Chi tiết tin tức

Hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo

15:12:00 - 11/04/2023
(PGNĐ) -  Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo luôn đề cao lối sống đạo đức với hệ thống giáo lý nhằm giảm thiểu ham muốn của con người. Hay nói một cách khác, giáo lý Phật giáo hướng đời sống con người có một đời sống thanh tịnh. Khi đó, hành động của con người được xem là hành vi đạo đức tôn giáo và con người sống trong môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên hài hòa.
Ở Sri Lanka, hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo chủ yếu là trồng rừng và đề cao việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý trong việc phục vụ tăng trưởng kinh tế.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay, Phật giáo đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và trong ứng xử với môi trường, tín đồ Phật giáo đều dựa trên nền tảng giáo lý và tư tưởng sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Từ lâu, ô nhiễm môi trường đã được các tổ chức, các nhà khoa học cảnh báo và là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Bởi bất cứ quốc gia nào, dù ít hay nhiều đều phải đối mặt với vấn đề này. Hậu quả của ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi rất nghiêm trọng, làm biến đổi môi trường sinh thái, đất, nước và không khí bị ô nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến sự sống của muôn loài.  

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đã được chỉ ra là do những hoạt động của con người và một số yếu tố khách quan như: động đất, sóng thần,… Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, con người sống trong xã hội hiện đại ít chú trọng bảo vệ thiên nhiên mà ngược lại, luôn tìm kiếm từ thiên nhiên mọi nguồn “dinh dưỡng” nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của mình. Thông qua nhiều cách, con người khai thác tài nguyên, kích thích sự tăng trưởng của cây cối bằng những chất làm từ hóa học, nhằm đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhất,… 

Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo luôn đề cao lối sống đạo đức với hệ thống giáo lý nhằm giảm thiểu ham muốn của con người. Hay nói một cách khác, giáo lý Phật giáo hướng đời sống con người có một đời sống thanh tịnh. Khi đó, hành động của con người được xem là hành vi đạo đức tôn giáo và con người sống trong môi trường xã hội và môi trường thiên nhiên hài hòa. Do đó, sự lạm dụng quá mức, hay vấn đề coi trọng cuộc sống vật chất của con người đương đại dường như đi ngược với những gì mà giáo lý Phật giáo đã dạy. Hệ quả, con người đã và đang đối mặt với ô nhiễm môi trường. 

Nhiều giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường được đặt ra, trong đó có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường theo hướng tôn trọng môi trường hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng giảm thiểu tổn hại thiên nhiên nói chung và môi trường nói riêng.

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA PHẬT GIÁO TRÊN THẾ GIỚI

Đối với Phật giáo, hoạt động bảo vệ môi trường đã được đặt ra, trong đó xu hướng chủ yếu vẫn là hướng con người hành động theo giáo lý và tư tưởng Phật giáo. Nghĩa là, con người ngày nay cần phải điều tiết những ham muốn của mình và tôn trọng môi trường, hay nói đúng hơn là con người cần phải thay đổi lối sống theo quan niệm “Phật pháp là đời sống, đời sống là Phật pháp” [1]. Đời sống của con người chính là thực hiện những lời Đức Phật dạy: “Không làm mọi điều ác. Thành tựu các hạnh lành. Giữ tâm ý trong sạch. Chính lời chư Phật dạy” [2]. 

Tiến sĩ Anand Singh [3] đã có những khảo cứu về hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo ở châu Á và phương Tây. Những hoạt động nổi bật của Phật giáo có tên như “Phá hủy rừng là phá hủy quốc gia” hay “Chúng sinh đang gặp nạn diệt vong, ta phải làm hết sức để cứu lấy chúng sinh”,… Ông nhận thấy nội hàm của: “Những phong trào môi trường này cho rằng thế giới công nghiệp hiện đại cùng với nền công nghệ phức tạp của nó đã tạo ra những tổ chức kinh tế – xã hội đặc biệt làm phân hóa con người với thiên nhiên một cách sâu sắc. Sự phân hóa như vậy phản ánh một thế giới quan bị chia rẽ và điều này vô cùng tai hại” [4].

Sau những hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường, chẳng hạn từ năm 1992, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Môi trường và phát triển diễn ra tại Rio De Janeiro đã thông qua UNFCCC (chương trình khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) khuyến nghị những mục tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải. Năm 2009, ở Copenhagen, 140 quốc gia đã ký hiệp ước giảm lượng khí thải carbon. Năm 2010, hiệp ước này tiếp tục được điều chỉnh tại Cancun. Hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo ngày càng cụ thể và mang tính toàn cầu:

Ở Thái Lan, sự phát triển kinh tế của ngành lâm nghiệp nước này chủ yếu dựa vào khai thác gỗ. Do đó, nhiều diện tích rừng bị phá hủy và gây ra nhiều trận lũ lụt, hạn hán, nạn đói. Theo ước tính, vào năm 1938, diện tích rừng của Thái Lan chiếm 72% diện tích, nhưng đến năm 1968 chỉ còn 29% và năm 2003 là 15%. Các nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân lũ lụt, hạn hạn là khai thác rừng bừa bãi của nhiều tổ chức kinh tế.  

Năm 1961, Ủy ban Phát triển xã hội và Kinh tế quốc gia (Sa-pa-pat) của Thái Lan ngăn cản các tu sĩ Phật giáo tuyên truyền về những giá trị của cuộc sống. Vì họ cho rằng, sự tuyên truyền về những giá trị này sẽ làm tổn hại đến nhu cầu của một thị trường đang lên, ảnh hưởng đến chủ nghĩa tiêu dùng và công nghiệp hóa. Đã có nhiều tu sĩ Phật giáo đấu tranh vì họ cho rằng những lời dạy của Đức Phật có thể đóng góp cho sự tiến bộ thực sự của con người dựa trên Bát nhã (Prajna) hơn là sự tích lũy về vật chất [5]. Những hoạt động của Phật giáo tại Thái Lan đã dẫn đến phong trào bảo vệ môi trường vào thập niên 70 thế kỷ XX với tên gọi “Những nhà sư cấp tiến” (Phranakphatthana); đến thập niên 80 là phong trào “Những nhà sư vì sinh thái” (Phranakanuraksa),… Vào năm 1991, sự kiện tu sĩ PhrakhruPitak Nanthakhun tổ chức lễ hội sắp đặt cây ở tỉnh Nan. Bằng nghi thức tụng kinh, buộc “civara” quanh những thân cây lớn trong rừng. Tất cả mọi người tham dự lễ hội, bao gồm các chức sắc ở các làng xung quanh đã cùng nhau tuyên thệ bảo vệ khu rừng, đồng thời kêu gọi quyên góp tiền bạc trồng rừng. Năm 1993, khi sông Nan [6] bị ô nhiễm nặng, cộng đồng Phật giáo nơi đây đã tổ chức nhiều buổi lễ nhấn mạnh nguyên nhân ô nhiễm môi trường, đồng thời khởi động dự án “Tình yêu cho sông Nan”. Đến năm 1999, một khu bảo tồn cá và nhiều khu bảo bảo tồn rừng được thành lập bởi tổ chức phi chính phủ có tên gọi là “quỹ tương ái tỉnh Nan”,… Như thế, các vị tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan với nhãn quan Phật giáo đã thấy sự lệ thuộc ngày càng cao của con người vào vật chất và hệ quả không tốt đẹp từ chủ nghĩa tiêu dùng. Có thể nói, hoạt động bảo vệ môi trường của các tu sĩ Phật giáo Thái Lan đã khởi xướng thành phong trào bảo vệ môi trường thiên nhiên, mà trong đó, nổi bật nhất là những hoạt động bảo vệ rừng và nguồn nước. Ngày nay, những hoạt động bảo vệ môi trường đã nhận được sự đồng thuận của chính phủ.

Ở Sri Lanka, hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo chủ yếu là trồng rừng và đề cao việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý trong việc phục vụ tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy, ở quốc gia này, phát triển kinh tế dựa trên tinh thần Phật giáo bằng lối sống đơn giản, tiết kiệm. A.T. Ariyaratne [7] “khuyến khích các giá trị trí tuệ, xã hội, tinh thần và tâm linh trong quá trình phát triển, bằng cách tổ chức những cuộc diễu hành hòa bình hoặc đi bộ trên mô hình của Gandhi” [8]. 

Ở Ấn Độ, các tu sĩ Phật giáo cũng có những cách khác nhau trong việc bảo vệ môi trường. Trong đó, nổi bật nhất là trong những năm của thập niên 70 thế kỷ XX, phong trào Chipko hướng đến bảo vệ môi trường bằng cách ôm chặt cây để chúng khỏi bị chặt phá. Và ngày nay, nhiều phong trào bảo vệ môi trường của tu sĩ Phật giáo đã được chính phủ Ấn Độ tài trợ kinh phí nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trồng cây, làm sạch nguồn nước,…

Ở Ấn Độ, các tu sĩ Phật giáo cũng có những cách khác nhau trong việc bảo vệ môi trường. Trong đó, nổi bật nhất là trong những năm của thập niên 70 thế kỷ XX, phong trào Chipko hướng đến bảo vệ môi trường bằng cách ôm chặt cây để chúng khỏi bị chặt phá.

Ở phương Tây, những người nhập cư từ những quốc gia có truyền thống Phật giáo như: Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản,… đã chuyển tải nhiều nội dung Phật giáo vào trong cuộc sống. Đó là niềm cảm hứng cho nhiều nhà hoạt động môi trường như John Daido Loori [9], Joanna Macy, John Seed,… Chẳng hạn, nhà hoạt động môi trường Loori có quan điểm về môi trường từ chỗ “lấy con người làm trung tâm đến chỗ quan tâm đến mọi sinh vật sống”. Xác định nguồn gốc của các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện đại nằm ở khoa học và công nghệ hiện đại. Ông cho rằng: “Sự phát triển mạnh mẽ cả công nghệ và sự tìm tòi khoa học đã nuôi dưỡng các hoạt động phục vụ lợi ích con người nhưng lại hại đến thiên nhiên” [10]. Một tu sĩ rất nổi tiếng, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh [11] đến Mỹ năm 1960 học tập và nghiên cứu. Trong vấn đề môi trường, ông thành lập Dòng tu Tiếp Hiện năm 1966 với mục đích bảo vệ môi trường và xã hội theo quan điểm lòng từ bi cho trái đất và mọi sinh vật sống. Ông cho rằng, chất thải hạt nhân là độc hại nhất, vì nó cần 2,5 triệu năm để phân hủy. Do đó, nếu nó còn tồn tại thì còn đe dọa đến cuộc sống của muôn loài. Đây cũng là quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị loại bỏ Tây Tạng khỏi danh sách nơi thử nghiệm và sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhìn chung, qua các bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều thông điệp về môi trường với tinh thần khoan dung, tôn trọng môi trường đã được thế giới biết đến,… Đặc biệt, các học giả và tu sĩ Phật giáo đã có điểm nhìn chung về môi trường, chẳng hạn như Joanna Macy [12] đã xâu chuỗi giáo lý Phật giáo liên quan đến vấn đề môi trường và cùng với John Seed thành lập “Hội đồng vì muôn loài sinh vật”,…

Nhìn chung, nổi bật nhất trong các hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo ở các quốc gia trên thế giới là các phong trào bảo vệ rừng, chống ô nhiễm nước. Ngoài ra, xu hướng ứng dụng giáo lý Phật giáo qua các buổi thuyết giảng của các nhà tu hành Phật giáo về môi trường, khiến cho các giá trị Phật giáo lan tỏa sâu rộng hơn đến tư tưởng, con người phương Tây, làm giảm bớt sự đối lập giữa con người với thiên nhiên và thay vào đó sự tôn trọng thiên nhiên. 

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

Trong một bài nghiên cứu của TS. Peter Daniels đã chỉ ra rằng: “Việt Nam đang đối mặt với tình huống khó khăn tương tự như nhiều quốc gia khác – có một nhu cầu to lớn trong việc phát triển kinh tế nhanh chóng nhằm đem lại điều kiện vật chất và chất lượng cuộc sống cho mọi người, song cũng có một ý thức mãnh  liệt về  trí  tuệ để  theo đuổi con đường phát triển nền kinh tế ít khí thải carbon. Do đó, những chiến lược quốc gia cần phải xem xét là rất quan trọng và đó là những quyết định hết sức cấp thiết, không chỉ về hiệu quả sử dụng năng lượng, mà còn về sự phác họa, sáng tạo của hệ thống sản xuất và cơ sở hạ tầng công nghiệp đô thị với những ứng dụng lâu dài sâu rộng cho sự phát triển bền vững trong tương lai” [13].

Trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước dẫn đến xu hướng toàn cầu hóa của Việt Nam là tất yếu. Giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia ngày càng sâu rộng đã đem lại nhiều lợi ích và cơ hội để nước ta phát triển vững mạnh. Song trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay không chỉ là vấn đề mà các cơ quan chức năng quan tâm, mà còn cần sự chung tay của cả xã hội để giải quyết. Song cũng có một số ít người có lối sống vị kỷ, thực dụng, vì lợi nhuận mà “bất chấp cả đạo lý, tình nghĩa, sự lấn át của đồng tiền có sức vùi dập, bóp chết cả những gì thuộc về tinh thần, giá trị tinh thần” [14] gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Theo đánh giá, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí và thiên tai, lũ lụt đến từ thiên nhiên. Do đó, nếu chúng ta không có những hành động cụ thể, ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Bởi ô nhiễm môi trường có nguyên nhân sâu xa từ chính hành động của con người thông qua các hoạt động khai thác tài nguyên do nhu cầu nguyên nhiên liệu ngày càng lớn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng: “Việt Nam, hằng năm rừng bị mất khoảng 200.000 ha, trong đó khoảng 50.000 ha do khai hoang để trồng trọt” [15];  phát triển kinh tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng tốc nhanh đã thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí,… Nhiều tỉnh thành trên cả nước tồn tại nhiều bãi rác công nghiệp hoặc tiếp nhận các loại chất thải độc hại, thậm chí nhiều doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, đất, không khí,… đe dọa sự sống của động thực vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. 

Phật giáo với giáo lý từ bi hỷ xả, ứng xử với môi trường thiên nhiên trên tinh thần hài hòa và tôn trọng thiên nhiên. Trước các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, Phật giáo Việt Nam hiện nay có những hành động cụ thể, “phù hợp với những chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững, lối sống thân thiện với môi trường của Phật giáo đã góp phần tạo ra những nhận thức mới nơi cộng đồng về quan niệm sống có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái một cách tự giác. Phật giáo chỉ rõ, sự khủng hoảng sinh thái, ô nhiễm môi trường là hệ quả của việc con người làm giàu bằng mọi giá, phi đạo đức, và điều đó sẽ đưa xã hội con người đến chỗ suy thoái toàn diện” [16].

Theo kết quả nghiên cứu của Ngô Văn Trân, những hoạt động chủ yếu của Phật giáo Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường là: Thứ nhất là lối sống giản dị, tiết kiệm, cân bằng, “thiểu dục tri túc” của tín đồ Phật tử cũng góp phần làm giảm sức ép vào môi trường và hệ sinh thái tự nhiên; thứ hai là công tác tuyên truyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) để tín đồ Phật tử hiểu rõ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên thông qua giáo lý duyên khởi. Và thứ ba, Phật giáo có truyền thống quan tâm bảo vệ môi trường: “Những ngôi chùa với khu “rừng thiền” cây cối xanh tươi, ao hồ sạch đẹp, không khí trong lành và nếp sống an bình là cảnh quan có thể kết hợp với du lịch “xanh” với du lịch tâm linh, tạo môi trường cho khách thập phương tìm đến thanh thản tâm hồn và hòa mình trong sự trong lành của thiên nhiên. Có thể nói, “rừng thiền” của chùa Phật giáo là một mô hình bảo vệ môi trường trong sạch cho cuộc sống khá hấp dẫn trong thời đại nhiều ô nhiễm hiện nay” [17].

Ngoài ra, những hoạt động cụ thể của tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam như trong các ngày lễ hội Phật giáo hay các ngày lễ tết, GHPGVN thường đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như phong trào “trồng cây gây phúc”, “trồng cây trí đức”, hay tuyên truyền về việc bẻ cành hái lộc là làm tổn hại đến môi trường hoặc thông qua các buổi phóng sinh, nhiều hoạt động vì môi trường được phát động,… Nhất là  GHPGVN luôn khuyến cáo trong các lễ hội Phật giáo hoặc các lễ hội có liên quan đến Phật giáo như lễ cầu an, lễ cầu siêu,… không đốt vàng mã, vừa tránh mê tín dị đoan và vừa giữ gìn bảo vệ môi trường.  Đặc biệt, trong những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán, HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký và ban hành Công văn  gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội trong dịp Tết cổ truyền. Điểm nổi bật của công văn này, trên phương diện môi trường đã nhấn mạnh việc không đốt vàng mã, đảm bảo trang nghiêm tiết kiệm nơi cơ sở thờ tự của Phật giáo. Do đó, các điểm nóng về vàng mã ở Hà Nội và nhiền nơi trên cả nước không còn sôi động như các năm trước vào mỗi dịp lễ tiết như ngày rằm, mùng một, nhất là ngày rằm tháng 7 – liên quan đến lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo. Cụ thể, Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh là ba trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Nhiều Tăng Ni đã vận động Phật tử khi đến chùa không đốt vàng mã bảo vệ môi trường và loại dần mê tín dị đoan. Điển hình như ở chùa Huy Văn (Hà Nội), sư trụ trì kết hợp giáo lý Nhân quả của Phật giáo nhằm giảng dạy cho tín đồ Phật tử làm việc thiện, tích phúc là cách báo hiếu chứ không phải là đốt vàng mã, điều này đã làm thay đổi nhận thức của nhiều tín đồ Phật tử. Hiện nay ở chùa không có hiện tượng đốt vàng mã. Chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc,… ở Huế hầu như không có hiện tượng đốt vàng mã. Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 20 năm nay ở chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11) đã thực hiện bảo vệ môi trường bằng cách không đốt vàng mã và bằng thông báo trên bảng. Việc không đốt vàng mã trong các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo nói chung, đặc biệt là cơ sở Phật giáo đã có những chuyển biến rõ rệt từ năm 2020. Điều này góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường. Bởi theo ước tính, vào mỗi dịp lễ tiết tín ngưỡng tôn giáo, nhân dân đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã, hương các loại, tiêu tốn nhiều tỉ đồng và gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đặc biệt là trong các cơ sở thờ tự. 

Tiếp nối tinh thần Phật dạy, GHPGVN đã có những hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường. GHPGVN thông qua các chương trình tu học, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử đề cao việc ăn chay, không sát sinh không chỉ nhằm tạo sức khỏe và thiện tâm cho con người mà còn tạo sự cân bằng sinh thái. Khi tu bổ hay xây dựng các ngôi chùa đều chú trọng tạo môi trường thiên nhiên trong lành. Việc an cư kết hạ hàng năm trong ba tháng hạ của GHPGVN được tuân thủ, đây không chỉ là vấn đề tu học mà còn là sự thể hiện hành động rõ nét truyền thống bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. Nói chung, Phật giáo và Phật giáo Việt Nam đề cao lối sống giản dị, sống ít làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài vai trò chính của một tôn giáo, Phật giáo Việt Nam còn tham gia nhiều các lĩnh vực như từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong từng bối cảnh xã hội mà và mỗi thời điểm xã hội khác nhau, Phật giáo Việt Nam đều có sự nhập thế và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và được cộng đồng đón nhận một cách tích cực. Đó là cách “đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý của đạo Phật sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để cải biến cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời” [18]. GHPGVN đã có những hành động cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và thông qua các Đại lễ Vesak, GHPGVN ngày càng chú trọng vấn đề:

Thứ nhất là: Triển khai nhiều hoạt động giữ gìn môi trường như: trồng cây, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã trong cơ sở thờ tự. Một môi trường xanh sạch cần phải bắt nguồn từ một lối sống mà trong đó vai trò của đạo đức, tâm linh cao hơn vai trò của vật chất. Phật giáo đã chỉ ra, khi tâm con người bị chi phối bới tham – sân – si thì khổ đau ập đến. Việc đề cao lối sống giản dị, cân bằng là sự giảm thiểu những ham muốn, đồng thời tiết kiệm tài nguyên; 

Thứ hai: Việc tổ chức các khóa tu, chương trình hoằng pháp,… kết hợp với phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cũng được GHPGVN quan tâm. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, những thành tựu khoa học công nghệ đã đem đến cho con người nhiều tiện ích. Song, với nền kinh tế thị trường, nhu cầu vật chất đã thôi thúc ham muốn của con người làm sao ngày càng đầy đủ hơn. Thậm chí, vì nhu cầu vật chất ngày càng cao của con người đã kích thích con người khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các nguồn năng lượng như than đá, khí đốt, dầu mỏ,… hệ quả là sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt,… Vì thế, với việc phổ biến kiến thức về môi trường của Phật giáo Việt Nam góp phần làm thay đổi nhận thức của tín đồ Phật tử trong việc ứng xử với môi trường;

Thứ ba: Bảo vệ môi trường cần thể hiện đồng thời cả nội dung thích ứng và giảm nhẹ, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm. Trong đó, ngoài việc tuyên truyền kiến thức, đề cao lối sống giản dị, tiết kiệm thì bảo vệ môi trường qua việc trồng cây gây rừng nhằm mục tiêu cân bằng sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế thiên tai được GHPGVN chú trọng. 

Thứ tư: Ngày càng tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức Phật giáo quốc tế triển nhằm triển khai các chương trình, dự án mà Phật giáo quốc tế đang tham gia, phát huy tinh thần Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Liêp Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu (số 7) phát triển thiên niên kỷ “Đảm bảo bền vững về môi trường”; đồng thời thực thi cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường ở Paris (Pháp), cộng đồng Phật giáo thế giới đã cùng chung tay hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Thông điệp Phật đản của Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ – GHPGVN đã đề cập đến vấn đề cần thiết chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là sự cụ thể hóa mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc và cam kết chung tay với cộng đồng Phật giáo thế giới. Ở Việt Nam, “Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt nam cùng ký kết thỏa thuận” [19]. 

KẾT LUẬN

Nhìn chung, hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo quốc tế và Phật giáo Việt Nam mà đại diện là GHPGVN đều dựa trên nền tảng giáo lý mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng. Hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu của Phật giáo vẫn là đề cao ăn chay, cấm sát sinh, hạn chế việc tiêu dùng vật chất quá mức làm ảnh hưởng đến môi trường. Nói cách khác, Phật giáo khởi xướng/đề xuất một lối sống giản dị, ứng xử hài hòa với môi trường thiên nhiên. Do đó, trên bình diện quốc tế, Phật giáo đã có nhiều phong trào khác nhau bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ rừng và môi trường nước. Đối với Phật giáo Việt Nam, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai. Đáng chú ý là công tác tuyên truyền của GHPGVN ngày càng đi vào thực chất, sát với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Nổi bật là các phong trào trồng cây, trồng rừng, tuyên truyền không đốt vàng mã,… đến nay những phong trào này góp phần nâng cao ý thức của tín đồ Phật tử, đồng thời góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Những hoạt động của Phật giáo quốc tế và Phật giáo Việt Nam không chỉ là hưởng ứng mục tiêu vì môi trường bền vững do Liên Hợp Quốc phát động mà còn là sự kết hợp hiệu quả với các tổ chức, chính quyền trong suốt những năm qua.

 

Nguyễn Văn Quý/TCVHPG407

 

Chú thích:

* Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1] Tôn giáo và đời sống hiện đại, tập 2, Chuyên đề Thông tin khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.106.

[2] Thích Thiện Siệu dịch (1993), Kinh Pháp cú, 183, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 

[3] Hiệu trưởng trường Nghiên cứu và văn minh Phật giáo, Đại học Cồ Đàm (Gautam), Ấn Độ

[4] TT.TS. Thích Nhật Từ – TT.TS. Thích Đức Thiện đồng chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.1-2.

[5] Dẫn theo: TT.TS. Thích Nhật Từ – TT.TS. Thích Đức Thiện đồng chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.4.

[6] Sông Nan (แม่น้ำน่าน, Maenam Nan) là một trong những sông nhánh quan trọng nhất của sông Chao Phraya, Thái Lan. Sông Nan bắt nguồn từ tỉnh Nan chảy qua các tỉnh như Uttaradit, Phitsanulok và Phichit. Sông Yom nhập vào sông Nan tại huyện Chum Saeng, tinh Nakhon Sawan mang tên là sông Chap Phraya.

[7] Ông là người sáng lập và chủ tịch của Phong trào Sarvodây Shrâmdana ở Sri Lanka. Ông được đề cử vào Hội đồng hiến pháp với tư cách là đại diện dân sự vào ngày 10 tháng 9 năm 2015. Ariyaratne, một người tin tưởng mạnh mẽ vào các nguyên tắc bất bạo động, phát triển nông thôn và tự hy sinh của Gandhian. Ông cùng với hàng triệu người trên khắp Sri Lanka và các nơi khác trên thế giới thực hành Thiền định và tổ chức phong trào Sarvodaya nhằm mục đích phúc lợi cho mọi người, thúc đẩy một xã hội không nghèo đói và tôn trọng môi trường.

[8] Dẫn theo: TT.TS. Thích Nhật Từ – TT.TS. Thích Đức Thiện đồng chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.8-9.

[9] John Daido Loori (1931 – 2009). Ông là một Thiền sư và là Giám đốc điều hành của Pháp Truyền thông. Ngoài ra, ông còn là một nhiếp ảnh gia và là tác giả của hơn 20 cuốn sách về Phật giáo, môi trường,… Ông viên tịch tại Tu viện núi Zen ở Mount Tremper, New York, Mỹ.

[10] J. Baird Calicoot, (2008), “The new new (Buddhist) ecology”, Journal for the Study of Religion, Nature and Culture, Vol.2, No.2., p1-3.

[11] Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926 -) là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và vận động hòa bình người Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông là người khởi xướng phong trào “Phật giáo dấn thân”. Do đó, Thiền sư còn được biết đến là người khởi xướng phong trào Phật giáo hiện đại, đưa phật giáo gần với cuộc đời mỗi con người. Ảnh hưởng của ông ví như Đức Dalai Lama 14, Hòa thượng Tinh Vân, Sulak Sivaraksa, Robert Aitken Roshi,…

[12] Joanna Rogers Macy (1929-). Bà đến với Phật giáo năm 1965 ở Tây Tạng và thực hành theo truyền thống Theravada. Sau này, bà là một nhà hoạt động môi trường, tác giả của nhiều bài viết về Phật giáo, về hệ sinh thái,… 

[13] Tiến sĩ Peter Daniels, Thích Vạn Năng dịch, “Phật giáo, biến đổi khí hậu, và những tiếp cận mới về năng lượng cho xã hội bền vững”, TT.TS. Thích Nhật Từ & TT.TS. Thích Đức Thiện chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.21-22.

[14] Xin xem thêm trong: Nguyễn Duy Quý (2006), Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay: vấn đề và giải pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[15] Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.154.

[16] Ngô Văn Trân (2013), “Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9(123), tr.16.

[17] Dẫn từ: Ngô Văn Trân (2013), “Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9(123), tr.17.

[18] Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn: 4.

[19] Dẫn lại từ: Thích Nhật Từ biên tập (2019), Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 & môi trường bền vững, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr236.

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Bộ Tài nguyên và môi trường (2008), Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Nội

2. Hoàng Văn Chung, Đỗ Lan Hiền (2017), “Giới thiệu về tôn giáo và sinh thái”, Nghiên cứu tôn giáo, số 11 (167).  

3. Chuyên đề Thông tin khoa học Xã hội, Tôn giáo và đời sống hiện đại, tập 2, Hà Nội, 1998.

4. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Nguyễn Duy Quý (2006), Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay: vấn đề và giải pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Thích Thiện Siêu dịch (1993), Kinh Pháp cú, 183, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

7. Ngô Văn Trân (2013), “Phật giáo với bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (123).

8. Thích Phổ Tuệ (2011), Thông điệp Phật đản 2011.

9. TT.TS. Thích Nhật Từ – TT.TS. Thích Đức Thiện đồng chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.

10. Thích Nhật Từ biên tập (2019), Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 & môi trường bền vững, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin