Chi tiết tin tức

Thành công thất bại trong kinh doanh và chữ tín trong cuộc sống hàng ngày

17:56:00 - 23/09/2015
(PGNĐ) -  Có một bài pháp Phật nói trong kinh do ngài Xá lợi phất thưa hỏi, “nguyên nhân nào dẫn đến một người mua bán thành công và thất bại?

” Phật dạy, “này Xá lợi phất, ông nên biết có người cư sĩ đi đến chỗ các thầy Tỳ kheo và hứa hẹn như sau: Dạ thưa các thầy, các thầy còn thiếu nhu cầu gì con sẽ đóng góp, ủng hộ cho. Sau khi hứa hẹn người này không làm như lời đã hứa. Do nhân duyên đó người ấy về sau có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ như đã hứa, sau này nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công như ý muốn. Nếu người ấy đóng góp, ủng hộ nhiều hơn những gì đã hứa, nếu mua bán, làm ăn gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng.” Khi ai đó được hứa hẹn giúp đỡ một điều gì, họ sẽ hy vọng, trông chờ ân nhân của mình như một vị cứu tinh. Bao nhiêu niềm tin họ mong đợi, khắc khoải, nhất là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, họ mong mỏi mừng thầm và cảm thấy rất hạnh phúc; nhưng người hứa lại nuốt lời khiến họ phải chờ đợi rồi thất vọng, buồn bã, khổ đau. Con người ở đời sống có nghĩa tình với nhau thường không bao giờ thất hứa với ai dù chỉ là việc nhỏ. Sự hứa hẹn là điều tự nguyện không ai bắt buộc, vì thế mỗi người hãy nên tập thói quen giữ đúng lời hứa. Không ai bắt buộc chúng ta hứa hẹn hay giúp đỡ ai vấn đề nào đó, nếu đã hứa thì phải cố gắng làm cho vuông tròn; bởi người được hứa họ đang hy vọng, mong mỏi, trông chờ và sẽ trở nên tuyệt vọng khi bị người hứa hẹn không thực hiện đúng. 
 


Trong cuộc sống đôi khi có những chuyện rất vô lý, nhiều người làm chơi mà ăn thiệt, họ không phải nhọc nhằn ra công tốn sức mà hiệu quả thu về rất cao. Nhiều người cứ nghĩ có sự bất công trong xã hội, thực tế mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có chuyện ngẫu nhiên hoặc một đấng quyền năng nào sắp đặt. Tất cả đều do luật nhân quả tác động và âm thầm chi phối bởi hành vi giúp đỡ người khác trong quá khứ quá nhiều. Hiện tại chúng ta không biết bố thí, cúng dường, làm những điều thiện ích để giúp đỡ nhân loại tuỳ theo khả năng thì bất hạnh, khổ đau sẽ luôn có mặt trong hiện tại và mai sau. Những ai tin sâu nhân quả sẽ sống đạo đức hơn, mở rộng tấm lòng từ bi hơn, họ sống đơn giản hơn, giảm bớt các nhu cầu không cần thiết để có đủ điều kiện san sẻ nhiều hơn. Một người hàng xóm vừa bị tai nạn cháy nhà đang sống cảnh màn trời chiếu đất, vì động lòng thương xót nên ta đã hứa sẽ đem số tiền tích lũy bấy lâu để giúp người ấy có mái nhà che mưa che nắng. Cả gia đình họ sẽ trông chờ, hy vọng vào ta như con trẻ chờ mẹ đi chợ về cho quà ăn, bao nhiêu niềm tin họ trông vào đấy, nếu mình thất hứa sẽ làm họ đau khổ nhiều hơn. Cho nên, trước khi hứa hẹn với ai điều gì, chúng ta hãy nên xem xét kỹ lưỡng coi mình có đủ khả năng thực hiện lời hứa ấy hay không? Đừng hứa giựt le trước mặt mọi người làm như vẻ ta đây giàu có mà làm người được hứa thất vọng. Chính lời hứa suông đó sẽ làm họ mất niềm tin, đau khổ, tuyệt vọng, do đó trong hiện tại và mai sau chúng ta mua bán, làm ăn gì cũng đều bị thất bại.

Ngược lại, hứa giúp người khác như đã hứa hoặc giúp nhiều hơn như đã hứa sẽ làm người được hứa vui mừng, hạnh phúc; nhờ vậy sau này họ sẽ biết ơn và đền ơn người hứa bằng cách sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn. Do việc làm tốt đẹp đó nên hiện đời làm ăn, mua bán gì cũng đều thành công ngoài sức tưởng tượng hay làm chơi mà ăn thiệt. Nếu chúng ta hiện tại hay bố thí, cúng dường hoặc thường xuyên giúp đỡ tài vật cho người bất hạnh để họ có cái ăn cái mặc, san sẻ những hiểu biết về chân lý cuộc đời giúp họ tin sâu nhân quả; trong tương lai người này thường xuyên gặp nhiều may mắn một cách kỳ lạ mà không phải hao hơi tốn sức nhiều như trúng số, kinh doanh làm ăn gì cũng đều thuận lợi cả và có thể kế thừa gia tài của người khác. Vô số trường hợp đặc biệt không làm mà vẫn hưởng các chế độ ưu đãi là nhờ quả báo của việc biết gieo trồng phước đức, giúp đỡ nhiều cho nhân loại trong quá khứ. Số đông mọi người đều phải làm việc nhọc nhằn, lao nhọc mới có cái ăn cái mặc, nhưng chưa hẳn đã được cơm no áo ấm. Người thời nay sở dĩ thành công ngoài khả năng và dự tính không phải bỗng dưng khi không mà có, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa, làm phước được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, nhân quả tốt xấu khi đã gieo chỉ đến sớm hay muộn mà thôi khi hội đủ nhân duyên. Cúng dường hay giúp đỡ, chia sẻ là một việc làm thánh thiện, chỉ có những ai có tấm lòng từ bi cao cả mới dám làm những việc lợi ích như thế.

Tóm lại, bài kinh này Phật nhắc nhở và khuyên nhủ mọi người “chữ tín” rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Con người vì tham đắm, mê muội nên mới tìm cách gian dối, lường gạt để đem về lợi dưỡng cho mình, đó là tâm niệm của đa số chúng sinh. Chúng ta là người Phật tử chân chính, khi đã hứa hẹn giúp đỡ ai điều gì thì phải phát xuất từ lòng từ bi, đâu có ai bắt buộc mình phải làm vậy nên khi đã hứa thì phải giữ lời, đừng để người hy vọng, mong mỏi rồi thất vọng, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Như gia đình anh Hai vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi hết căn nhà, mọi người đều đang sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta vì lòng thương xót muốn giúp đỡ nên đã hứa cho anh mượn tiền để xây lại căn nhà rồi thất lời, không giúp như đã hứa. Vì ta hứa suông chỉ để giựt le mà làm cho gia đình anh thất vọng, buồn phiền, khổ đau. Đó là nhân dẫn đến mai sau nếu có mua bán, làm ăn gì cũng đều thất bại. Ngược lại, nếu chúng ta giúp như đã hứa hay giúp nhiều hơn lời hứa làm mọi người được an vui, hạnh phúc thì sau này chúng ta làm chơi mà ăn thiệt. Nhân quả rất công bằng là một sự thật, làm phước thì được phước, hưởng lộc thì hết lộc. Người khôn ngoan phải biết gieo trồng, tích lũy phước đức mãi mãi, giống như người có tiền gửi ngân hàng, khi cần thì rút ra xài lúc nào cũng được.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin