Chi tiết tin tức

Phiếm luận về thuốc lá

08:11:00 - 28/01/2015
(PGNĐ) -  Từ xa xưa, trên khắp thế giới, con người đã biết hút thuốc lá. Thuốc lá, tuy không cho người hút những khoái cảm ảo tưởng như thuốc phiện, nhưng cũng gây cho người ta những cảm giác dễ chịu...

 

Từ xa xưa, trên khắp thế giới, con người đã biết hút thuốc lá. Thuốc lá, tuy không cho người hút những khoái cảm ảo tưởng như thuốc phiện, nhưng cũng gây cho người ta những cảm giác dễ chịu. Trước khi người da trắng biết đến thuốc lá thì ở những bộ lạc trong các vùng hoang dã, người ta đã hút thuốc lá bằng mọi hình thức, kể cả nhai thuốc thay vì phải đốt lên. Dần dần, thuốc lá được tiêu thụ rộng rãi một cách quy mô trên khắp thế giới, rồi những nhà sản xuất đã thiết kế bao bì và trình bày những sản phẩm thuốc lá dưới những hình thức hấp dẫn người dùng: những hộp thuốc lá hai mươi điếu nhìn rất bắt mắt. Những hộp xì gà Cuba đắt tiền được coi là một biểu tượng của những người thuộc đẳng cấp sành điệu. Ngoài ra, còn những ống điếu cho quý ông, cũng như những cây “đót” cho quý bà không khác gì những đồ trang sức.

Dĩ nhiên là có nhiều người không thích thuốc lá và càng ngày, càng có một số người bớt hút. Tuy nhiên, thuốc lá vẫn là một loại “ma túy” cho rất nhiều người. Thuốc lá có thể giúp các nhà văn dễ suy nghĩ trong lúc sáng tác. Thuốc lá giúp cho các chàng trai bớt bối rối trước người bạn gái. Thuốc lá giúp cho những kẻ đang chờ đợi cảm thấy thời gian qua không quá chậm. Thuốc lá là bạn thiết của người lính đơn côi ngoài tiền đồn, nhất là vào những lúc hoàng hôn lạnh lẽo. Thuốc lá giúp cho các bà mẹ tần tảo nuôi con bớt những căng thẳng lo âu. Và cuối cùng, thuốc lá tạo cho người hút một thói quen, sẽ thấy thiếu một chút gì đó giữa hai ngón tay không có điếu thuốc. Thuốc lá là bạn của gần như của tất cả mọi hạng người và không cần phải giàu có mới có thể làm bạn với thuốc lá. Ở các nước văn minh, vị thành niên, nghĩa là dưới 18 tuổi không được hút thuốc lá, thậm chí không được vào các cửa hàng để mua thuốc lá, dù là mua giùm cho kẻ khác. Tuy nhiên chính giới trẻ, nhất là ở các nước chậm tiến, là những kẻ tiêu thụ thuốc lá khá nhiều, vì hút thuốc lá để chứng tỏ mình là người lớn, hút thuốc lá vì tò mò tại sao người lớn lại thích thuốc lá như thế và không biết hút thuốc lá thì chưa phải là “dân chơi”.

Có một điều khẳng định là thuốc lá có hại cho sức khỏe. Càng ngày, khoa học càng xác định một cách chắc chắn là thuốc lá có hại cho sức khỏe, có thể gây ung thư phổi, có thể làm cho mạch máu giòn dễ vỡ và có thể gây ra nhiều chứng bệnh khác. Không chỉ người hút, mà những người phải thường hít thở không khí ô nhiễm khói thuốc lá cũng bị hại không kém. Nhưng không thể không sản xuất thuốc lá được, vì đó là một thứ nhu cầu không thể không có. Nhu cầu cho người hút, vì càng hút càng ghiền, càng có thói quen không thể nào bỏ được. Nhu cầu cho người sản xuất vì thuốc lá đem lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nhân. Các bác sĩ và chuyên viên y khoa của Mỹ xác định sự độc hại của thuốc lá, và cũng khẳng định là lợi nhuận đem lại từ thuốc lá cho chính phủ không đủ bù lại chi phí về thuốc men để chữa bệnh do thuốc lá gây ra. Nhưng không thể không sản xuất được, vì những doanh nhân đầu tư đứng đầu việc sản xuất thuốc lá ở Mỹ phần đông là những nhân vật quyền thế trong chính phủ, hoặc những doanh nhân quá giàu có, khó lòng mà ngăn lại được. Và cuối cùng, người ta phải đặt thuốc lá và một vài thứ khác, vào một thứ nhu cầu gọi là nhu yếu xa xỉ, để có thể tùy tiện tăng giá thuốc lá, đánh thuế rất cao, không chỉ với mục đích bớt người tiêu dùng, mà để chính phủ vẫn có lợi nhuận cao hơn trong việc thu thuế. Tuy nhiên, những người ghiền thuốc lá cũng vẫn không ngại bớt chi tiêu một vài thứ khác để có được điếu thuốc phì phèo trên miệng như một thói quen không thể nào bỏ được. Bây giờ thì ở các nước văn minh, thuốc lá bị cấm tại các nơi công cộng. Ở nhiều nơi, như các phi trường, người ta thiết kế những phòng hút thuốc dành cho những người không thể nhịn được, tuy nhiên trên máy bay thì không có một hãng máy bay nào chấp nhận cho hành khách hút thuốc, và đó cũng là một điều đau khổ cho những ai phải đi một chuyến bay gần nửa ngày trời và phải tạm biệt với điếu thuốc.

Đi qua một phòng kính dành cho người hút thuốc ở các phi trường quốc tế, chỉ thấy khói thuốc mù mịt, mặc sức cho những kẻ ghiền hít vào thở ra với nhau. Ở các công sở, không có những phòng dành cho kẻ nghiện thuốc, nên trong giờ hành chánh, vẫn có rất nhiều người phải ra khỏi phòng làm việc, kiếm một nơi nào đó để được đỡ ghiền trong chốc lát. Ở Mỹ, khó lòng khuyên người ta bớt hút thuốc, nên trường học đã nghĩ ra một cách rất hiệu quả, là dạy cho trẻ con ghét thuốc lá, và chỉ có con cái mới có thể khuyên bố mẹ bỏ thuốc lá.

Đã có rất nhiều khách hàng sau khi bị những bệnh gây ra do thuốc lá, đâm đơn kiện hãng thuốc lá, và cũng có trường hợp được bồi thường thỏa đáng với những khoản tiền rất lớn. Và từ đó, để tránh trách nhiệm về những độc hại do thuốc lá gây nên cho người tiêu dùng, các hãng thuốc lá đã phải ghi chú một câu trên các bao thuốc: “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ” và “Thuốc lá có thể gây chứng bệnh ung thư.” Không chỉ trên đất nước Mỹ, mà trên toàn thế giới, bởi vì thuốc lá Mỹ có mặt trên khắp nơi trên hành tinh này. Dĩ nhiên, cũng phải nói rằng những chú thích trên các bao thuốc lá, không phải do các nhà sản xuất thuốc lá tự nguyện thực hiện, mà do chính Chính phủ Mỹ bắt buộc phải làm như thế, mục đích để vừa cảnh báo sự độc hại của thuốc lá, vừa để trốn tránh trách nhiệm vì không thể cấm bán thuốc lá cho dân chúng.

Thuốc phiện thì nguy hiểm gấp trăm lần thuốc lá, có thể đem đến những tai hại cho xã hội, ai cũng biết như thế. Nhưng không ai nói thuốc phiện hại cho sức khỏe, vì thuốc phiện cũng là một dược chất. Thuốc phiện đắt tiền hơn thuốc lá gấp trăm lần. Vì vậy mà nếu người có tiền hút thuốc phiện thì không sao, vì họ không bao giờ sợ bị cơn ghiền hành hạ lúc thiếu thuốc như những người nghèo bị dính vào thuốc phiện. Thuốc phiện chỉ hại những người nghèo bị nghiện, chứ không tác hại nhiều đối với những người giàu có.

Thuốc phiện rất đắt tiền, có thể đem đến lợi nhuận rất lớn cho con buôn, nhưng vì thuốc phiện chính thức bị cấm, nên chỉ có thể buôn bán lậu. Và tội buôn bán lậu thuốc phiện là một trọng tội, có thể bị tử hình trên rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nói cho vui, nếu thuốc phiện được buôn bán công khai thì chắc chắn trên bao bì, sẽ không có hàng chữ “Thuốc phiện có hại cho sức khỏe” hoặc “Thuốc phiện có thể gây ung thư…”.

Thuốc lá được bán công khai với cảnh báo: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” hoặc “Thuốc lá có thể gây ra ung thư phổi” không khác gì “Hối lộ có thể bị ở tù”, thậm chí “Tham nhũng có thể bị tử hình.” Cả hai thứ đó vẫn tồn tại một cách rất bình thường, bởi vì thuốc lá được bán công khai, chẳng làm cho ai sợ, còn tham nhũng và hối lộ là một tệ nạn tràn ngập cả xã hội, nhưng quá phổ biến, cũng không làm người ta quá e dè. Thuốc lá là một chất độc hấp dẫn và tham nhũng, hối lộ là những tội ác hấp dẫn. ■

 Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 167

Nguồn: vanhoaphatgiaoblog.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin