Chi tiết tin tức Tâm trong cầm quyền 09:40:00 - 25/01/2015
(PGNĐ) - Lịch sử Phật giáo là một bộ phận trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo từ lâu đã phá vỡ giới hạn tín ngưỡng tôn giáo. Mối quan hệ giữa lịch sử Phật giáo đối với lịch sử của các dân tộc phương Đông như nước ta thì càng tỏ ra mật thiết hơn. Nó chi phối sự cai trị của nhiều vương triều trong lịch sử nhân loại, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân, lẫn nền văn hóa, nền văn học của nhiều nước từ xa xưa cho đến mãi về sau.
Ở Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng lịch sử lâu dài của dân tộc và trở thành một thành tố không thể thiếu trong văn hóa, tư duy, lối sống của người Việt. Phật giáo đã từng có những thành tựu rực rỡ gắn liền với những đỉnh cao hào hùng của dân tộc. Phật giáo đã đến với tinh thần con người Việt Nam nhờ những lý luận mang tính dung hòa của nó. Phật giáo quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thể vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân hòa đồng với bản thể vũ trụ, thì cá nhân và thế giới hòa làm một trong cái tâm duy nhất. Muốn đạt được điều đó thì phải có trí tuệ, điều mà thuật ngữ Phật học gọi là “bát-nhã”. Nhưng để có được trí tuệ, mỗi người phải tự khai mở tâm mình. Điểm này khiến người Việt, vốn chuộng cuộc sống nội tâm, đến với đạo Phật để đề cao cái tâm, trong đó có lối sống tình cảm thương người mến đời. Nó giúp con người tìm thấy sự vững vàng về mặt tâm lý khi đối phó với những khó khăn, vất vả của cuộc đời. Phật giáo nêu lên hình ảnh của luật nhân quả: “nhân nào, quả nấy”, “gieo gió, gặt bão”, “ở hiền gặp lành”… từ đó, gây ấn tượng mạnh mẽ vào tâm lý của người theo triết lý ấy. Vô hình trung, họ luôn làm điều thiện và tránh điều ác với ý thức là làm do cái tâm. Họ tin tưởng một triết lý bất di bất dịch “từ trong tâm gieo nhân nào thì gặp quả nấy” khi hành xử mọi việc.
Tâm là gì?Trong tiếng Hán, Tâm là trái tim. Từ cái nghĩa tâm là trái tim, suy diễn ra tâm là tấm lòng. Như vậy, thông thường, Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí. Đối với Đức Phật, từ “tâm” chỉ: “toàn bộ những kinh nghiệm bên trong chúng ta như tư tưởng, cảm xúc, khuynh hướng, đặc tính cá nhân, nhận thức, trực giác và mơ ước”. Theo tiếng Phạn, Tâm (citta) có nghĩa là tích tập. Tâm là sự tích tập kinh nghiệm và nhận thức. Tâm cũng là kinh nghiệm đời sống; tất cả những gì đã từng trải, bằng hành động và nhận thức, tích lũy lại thành tâm. Nếu diễn tả ra trong cuộc đời con người, từ khi bắt đầu biết suy nghĩ, biết hành động và có ghi nhớ, cho đến khi chết; tất cả những ghi nhớ trong óc não gọi là Tâm. Chính những ghi nhớ đó tác thành một con người hoặc thiện hoặc ác tùy theo kinh nghiệm môi trường, hoàn cảnh. Như vậy, Tâm đó chính là nghiệp, là hành vi của con người, và theo luật Nhân quả, những năng lực tạo ra hành vi của con người không bao giờ mất. Phật giáo không nói tới luật bảo tồn năng lượng, nhưng cho thấy không có cái gì mất đi trong hành động của mọi người. Trong giáo lý Phật giáo có câu: “Vạn pháp duy tâm”, hoặc trong kinh Hoa Nghiêm, có lời Đức Phật: “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là: Mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả. Trong kinh Pháp Cú, được xem là phản ánh trung thành nhất lời Phật dạy, có câu: “Tâm dẫn đầu tất cả; Tâm là chủ; Tâm tạo tác tất cả”. Trong Duy thức tông, Tâm được xem là A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna, còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm thức. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là “tâm thanh tịnh”. Thiền tông phân biệt hai loại Tâm: Chân tâm và Vọng tâm. Chân tâm là tánh giác, là Tâm chân thật, bất sanh bất diệt, tâm Phật đã giác ngộ, còn Vọng tâm là tâm sanh diệt hay suy nghĩ tính toán, phân biệt của chúng sinh. Như vậy, có hai loại tâm: tâm thiện tức chân tâm và tâm bất thiện tức vọng tâm. Khi người Phật tử nói “Sống phải có tâm”, thì “có tâm” ở đây chính là có chân tâm, thiện tâm, tâm từ bi… Còn khi nói: “Phải sống vô tâm” thì Vô tâm, không có nghĩa là không có tâm gì cả, như cây đá, mà Vô tâm ở đây có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật hiện tượng có hại như tâm gian dối, tâm ghen ghét, tâm hận thù, tâm tham lam… Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với sự cầm quyền ở nước ta trước đâySự có mặt của Phật giáo ở Việt Nam có một vai trò, vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc. Chính sách an dân trị nước của các vua Lý – Trần khiến nhân dân khâm phục. Vì thế cả hai triều đại Lý Trần đều tồn tại khá lâu. Triều Lý hơn 200 năm (1010 -1225) và triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400). Đây cũng là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Khi vua dân đồng lòng cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lòng khoan dung của các vua nhà Lý, hào khí của truyền thống chống ngoại xâm đã soi rọi trái tim anh dũng của nhân dân ta, giúp chúng ta có sức mạnh vũ bão chống lại bọn xâm lược hung tàn. Đức trị thay pháp trị, vua quan yêu thương dân chúng bằng trái tim Phật, Bồ-tát. Trong lịch sử Việt Nam, Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ được giới Phật tử tôn thờ mà còn được cả xã hội và lịch sử ghi nhận, tôn vinh. Vua Trần Nhân Tông là một minh chứng cho thấy có thể: “tiếp thu những hạt nhân hợp lý, tích cực trong Phật giáo để góp phần giải quyết những vấn đề chính trị của đất nước”. Với tâm hồn thấm nhuần triết lý nhà Phật, ngài hành xử như bậc minh quân kỳ tài, tạo lập đỉnh cao nền văn minh Đại Việt lúc bấy giờ. Ngay cả lúc đang ở ngôi hoặc sau khi đi tu, vua không bao giờ xao lãng công việc triều chính, lo cho dân cho nước tới giờ phút cuối cùng. Vài ý kiến về việc vận dụng tư tưởng Phật giáo, đặc biệt chữ tâm trong sự cầm quyền hiện nayKhông ai chối cãi được rằng: đất nước ta hôm nay có cải thiện cuộc sống nhiều mặt, văn hóa bước đầu cũng có phát triển, nhưng đồng thời cũng đang suy thoái về đạo đức trầm trọng. Trong đời sống văn hóa nước ta hiện nay, cuộc tương tranh giữa cái Thiện và cái Ác đang diễn ra nhiều khi khá gay gắt. Về cơ bản, cái Thiện, cái Tốt vẫn tồn tại nhưng lại đang hao hụt, sút giảm dần và lắm lúc không đủ sức mạnh để đè bẹp cái Ác, cái Xấu xuống. Báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên đề cập đến những hiện tượng vô đạo, vô cảm. Ấy là chưa kể đến những thứ vô đạo, vô cảm còn được ngụy trang, ẩn núp sau những thứ đạo đức giả, có mặt nhiều nơi, cả ở những nơi đáng ra phải thật trong lành, thánh thiện, làm đau lòng cả xã hội. Nguyện vọng thiết tha, lớn lao và cháy bỏng của toàn dân là phải làm sao phòng chống tham nhũng hiệu quả, vãn hồi và xây dựng được đạo đức cho mọi người mà trước hết là những người cầm quyền. Nhà nước cũng đã nỗ lực đề ra nhiều chủ trương chính sách để bảo vệ đạo đức nhưng xem ra hiệu quả chưa đến mức mong muốn. Rõ ràng, bên cạnh những biện pháp kinh tế, chính trị, xã hội, rất cần xem trọng việc xây dựng văn hóa trong phòng chống cái ác, cái xấu, cái giả để khẳng định và xây dựng cái đúng, cái tốt, cái đẹp, bảo vệ đời sống tinh thần lành mạnh của mọi người dân và đặc biệt, lành mạnh hóa đời sống tinh thần của những người đang gánh vác quyền lực chính trị trên vai. Nếu xem vai trò của tư tưởng triết lý Phật giáo có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần dân ta thì tại sao ta lại không vận dụng các yếu tố tích cực của tư tưởng đó vào việc xây dựng, bảo vệ cuộc sống tinh thần lành mạnh của người dân nước ta, trong đó có những người cầm quyền? Vấn đề then chốt trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay là xây dựng đội ngũ cầm quyền, đặc biệt cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đầu đàn trong sạch, vững mạnh. Có thể chăng xây dựng đội ngũ nòng cốt trong hệ thống chính trị trở thành những người cầm quyền “có tâm và có tầm”? “Có tầm” có nghĩa là có trình độ văn hóa và kỹ năng chuyên môn để làm tròn các chức năng nhiệm vụ mà hệ thống chính trị yêu cầu. Còn “có tâm” ở đây chính là có chân tâm, thiện tâm, tâm từ bi, tâm hết lòng lo cho dân cho nước… “Có tâm” còn có nghĩa những người cầm quyền phải biết sống “vô tâm”, có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật hiện tượng có hại như tâm gian dối, tâm ghen ghét, tâm hận thù, tâm tham lam đưa đến tham nhũng… Người cầm quyền phải có tâm và tâm đó là tâm Từ Bi Từ bi là tư tưởng đặc thù của Phật giáo, nó không hoàn toàn giống với nhân ái, bác ái do các giáo phái khác đề xướng. Từ bi không bị hạn chế bởi đẳng cấp, trình độ văn hóa, nó cũng loại trừ tính thiên tư hẹp hòi. Có tâm từ bi trước hết là có tâm bố thí, có nghĩa là người cầm quyền phải có khả năng mang lại của cải, thịnh vượng cho dân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, an ninh kinh tế của nhân dân phải được đảm bảo. Và bố thí cho đến tận cùng, rốt ráo, người cầm quyền có thể hy sinh của cải, lợi ích riêng tư thậm chí là tính mạng vì lợi ích của mọi người dân. Người cán bộ có tâm từ bi còn có nghĩa là có lòng nhân từ, biết xúc động trước cảnh khổ của dân, biết lấy trách nhiệm, biết hành động theo phương châm “người cầm quyền là sức mạnh của kẻ yếu thế mà kẻ yếu thế đây chính là nhân dân”. Người cán bộ có tâm từ bi là người luôn “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Liêm chính ở đây có nghĩa là lương thiện, thành thật trong tương quan với người khác. Riêng người cầm quyền thì có bổn phận phải nói thật và làm thật với nhân dân. Còn cần kiệm thì buộc người cầm quyền phải sống đơn giản, biết kiềm chế mình, nghiêm khắc với mình, hướng thượng, biết vun trồng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Người cầm quyền phải có tâm và tâm đó là tâm Vô ngã tức “Vô tâm” Vô ngã là một trong các giáo lý căn bản của Phật giáo. Đây là triết lý có thể xem độc nhất vô nhị vì không có triết lý nào trên thế giới lại phủ nhận cái ta đặc biệt như đạo Phật cả. Vận dụng triết lý này vào cuộc sống hiện nay, ta không chấp nhận “hư vô” nghĩa là không phủ nhận cái ta một cách triệt để, mà vẫn chấp ngã phần nào đó để phấn đấu trở thành tốt đẹp, xã hội được cải tạo để tiến bộ. Chính từ cái ngã lành mạnh mà có sự cạnh tranh thúc đẩy khoa học kỹ thuật luôn đổi mới, kinh tế phát triển, mới đem lại sự tiện nghi vật chất cho con người, đem lại sự giàu có cho các quốc gia. Người cầm quyền phải “vô ngã” nếu cái ngã này đã đem lại nhiều đau khổ, phiền toái cho người dân, cho cả hệ thống chính trị. Như người cầm quyền chấp vào cái ta là tự xem cái tôi quá to lớn (tự đồng hóa mình với chức vụ, địa vị trong xã hội và phóng đại lên) nên khi ai động chạm đến như phê bình, góp ý… thì người cầm quyền sẽ nổi sân, nổi hận, hoặc ngoài mặt thì thấy không việc gì nhưng trong lòng thì loạn động, có ác cảm và làm điều không tốt với người phê bình góp ý mình. Theo đạo Phật, đề xướng Vô ngã không phải để hư vô hóa con người, xóa bỏ sự có mặt của con người trong cuộc đời, mà là xóa bỏ biên giới cách biệt giữa người với người, trải rộng lòng từ bi đến tất cả mọi người. Người cầm quyền phải có tâm Vô ngã tức “Vô tâm”. Vô tâm ở đây có nghĩa là không có tâm bệnh. Cán bộ không có tâm bệnh tức phải luôn rèn luyện để không có tâm chấp trước vào các sự vật hiện tượng có hại như tâm gian dối, tâm ghen ghét, tâm hận thù, tâm tham sân si, tâm ganh tị đố kỵ, tâm loạn động bất an… ■ Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 167
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |