Chi tiết tin tức

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác chăm sóc người nhiễm HIV và AIDS

21:29:00 - 09/12/2021
(PGNĐ) -  Tóm tắt: Cùng với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, một số vấn đề cũng phát sinh, như: Xu hướng sống thiên về vật chất, văn hóa, đạo đức suy thoái, môi trường xuống cấp nghiêm trọng… đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Nhận thức được vấn đề này, song song với việc phát triển kinh tế, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, như: Ðầu tư nguồn lực, đổi mới cơ chế, chính sách, đồng thời kêu gọi các tổ chức xã hội tham gia vào công tác từ thiện, an sinh xã hội nhằm chăm lo đời sống người dân. Nhiều tổ chức tôn giáo, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã và đang chung tay cùng Chính phủ đẩy mạnh công tác này. Trong đó, hoạt động chăm sóc người bệnh là một điểm nhấn trong các hoạt động của Phật giáo, đặc biệt là chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

CƠ SỞ CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Năm 2021, theo ước tính đã có 75 triệu người nhiễm HIV và hơn 32 triệu người tử vong vì AIDS trên toàn cầu. Vấn đề không chỉ là số ca nhiễm, tử vong vì HIV/AIDS gia tăng mà còn ảnh hưởng lớn đến sự ổn định xã hội, bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội và cả trong các cơ sở y tế.

Ở Việt Nam, ngay từ thập niên 90, trước khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban phòng, chống SIDA (AIDS) trực thuộc Bộ Y tế. Đến năm 1994, dịch HIV đã lan rộng trong cộng đồng. Vì thế, Chính phủ tiếp tục kiện toàn hành lang pháp lý, xây dựng chiến lược phòng, chống HIV/AIDS,… Cụ thể, năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua “Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Tiếp đến, ngày 1/6/1996, Chính phủ ra Nghị định số 34/1996/NĐ-CP về “Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Ngày 17/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và tầm nhìn 2020”. Chương trình hành động quốc gia về chăm sóc và điều trị HIV và AIDS đã được Chính phủ phê duyệt năm 2006 và để thực hiện chương trình này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 108/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS. Có thể nói, Nghị định này đã “Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị đặc hiệu HIV, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi và người nhiễm HIV không nơi nương tựa” [1].

Hành lang pháp lý còn tạo cơ sở để huy động các nguồn lực quốc gia, quốc tế, đồng thời phân bổ hợp lý, như: Mở rộng độ bao phủ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tới các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa – nơi hiện chưa nhận được nhiều nguồn hỗ trợ và tăng cường sự tham gia, phối kết hợp của nhiều tổ chức xã hội trong công tác này. Bởi, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức tôn giáo sẽ giải quyết thỏa đáng hơn các yếu tố văn hóa, gia đình, đạo đức tôn giáo,… khi chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, giúp họ nhận thức và kiểm soát hành vi tốt hơn trong ứng xử cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV và AIDS (Bộ Y tế), hiện 63/63 tỉnh/thành có người nhiễm bệnh HIV/AIDS, với tỷ lệ nhiễm trung bình 176 ca/100.000 dân. Tỷ lệ người nhiễm ở độ tuổi 20-39 chiếm 85,1% (trong đó, người từ 20-29 tuổi chiếm 45,4%). Có thể thấy, 20-39 tuổi là độ tuổi lao động sản xuất, sinh sản,… đây là vấn đề đáng lo ngại [2].

Hiện nay, hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS đã được chú trọng ở những nhóm nguy cơ cao, như: Tiêm chích ma túy, mại dâm,… Mối nguy hiểm của dịch HIV/AIDS còn đến từ những hệ quả của nó như: Con em của những người mắc bệnh sẽ mồ côi và bị bỏ rơi, tình trạng thiếu dinh dưỡng, thể chất trí tuệ suy giảm do thất học, tệ nạn xã hội trong những gia đình này. Hay nói rộng hơn, HIV/AIDS đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị ở mỗi quốc gia, mỗi nhóm xã hội và cá nhân; làm nảy sinh một nhóm, cộng đồng đặc thù xích lại gần nhau qua các hoạt động đặc trưng như: Tiêm chích ma túy, mua bán dâm,… Nhóm này đem lại sự kỳ thị đối với các cộng đồng khác và là nguyên nhân quan trọng cản trở hoặc gây mất niềm tin của cộng đồng này với cộng đồng khác, thậm chí ngay cả những người nhiễm HIV, bệnh AIDS cũng mất niềm tin cuộc sống vì mất việc làm, khó tìm kế sinh nhai, con em họ bị kỳ thị khi đến trường.

Hành động của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: Internet)

Hành động của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội góp phần không nhỏ trong công tác này. Tiêu biểu ở cam kết [3] của các tôn giáo Việt Nam khi MTTQVN kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong hai Hội nghị về: “Phát huy vai trò các tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS” và “Tăng cường cam kết của Nữ giới và Nam giới các tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” được tổ chức tại Huế năm 2006 và 2009,… đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như vai trò của các tôn giáo về vấn đề này. Đồng thời, thống nhất được chương trình hành động của quốc gia và kết nối các tôn giáo cùng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, tại khoản 1 và 4, điều 6, Luật phòng, chống HIV/AIDS: “1. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ dưới mọi hình thức trong phòng, chống HIV/AIDS; phát triển mô hình tự chăm sóc của người nhiễm HIV. 4. Phát huy sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phòng chống HIV/AIDS”. Và tại điều 19 của Luật này cho biết: “Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác thành lập các cơ sở nhân đạo, từ thiện để chăm sóc, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS và thực hiện các hoạt động khác trong phòng, chống HIV/AIDS”.

HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS CỦA PHẬT GIÁO [4]

Vai trò của tôn giáo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được nêu rõ trong “Tuyên bố Chính trị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS”, nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa, gia đình, tôn giáo trong việc ngăn ngừa bệnh dịch. Do đó, việc tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS của các tôn giáo đóng vai trò quan trọng.

Sự tồn tại của một tôn giáo luôn gắn liền với tiến trình lịch sử quốc gia và Phật giáo Việt Nam có mối gắn bó mật thiết với sự tồn vong của dân tộc. Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay, có thể nói, Phật giáo Việt Nam mà đại diện là GHPGVN đã tham gia rất tích cực vào công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị những người mắc HIV/AIDS. HT. Thích Thanh Nhiễu nhận định: “Qua khảo sát, chúng tôi hệ thống có 5 hoạt động, Phật tử cần sớm triển khai thực hiện, đó là: Các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử cả cộng đồng; các hoạt động tư vấn cho người nhiễm và ảnh hưởng tại gia đình hoặc bệnh viện; các chùa tham gia các dự án trồng, chế biến thuốc nam để chữa trị các bệnh cơ hội cho người nhiễm; các hoạt động hỗ trợ (hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, cho vay vốn sản xuất…)”.

Ở phương diện cụ thể, hoạt động chăm sóc người bệnh nhiễm HIV/AIDS hiện nay nổi bật là các phòng khám chữa bệnh, các trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS. Hoạt động của hàng trăm phòng khám, chữa bệnh Tuệ Tĩnh đường và các trung tâm tư vấn, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này. Các phòng khám, chữa bệnh và các trung tâm tư vấn, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS phần lớn đều có sự phối hợp giúp đỡ của MTTQVN các cấp, một số phòng khám, trung tâm còn nhận sự hỗ trợ nguồn lực của UNICEF. Nổi bật là GHPGVN kết hợp với MTTQVN và UNICEF triển khai “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS” tại một số ngôi chùa ở Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Đặc trưng của mô hình này vừa tuyên truyền, tư vấn cho hàng chục nghìn người về kiến thức HIV/AIDS; vừa tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các Tăng Ni, Phật tử và người dân; đồng thời thăm hỏi và tặng quà cho hàng nghìn người nhiễm HIV/AIDS và con em của họ. Nhất là công tác chăm sóc chữa bệnh, hỗ trợ chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng chục nghìn người nhiễm HIV… Khi người bệnh AIDS chết, các Tăng Ni đã tổ chức khâm liệm theo nghi lễ Phật giáo. Nhìn chung, mô hình này đã có sự phát triển đáng kể thông qua việc nhân rộng ở nhiều tỉnh thành, tiêu biểu là ở Đà Nẵng, Trà Vinh,… Có thể kể đến:

– Chùa Pháp Vân đã thành lập văn phòng câu lạc bộ Hương Sen, nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” quy tụ khoảng 30 người nhiễm HIV đến sinh hoạt và chăm sóc từ năm 2003. Hiện nay, CLB Hương Sen và nhóm “Vì ngày mai tương sáng” đã tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc cho hàng trăm người nhiễm HIV/AIDS. Ở đây, bệnh nhân không chỉ được chăm sóc sức khỏe mà còn là nơi chia sẻ những bức xúc của người bệnh khi sống trong gia đình, xã hội,… Điều này khiến tâm lý nhiều người bệnh không muốn đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, họ sống khép mình, sống bất cần và có thái độ tiêu cực với cuộc đời thì đến nay, ở chùa thì họ cởi bỏ được những tâm lý này. Đặc biệt, từ năm 2008, chùa đã liên kết hợp tác với chùa Bồ Đề thành lập Ban quản lý dự án, đồng thời tổ chức lại bộ máy nhân sự, liên kết đào tạo đội ngũ quản lý, mở rộng liên kết, giao lưu với các nhóm Phật giáo ở Huế trong vấn đề phòng, chống HIV/AIDS.

Tuệ Tĩnh đường chùa Hải Đức (TP. Huế) được GHPGVN tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập. Hiện nay do Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm điều hành. (Ảnh: Tuệ Tĩnh đường Hải Đức)

– Tuệ Tĩnh đường chùa Hải Đức (TP. Huế) được GHPGVN tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập nhằm mục đích tư vấn sức khỏe, tiếp nhận và điều phối dự án trên ba lĩnh vực chính: Chăm sóc người bệnh; Giáo dục truyền thông và Xây dựng năng lực phát triển tổ chức. Đến nay, Tuệ Tĩnh đường chùa Hải Đức đã chăm sóc, cấp phát thuốc và tư vấn sức khỏe cho hàng nghìn lượt người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ.

– Chùa Kỳ Quang II ở TP. Hồ Chí Minh thành lập văn phòng trong chùa năm 2003. Mỗi năm có hàng nghìn lượt người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phát thuốc hoặc hỗ trợ xét nghiệm tại Viện Pasteur. Điểm mạnh ở đây là những người nhiễm HIV/AIDS còn được hướng dẫn tập khí công, dưỡng sinh, thiền, tọa đàm về lối sống lành mạnh,… nên có hiệu quả tốt, khiến họ xa rời những tệ nạn xã hội.

– Chùa Diệu Giác ở TP. Hồ Chí Minh đã thành lập văn phòng từ năm 2003 và đến nay đã hỗ trợ hàng nghìn lượt người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời theo dõi, tư vấn cho nhiều người bệnh tại gia đình và cộng đồng; cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh và tổ chức nhiều buổi truyền thông nhằm giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội đối với người mắc HIV/AIDS… Điểm mạnh của chùa là tập trung nguồn lực chăm sóc và xét nghiệm cho người bệnh, nhất là trẻ em.

Mặc dù ban đầu, mô hình này được xem là thử nghiệm về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhưng trong quá trình triển khai cho thấy mô hình này phù hợp trong bối cảnh đương đại. Bởi nó không là nơi để người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, hỗ trợ chữa bệnh, mà còn là nơi để người nhiễm HIV/AIDS chia sẻ những bức xúc trong cuộc sống và là nơi để họ, gia đình họ gửi gắm niềm tin và kiểm soát hành vi của họ. Hơn nữa, mô hình này là tiêu biểu cho sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo trong công tác chăm sóc người bệnh, nhất là người nhiễm HIV hiện nay.

Bên cạnh đó, mô hình này đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ GHPGVN và tín đồ Phật tử. Ban Từ thiện Trung ương GHPGVN đã quan tâm đến mô hình này thông qua phương hướng hoạt động Phật sự, phối hợp với các tổ chức khác nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS đối với xã hội. Đến nay, những người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ đã được chăm sóc tốt trên các phương diện điều trị bằng thuốc men, thức ăn dinh dưỡng; được tạo nơi vui chơi, giải trí và hướng dẫn tu tâm dưỡng tính theo tư tưởng của đạo Phật, giảm thiểu sự kỳ thị đối với cộng đồng. Và đương nhiên, những hoạt động của Phật giáo đều có những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, xã hội. Bởi sự tham gia chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS của GHPGVN hiện nay không chỉ góp phần ổn định chính trị, xã hội mà còn góp phần rất lớn đến đời sống tinh thần tâm linh của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ. Đây cũng là những giá trị cốt lõi của tôn giáo nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng đối với cộng đồng, xã hội đương đại.

ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Nhìn chung, hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã khơi dậy tình yêu thương giữa con người với con người; đề cao tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam trong xã hội đương đại. Qua các mô hình hoạt động này, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vị trí, vai trò to lớn của mình đối với xã hội trên các phương diện từ thiện, an sinh xã hội. Trong đó, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và trấn an tinh thần là minh chứng nhập thế tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

Việc chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức Phật giáo Việt Nam đã được xã hội ghi nhận. Điều này vừa đề cao tinh thần truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, vừa thể hiện tư tưởng cứu nhân độ thế, tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo; thể hiện niềm tin của tín đồ, đạo đức tôn giáo qua các hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Điều này khiến cho người nhiễm HIV/AIDS có được niềm tin trong cuộc đời, ngăn ngừa được bệnh, các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS là công việc không hề dễ dàng bởi tính chất nguy hiểm của HIV/AIDS. Vì thế, hiện nay GHPGVN cần:

– Tiếp tục nâng cao nhận thức cho tín đồ Phật tử, nhất là nhóm trực tiếp tham gia công tác chăm sóc người bệnh. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực tư vấn, kỹ thuật, nghiệp vụ chăm sóc người bệnh tại phòng khám, trung tâm tư vấn cũng như tại cộng đồng. Bởi các tín đồ Phật tử chưa có nhiều hiểu biết đời sống thế tục, nhất là các kiến thức gia đình, cộng đồng và các kiến thức liên quan đến chăm sóc bệnh đặc thù là HIV/AIDS. Do đó, trong quá trình tư vấn, chăm sóc người bệnh chưa đạt kết quả như mong muốn.

– Tiếp tục đánh giá, phát huy vai trò của Phật giáo trong việc phối hợp, kết nối với các tổ chức xã hội, tôn giáo khác nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Nhất là với MTTQVN, các cơ sở y tế địa phương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về hành chính, kiến thức y học cũng như các loại thuốc điều trị cho người bệnh.

– Tiếp tục giới thiệu, chia sẻ mô hình chữa bệnh của Phật giáo trên các phương tiện truyền thông, tranh thủ sự góp ý từ cộng đồng nhằm phát huy các giá trị Phật giáo và tranh thủ nguồn lực để hoạt động hiệu quả hơn.

– Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, cũng cần chú trọng hỗ trợ con em của những người mắc HIV/AIDS. Bởi thực tế, nhiều con em người bệnh không được đến trường do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự kỳ thị từ cộng đồng. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho con trẻ hòa nhập cộng đồng cũng là mục tiêu quan trọng. Đồng thời, hướng dẫn các em sinh hoạt lành mạnh, vì đa số không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ cha mẹ, gia đình.

– Tiếp tục hoàn thiện mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trên các phương diện nhân sự, kỹ năng kiến thức y học; đồng thời tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc giữa các tôn giáo. Hiện nay, thời gian sinh hoạt tôn giáo của các tôn giáo không giống nhau nên sự phối hợp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm còn khó khăn.

 

VĂN HÓA PHẬT GIÁO 379

 

Chú thích:

* Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1] Ủy ban Trung ương MTTQVN (2011), Phát huy vai trò của các tôn giáo trong phòng chống HIV và AIDS, Nxb. Lao động và xã hội, tr.27.

[2] Số liệu của Cục Phòng, chống HIV và AIDS năm 2009.

[3] Ủy ban Trung ương MTTQVN (2011), Sđd, tr.102-107.

[4] Theo báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2018 của Ban từ thiện xã hội trung ương GHPGVN cho thấy có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi; 15 trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn; 12 lớp học tình thương; 43 phòng khám đông y và tây y; 2 trung tâm dạy nghề. Song đối với trung tâm tư vấn HIV/AIDS lại chưa có sự thống kê.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin