Chi tiết tin tức

Quan điểm Duy tuệ thị nghiệp trong Đạo Phật và ý nghĩa trong xã hội Việt Nam hiện nay

22:05:00 - 08/03/2023
(PGNĐ) -  Trong đời sống, có người nghĩ họ khổ nhưng không biết vì sao mình khổ, đó là do họ chưa đủ sự hiểu biết và trí tuệ. Trong hành trình rèn luyện tu dưỡng bản thân, sau quá trình lĩnh hội tuệ, ta sẽ nhận được nghiệp tốt đẹp hoặc nghiệp xấu. Đó là quá trình nhận thức của con người về cuộc sống và thực tiễn sẽ trả lời điều chúng ta làm là đúng hay sai. Điều này đã được Phật giáo chỉ dẫn từ hơn 2.000 năm qua. Ngày nay, quan điểm “duy tuệ thị nghiệp” vẫn là cơ sở để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về tri thức con người trong sự phát triển xã hội. Bài viết này bày tỏ quan điểm “duy tuệ thị nghiệp” là yếu tố quyết định giúp mỗi người có những hành động đem đến kết quả tốt đẹp giúp xã hội phồn vinh, thịnh vượng. Từ đó, đưa ra cách thức xây dựng con người, lấy trí tuệ làm thước đo phát triển.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã hội Việt Nam ngày nay đang chứng kiến nhiều thay đổi song song với sự phát triển con người. Trong quá trình đó, tri thức – tuệ của con người là yếu tố giữ vai trò quyết định với sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Trí tuệ là động lực, mục đích phát triển xã hội. Trên nền tảng đó, việc xem xét những giá trị tư tưởng đánh dấu nhận thức của con người trong quá trình tồn tại. Trong đó, Phật giáo là học thuyết đề cao tri thức con người với quan điểm “duy tuệ thị nghiệp”. Duy tuệ thị nghiệp dưới góc nhìn Phật giáo là tri thức nhưng không chỉ là kiến thức mà con người có mà còn đạt tới sự thấu hiểu trong quá trình nhận thức. Quan điểm này của Đức Phật mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội khi con người biết lấy việc học để xây dựng sự nghiệp. 

1. QUAN NIỆM VỀ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP TRONG ĐẠO PHẬT 

Quan điểm “duy tuệ thị nghiệp” trong đạo Phật được thể hiện ở phần cuối của bài kệ thứ ba Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác. Đức Phật chỉ rõ: “Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, “Duy tuệ thị nghiệp” (Thường nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của mình). Quan điểm này mang ý nghĩa sâu rộng bởi tư duy trừu tượng, tức trong quá trình tư duy có sự cảm tính và lý tính. 

Đầu tiên là Tuệ (Prajna, Panna): Tuệ là bát nhã, tri thức, sự hiểu biết. Tuệ trong Phật giáo gồm cả nhận thức cảm tính, lý tính nhưng nhấn mạnh tới kinh nghiệm, trải nghiệm trong cả quá trình. Tri thức có từ lâu trong lịch sử, từ khi con người bắt đầu có tư duy thì đã có tri thức. Tuệ như viên kim cương của nhà Phật, con người càng am hiểu sâu rộng nhiều vấn đề, lĩnh vực càng dễ thực hiện các mục tiêu bản thân. Một xã hội với nhiều người có học vấn cao thì càng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Hai là, nghiệp (Karma hay Kamma) ở đây là kết quả của những hành động, lời nói, hay ý nghĩ (thân, khẩu, ý). Nghiệp là kết quả có được thông qua việc làm, hành động trước đó mà hiện tại hoặc tương lai nhận lại kết quả. Do đó, nếu ta thực hiện học tập, vun trồng trí tuệ, gây thiện nghiệp sẽ đạt thiện quả là trí tuệ. Như vậy, duy tuệ thị nghiệp là tập trung trí tuệ để làm những điều tốt đẹp thì tất yếu sự nghiệp sẽ gặp điều thiện mỹ. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, “Duy tuệ thị nghiệp” là lấy tri thức làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Nâng cao trí tuệ là yếu tố quyết định làm sự nghiệp của đời người, muốn vậy phải phấn đấu rèn luyện để hiểu biết, nhận thức đúng đắn về hành trình tiếp thu tri thức trong sự nghiệp của mình.

Ba là, bản chất của mối quan hệ duy tuệ với thị nghiệp. Duy tuệ trong Phật giáo là quá trình tích lũy về tuệ, tất yếu sẽ mang lại kết quả là nghiệp tốt. Quan điểm này thể hiện quá trình phản ánh thực tại khách quan thông qua não bộ để đạt được tri thức. Và tri thức đó giữ quyết định tới tình cảm, niềm tin, ý chí trong việc hình thành ý thức của một chủ thể nào đó. Vì tri thức là cơ sở quan trọng của ý thức nên có tri thức tức là có tuệ, sẽ xác lập nên mục tiêu, kế hoạch từ năng lực tích lũy của đối tượng nhận thức thực tại khách quan. Do đó, duy tuệ là tri thức gắn với quá trình phản ánh thế giới khách quan của ý thức. 

Nghiệp là kết quả có được thông qua việc làm, hành động trước đó mà hiện tại hoặc tương lai nhận lại kết quả. Do đó, nếu ta thực hiện học tập, vun trồng trí tuệ, gây thiện nghiệp sẽ đạt thiện quả là trí tuệ. Như vậy, “Duy tuệ thị nghiệp” là tập trung trí tuệ để làm những điều tốt đẹp thì tất yếu sự nghiệp sẽ gặp điều thiện mỹ. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, “Duy tuệ thị nghiệp” là lấy tri thức làm sự nghiệp đích thực của đời mình.

Con người có tuệ, nhận thức tốt sẽ có khả năng làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân và không ngừng học hỏi để đóng góp cho xã hội. Học là học đạo làm người/ Con đừng lêu lổng kẻ cười người chê. Khi con người có tuệ, cuộc sống sẽ biết cách sống theo chuẩn mực đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của thế hệ đi trước để lại. Tri thức cộng đồng được hình thành nhờ sự tiếp thu và học hỏi qua bao thế hệ, tạo nên một xã hội văn minh. Đức Phật đáp rằng: “Tất cả chúng sinh đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi chúng sinh mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (Theo Trung A-hàm, Kinh Anh vũ, 170; Trung bộ Kinh, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, 135). Và trong Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã khẳng định: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ tạo, thiện hay ác. Ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. 

Ngày nay, với quá trình giao lưu, học hỏi kiến thức nhằm đạt tuệ thì mỗi cá nhân phải sáng tạo và giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tiến bộ. Tuệ là công cụ giúp giải quyết mọi vấn đề cá nhân và xã hội.

Nghiệp là hành vi của thân, khẩu, ý (suy nghĩ, hành động, thói quen… tức nhận thức của lý tính và thực tiễn cùng kiểm nghiệm). Nghiệp còn được hiểu là “hành động có tác ý” trong ngôn ngữ nhà Phật. Nghiệp tác động đến con người bằng cách tạo ra đặc điểm, tính cách, thân phận… mỗi người; tạo ra hạnh phúc hay khổ đau mà con người phải gánh chịu; dẫn con người tái sinh từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.

Tuệ là nguyên nhân dẫn tới kết quả của nghiệp hay còn gọi là nghiệp quả. Kết quả của nghiệp có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, hoặc trước mắt hoặc lâu dài, song đó là sự gánh chịu mọi kết quả mà nguyên nhân từ có hoặc không có duy tuệ. Thậm chí, nghiệp ở kiếp này không trả nổi thì sẽ trả ở những kiếp sau. Vì thế, tuệ khác nhau thì nghiệp khác nhau. Cụ thể, một người không thông minh thì người đó phải học tập, trau dồi trí tuệ để chuyển thành nghiệp tốt, nắm bắt được tri thức. Còn tư chất thông minh nhưng học hành chểnh mảng, không lo tu dưỡng bản thân, không cố gắng phấn đấu mà tham lam ích kỷ thì người đó phải sống trong cảnh khốn khó. Cũng có trường hợp, trong quá khứ họ vô minh nhưng nhờ phấn đấu học tập, rèn luyện tu dưỡng bản thân mà nhìn nhận ra được đó là những sai trái và rồi khắc phục để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Có thể thấy, quan điểm về duy tuệ thị nghiệp mang ý nghĩa phạm trù nhân quả. Nếu nguyên nhân tốt thì kết quả tốt hoặc có nhiều nguyên nhân khác nhau thì kết quả khác nhau. Để đạt tuệ không chỉ có tri thức mà phải thấu hiểu, có khả năng nhận thức, hiểu được bản chất và suy lý tri thức đó để đạt đến hạnh phúc trong cuộc sống. Cuộc sống vốn có nhiều mối quan hệ chằng chịt và đan xen nhau, song nếu hiểu quan hệ nhân quả thì mình sẽ nhìn rõ con đường mình đi để gặt hái kết quả tốt đẹp. Vậy duy tuệ thị nghiệp sẽ đem lại kết quả là sự suy lý trong quá trình nhận thức, tức trên cơ sở liên kết các phán đoán nhằm rút ra tri thức mới về mối quan hệ giữa duy tuệ và thị nghiệp trong đời sống để từ đó răn dạy, điều chỉnh hành vi của mình để mang lại kết quả tốt đẹp. Khi thấy được nghiệp, bất cứ hành động nào cũng phải dựa trên cơ sở tri thức để đưa ra những phán đoán, đồng thời tuân theo quy tắc, chuẩn mực xã hội, các giá trị đạo đức và luật pháp. Qua đó thấy được tính khoa học của Phật giáo về quan điểm duy tuệ thị nghiệp vô cùng sâu sắc.

2. QUAN ĐIỂM DUY TUỆ THỊ NGHIỆP LÀ MỤC ĐÍCH SỐNG CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Quan niệm “duy tuệ thị nghiệp” được thể hiện trong mạch sống, quan niệm sống của người Việt từ xưa tới nay. Truyền thống văn hóa của người Việt là học để lập thân, lập nghiệp. Việc nỗ lực học tập, trau dồi nhân phẩm đạo đức, làm nhiều việc tốt, tu dưỡng bản thân thì chắc chắn tương lai sẽ tốt đẹp và thành công [2]. Vì thế, duy tuệ gắn với thị nghiệp thông qua mối quan hệ nhân quả trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam. Nếu cho rằng nghiệp định sẵn điều kiện bản thân thì con người không thể thay đổi. Mỗi người có nghiệp phải nhận lấy nghiệp của mình hoặc chấp nhận “trả nghiệp” của đời trước và quá khứ.

Nghiệp không nên hiểu là những đau khổ, bất công, nghèo khó mà mình phải chịu. Trả hết nghiệp là chấp nhận những gì đã gây ra thì mới được hưởng sự an lạc, hạnh phúc. Theo quan điểm Phật giáo, con người là chủ nhân của nghiệp. Nghiệp là những điều mà con người tạo ra trong quá trình hành động. Con người có thể tạo ra nghiệp mang chiều hướng tích cực để thay đổi tương lai, hoàn cảnh sống của mình nhằm có được cuộc sống hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ đau. Không phải ai cũng đạt được điều này mà chỉ những người tu tập để đạt tuệ mới thoát được vô minh, đạt đến cảnh giới giác ngộ. Muốn vậy, con người phải học hỏi, trao đổi, tu dưỡng bản thân để được duy tuệ thì tự bản thân sẽ có những thay đổi tư duy, hành động, lối sống theo hướng tích cực. Mục đích cao đẹp nhất của con người là hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ [1]. Do đó, nếu con người cứ chạy theo dục vọng kém hèn, làm cho thân thể và tinh thần mình mỗi ngày một tiều tụy, ấy chính là tự kéo mình xuống ngang hàng với loài vật. Vậy nên, chúng ta cần tránh những kẻ hám danh lợi đang núp bóng dưới danh nghĩa những người tri thức nhưng lại suy thoái tư tưởng đạo đức, làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia dân tộc.

3. DUY TUỆ THỊ NGHIỆP GẮN LIỀN VỚI TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT 

Quan điểm duy tuệ thị nghiệp của Phật giáo gắn bó chặt chẽ, góp phần tạo nên giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Tiêu biểu là tinh thần hiếu học, thể hiện trong các câu tục ngữ như: “Có cày có thóc, có học có chữ”, “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên”, “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”… 

Việc học hành của mỗi người trở thành vận mệnh, tương lai của cả gia đình và làng xóm. Người ta nhìn nhau trong việc học để phân định cách đối nhân xử thế giữa người có học và người thất học. Việc học là nhiệm vụ hàng đầu để đổi đời không chỉ với cá nhân người học mà còn với tương lai gia đình, dòng họ. Do đó, ông bà ta có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là nói đến vai trò, trách nhiệm của người lấy sự học làm sự nghiệp đời mình. Sự hiểu biết và năng lực trí tuệ của những người con chính là gia tài sự nghiệp của các bậc cha mẹ để lại, là nguồn gốc làm nên sự nghiệp của những người con đó. Nên trong mỗi gia đình, cha mẹ phải lo toan, làm lụng vất vả để con được cắp sách đến trường, với tâm nguyện làm sao cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, học hành thành đạt, đóng góp vào sự phát triển của xã hội [3]. Nhưng trong quá trình đạt tuệ làm hành trang vào đời lại có những người sa ngã ngay chính trong nghiệp của mình. Nên trong quá trình làm việc, họ đã bị đời sống vật chất cám dỗ làm nổi lên tham sân si. Vì thế, mỗi cá nhân cần có đức để nhận thức nhiệm vụ của mình.

Hơn nữa, tri thức là sức mạnh, là cốt lõi của ý thức con người. Người càng am hiểu sâu rộng nhiều vấn đề, lĩnh vực càng dễ thực hiện được các mục tiêu, ước nguyện bản thân. Một xã hội với nhiều người có học vấn cao thì càng phát triển, hiện đại. Vì thế, Phật giáo lấy “Duy tuệ thị nghiệp” làm tiêu chuẩn, thước đo đánh giá con người có ý nghĩa thúc đẩy xã hội nâng cao trình độ, phát triển bản thân góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Con người cần lấy tri thức làm cơ sở để hiểu rõ mọi quy luật trong đời sống. Khi có tuệ, con người sẽ hiểu được sự vô thường, vô ngã, duyên sinh, duyên khởi, nhân quả và nghiệp báo. Nên duy tuệ là cách thức để con người thoát khổ, đạt đến sự giác ngộ. Đó mới là sự nghiệp đích thực của đời người. Vì thế, người xưa đã nói: “Học là học để mà hành/ Vừa hành vừa học mới thành người khôn”. Nếu mỗi người trong xã hội đều hiểu được điều này thì trong mỗi hành động, việc làm đều lấy trí làm trọng. Và trong việc quản lý con người cần coi trong tuyển chọn những người học rộng tài cao, đức độ, trung thành với lý tưởng dân tộc làm yếu tố quyết định. Đồng thời, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nên chú trọng và tập trung vào việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động. Trong công tác quy hoạch cán bộ cần tuyển chọn người có trí tuệ để bố trí vào các cơ quan tham mưu hoạch định đường lối chính sách, pháp luật của nhà nước với những qui định cụ thể về chế độ, trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích. Bởi khi nhận thức được vai trò của duy tuệ nghị nghiệp thì tự mỗi người sẽ nỗ lực: “Học là học để làm người/ Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi”…

Con người có tuệ là người tri thức, học vấn, am hiểu nhiều kiến thức, khám phá và truyền bá tri thức theo các lĩnh vực chuyên môn. Người tri thức thì tất yếu làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân và không ngừng học hỏi để đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, con người có tri thức sẽ biết cách sống theo chuẩn mực đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp do thế hệ đi trước để lại. Tri thức cộng đồng được hình thành chính nhờ sự tiếp thu và học hỏi qua bao thế hệ, tạo nên một xã hội văn minh. Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho nguồn nhân lực của nước ta nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Tuệ giúp mỗi người có lập trường, phương pháp giải quyết các vấn đề cá nhân, xã hội. Khi đạt được tuệ, bạn sẽ nhìn nhận, đánh giá cuộc sống và cư xử với nhau với tuệ làm mục đích sống. Một xã hội muốn trở nên văn minh đòi hỏi phải có càng nhiều người tri thức đóng góp và cống hiến.

Người “duy tuệ” sẽ nhận thức được cương vị của mình đi kèm quyền hạn và trách nhiệm để tránh những nghiệp xấu. Còn khi người nào đó đang ở vị trí có chức vụmà không hiểu được vị trí của mình thì sẽ tiếp tục tranh thủ lạm dụng quyền hạn khi thi hành công. Và tất yếu sẽ gặp “nghiệp báo”. Thực tế trong những năm qua, xã hội đã có nhiều cán bộ lợi dụng quyền hạn của mình đã gây ra “nghiệp báo”. Những nghiệp báo này sẽ làm sai lệch các chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật, gây hậu quả xấu đến đời sống xã hội. Có những cá nhân khi không lấy “duy tuệ” mà tham, sân, si nên có lối sống vô tổ chức, coi thường các chuẩn mực đạo đức, xã hội và pháp luật, làm tha hóa các giá trị tốt đẹp của phong tục tập quán, văn hóa, phá hoại nhân cách, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, sức khoẻ, giống nòi dân tộc… Hay có những cá nhân vì tham lam đã nhận hối lộ làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, ngay cả khi đất nước xảy ra đại dịch. Hiện nay, nhiều vụ đại án ở các lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc gia đã được phát hiện và đưa ra xét xử. Qua đó cho thấy, nếu đi theo con người duy tuệ thì nghiệp nhận lại là những lợi ích tốt đẹp, giúp nâng giá trị bản thân trong xã hội. 

KẾT LUẬN

Duy tuệ thị nghiệp được biểu hiện đa dạng và có nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh chuyển đổi số. Mọi người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, quan điểm duy tuệ thị nghiệp cần được hiểu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao trình độ tri thức nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần nâng tầm trí tuệ dân tộc, sức mạnh quốc gia. Nếu cả xã hội đều lấy duy tuệ thị nghiệp làm mục đích sống thì con người sẽ trở nên cao đẹp hơn theo giá trị chân thiện mỹ.

 

Phạm Thị Kiên/TCVHPG406

Chú thích:

* Tiến sĩ Phạm Thị Kiên, Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế TP HCM.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh (2004), Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 2. Nguyễn Thị Bảy (1997), Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và Châu thổ Bắc Bộ, Nxb. Thông tin, Hà Nội.

3. TS. Bùi Xuân Dũng (2022), Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với nguồn nhân lực Việt Nam trong công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, Nxb. Đại học quốc gia TP HCM, tr.30. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin