Vậy lý gì chúng ta không đối đãi tử tế với nhau? Tử tế với người khác cũng là tử tế với chính mình, là làm đúng bổn phận và trách nhiệm của mình, bổn phận của một người mẹ, người cha, người anh, người chị, người em, người vợ, người chồng, đúng bổn phận của cấp trên cấp dưới... bổn phận của một cái gì đó là mình…
Sự tử tế là một yếu tố quan trọng, là một phần không thể thiếu trong nhân cách của một con người hoàn thiện. Sự tử tế cũng như nhân cách của mỗi người được hình thành từ nhiều nhân tố, chịu sự tác động của nhiều phương diện khác nhau, đó là sự tác động của môi trường sống trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường, môi trường sống ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân. Chính vì sự tử tế không thuộc về bản năng, không phải tự nhiên mà có, phải qua quá trình giáo dục, học tập và rèn luyện, cho nên có thể đào tạo nên những con người tử tế cho xã hội thông qua giáo dục. Một trong những phương pháp giáo dục có sức ảnh hưởng, tác động mạnh nhất đó là nêu gương và giáo dục bằng những tấm gương sinh động trong cuộc sống thường nhật. Vì thế, những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, đào tạo, những người đàn anh đàn chị, những người lớn, người đi trước phải là những hình ảnh mẫu mực về sự tử tế để cho thế hệ trẻ noi theo. Tuy nhiên, để trở thành người tử tế thì sự phấn đấu rèn luyện và ý thức tự giác cũng như sức mạnh của ý chí cá nhân mới là nhân tố quyết định. Do vậy, mỗi người phải tự rèn luyện để có thể vượt qua những cám dỗ, rào cản hay những chướng ngại trong cuộc sống và chứng tỏ mình là một con người tử tế.
 
Cách chúng ta thể hiện những cử chỉ lịch sự, những lời nói từ ái, những việc làm nhân đức là những sự tử tế khác nhau mà không giấy mực nào có thể diễn tả hết được. Quý vị trân quý những cảm nghĩ của tôi và góp ý những gì còn thiếu sót cũng là sự tử tế. Và sự chân thành khi tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người, những ai chưa một lần nhìn sâu vào ý nghĩa của sự tử tế, để chúng ta sống tốt hơn cũng là một việc làm tử tế.
 
Ngọc Thanh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin