Chi tiết tin tức Cả nhà cùng có phúc 07:09:00 - 03/09/2015
(PGNĐ) - Những chuyện tiền thân về cha mẹ và con cái rất nhiều. Nó chứa đựng nhiều bài học vô giá cho việc xây dựng một gia đình có nhiều phúc đức.
Quan hệ chính trong một gia đình là quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Từ ca dao tục ngữ chúng ta cũng thấy nhiều câu đề cập đến vấn đề này. Trong chuyện tiền thân của Đức Phật cũng có nhiều chuyện về chủ đề này. Sống trong gia đình như thế nào để có phúc đức là điều mà gia đình nào cũng cần quan tâm. Tình cảm được nói tới nhiều nhất trong mối quan hệ này là tình cảm thương yêu của cha mẹ dành cho con cái. Khi con còn nhỏ thì nuôi dưỡng, đến khi con khôn lớn lại phải lo chuyện lập gia đình cho con. Chuyện tiền thân Seggu (chuyện thứ 218) kể lại việc một nam cư sĩ buôn bán rau trái có đứa con gái hay cười. Ông không biết giới hạnh của con gái như thế nào nên nghĩ: “Ta sẽ thử con gái của ta”. Ông đem con vào rừng, cầm tay và giả như ham muốn cô. Người con gái than khóc và trả lời: Người đáng bảo vệ con Người bán rau trái ấy sau khi thử thách con gái đã gả con cho con trai của một gia đình tử tế. Chuyện tiền thân Sadhusila (chuyện thứ 200) kể lại trường hợp một người Bà-la-môn có bốn người con gái và có bốn người đến cầu hôn. Một người trai trẻ thân hình đẹp, một người tuổi đã già, một người sanh ra trong gia đình quý phái, một người có đức độ. Ông phân vân nên đến hỏi ý kiến của Đức Phật. Bậc Đạo sư bảo: Thuở trước ông cũng đã hỏi câu này, nhưng vì tái sanh nhiều lần ông đã quên mất. Sau đó bậc Đạo sư kể lại giải pháp mà người Bà-la-môn ấy đã biết trong đời trước: Thật tốt, này người thân, Theo câu chuyện được kể thì vị Bà-la-môn ấy gả cả bốn người con gái cho người có đức hạnh. Chuyện tiền thân Ekapada (chuyện thứ 238) kể lại việc người cha khuyên răn đứa con trai. Khi đứa con trai hỏi về lý tưởng sống, người cha trả lời: Một chữ đáng kính trọng, Có nhiều khi cha mẹ khuyên răn nhưng người con không nghe. Chuyện tiền thân Godha (chuyện thứ 138) kể lại câu chuyện Bồ-tát sanh làm con tắc kè. Khi có một con tắc kè con giao du với một con kỳ nhông (là tiền thân của Devadatta) thì Bồ-tát có khuyên răn nhưng tắc kè con không nghe. Sau đó cả đàn tắc kè gặp đại nạn vì con kỳ nhông hãm hại. Câu chuyện minh họa cho câu ca dao “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Chẳng những tình yêu thương con cái có trong một kiếp sống mà nó còn trải dài qua nhiều kiếp sống. Chuyện tiền thân Satapata (chuyện thứ 279) kể lại trong một kiếp sống Bồ-tát là tướng cướp. Bấy giờ, vợ một người chủ đất khi hấp hối đã dặn con trai đi đòi tiền nợ. Người con ra đi và đòi được tiền nhưng khi về thì Bồ-tát đang chờ trong rừng để cướp. Bà mẹ vừa mất nhưng vì quá thương con mà hóa thành một con dã-can để ngăn cản nhưng bị người con xua đuổi. Bồ-tát nghe được tiếng loài vật nên đã tha mạng và không cướp tiền của người con. Chuyện tiền thân Illisa (chuyện số 78) kể lại câu chuyện về triệu phú Illisa sinh ra trong một gia đình đã bảy đời bố thí. Tuy nhiên, khi được thừa kế gia sản, ông ta phá hoại truyền thống gia đình, đốt cháy nhà bố thí, đánh đuổi các kẻ ăn xin và tích lũy tài sản. Cha ông ta trong đời trước do thực hành bố thí đã tái sinh là Đế Thích. Khi quan sát biết được đứa con phá hoại truyền thống gia đình đã hóa thành một người giống hệt Illisa và giả dạng ông ta để đem phân phát tài sản của triệu phú. Cuối cùng, mọi việc đưa ra trước đức vua để phán xét vì có hai Illisa giống hệt nhau. Nhà vua cũng chịu thua và ông triệu phú thật ngã lăn ra bất tỉnh. Thế là Đế Thích hiện hình lại như cũ và khuyên dạy đứa con phải biết bố thí, gìn giữ truyền thống gia đình. Chuyện tiền thân Saketa (chuyện thứ 68) kể lại câu chuyện về một cặp vợ chồng Bà-la-môn khi gặp Đức Phật bỗng xúc động ôm chặt mắt cá chân Ngài và nói: “Này con thân, phải chăng cha mẹ già yếu phải được các người con nuôi dưỡng? Sao mãi đến nay con không để chúng ta thấy mặt con”. Mọi người đều biết cha mẹ hiện thời của Đức Phật là ai nên rất ngạc nhiên khi thấy Ngài đi vào nhà của Bà-la-môn. Ngài tụng đọc bài kinh nói về tuổi già và hai người ấy chứng quả Bất lai. Sau đó Ngài giải thích rằng vị Bà-la-môn này là cha của Ngài 500 đời liên tục, là cậu của Ngài 500 đời liên tục và là ông của Ngài 500 đời liên tục. Ngài lớn lên trong tay của người Bà-la-môn này 1.500 đời. Còn nữ Bà-la-môn là mẹ của Ngài 500 đời liên tục, là dì của Ngài 500 đời liên tục, là bà của Ngài trong 500 đời liên tục. Ngài lớn lên trong tay của vị Bà-la-môn này 1.500 đời liên tục. Như vậy, chẳng những cha mẹ hiện thời đối xử tốt với con mà cha mẹ nhiều đời trước cũng đối xử tốt với con. Tình thương của con cái đối với cha mẹ cũng được mô tả rất nhiều trong các chuyện tiền thân. Chuyện tiền thân Gijjha (chuyện thứ 164) thuật lại một trường hợp như vậy; rằng khi có một Tỳ-kheo nuôi dưỡng mẹ và bị những người không hiểu rõ câu chuyện chỉ trích, thì Đức Phật ca ngợi: “Lành thay, lành thay! Chớ có tức giận với Tỳ-kheo này. Các bậc hiền trí thuở xưa hầu hạ giúp đỡ cho đến những người không phải là bà con vì chỉ muốn làm công đức. Còn người này ủng hộ mẹ cha mình”. Chuyện tiền thân Cullanandiya (chuyện thứ 222) kể lại chuyện Bồ-tát sanh ra làm một con khỉ tên là Nandiya, có khỉ em là Cullanandiya và đã hy sinh mạng sống để mong cứu khỉ mẹ. Hai con khỉ sống nuôi dưỡng khỉ mẹ bị mù. Chúng đi kiếm trái cây gửi về cho bà ăn nhưng các con khỉ con lại không đưa cho bà, do đó khỉ mẹ chỉ còn da bọc xương. Vì thế hai anh em khỉ rời khỏi đàn đi ra sống riêng ở một cây bàng. Bấy giờ, có một người thợ săn vốn là tiền thân của Devadatta. Khi thấy khỉ mẹ, thợ săn định bắn. Bồ-tát liền đi từ giữa cành cây ra và nói: “Này người kia, chớ có bắn mẹ ta. Mẹ ta mù, già yếu, ta sẽ đổi mạng sống cho mẹ ta. Ngươi chớ có giết mẹ ta, hãy giết ta”. Người thợ săn hứa với khỉ anh rồi bắn Bồ-tát ngã xuống. Sau đó hắn vẫn tiếp tục muốn bắn khỉ mẹ. Thế là khỉ em nghĩ: “Người độc ác này muốn bắn cả mẹ ta nữa. Nếu mẹ ta sống thêm một ngày, là một ngày mẹ ta được tăng thêm tuổi thọ, vậy ta sẽ cứu sống mẹ ta”. Nó đi ra và tự nguyện chết, người thợ săn cũng hứa với khỉ em rồi giết. Tuy nhiên sau đó thợ săn vẫn bắn chết khỉ mẹ. Khi đó sấm sét nổi lên đánh trên nhà của thợ săn và thiêu cháy vợ con của hắn. Quá sầu khổ, thợ săn quăng cả thịt khỉ săn được, lột quần áo trần truồng, khóc than đi vào nhà. Một cây cột gãy rơi xuống đánh bể đầu thợ săn. Con cái chẳng những phải chăm sóc cha mẹ mà còn phải giữ gìn truyền thống gia đình. Chuyện tiền thân Susima (chuyện thứ 163) kể lại chuyện Bồ-tát giữ gìn truyền thống chủ trì lễ hội voi. Sau mỗi lễ hội voi, cha Bồ-tát (là cố vấn tế lễ của triều đình) thu được mười triệu đồng tiền vàng. Khi Bồ-tát mười sáu tuổi, cha Ngài qua đời. Các Bà-la-môn đi đến nhà vua và tâu rằng con trai của cố vấn tế lễ còn quá trẻ, không biết ba tập Vệ-đà và Tượng kinh. Họ xin nhường quyền tổ chức lễ hội voi cho họ. Lúc đó chỉ còn bốn ngày nữa là đến lễ hội voi. Mẹ Bồ- tát buồn phiền nghĩ: “Cho đến bảy đời gia đình truyền thống chúng ta được tổ chức lễ hội voi. Truyền thống này sẽ chấm dứt và tài sản gia đình sẽ bị tổn giảm”. Bà nghĩ vậy và khóc. Bồ-tát hỏi: “Vì sao mẹ khóc?”. Khi nghe rõ lý do, Bồ-tát nói: “Thưa mẹ, con sẽ tổ chức lễ hội voi”. Bà mẹ nói: “Này con, con không biết ba tập Vệ-đà và không biết Tượng kinh thì làm sao có thể tổ chức được?”. Bồ tát hỏi: “Thưa mẹ, các sư trưởng thuộc lòng ba tập Vệ-đà và Tượng kinh sống ở đâu?”. Khi được nghe sư trưởng sống tại Takkasilà nước Gandhara, Bồ-tát quyết định đi học với các vị thầy này. Ngài đi đến Takkasila trong một ngày và đặt một ngàn đồng tiền vàng làm học phí. Sau đó, trong một đêm Ngài học hết ba tập Vệ-đà và Tượng kinh rồi hỏi: “Thưa sư trưởng, có gì khác nữa không?”. Khi được trả lời: “Này con thân, không có gì khác, tất cả đã xong”. Bấy giờ, Bồ-tát góp ý với sư trưởng về một số chỗ nhầm lẫn trong việc truyền thụ của ông này. Sáng hôm sau, Bồ-tát dậy sớm, đảnh lễ sư trưởng và quay về Benares. Sau đó Ngài tổ chức lễ hội voi thành công. Điểm đặc sắc trong các chuyện tiền thân là ngoài chuyện cha mẹ khuyên bảo dạy dỗ con cái, có nhiều chuyện khác lại ngược lại: con cái khuyên bảo cha mẹ. Đối với Phật học, nếu khuyên bảo được cha mẹ làm điều lành, tin vào Tam bảo, sống theo luật nhân quả là đã báo hiếu được cho cha mẹ đầy đủ. Còn nếu chỉ chăm sóc, giúp đỡ thì vẫn là chưa báo hiếu đầy đủ. Chuyện tiền thân Sujata (chuyện thứ 269) thuật lại sự kiện khi Bồ-tát sanh làm thái tử ở Benares. Hoàng hậu mẹ Ngài là người đàn bà nóng nảy, dữ tợn, thô lỗ, gắt gỏng, ác khẩu. Ngài chỉ mong khuyên bảo được hoàng hậu nhưng lại phải giữ gìn, không làm điều bất kính. Vì thế Ngài phải cố tìm cơ hội để khuyên bảo mẹ Ngài. Một lần, Bồ-tát và mẹ vào vườn hoa nghe một con chim cưỡng xanh đang kêu the thé khiến mọi người đều bịt tai lại. Kế đó có một con chim cu đậu trong đám lá rậm của cây sala hót lên âm điệu ngọt ngào khiến mọi người đều rướn cổ nghe. Bồ tát nhân chyện xảy ra như thế đã khuyên bảo hoàng hậu. Nhờ đó, bà suy nghĩ lại và trở thành một phụ nữ biết quên mình. Chuyện tiền thân Sujata (chuyện thứ 352) kể lại chuyện Bồ-tát khuyên can người cha. Ông nội của Bồ-tát qua đời, người cha sầu khổ. Ông lấy hài cốt của cha từ nơi hỏa táng rồi xây một nấm mồ trong vườn thưởng ngoạn của ông, đặt di cốt vào đó. Mỗi lần đến thăm, ông lại khóc thảm thiết, chẳng tắm rửa, chẳng làm lụng gì cả. Bồ-tát tìm cách khuyên nhủ cha. Một lần, khi thấy con bò đực nằm chết, Bồ-tát mang cỏ đến đặt trước con bò và nói, ăn đi, uống đi. Mọi người đi qua đều hỏi nhưng Ngài không đáp nên họ báo cho cha Ngài rằng Bồ-tát bị điên. Nghe thế, người cha ngưng sầu than và vội chạy ra hỏi: “Này Sujata, con không bình thường đấy ư? Sao con lại dâng cỏ cho xác chết con bò”. Khi đó Bồ-tát mới trả lời: “Con vật này vẫn còn đường sống lại, vì đầu đuôi, tay chân còn đấy. Còn ông nội thì đầu tay chân chẳng còn gì, sao cha vẫn khóc than”. Người cha được Bồ-tát khuyên nhủ đã bình thường trở lại. Những chuyện tiền thân về cha mẹ và con cái rất nhiều. Nó chứa đựng nhiều bài học vô giá cho việc xây dựng một gia đình có nhiều phúc đức. Đó là các câu chuyện có thể giúp mọi người xây dựng được một cẩm nang cho đời sống gia đình. ■
Tấn Nghĩa
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |