Chi tiết tin tức

Những đóng góp của GHPGVN trong phòng, chống dịch COVID-19

20:37:00 - 09/03/2022
(PGNĐ) -  Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, từ năm 2019 đến nay, nhất là năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với những hậu quả khó lường, các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu viên mãn trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho xã hội.

Hưởng ứng lời chủ trương của Đảng, Chính phủ, lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều Tăng, Ni và Phật tử đã tình nguyện đóng góp tiền của, công sức cùng toàn Đảng, toàn quân đẩy lùi dịch bệnh. Hình ảnh những Tăng, Ni và Phật tử “cởi áo cà sa khoác blouse trắng” xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa nhân văn và tinh thần xả thân vì non sông đất nước bao đời của Phật giáo Việt Nam…

1. CHỦ ĐỘNG VẬN DỤNG CÁC HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ PHÙ HỢP TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động của xã hội. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền để Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân hiểu rõ hơn tính chất nguy hiểm, phức tạp cũng như tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19; đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng, Ni thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Chính phủ, nhanh chóng triển khai các hình thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, kêu gọi toàn thể Tăng, Ni, Phật tử thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly, giãn cách xã hội…

Ngày 19/7/2021, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng, Ni, Phật tử cả nước cấm túc, ở yên một chỗ tụng kinh cầu bình an, sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử đoàn kết chung tay, vững tin vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền để sớm vượt qua và chiến thắng đại dịch, để cuộc sống trở lại bình an” [1].

Nhiều bài giảng của chư Tôn đức Ban Hoằng pháp, nhiều buổi tụng kinh, thuyết pháp online thu hút hàng trăm ngàn lượt người theo dõi và tham dự trên không gian mạng. (Ảnh: phatsuonline.com)

Ngày 03/8/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục ban hành Thông bạch số 193/TB-HĐTS về việc Đại lễ Vu Lan Báo hiếu PL.2565 – DL.2021. Thông bạch yêu cầu Tăng, Ni, Phật tử tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở yên ở đó, không tổ chức Đại lễ Vu Lan tập trung đông người mà chuyển sang sinh hoạt trực tuyến…; tiếp tục tụng kinh cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an. Hầu hết Tăng, Ni, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và công văn chỉ đạo của Hội đồng Trị sự về việc tạm dừng các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Công tác Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử đã chuyển hình thức sinh hoạt từ các pháp hội, khóa tu, trại hè tập trung đông người sang hình thức thuyết giảng, tụng kinh, chia sẻ Phật pháp trực tuyến qua các phương tiện truyền thông, hệ sinh thái số như Facebook, Youtube, Zalo, mạng xã hội Phật giáo Butta, trang Phật Sự Online, Giác Ngộ Online… Nhiều bài giảng của chư Tôn đức Ban Hoằng pháp, nhiều buổi tụng kinh, thuyết pháp online thu hút hàng trăm ngàn lượt người theo dõi và tham dự trên không gian mạng. Ứng dụng tụng kinh Cầu an Online được thực hiện thường xuyên và định kỳ trên mạng xã hội Phật giáo Butta đã đáp ứng nhu cầu đông đảo giới trẻ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động và là xu thế phát triển trong tình hình mới. Nhiều buổi tụng kinh, thuyết pháp online thu hút hàng chục ngàn người theo dõi, tham dự trên không gian mạng và có sự lan tỏa rộng rãi không biên giới. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại lễ Phật Đản năm 2021 vẫn được tổ chức trang nghiêm ở hầu hết các chùa, cơ sở tự viện theo hình thức trực tuyến. Đại lễ Phật Đản do Trung ương Giáo hội tổ chức vào sáng ngày Rằm tháng Tư năm Tân Sửu được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình An Viên và phát trực tuyến qua các ứng dụng Facebook, Youtube, Zalo, Butta, Phật Sự Online… Các Ban Trị sự thực hiện tốt Thông tư hướng dẫn của Hội đồng Trị sự, đồng loạt cử hành nghi lễ Kính mừng Phật Đản, cầu quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ diễn ra từ 6h sáng ngày 08/4 âm lịch đến 6h sáng ngày 15/4 âm lịch…

2. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TÍCH CỰC ĐÓNG GÓP VÀ CÙNG TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, làm ngưng trệ các hoạt động của xã hội, sản xuất kinh doanh, văn hóa xã hội, thể thao, giáo dục, lễ nghi tôn giáo, hoạt động quốc tế… Trong hoàn cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành nhiều Thông bạch vận động Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, Tăng, Ni, Phật tử các tự viện chia sẻ yêu thương, tích cực ủng hộ, đóng góp cho Quỹ Vaccine và Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Tăng, Ni và Phật tử cả nước đã ủng hộ tiền, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân, những người bị nghi lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng tình nguyện nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Đặc biệt, tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/8/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Tăng, Ni và Phật tử các chùa tiếp tục thực hiện hiệu quả và lan tỏa phong trào “bữa cơm yêu thương”.

Khi dịch bùng phát nhanh, để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngành Giáo dục – Đào tạo chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Đây là một khó khăn lớn đối với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì không có tiền để mua máy tính cho con em mình theo học. Thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn đó, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính phủ phối hợp hành động cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 13/9/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử, các chùa, cơ sở tự viện phát tâm đóng góp ủng hộ chương trình với thông điệp: “Máy tính cho em, ươm mầm trí tuệ”[2]. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi: “Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa, rất mong chư Tôn đức Tăng, Ni, đồng bào Phật tử thực hiện vì sự nghiệp trồng người và chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước”[3].

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ sở thờ tự và đông đảo Tăng, Ni và Phật tử trong cả nước đã quyên góp và ủng hộ được 382,5 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng 4 tháng của đợt dịch Covid-19 lần thứ Tư (từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8/2021), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ 02 tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 3,5 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin của Chính phủ; 135 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cùng nhiều thiết bị y tế như máy thở, máy tạo oxy, quần áo bảo hộ, khẩu trang, thực phẩm, 05 triệu suất ăn cho người dân khó khăn ở vùng dịch, các y bác sĩ tuyến đầu [4]. Nhiều chùa, Tăng, Ni, Phật tử đã tổ chức phát gạo, mì gói, nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các cây ATM gạo, ATM nước nghĩa tình, các Siêu thị Hạnh phúc – 0 đồng…

Đánh giá về những đóng góp của Tăng, Ni và Phật tử  trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hà Nội, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nêu rõ: “Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các Tăng, Ni, Phật tử toàn quốc hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chung sức đồng lòng giúp đỡ Nhân dân vùng tâm dịch, chia sẻ vật chất, ủng hộ tiền và lương thực, thực phẩm cho Nhân dân. Các ngôi tự viện ở khắp mọi miền đất nước như chùa Ích Minh (Bắc Giang); Việt Nam Quốc tự, chùa Phổ Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) hay Trung tâm Phật giáo Bình Dương đã và đang trở thành bệnh viện, nơi cách ly cho người dân. Lúc bình thường, mọi người đến chùa lễ Phật để tu tâm, dưỡng tính. Nhưng khi đất nước có hoạn hạn, chùa lại là nơi cưu mang giúp đỡ Nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19” [5].

Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Thời nào cũng thế, mỗi khi quốc gia, dân tộc gặp hoạn nạn những người dân Việt Nam lại phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống cứu người. Đây không phải là việc mới mà được kế thừa từ những tình cảm, những tâm nguyện của đạo Phật từ xưa đến nay và mãi mãi về sau” [6]. Sự hỗ trợ vật chất của các chùa ủng hộ các bệnh viện mua máy thở hay đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ tuy chưa phải nhiều nhưng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đó là con số không phải là dễ có. “Riêng tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ hàng tỷ đồng. Các Tăng, Ni, Phật tử còn tham gia rất tích cực chương trình hiến máu cứu người, làm nhà đại đoàn kết, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu vực bệnh viện dã chiến…” [7].

Thượng tọa Lý Minh Đức – Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cũng khẳng định: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sóc Trăng nói chung cùng với Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ cho đồng bào dân tộc Khmer và cùng người dân khắc phục khó khăn để phòng, chống dịch Covid-19. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang bùng phát ở 19 tỉnh, thành phía Nam, nhà chùa đã trích kinh phí phát tâm tặng khẩu trang và nước sạch khuẩn, đồ ăn cho các Phật tử. Trong 2 năm qua, chùa Som Rong, nơi Thượng tọa Lý Minh Đức trụ trì, đã hỗ trợ hàng chục tấn gạo phát tâm cho người dân để phòng, chống dịch” [8]. Việc này một lần nữa khẳng định tấm lòng từ bi hỉ xả của Đạo Phật, cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần giúp những người nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

3. “CỞI ÁO CAD SA KHOÁC BLOUSE TRẮNG” XÔNG PHA LÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID-19

Trong suốt 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn “hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc. Khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Từ các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều có các vị Cao Tăng phò vua giúp nước như: Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… Đặc biệt, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Đến thời hiện đại, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều người con Phật đã đồng hành cùng đồng bào cả nước “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” lên đường tòng quân đánh giặc cứu nước, điển hình là tấm gương của Bồ tát Thích Quảng Đức. Phần lớn các chùa trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, là hậu phương vững chắc cho cách mạng và góp sức cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước [9].

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Chính phủ, lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều Tăng, Ni và Phật tử đã tình nguyện đóng góp tiền của, công sức cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh: tư liệu)

Phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, với phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với những hậu quả khôn lường, một lần nữa tinh thần xả thân vì đất nước của Tăng, Ni, Phật tử tỏa sáng. Nhiều Tăng, Ni, Phật tử sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác blouse trắng” xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Đánh giá về việc này, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Tăng, Ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, Tăng, Ni, Phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, Tăng, Ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước lần thứ tư, hàng trăm Tăng, Ni đã “cởi áo tu hành, khoác áo blouse trắng” tình nguyện lên tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, đáng chú ý là ngày 22/7/2021, Sư cô Thích nữ Nhuận Bình – Tu sĩ Tu viện Tâm Không (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đã tình nguyện đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 tại số 12, TP. Thủ Đức để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Được tận mắt chứng kiến sự lo lắng, sợ hãi, suy sụp tinh thần của những bệnh nhân Covid-19, nhất là những gia đình có nhiều người dương tính, nhưng mỗi người lại được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau; hay chứng kiến cảnh bệnh nhân khi sáng vẫn ăn uống bình thường, vẫn gọi video về cho gia đình, tới trưa đã trở nặng, khó thở, nếu không được cấp cứu kịp thời là mất rất nhanh…, Sư cô đã ân cần thăm hỏi, động viên, cổ vũ tinh thần bệnh nhân để họ lạc quan hơn, kiên trì chiến đấu với tật bệnh, sớm hồi phục sức khỏe để trở về với gia đình. Hiểu được nỗi đau về thể xác và tinh thần mà mỗi bệnh nhân đang phải gánh chịu, có những đêm, Sư cô thức trắng để chăm sóc bệnh nhân. Mặc dù đôi tay đã nhăn nheo, khuôn mặt hằn sâu do mang đồ bảo hộ, thậm chí có những lúc ngột ngạt, thiếu oxy, nhưng Sư cô vẫn tâm niệm cố gắng hết sức, làm bằng tất cả tấm lòng chân tình, tâm thế dịu dàng nhất có thể để bệnh nhân được thoải mái, được an ủi, không cảm thấy lo lắng và tủi thân. Chia sẻ được với những khó khăn của bệnh nhân là niềm hạnh phúc nhất của Sư cô [10].

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, 600 Tăng, Ni, Phật tử xuất quân và có mặt tại các Bệnh viện Dã chiến. Tăng, Ni và Phật tử còn tham gia tích cực trong việc nấu cơm từ thiện, hỗ trợ an táng những người qua đời vì đại dịch, siêu thị không đồng, ATM oxy tại các cơ sở thờ tự với nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế đã được Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Giáo hội còn tiếp nhận được đơn đăng ký tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch của 1.250 vị Tăng, Ni, trong đó, có 150 người đã tham gia tại bệnh viện dã chiến số 10, 13 ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Có 05 điểm chùa, cơ sở thờ tự ở Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương được trưng dụng thành nơi chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, làm nơi cách ly [11]. Đây là những nghĩa cử thấm đẫm tinh thần “từ bi” của đồng bào Phật giáo trong mùa dịch làm xúc động hàng triệu con tim.

Chia sẻ với những khó khăn của miền Nam ruột thịt, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc vận động Tăng, Ni, Phật tử tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, ngày 17/8/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ tiễn chư Tăng lên đường vào Long An, chung sức cùng đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đợt này, có 10 vị Tăng thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định tình nguyện lên đường vào tâm dịch để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu thuộc Bệnh viện Dã chiến tại tỉnh Long An. Tăng, Ni, Phật tử cả nước còn tích cực đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và ủng hộ nhiều vật tư, trang thiết bị y tế; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và chính quyền địa phương trong công tác cứu trợ, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Năm 2021 là năm thực sự khó khăn đối với các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động thay đổi hình thức hoạt động Phật sự và cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chống dịch Covid-19.

Hình ảnh những Tăng, Ni và Phật tử cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã tô thắm thêm truyền thống tốt đời đẹp đạo và tinh thần từ bi hỉ xả của người con Phật và cũng là minh chứng sống động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Năm 2021 là năm thực sự khó khăn đối với các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động thay đổi hình thức hoạt động Phật sự và cùng toàn Đảng, toàn quân chống dịch Covid-19. Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, những Tăng, Ni, Phật tử sẵn sàng bỏ áo cà sa, khoác blouse trắng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 là minh chứng sống động cho sức mạnh và vẻ đẹp tâm hồn bất diệt của những người con Phật, của những giá trị lịch sử văn hóa được hun đúc và phát huy giá trị qua hàng nghìn năm lịch sử. Nhờ đó, những hoạt động Phật sự năm 2021 tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trên trận tuyến phòng chống dịch Covid-19, nên Phật giáo Việt Nam tiếp tục nhận được sự kính trọng, yêu thương của toàn xã hội. Với những kết quả đạt được trong năm 2021 sẽ tạo ra động lực, niềm tin mạnh mẽ để Giáo hội Phật giáo Việt Nam vươn lên giành những thành tựu viên mãn mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

 

TS. Vũ Trọng Hùng/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 384

 

Chú thích:

* Tiến sĩ Vũ Trọng Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1], [5] Tin tức Thông tấn xã Việt Nam: Phật giáo Việt Nam đoàn kết chung tay giúp đỡ Nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19, https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phat-giao-viet-nam-doan-ket-chung-tay-giup-do-nhan-dan-vuot-qua-dai-dich-covid19-20210802120228340.htm, ngày 03/8/2021.

[2], [3] VOV: Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, https://vov.vn/xa-hoi/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-keu-goi-huong-ung-chuong-trinh-song-va-may-tinh-cho-em-890336.vov, ngày 13/9/2021.

[4], [6], [7], [8], [11] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ hơn 300 tỉ đồng chống dịch, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ung-ho-hon-300-ti-dong-chong-dich-590855.

html, ngày 13/9/2021.

[9], [10] Tạp chí Mặt trận: Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-phat-huy-truyen-thong-ho-quoc-an-dan-dong-hanh-cung-dan-toc-trong-cong-cuoc-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-42468.html, ngày 10-12-2021.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin