Chi tiết tin tức

Bắt đầu và kết thúc từ một mùa Xuân

19:23:00 - 30/01/2017
(PGNĐ) -  Nhớ tính triết lý của bộ phim Hàn Quốc "Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân" trước đây chắc rằng ai cũng đã từng một lần xem qua. Nếu nói cho tròn câu để tựa đề bộ phim thêm hấp dẫn là "Xuân Hạ Thu Đông" thì có thể sẽ không gây thắc mắc. Thêm một từ "Xuân" nữa vào có lẽ những người thực hiện không đơn giản ý niệm rằng không chỉ là thêm mà là khằng định quy luật tất yếu cõi nhân gian. Với triết lý nhà Phật, chuyện Xuân hay không Xuân chẳng có gì là ý nghĩa, tất cả do cuộc sống mà ra và đương nhiên từ cuộc sống mà diệt. Chẳng có chi là quan trọng.

 

 

Vậy nên, nếu chúng ta chấp nhận theo nghĩa sống thế gian, thì các nhà làm phim thêm chữ Xuân ấy vào thì cũng nên hiểu nó khác với chữ Xuân đầu.


Con người ta vì thế chọn mùa Xuân là mùa của sự sống, của hy vọng tốt đẹp. Nắm qua mình sống vui buồn sướng khổ đan xem nên Xuân lại đến với chúng ta lại mang một màu áo mới. Có ai đó thầm ước nguyện năm cũ mau qua cho năm mới lại về, gửi vào đó tất cả những hy vọng, hoài bảo tốt đẹp và yên bình nhất cho cuộc sống. Và cứ thế, mùa Xuân cứ lặp đi lặp lại bằng những điệp khúc gian nan chốn nhân gian ấy. Vậy thì nói "đời là bể khổ" thì có gì sai đâu! Mình vui buồn sướng khổ do chính nghiệp dĩ của mình ấy thôi.

 

Tất nhiên, mùa Xuân của mỗi người mỗi khác, ví như những vui buồn sướng khổ của từng người đều khác biệt. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là biệt nghiệp mỗi một chúng sinh đều khác nhau. Cho nên mùa Xuân với anh thì bắt đầu nhưng mùa Xuân với tôi thì kết thúc. Kết thúc một chuyện đời, một phần nghiệp dĩ đã gian nan thực thi nhiệm vụ trả hết cho người suốt năm qua! 

 

Nghĩ về mùa Xuân, ngày Tết dân tộc Việt Nam

 

Người học phật chúng ta may mắn nhận ra được những điều đó nên Xuân đến Xuân đi thì cứ như lẽ tự nhiên, không hững hở mà cũng chẳng nồng nhiệt làm chi với mớ lo toan, mệt mỏi rồi cho đó là mùa Xuân. Có đáng nói chăng là từ trong ý niệm chốn nhân gian này, mùa Xuân gắn liền với nền tảng dân tộc, với cuộc sống đây ước vọng, luôn muốn được vươn lên của chốn tối tăm nghèo đói. Mùa Xuân được trân trọng từ ý niệm đó. Và khi nền tảng dân tộc được trường tồn bằng sức sống văn hóa đặc trưng, thì chuyện mùa Xuân ở đây lại trở nên thiêng liêng cao cả, mang ý nghĩa thiết yếu trong đời sống hiện tại và mai sau của cả một dân tộc. Những thế lực đen tối thường xuyên rình rập, tìm đủ mọi khe hở để đánh phá nền tảng dân tộc bằng rất nhiều chiêu bài có tiếng vang! Thậm chí vài ba ngày nghỉ mà chính phủ đã chọn và quyết định cho cán bộ, nhân viên hằng năm cũng bị đem ra phân tích lợi hại. 

 

Một chàng sinh viên, một chị làm nghề Osin hay những nghề lao động chân tay thì mong ước mùa Xuân về để làm thêm tăng thu nhập gởi về cho gia đình. Trong khi đó một người làm dâu trong một gia đình phong kiến thì lại mong mỗi mùa Xuân đừng về để khỏi bị nhà chồng sai khiến mệt lừ ba ngày Tết! Ngoài ra còn có những tư tưởng lợi dụng nền tàng kinh tế, nông nghiệp chen vào yêu cầu ăn Tết tây, bỏ Tết ta, thực chất chỉ vì những người, này cảm thấy khó chịu trước những tập tục dân tộc ngày tế mang ý nghĩa nhân văn rất cao.v.v… Đó là khái lược tổng hợp các diễn đàn vừa qua báo chí mở ra để tranh thủ ý kiến bạn đọc. Trong đó có một ý kiến ngắn mà cũng là khằng định đúc kết rằng "những ai muốn bỏ ngày Tết dân tộc, hay muốn ngày Tết ngắn lại, đó không phải là người Việt Nam".

 

Mỗi người trong chúng ta, khi bước lên đường, hòa nhập vào dòng chảy thời gian, dù có mang màu sắc khác biệt dân tộc nơi xứ người, đều mang theo trong hành trang một gia tài quý giá của dân tộc, xuất phát từ cuộc sống gia đình. Rất không may cho các thế lực u minh chống phá ngày Tết - mùa Xuân dân tộc, ngày Tết cổ truyền của Việt Nam không phải là dịp để rảnh rang đi du lịch hay tụ họp ăn uống hoặc khoe khoang sự giàu sang giả ảo; mà là dịp để người thân, con cháu trong gia đình đoàn tụ với nhau. Chính cái nét đẹp ấy giúp cho ngày Tết dân tộc Việt Nam có ý nghĩa sống động, lung linh nhất mà khắp nơi đều hết lời ngưỡng mộ và ca ngợi. 

Ngày Tết Việt Nam dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nghèo khó hay trong hạnh phúc sum vầy vẫn chỉ có một gam màu đoàn tụ rất đẹp ấy. Lúc ngặt nghèo thì một hai đòn bánh tét, bánh chưng dâng cúng ông bà ba ngày Tết cũng đâu có mất ý nghĩa; còn khi giàu thì lễ nghĩa tươm tất hơn, hiếu hỷ mừng tuổi nhau, lì xì cho các cháu nhỏ, góp thêm nét đẹp vốn đã đẹp quá chừng rồi của ngày Tết dân tộc chúng ta.

 

Mùa Xuân hằng năm có ngày Tết dân tộc thêm rạo rực là vậy. Bởi vì mùa Xuân mới là sự bắt đầu của một hành trang mới bước vào những ngày tháng chờ đợi phía trước, bỏ lại sau lưng những ưu phiền năm cũ, trong đó có mùa Xuân cũ đã qua.

 

Trong chốn nhân gian, từ hiện tượng duyên sinh của đất trời, con người đã định vị được ngày tháng và bốn mùa luân chuyển và đặt tên cho đó những Xuân Hạ Thu Đông. Để con người có chỗ mà vịnh vào đó để sống, để đấu tranh với nghịch duyên và để tồn tại. Vì thế, thêm một từ Xuân vào vòng xoay bốn mùa như bộ phim nói trên là Xuân Hạ Thu Đông rồi Xuân âu cũng đâu có gì sai biệt hay mất đi ý nghĩa mà cũng do chính con người đã biết dùng đến trí khôn từ thuở khai thiên lập địa đến tận bây giờ đặt để.

 

Vâng! Tất cả phải bắt đầu từ mùa Xuân để rối chính mùa Xuân cũng là điểm ta phài đến, phải kết thúc. 

 

Xuân Đinh Dậu 2017

Dương Kinh Thành

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin