Chi tiết tin tức

Quan điểm của Phật giáo về vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của kinh tế – xã hội

06:48:00 - 06/10/2021
(PGNĐ) -  Kinh tế là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Có thể nói, quốc gia nào mạnh về kinh tế cũng thường mạnh về các lĩnh vực khác như văn hóa, an ninh, quốc phòng,… Bởi lẽ, các giá trị mà kinh tế mang lại chính là nguồn lực để phát triển những lĩnh vực khác. Trong quá trình phát triển kinh tế, doanh nghiệp gắn liền với hoạt động kinh doanh được xem là chính yếu vì những giá trị lợi ích mà nó mang lại.

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, doanh nghiệp được hiểu là “… tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” [1]. Như vậy, hình thức hoạt động của doanh nghiệp chính là hoạt động kinh doanh và kinh doanh chính là việc “… thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” [2].

Từ đó, có thể nhận định, doanh nghiệp là một tổ chức hoạt động với mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua kinh doanh, lợi nhuận thu được thông qua hoạt động kinh doanh trước nhất mang một ý nghĩa quan trọng đó là tài sản của doanh nghiệp, thuộc sở hữu của doanh nghiệp mà người quản lý doanh nghiệp hay doanh nhân là chủ thể chính. Thứ đến, tài sản doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia thông qua các nghĩa vụ của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình kinh doanh.

VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp

Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp góp phần đóng góp vào lĩnh vực thuế của Nhà nước như một nghĩa vụ phát sinh thông qua hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ này được quy định rõ trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (2008) với nội dung đối tượng nộp thuế: “1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm: a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;…” [3].

Như vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gắn liền với nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật. Hiện nay, thuế được xem là khoản thu bắt buộc của nhà nước mang tính ổn định và bền vững, đóng vai trò tạo nên nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững. Có thể nói, doanh nghiệp càng phát triển thì nguồn thuế càng tăng, sức mạnh quốc gia càng vững.

Phục vụ nhu cầu của xã hội

Với mục tiêu đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hay cung ứng dịch vụ hướng đến nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp không thể độc lập với nhu cầu xã hội bởi đó là nguồn sinh lợi nhuận. Có thể nói, doanh nghiệp lấy xã hội làm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và cũng là đối tượng phục vụ, thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội.

Hiện nay, xuất hiện những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Với mô hình này, các doanh nghiệp càng có điều kiện phục vụ xã hội nhiều hơn. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tiêu chí của doanh nghiệp xã hội như sau: “1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký” [4].

Với những tiêu chí này, có thể thấy doanh nghiệp hướng đến phục vụ các lợi ích và vấn đề xã hội không những mang tính tự nguyện mà còn mang tính ràng buộc pháp lí khi thành lập doanh nghiệp. Điều này cũng tạo thêm nhiều động lực và trách nhiệm lẫn nghĩa vụ mà doanh nghiệp thành lập với mục đích vì cộng đồng xã hội. Những đóng góp của doanh nghiệp này cho xã hội là yếu tố tích cực cho việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Có thể kể đến các loại hoạt động như: Các dịch vụ phục vụ người có hoàn cảnh khó khăn, người không có đủ khả năng chi trả,…; tạo việc làm cho những người mãn hạn tù giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, người khuyết tật,… Vì những đối tượng này thường dễ bị tổn thương. Vậy nên, sự đóng góp từ doanh nghiệp sẽ làm vơi gánh nặng an sinh xã hội, tạo môi trường lành mạnh để mọi đối tượng đều có thể hòa nhập và lao động có ích. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội còn có thể kêu gọi đầu tư, tiếp nhận nguồn tài trợ để thực hiện các dự án vì cộng đồng. Cần lưu ý, doanh nghiệp xã hội không phải là một tổ chức “từ thiện” hay cứu trợ khẩn cấp mà là một tổ chức phục vụ, bảo trợ xã hội thông qua hoạt động tuyển dụng lao động,… Chính những hoạt động này mới đem lại giá trị nhân văn bền vững và có tác dụng tích cực lâu dài cho xã hội.

Có thể nói, vai trò của doanh nghiệp cho xã hội đến từ nghĩa vụ nộp thuế, các hoạt động đầu tư liên quan cộng đồng,… Tất cả đều là những giá trị tích cực và quan trọng.

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP

“Doanh nghiệp” hay “kinh doanh” là những thuật ngữ hiện đại, trong Kinh điển Phật giáo, thuật ngữ này được hiểu theo nghĩa là cơ sở của các thương buôn và các hoạt động giao thương buôn bán. Chúng ta có thể hình dung nó qua những đoạn mô tả trong kinh văn về những đoàn thương buôn và Đức Phật đã thường giảng dạy giáo pháp cho họ. Cụ thể, trong Luật Tứ Phần [5], thương buôn Trảo và Ưu – ba – ly [6] đã vận chuyển năm trăm cỗ xe chở đầy tài bảo của mình đi ngang qua chỗ Phật và dâng cúng lên Ngài mật ong và bánh bột rồi lắng nghe giáo pháp. Về sau, Đức Phật còn có thêm nhiều đệ tử trong giới trưởng giả, quý tộc. Tất cả đều có điểm chung là sự giàu có và tấm lòng đại thiện nhân, hết lòng hộ trì Phật pháp và tha nhân theo sự giáo huấn của Phật.

Trước nhất, Phật giáo nhìn nhận vai trò của kinh tế đối với đời sống xã hội là rất quan trọng. Chính năng lực kinh tế quyết định mức sống và khả năng tồn tại của xã hội. Trong bối cảnh Tăng đoàn Phật giáo sống bằng hạnh khất thực thì vấn đề lương thực được quyết định bằng mức sống của quần chúng tín đồ, thực tế ghi nhận trong Tạng Luật, có những năm mất mùa, vấn đề khất thực trở nên khó khăn với các vị Tỳ-kheo. Vậy nên, tư tưởng Phật giáo không chủ trương phê phán sở hữu vật chất trong xã hội, ngược lại còn khuyến khích phát triển kinh tế xã hội bằng chánh pháp, thông qua “chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn” là ba chi phần trong Bát chánh đạo. 

Phật giáo nhận thức rằng, những người giàu sẽ có khả năng bảo trợ cho những đối tượng nghèo khổ, đó cũng là lý do mà trong Phật giáo thường nêu bật những vị trưởng giả có hạnh nguyện bố thí toàn thiện. Trong Kinh điển, Đức Phật thường giảng dạy về lợi ích của việc sở hữu tài sản đúng pháp, cũng như những giá trị lợi ích mà tài sản mang lại cho đời sống xã hội. Phật giáo trong quan điểm của mình đã liên hệ đến các nhận thức về kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh như pháp ngay trong hoàn cảnh xã hội mà Phật giáo tồn tại. Bởi thế, Phật giáo không phủ nhận vai trò của tài sản và sở hữu tài sản. Quan điểm của Phật giáo chỉ quy định về những tài sản và sở hữu tài sản hợp pháp, có khả năng mang lại lợi lạc cho người sở hữu và cho xã hội. Đó là những tiêu chí:

“… Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng”. [7]

Hay:

“Bố thí, hành, đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng”. [8]

Đoạn Kinh văn cho thấy Đức Phật dạy người thế gian nên biết chọn công việc phù hợp, đúng pháp. Bởi công việc hợp pháp mới có thể mang lại bình an và lợi lạc. Khi có công việc và tạo ra tài sản, Đức Phật dạy nên hành Bố thí, phục vụ tha nhân như là một việc lành, giúp tu dưỡng đạo đức, lợi lạc cho nhân sinh. Hiện nay, có thể thấy thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, dù là tín đồ Phật giáo hoặc chưa, đều đã và đang thực hiện công việc thiện thí này. Bởi lẽ, lời dạy đạo đức và nhân văn của Đức Phật không bó hẹp trong đạo đức Phật giáo mà đó là nền tảng đạo đức căn bản cần có trong mỗi con người, bất kể thuộc tôn giáo nào đều nên biết san sẻ, biết tương trợ và cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Phật giáo với vai trò là một tôn giáo gắn liền với lịch sử kinh tế – xã hội; vì vậy, quan điểm về kinh doanh và sở hữu tài sản không thể nằm ngoài tư tưởng của Phật giáo.

Mặt khác, Phật giáo chủ trương đời sống cá nhân là do mỗi người tự cố gắng vun đắp, xây dựng. Đạo Phật không chủ trương một ý thức hệ đẳng cấp thường hằng bất biến áp chế lên tư tưởng con người. Vậy nên, với sức ảnh hưởng đến quần chúng tín đồ, giai cấp quý tộc, các vị đệ tử Phật đã được Đức Phật giáo hóa bằng đức từ bi, tinh thần bình đẳng giữa các tầng lớp người và trở thành những tấm gương sáng. Điển hình như cư sĩ Cấp Cô Độc (Anāthapindika), là người biết hộ trì chánh pháp và giúp đỡ tha nhân, vì vậy, tư gia của ông đã trở thành địa điểm của hoạt động cúng dường và bố thí. Ông giữ giới tinh chuyên và cũng hộ trì giới cho gia đình thân quyến theo như lời xác chứng của Phật trong Tiểu Bộ Kinh [9]. Từ đó, có thể nhận định, Phật giáo trong khả năng giáo hóa quần sanh, không loại trừ hay phủ nhận bất cứ đối tượng nào trong xã hội, bởi ai cũng có khả năng thực hành giáo pháp. Cụ thể, lời dạy của Đức Phật về tư duy kinh doanh đến nay vẫn còn giá trị qua đoạn kinh văn sau:

“Mới học nghề nghiệp khéo,
Tìm cách gom tài vật;
Được tài vật kia rồi,
Phải nên phân làm bốn.
Một phần tự nuôi thân,
Hai phần cho doanh nghiệp;
Phần còn lại để dành,
Nghĩ đến người thiếu thốn.
Người kinh doanh sự nghiệp,

Phương tiện tạo mọi thứ;
An lạc sống suốt đời”. [10]

Với Phật ngôn này, có thể liên hệ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là công việc có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội, nhờ sản xuất, kinh doanh mà lợi nhuận có doanh nghiệp sẽ tích lũy thành tài sản bền vững, tái đầu tư để phát triển, được sử dụng vì mục đích nhân đạo. Đó là những việc làm chính đáng của doanh nghiệp và cũng là mong muốn của Phật giáo đối với tha nhân.

Như vậy, Phật giáo ngoài việc định hướng và cổ xúy cho những công việc hợp pháp còn đưa ra quan điểm kinh doanh theo chánh pháp của mình. Tư duy ấy đến nay vẫn còn giữ được nhiều giá trị. Bằng chứng là hiện có nhiều tổ chức doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở tự viện Phật giáo để cùng thực hiện các chương trình thiện nguyện. Đây là cách thức thực hiện lời Phật dạy, rằng tài sản có được thông qua sản xuất, kinh doanh nên dùng một phần cho hạnh cúng dường và bố thí.

Phát triển kinh tế cũng chính là góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước – đó là một sự hỗ tương bất khả phân. Điều này đã được nhìn nhận khách quan từ thuở sơ kì Phật giáo.

Theo Phật giáo, có thể thấy vai trò của doanh nghiệp với xã hội thể hiện qua: Hoạt động tạo ra của cải vật chất như pháp; Tạo dựng đời sống an lạc và tiện ích cho tự thân; Đóng góp các hoạt động nhân đạo cho xã hội; Quan trọng nhất, tạo sự phát triển bền vững cho đời sống kinh tế – xã hội vốn là yếu tố tiên quyết để ổn định và phát triển đất nước.

Kết luận

Với vai trò là một tôn giáo gắn liền với lịch sử kinh tế – xã hội; vì vậy, quan điểm về kinh doanh và sở hữu tài sản không thể nằm ngoài tư tưởng Phật giáo. Bởi con người được quyền tạo lập và sở hữu tài sản của mình với điều kiện không trái quy định của pháp luật, ngay chính Tỳ-kheo Phật giáo cũng được quyền sở hữu những vật dụng thiết yếu cho đời sống tu hành, như: Y, bát, tọa cụ, thuốc,… Còn với đời sống kinh tế – xã hội, các vị cư sĩ và những người khác, khái niệm về sở hữu tài sản được mở rộng để phù hợp với hoàn cảnh thực tế, là những sở hữu thuộc về đất đai, tiền tệ, lương thực,… mà những tài sản này một phần chính yếu được tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Từ đó, mới thấy được tầm quan trọng của doanh nghiệp trong sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, phát triển đất nước. Đây là công việc vừa mang tính tiên quyết vừa mang tính đồng thời của những doanh nghiệp. Bởi lẽ phát triển kinh tế cũng chính là góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước. Đó là một sự hỗ tương bất khả phân và đã được nhìn nhận khách quan từ thuở sơ kì Phật giáo.

 

ÐÐ. Thích Phước Tánh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 375VƯỢT SÓNG CẢ - VỮNG TAY CHÈO

 

Tài liệu trích dẫn:

[1] Khoản 10 Điều 4, Luật Doanh Nghiệp 2020.
[2] Khoản 21 Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020. 
[3] Xem khoản 1 Điều 2, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008. 
[4] Khoản 1 Điều 10, Luật Doanh nghiệp 2020. 
[5] Tiểu Tạng Thanh Văn (2010), Luật Tứ Phần (Tỳ kheo Thích Đổng Minh dịch; Tỳ kheo Thích Nguyên Chứng – Thích Đức Thắng hiệu chính và chú thích), Nxb. Phương Đông.
[6] Pāli: hai anh em thương khách: Tapussa và Bhallika. Theo chú thích Tiểu Tạng Thanh Văn (2010), Sđd, tr. 1094.
[7] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (1999), Kinh Tiểu Bộ (HT. Thích Minh Châu dịch), Nxb. TP HCM, tr.12.
[8] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (1999), Sđd, tr.13.
[9] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (2002), “Chương VI. Phẩm Sáu Bài Kệ 382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni,” Kinh Tiểu Bộ (HT. Thích Minh Châu dịch), Nxb. Tôn Giáo.
[10] “Kinh số 1283,” Kinh Tạp A – hàm (Việt dịch: Thích Ðức Thắng; Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ). Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-aham-tap/tap48.htm#_ftn43.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin