Chi tiết tin tức

Chia sẻ 9 bí quyết để hạnh phúc trong cuộc sống

15:33:00 - 27/03/2017
(PGNĐ) -   Chúng ta cần có tấm lòng rộng mở, quý trọng yêu thương gìn giữ cuộc sống và biết cách thưởng thức cuộc sống, khi nhìn lên chẳng bằng ai, ngó xuống thấy mình còn quá nhiều diễm phúc, biết đủ và bằng lòng với hiện tại thì hạnh phúc tràn đầy. Sống tốt với mọi người, biết chia sẻ và giúp đỡ khi cần thiết, đó cũng là niềm vui. Con người sống giàu nghèo hay sang hèn do do phước duyên tu tạo nhiều đời, hiện tại ta chỉ biết tận tâm, tận lực vì công việc là coi như đã có chút phần cống hiến, như vậy ta có thể yên lòng mà cố gắng làm việc nghĩa nhiều hơn.

Chín điều nên nhớ trong cuộc sống do chúng tôi trước tác và chú giải, nhằm nhắc nhở chính mình nhiều hơn để sách tấn trên bước đường tu học, bắt đầu từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động lúc nào cũng thể hiện sự bình đẳng thương yêu tất cả mọi người, bằng trái tim hiểu biết. 

Chính vì vậy khi no, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang đói khát, thiếu thốn khó khăn. Chữ no ở đây rộng hơn ý nghĩa thông thường, ngoài việc cơm no áo ấm chúng ta còn phải sống lạc quan yêu đời và sẵn sàng san sẻ hay giúp đỡ một ai đó trong cơn bất hạnh, bằng tình người trong cuộc sống.

 

1- Khi no, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang đói khát, thiếu thốn khó khăn.

 

2- Khi được mặc quần lành áo đẹp, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có những bộ quần áo lành lặn. 

 

3- Khi được học hành tới nơi đến chốn, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có đủ điều kiện để cắp sách đến trường.

 

4- Khi sống trong mái nhà yên ấm, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang lang thang giá lạnh trong cảnh màn trời chiếu đất.

 

5- Khi giàu sang phú quý, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người nghèo khó vì họ góp một phần tạo nên sự giàu có của chúng ta.

 

6- Khi đang sống trong hòa bình, chúng ta hãy nhớ ơn tới các chiến sĩ đang xả thân, gìn giữ biên cương bờ cõi và bảo vệ an toàn cho sự sống của chúng ta.

 

7- Khi có quyền cao chức trọng trong xã hội, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới tất cả chúng sinh, nhờ có sự hổ trợ liên quan mật thiết của họ mà ta mới có được địa vị ngày hôm nay.

 

8- Khi sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình, con đông cháu đầy, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

 

9- Khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp.

 

Hạnh chia sẻ làm cho mình và người hạnh phúc

 

Chuyện xưa kể rằng, ở một làng nọ có một gia đình nghèo, cha mẹ phải làm việc vất vả cả ngày với công việc làm thuê mướn nặng nhọc, nhà có bốn chị em còn nhỏ tự chăm sóc lẫn nhau.

 

Một hôm, có một người tàn tật đến nhà để xin chút thức ăn cho qua cơn đói khát. Một em bé bước ra mở cửa, đứng nhìn người tàn tật một lúc rồi mới đi vào nhà, trong thoáng chốc em quay trở lại nhỏ nhẹ thưa:

 

“Chú ơi, chúng cháu muốn tặng chú một chút gì để gọi là tấm lòng, nhưng nhà cháu chẳng còn gì để ăn hôm nay, các em cháu cũng đang đói lắm ạ, nên chú thông cảm sang nhà kế bên dùm, chú đừng buồn chúng cháu nhé”.

 

Người tàn tật nghe nói vậy rồi lặng lẽ bỏ đi. Đến khi trời gần sắp tối thì ông ta quay trở lại gõ cửa. Em bé lớn nhất trong nhà mới nói vọng ra, chú ơi cha mẹ cháu chưa về, chúng cháu vẫn đang chờ. Người ăn xin tàn tật lúc đó mới nói:

 

“Các cháu dễ thương quá, chú không xin các cháu thức ăn gì nữa đâu, nhưng chú lại có một chút tấm lòng gởi tặng các cháu…Nói xong, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy đứa bé một ổ bánh mì và vài đồng bạc cắc. Ông ta còn dặn dò thêm: “Các cháu hãy lấy bánh mì cùng chia nhau ăn đi cho đỡ đói, còn tiền thì đợi ba má về, nói chú tặng cho các cháu. Thật ra chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng thấy gia đình các cháu khó khăn như thế này mà vẫn có tấm lòng nhân ái, dễ thương và tốt bụng quá. Thế nên,

 

1- Khi no, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang đói khát, thiếu thốn khó khăn.

 

Chúng tôi khi đọc được câu chuyện này trong lòng cảm thấy bồi hồi xúc động, bởi vì thế gian vẫn còn quá nhiều người tốt, dưới nhiều hình thức khác nhau, không phải người có nhiều tiền của mới biết mở rộng tấm lòng nhân ái. Bố thí giúp đỡ sẻ chia là một việc làm nhân ái, nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh cho tha nhân.

 

Thế giới loài người chúng ta mỗi ngày có hàng triệu triệu người đang đói khát, đang trông chờ những bàn tay rộng mở. Hình ảnh cao đẹp trong câu chuyện trên đã nói lên tinh thần Bồ-tát Quán Thế Âm ứng hiện vào cuộc đời dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi là một ông vua, bà hoàng, thủ tướng, kẻ nam người nữ, công nhân, giám đốc, người giàu có, kẻ bần cùng, nói cho dễ hiểu là Bồ-tát tùy theo chỗ ưa thích của mọi người mà ứng hiện để cứu nhân độ thế.

 

Nói đến đây chúng tôi nhớ lại trong chuyến đi từ thiện tại tỉnh Quảng Nam để cứu trợ người bị bão lũ, cách nay 8 năm. Chồng bà bị chết trong cơn bão lũ, nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi. Cuộc sống của gia đình hiện đang nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền và những tấm lòng hảo tâm thương xót, cả 7 mẹ con cùng sống trong túp lều nhỏ chờ cứu trợ, có lúc mấy đứa trẻ run lên bần bật vì đói khát. Nhìn những khuôn mặt thiếu ăn, hốc hác, xám xịt, làm cho chúng tôi thêm xúc động nghẹn ngào, bởi vì sự giúp đỡ có giới hạn.

 

Người mẹ vui vẻ nhận phần quà từ tay chúng tôi rồi lặng lẽ chia ra làm hai, một phần để lại ở lều, còn phần kia bà nhanh chân đem đi đâu đó. Khoảng chừng mười lăm phút, bà quay về với vẻ mặt vui tươi hớn hở khác thường, bà nói trong mãn nguyện, “nhà con diễm phúc được thầy và phái đoàn đến tận nơi giúp đỡ; tuy nhiên, trong làng còn nhiều gia đình rất khó khăn chưa được ai giúp, vì vậy con phải san sẻ bớt cho họ chút đỉnh để qua cơn đói khát”.

 

Hành động đó chính là những người có tấm lòng từ bi hỷ xả mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã ứng hiện vào đời với nhiều thân phận cao sang hay thấp hèn để cứu độ chúng sinh. Việc làm trên tuy thấy đơn giản như vậy mà khó có người làm được. Trong lúc mình đang thiếu thốn, khó khăn, con cái còn đói rách, được quà cứu trợ đáng lẽ mình hưởng trọn vẹn nhưng vẫn dám chia sẻ một nửa cho người có cùng cảnh ngộ, đều này xưa nay rất là hiếm có.

 

Đúng là tình làng nghĩa xóm: “một miếng khi đói bằng gói khi no” của những con người Việt Nam với tấm lòng của ít lòng nhiều, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương trợ bằng tình người trong cuộc sống. Bồ-tát luôn ứng hiện trong mọi hoàn cảnh để đem đến niềm vui cho nhiều người. Người có tiền dư, bạc hậu đem ra giúp đỡ người khác là chuyện dễ làm, còn người đang thiếu thốn, khó khăn mà sẵn sàng chia sẻ cho người khác thì không phải là người tầm thường. Dân gian Việt Nam có câu:

 

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

 

Ước mơ để vươn lên trong cuộc sống

 

Cuộc sống này ai cũng có những ước mơ cao quý, mong muốn được khôn lớn trưởng thành, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích xã hội.

 

Người mù ước mơ được sáng mắt để thấy rõ được sự thật của cuộc đời qua các thời đại xưa và nay. Chú bé mồ côi ước mơ một ngày nào đó được sum vầy cùng cha mẹ bên mái ấm gia đình.

 

Người thất nghiệp luôn ước mơ có được việc làm chân chính để ổn định an sinh đời sống gia đình và cuối cùng là người tàn tật ước mơ được đi lại bình thường như bao người khác… Tóm lại, ai cũng có ước mơ đáng quý để được sống an vui, hạnh phúc trong tình thương yêu nhân loại.

 

Thật ra, cuộc sống không dễ dàng để cho ta thực hiện những ước mơ, biến chúng trở thành hiện thực nếu ta không có quyết tâm cao độ. Nếu người đó không có ý chí, lập trường kiên định thì mơ ước cũng chỉ là ước mơ suông mà thôi. Khi gặp khó khăn và những chướng duyên nghịch cảnh, người thiếu niềm tin ở chính mình sẽ gục ngã trước những biến động của cuộc đời. Người có hiểu biết chân chính và tin sâu nhân quả, thì họ quan niệm rằng, “tất cả khó khăn chỉ là thử thách”.

 

Ai cũng có ước mơ đáng quý và trân trọng với bao niềm hy vọng vô biên để gầy dựng tương lai tươi sáng bền vững và lâu dài. Những khó khăn, trở ngại chỉ là thử thách trong cuộc hành trình trở về cội nguồn của an lạc, hạnh phúc.

 

Những thất vọng khổ đau trong lo lắng và sợ hãi, luôn đến với người yếu đuối, bạc nhược, phó thác cuộc đời mình cho số phận đã an bài nên họ đã đánh mất chính mình. Họ luôn mặc cảm, tự ti, chờ sự trợ giúp của thần linh hay đấng quyền năng nào đó để rồi suốt đời sống trong hiềm hận, khổ đau. Họ không biết rằng, mọi sự nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do chính mình tạo ra, không ai có quyền sắp đặt hay định đoạt cuộc sống của mình. Người không đủ niềm tin về nhân quả sẽ tuyệt vọng, trốn chạy cuộc đời bằng cách quyên sinh, tự tử hay chối bỏ tất cả khả năng của mình.

 

Người ăn xin tàn tật và các em bé kia, tuy đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn bi đát, nhưng vẫn có tấm lòng cao quý được thể hiện qua hành động thương xót mọi người và sẵn sàng giúp đỡ bằng lời nói hoặc hành động thiết thực.

 

Người có tấm lòng từ bi, tuy không giàu có nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có nhân duyên, nghèo mà được như vậy vẫn tốt hơn kẻ có tiền mà tham lam, bỏn sẻn chẳng giúp gì cho ai.

 

Tất cả chúng ta vì bị vô minh che lấp nên khi có mặt trên thế gian đều không có nhận thức sáng suốt, do đó ta chỉ lo thụ hưởng sự ăn uống mà nhẫn tâm giết hại các loài vật. Có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài về sau.

 

2- Khi được mặc quần lành áo đẹp, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có những bộ quần áo lành lặn. 

 

Rồi khi được mặc quần lành áo đẹp, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có những bộ quần áo lành lặn, vì họ không đủ khả năng nên đành phải chịu như thế. Phật dạy: nếu mình không có khả năng để giúp đỡ người khác, chỉ cần mình thương tưởng đến người đó bằng ý nghĩ, lời nói và hành động cao thượng như bà mẹ và sáu đứa con bị bão lụt. Như vậy, ai cũng có thể làm đẹp cho nhau bằng nhiều hình thức, người có của thì bố thí vật chất, kẻ không có thì bố thí bằng tấm lòng, lời nói.

 

Người đời thường quan tâm được ăn uống no đủ và khoái khẩu, kế đến là quần đẹp áo sang một bộ đồ hàng hiệu của họ có thể nuôi được 10 gia đình. Chúng ta ít ai nghĩ đến ăn mặc nhằm mục đích để che thân thể không bị lõa lồ như các loài súc vật, vậy mà người ta cứ quên đi ý nghĩa của nó mà lãng phí quá nhiều trong việc sắm sửa quần áo.

 

Phụ nữ có thói quen thích làm đẹp nên đa số chi phí vào việc sắm sửa quần áo quá nhiều, thậm chí có những bộ đồ họ chỉ mặc một lần rồi treo trong tủ chơi. Người phật tử chân chính, khi đã hiểu đạo rồi thì sẽ biết cách hạn chế từ việc ăn uống cho đến cái mặc, ở và tiêu xài đúng mức mà không bị rơi vào tình trạng lãng phí.

 

Chúng tôi sau nhiều năm đi làm từ thiện vẫn nhận quần áo cũ để đem đến các Tỉnh vùng sâu mà tặng cho những gia đình nghèo, họ rất vui vẻ đón nhận trong niềm hạnh phúc vô biên. Những bộ đồ cũ đối với người thành thị là của bỏ đi, nhưng đối với người nghèo là một sự ấm áp cho gia đình họ.

 

Ăn uống, mặc, ở và làm việc là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày, tuy nhiên ta phải biết điều hòa cho có chừng mực để không rơi vào tình trạng tham muốn quá đáng, làm ảnh hưởng đến gia đình người thân.

 

Tâm lý con người thường thích đua đòi chạy theo người khác, thấy người ta mặc quần là áo lụa, tuy không có tiền mà mình cũng ráng sắm cho bằng được với người ta. Khi sắm xong rồi thì không dám mặc, vì bộ đồ đó hơn cả tháng lương của mình, cứ mỗi ngày lấy ra ngắm nghía săm soi rồi chắt lưỡi hít hà tiếc nuối.

 

Muốn ít biết đủ và biết bằng lòng với khả năng mình đang có trong hiện tại, là tiêu chí quan trọng để giúp chúng ta không bị tham đắm mê mờ chạy theo sự quyến rũ của nó, ta sẽ biết cách làm chủ bản thân qua ý nghĩ, lời nóivà hành động trong định tĩnh sáng suốt.

 

Ở đây chúng tôi chỉ khuyên mọi người, khi được mặc quần lành áo đẹp hãy nhớ nghĩ tới những người đang rách rưới bởi những bồ đồ chấp vá nhiều mãnh. Sự sẻ chia về suy nghĩ dẫn đến lời nói động viên an ủi mà có hành động giúp đỡ mọi người khi thấy họ thiếu thốn khó khăn.

 

3- Khi được học hành tới nơi đến chốn, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có đủ điều kiện để cắp sách đến trường.

 

Khi được học hành tới nơi đến chốn, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có đủ điều kiện để cắp sách đến trường. Trong xã hội luôn tồn tại hai thực trạng giàu và nghèo. Thực tế, người giàu chiếm số ít, người nghèo chiếm số đông. Hai hạng người này đều phải nương vào nhau để phát triển và bảo tồn sự sống. Những người nông dân nghèo chân lắm tay bùn làm ra những hạt gạo thần tiên để cung cấp cho nhân loại, giúp mọi người khỏi phải lo lắng về phần lương thực. Nhờ vậy, ta có điều kiện để học hỏi và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, nên dễ dàng thành đạt trong lãnh vực chuyên môn của mình.

 

Tuy nhiên, nếu chỉ một mình ta dù có tài giỏi đến đâu cũng không làm sau sản xuất đồng loạt các mặt hàng thiết yếu để phục vụ đầy đủ nhu cầu an sinh xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết ơn nhau qua nhịp cầu tương quan về mọi mặt trong cuộc sống, để sẵn sàng sẻ chia hay giúp đỡ mọi người khi cần thiết.

 

Trong thực tế đời sống của chúng ta hiện nay, ngành giáo dục đã không còn đủ sức quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho con người. Người học trò bước vào học đường với rất nhiều môn học chất chứa kiến thức khổng lồ, bằng sự gượng ép mà không bắt nguồn từ sự yêu thích học hỏi.

 

Gia đình là nhân tố nền tảng để mở mang và phát triển tốt đẹp cho xã hội được bền vững và lâu dài. Cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn sáng suốt thì dễ dàng tạo nên con người phi thường. Chính vì vậy, một con người phải có hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, tin chính mình là cội nguồn của an lạc hạnh phúc để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội, là gốc rễ cho sự tồn tại, bền vững và lâu dài.

 

Đất nước chúng ta hầu như đã quên đi những con người của thời quá khứ 700 năm về trước, đã đem lại cơm no áo ấm và bình yên, hạnh phúc cho nhiều người. Phật giáo đời Trần là nét son vàng chói lọi nhờ nền giáo dục nhân quả, tinh thần tự cường tự lực, phá bỏ các tập tục mê tín, tín ngưỡng giết hại, nhờ vậy mà toàn dân đều được sống trong an lạc, thái bình.

 

Từ lâu, con người chỉ quan tâm đến những vấn đề trọng yếu như chính trị, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, khoa học,… Chúng ta hầu như đã quên hẳn vai trò của con người. Chính con người mới là yếu tố quyết định nên một xã hội tốt đẹp bền vững, ổn định, hòa bình và hạnh phúc.

 

Các ngành nghề chính trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội,… chỉ là một phần của thân cây. Cộng đồng xã hội là một cái cây hoàn chỉnh nhưng con người mới là gốc rễ, tạo nên sự an vui hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta làm sao giúp mọi người sống có ý thức trách nhiệm, sống có hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, tin chính mình có khả năng làm chủ bản thân và biết san sẻ, nâng đỡ cho nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

 

Học để biết cách hoàn thiện chính mình

 

Muốn lập thân cho đúng nghĩa của nó, các bạn trẻ phải chú tâm vào việc học để tiếp thu nền kiến thức phong phú và đa dạng bằng sự hiểu biết chân chính. Học không có nghĩa là chỉ cần cắp sách đến trường và đọc nhiều sách vở, hay học được một nghề thật giỏi và kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ.

 

Trước tiên, học là noi gương sáng của các bậc tiền nhân, vĩ nhân, tức là chúng ta bắt chước những việc làm ích nước lợi dân mà các bậc tiền bối xưa đã làm. Mục đích của việc học là để thành người với đúng ý nghĩa của nó, tức là một con người hoàn thiện về mọi mặt, tài giỏi và có nhân cách đạo đức nhằm đóng góp, phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội.

 

Chúng ta học để phân biệt được phải trái, tốt xấu, đúng sai. Thấy điều tốt, điều phải ta phải bắt chước làm theo. Thấy điều xấu ác, có hại cho người vật ta phải tìm cách tránh xa. Người khôn ngoan sáng suốt là người biết học và tiếp thu cái tốt, biết loại bỏ cái xấu của người khác. Người ngu si khờ dại là người chỉ biết cống cao ngã mạn, thấy mình là tài giỏi hơn người nên khó mà học thêm được điều gì tốt đẹp.

 

Từ những hiểu biết căn bản qua việc học trên ghế nhà trường, gia đình là môi trường trực tiếp để dạy những đạo lý làm người. Chúng ta không thể nào học suông lý thuyết mà cần phải tìm tòi, nghiên cứu, suy diễn, nghiệm xét và phản biện. Chúng ta không nên quá tin vào sách vở vì sách vở cũng có nhiều điều sai trái. Người xưa nói chúng ta đừng quá tin vào sách mà hãy học cách suy gẫm, để tìm ra bản chất thật của nó trong thực tế cuộc sống.

 

Học để có kiến thức và chuyên môn cao thì cũng không khó gì cho lắm, chỉ cần ta siêng năng một chút là có thể thực hiện được. Nhưng muốn học để làm người tốt, để hoàn thiện chính mình trong hiện tại và mai sau, thì mới thật là khó. Chính vì vậy, tất cả mọi thế hệ cần phải chú ý cách học làm người như sau để giúp chúng ta ngày càng thêm hoàn chỉnh về mọi mặt.

 

Học làm sao để làm người con hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Hiếu thảo là đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, là đạo lý biết ơn và đền ơn. Cha mẹ là người sinh ra mình, săn sóc, nuôi dưỡng mình rất vất vả, nhọc nhằn và còn lo cho ta từ cái ăn tới việc học, đến khi khôn lớn lại dựng vợ gã chồng và còn chia gia tài cho ta nữa.

 

Cha mẹ cũng chính là người thầy giáo đầu tiên dạy ta nên người. Công ơn cha mẹ được ví như trời cao biển rộng, không gì có thể sánh bằng. Chính vì vậy mà con cái phải biết thương yêu, kính trọng và biết ơn cha mẹ mà cung cấp dưỡng nuôi về vật chất lẫn tinh thần. Cho nên:

 

“Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ,

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha”.

 

Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ cần thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách nghe lời cha mẹ chỉ dạy, siêng năng chăm chỉ học hành và thương yêu kính trọng cha mẹ. Đến khi khôn lớn trưởng thành chúng ta thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ân cần săn sóc cha mẹ, kính trọng cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ mỗi khi cha mẹ cần đến. Chúng ta làm được như thế thì mới được gọi là người con có hiếu và mới được gọi là người trí thức.

 

4- Khi sống trong mái nhà yên ấm, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người đang lang thang giá lạnh trong cảnh màn trời chiếu đất.

 

Kế đến là ai cũng muốn mình có một mái ấm gia đình, dù là căn chòi đơn sơ đủ để che nắng mưa qua bốn mùa thay đổi. Người có nhà cao cửa rộng do biết tích lũy phước báo nhiều đời, nên bây giờ họ sống trong điều kiện đầy đủ về mọi phương tiện vật chất, tiện nghi. Tuy nhiên, thế gian này còn biết bao kẻ màn trời chiếu đất, đang sống trong giá lạnh bởi không có nhà cửa, họ phải lang thang nhiều nơi để chật vật kiếm miếng ăn sống đỡ qua ngày, đối với họ cuộc sống như vậy cũng là diễm phúc lắm rồi.

 

Tất cả mọi thứ tốt xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thiếu thốn hay đầy đủ về mọi mặt đều có nguyên nhân sâu xa của nó, ta không thể oán trời trách đất hay đổ thừa cho ai cả mà hãy tự trách mình nhiều hơn để cố gắng vươn lên, vượt qua bất hạnh khổ đau.

 

Một số gia đình cố gắng siêng năng làm việc nhưng vẫn không đủ sức để sắm một căn nhà, họ phải ở nhà thuê, tuy nhiên vẫn còn diễm phúc hơn nhiều người khác vì chẳng có nơi nương tựa. Phải chăng thượng đế chẳng công bằng hay trù dập người cô thế, không bao giờ có chuyện đó, chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

 

Thế nên, khi ta có đủ phương tiện nhà cửa, việc làm để sống ta hãy thương tưởng tới những ai còn chưa có công ăn việc làm, chỗ ăn chỗ ở, ta có thể giúp đỡ và nguyện cầu cho họ mau được có nơi tránh mưa trú nắng, để được ngủ nghỉ trong an toàn.

 

Con người khi đã gieo tạo phước báo nhiều đời, nên bây giờ được thừa hưởng tất cả việc ăn ngon mặc đẹp, sống có nhà cửa đàng hoàng, giàu sang phú quý được mọi người trọng vọng mến thương, thì ít ra phải có chút tấm lòng nhớ nghĩ tới những người bất hạnh, đang thiếu thốn khó khăn. Thế gian, nếu chỉ mình ta tài giỏi mà không có nhiều người khác cùng sống với mình, thì ta dù có tài vẫn không thể nào có đầy đủ tiện nghi vật chất như ý muốn.

 

5- Khi giàu sang phú quý, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người nghèo khó vì họ góp một phần tạo nên sự giàu có của chúng ta.

 

Ta không làm ruộng nhưng vẫn có gạo ăn, ta không nuôi tằm nhưng vẫn có những bồ quần áo lành lặn, ta không phải là thợ mộc, thợ hồ nhưng vẫn có căn nhà khang trang tiện nghi…và rất nhiều vấn đề khác mà ta phải nương nhờ lẫn nhau, trong mối tương quan của cuộc sống.

 

Có nhiều người mặc dù sống trong giàu sang phú quý, tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng lại nghèo nàn phần tâm linh nên thường sống trong lo lắng sợ hãi thất vọng, và khổ đau, vì sợ mất mát quyền lực và tán gia bại sản.

 

Lại có một hạng người tuy giàu có, dư dã, nhưng lại sống khổ sở hơn người nghèo vì chẳng dám ăn, dám xài, đối với người thân thì bỏn sẻn, keo kiết nói chi đem ra giúp đỡ hay san sẻ cho người khác. Họ sống trong tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, lao tâm nhọc sức để tích chứa thật nhiều tài sản vật chất cho riêng mình mà không giúp gì được cho ai.

 

Người nghèo quá dễ sinh ra những hành động thấp hèn, không có niềm tin về nhân quả, cho nên sẽ oán trời trách đất, đổ thừa cho gia đình người thân và xã hội. Nghèo khó, dễ đưa đẩy con người vào con đường xấu xa tội lỗi, vì sự thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày.

 

Người phật tử chân chính cần phải biết rằng, giàu hay nghèo đều là do nhân quả tốt xấu của chúng ta đã gieo tạo từ trước, cộng với hiện đời không biết siêng năng làm việc, tiết kiệm và giúp đỡ sẻ chia.

 

Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành để giúp người, cứu vật khi cần thiết, lại còn ăn chơi phóng túng sa đọa, không tin sâu nhân quả, nên thường xuyên làm các việc xấu ác là nguyên nhân dẫn đến phá sản. Dân gian hay nói: “bần cùng sinh đạo tặc” là câu tục ngữ luôn răn nhắc chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức bằng cách làm lành tránh dữ, tích công bồi đức, nhờ vậy mà không bị rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó.

 

Nhưng trong nghiệp báo không chỉ có những điều riêng mỗi người gánh chịu hay còn gọi là biệt nghiệp, mà còn có cả một cộng đồng xã hội, hay một gia đình phải cùng nhau gánh chịu hậu quả tốt hay xấu gọi là cộng nghiệp.

 

Cuộc sống của chúng ta, không ai có thể tự mình tồn tại một cách độc lập, mà không phụ thuộc vào người khác. Con cái phụ thuộc cha mẹ, vợ chồng phụ thuộc lẫn nhau, gia đình phụ thuộc xã hội. Tất cả đều có sự liên quan mật thiết qua các mối quan hệ, đối nhân xử thế trong giao dịch làm ăn với nhau.

 

Người được giàu có, ngoài việc nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, mà còn có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhiều người khác. Kẻ thất nghiệp nghèo khó hoặc chỉ làm các công việc nặng nhọc, vất vả mà thu nhập vẫn không đủ sống là do không biết gieo nhân thiện lành trong quá khứ và hiện tại.

 

Chính vì thế, chúng ta cần phải tin sâu nhân quả, từ đó mới có tấm lòng rộng mở để giúp đỡ, sẻ chia những mảnh đời nghèo khó, nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Trong xã hội, nếu ai cũng tin sâu nhân quả, biết quan tâm giúp đỡ người khác bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì chắc chắn sự nghèo khó sẽ dần hồi được chuyển hóa, thay đổi theo thời gian.

 

Sự tham muốn của con người là không có giới hạn, như giếng sâu không đáy khi có quyền cao chức trọng chúng ta sẽ tìm cách vơ vét về cho riêng mình, gia đình mình, đất nước mình, nên từ đó chiến tranh có mặt khắp mọi nơi vì nhân tranh giành, chiếm đoạt. Đối với mạng sống của chúng ta cái gì là quý nhất? Sự hiểu biết đúng đắn, biết tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

 

Chúng ta sống đơn giản, và muốn ít biết đủ chính là bí quyết của hạnh phúc. Chúng ta hãy bớt đi một chút những khao khát ham muốn quá đáng, để có được thời gian mà quay lại chính mình, biết cách làm chủ bản thân. Nhiều người quan niệm rằng nghèo là do trời sắp đặt, nói như vậy nghe có vẽ bất công quá, nếu ông trời quyết định được số phận của con người, thì tại sao không cho hết mọi người đều được cơm no, áo ấm và sống đời bình yên, hạnh phúc?

 

Do đó, nền tảng giáo dục gia đình xã hội rất quan trọng. Xã hội ngày nay có nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo bằng nhiều cách như xây nhà tình thương, hộ trợ vốn làm ăn, hướng dẫn giáo dục ý thức sống có hiểu biết về nhân cách đạo đức làm người…

 

Về mặt tâm linh các vị tu sĩ phát tâm đi về các vùng sâu vùng xa, mở mang khuyến khích, giáo dục mọi người hiểu biết và tin sâu nhân quả, làm điều thiện lành sẽ hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác sẽ chịu quả báo khổ đau vô cùng tận. Tu sĩ trong thời hiện đại, phải biết kết hợp từ thiện và hoằng pháp để kết duyên lành với người bất hạnh, nhờ vậy mới có cơ hội giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, động viên, khuyến khích người nghèo biết gieo trồng phước đức mà tránh quả khổ đau.

 

Bố thí nhiều đời nên mới được giàu có

 

Trên thế gian này, nếu chịu khó nhìn lên chúng ta sẽ thấy rất nhiều người giàu sang phú quý hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minh hơn mình, sáng suốt hơn mình, nhất là những người phật tử chân chính, sớm ý thức tu tập nên giác ngộ hơn mình, do đó sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Những người như vậy mới thật sự là những người "có phước" hơn mình.

 

Trái lại, khi nhìn xuống chúng ta sẽ thấy rất nhiều người nghèo hèn hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô đơn hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình, nhất là rất nhiều người nghèo khó chịu bất hạnh khổ đau, họ không được hạnh phúc như mình. Những người như vậy mới thật sự là những người "bạc phước" hơn mình.

 

Như vậy, rõ ràng chúng ta được gọi là "có phước", hay đang được thọ hưởng "phước báo" đầy đủ, nếu như chúng ta có được sáu căn trọn vẹn, cơm ăn áo mặc dư dã, thân thể khỏe mạnh ít bệnh đau, sống lâu trăm tuổi, tinh thần sáng suốt, gia đình hạnh phúc, không gặp hoạn nạn, không gặp đói khát, không bị kẻ thù trù dập hay giết hại.v..v..

 

Thực sự chính "phước báo" của mình đã tạo ra trong quá khứ mới giúp chúng ta vượt qua những hoạn nạn trong hiện tại. Người có "phước báo" đầy đủ trọn vẹn dễ dàng vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà ít gặp khó khăn gì nhiều. Người có "phước báo" ít hơn thì phải chịu trả một chút ít thiệt hại về vật chất hoặc bị thương tật nhẹ. Người hết phước báo, hoặc không có phước báo, thì dễ dàng bị bệnh tật nặng nề, bị nghiện ngập, bị tù tội, bị tai nạn bất ngờ và chết bất đất kỳ tử!

 

Nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống đem lại bình an và hạnh phúc cho con người là mục đích và việc làm của đạo Phật. Làm từ thiện và hoằng pháp lợi sinh, để giúp đỡ những mãnh đời bất hạnh là ta đã đem đến hạnh phúc cho nhiều người, hạnh phúc của họ là niềm vui của chúng ta. Từ lâu, việc bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ được phật tử chan rải khắp ba miền, Nam, Trung, Bắc, là nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống, hạnh phúc tràn đầy, con đường tỉnh thức, từ thiện duyên lành là hoài bão của chúng tôi trong nhiều năm qua.

 

Chúng ta thường nghe nói: “Cứu ngặt nhưng không cứu nghèo, của cho không bằng cách cho”. Hoặc “Cho con cá không bằng cho cái cần câu”. Đó là những ưu tư trăn trở của chúng tôi sau nhiều năm làm từ thiện và hoằng pháp lợi sinh, làm thế nào để cho con người thực sự chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, thực sự được bình an hạnh phúc ngay trong cuộc sống này. Muốn được như vậy, chỉ có cách duy nhất, là tin sâu nhân quả và gieo trồng phước đức, giúp người cứu vật, thì sẽ chuyển hóa được kiếp nghèo khổ trong hiện tại và mai sau.

 

Bố thí là nền tảng cơ bản để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tha nhân là hạnh lành đầu tiên mà đức Phật lúc nào cũng nhắc đến trong các bản kinh. Bản chất của con người là luôn muốn có, muốn thêm, muốn nữa, mà không bao giờ thấy đủ, và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Muốn được sống an lạc hạnh phúc, ta hãy nên bằng lòng với những gì mình đang có và cố gắng duy trì gìn giữ và phát triển. Mong cầu nhiều, mơ ước nhiều, nhưng ta lại không chịu gieo nhân tốt, thì làm sao có quả an vui hạnh phúc?

 

Phật dạy bố thí để giúp chúng ta dẹp lòng ham muốn quá đáng, có tính cách ích kỷ hẹp hòi, như tham tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ vô độ. Cái gì mình tiêu xài thì hết, cái mình giúp người khác thì còn, giống như mình gửi tiền vào ngân hàng, khi cần thì lấy ra xài.

 

Khi ta mở lòng ra để đến với người nghèo và biết chia sẻ những khó khăn của họ, đó là ta đang sống bằng trái tim hiểu biết, bằng tình người trong cuộc sống. Chúng ta có thể “Thương người như thể thương thân”, hay bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, lời người xưa tuy đơn sơ mà có ý nghĩa sâu sắc.

 

Chính vì vậy, khi ta giàu sang phú quý là ta phải biết ơn rất nhiều người kể cả các loài vật và thiên nhiên cỏ cây hoa lá. Ơn nghĩa thế gian bao la trùng điệp, người có hiểu biết chân chính sẽ không hưởng cái gì cho riêng mình mà sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia mọi người khi có nhân duyên, đó là người có chất liệu sống bằng trái tim hiểu biết, với tấm lòng vô ngã, vị tha.

 

6- Khi đang sống trong hòa bình, chúng ta hãy nhớ ơn tới các chiến sĩ đang xả thân, gìn giữ biên cương bờ cõi và bảo vệ an toàn cho sự sống của chúng ta.

 

Phật dạy: Tất cả mọi hiện tượng sự vật từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau qua mối quan hệ gia đình và xã hội, cùng đồng hành, cùng gánh vác, cùng sẻ chia và cùng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Thế nên, ngoài việc biết ơn và đền ơn đối với ông bà cha mẹ, thầy tổ chúng ta còn phải nhớ ơn quốc gia xã hội, các chiến sĩ đã hy sinh để giữ gìn an ninh bờ cõi, hay những người đã giúp đỡ mình, vì họ đã góp một phần xây nên căn nhà hạnh phúc cho chúng ta. 

 

Thói quen của con người là chấp ngã, thấy mình là thiệt ta, là của ta nên dính mắc vào thân này mà muốn chiếm hữu kẻ khác, từ đó tham lam tranh đấu giành giựt và cuối cùng dẫn đến giết hại lẫn nhau, bởi quyền lợi của mình, gia đình mình, đất nước mình. Các nước văn minh khoa học tiên tiến hay tìm cách rút ruột của các nước chậm phát triển, rồi bảo vệ quyền lợi đất nước mình là trên hết mà đôi khi xâm lược nước khác. Là một người công dân ta có quyền gìn giữ giang sơn đất nước và lúc nào cũng nhớ ơn những người chiến sĩ, lãnh đạo chính quyền các cấp, vì họ góp một phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

Chính vì vậy, khi đang sống trong hòa bình, chúng ta hãy nhớ ơn tới các chiến sĩ đang xả thân, gìn giữ biên cương bờ cõi và bảo vệ an toàn cho sự sống của chúng ta. Biết ơn và đền ơn là nguyên lý sống của một con người, dù là một ơn nhỏ nếu ai đã giúp ta, ta vẫn phải trân trọng ghi nhớ để có dịp đền ơn. Cách thức đền ơn tốt nhất là ta phải sống như thế nào để không làm tổn hại đến người vật, sống được như vậy ta là người biết ơn và đền ơn, là người tốt trong hiện tại và mai sau.

 

Muốn cho xã hội được phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài thì con người cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp cho con người biết cách phát triển xã hội theo nhu cầu cần thiết, đạo đức giúp cho con người sống yêu thương hơn bằng trái tim hiểu biết. Thiếu tri thức thì con người ta không thể phát triển nền văn minh tiến bộ khoa học hiện đại, có tri thức mà không có đạo đức thì ta sẽ dễ dàng bị tha hóa, tiêu cực, làm tổn hại đến nhiều người.

 

7- Khi có quyền cao chức trọng trong xã hội, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới tất cả chúng sinh, nhờ có sự hổ trợ liên quan mật thiết của họ mà ta mới có được địa vị ngày hôm nay.

 

Khi có quyền cao chức trọng thì ăn trên ngồi trước bắt người khác phải cung phụng cho mình đầy đủ những nhu cầu cần thiết. Con người là một sinh vật có hiểu biết cao nhờ biết suy nghĩ và nghiệm xét, con người là vật tối linh trong các loài sinh vật.

 

Và có một điều nữa mà ai khi đã đạt được đỉnh cao của danh vọng, có quyền cao chức trọng ta phải nhớ nghĩ đến tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc màu da, vì họ đã góp một phần cho ta có được quyền thế địa vị trong ngày hôm nay. 

 

Loài người là một chúng sinh cao cấp nhờ có nhận thức, suy nghĩ, biết phân biệt phải quấy, tốt xấu, đúng sai để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay trong cõi đời này. Con người thường tham muốn quá độ nên đã dùng đủ mọi hình thức để mưu cầu lợi ích về cho riêng mình. Khi có quyền cao chức trọng thì con người chẳng từ bỏ một mưu sâu kế độc nào để hại người, giết vật nhằm để củng cố quyền lực của mình.

 

Con người là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, bất hạnh hay khổ đau là do chính mình tạo ra, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Chúng ta hãy vì tình thương yêu nhân loại mà cùng chia sẻ giúp đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống, con người hơn hẳn các loài khác là có sự hiểu biết, nên dễ dàng thông cảm và tha thứ cho nhau.

 

Một con người sống có đạo đức, nhân cách, được mọi người tôn quý và kính trọng chưa hẳn người đó xuất thân từ một gia đình có uy quyền, thế lực hay giai cấp quý tộc; cũng không hẳn là người có nhiều học vị, bằng cấp hoặc người có nhiều tiền của. Nếu người đó đạt được những tiêu chuẩn trên mà lại không có giới hạnh, đạo đức, sống thiếu tình thương, tình người trong cuộc sống thì cũng không có giá trị gì.

 

Do đó, khi có địa vị quyền thế trong xã hội, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới tất cả chúng sinh, nhờ có sự hổ trợ liên quan mật thiết của họ mà ta mới có được địa vị ngày hôm nay. Câu này luôn nhắc nhỡ chúng ta biết kính trên nhường dưới, dù ở địa vị nào ta cũng phải luôn khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ người khác, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

 

8- Khi sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình, con đông cháu đầy, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

 

Kế đến, khi sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình, con đông cháu đầy, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Đây là một điểm rất quan trọng, các nước có chiến tranh loạn lạc, các nước bị thiên tai dịch bệnh, chậm phát triển và nghèo đói.

 

Trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay, xuất phát từ tình thương yêu nhân loại rất nhiều cá nhân, tổ chức đoàn thể ban ngành tôn giáo đã thu nhận trẻ em mồ côi, đang sống lang thang được chuyển về mái ấm tình thương để giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh để hoàn thiện chính mình.
 

Theo thông tin bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội, hiện cả nước có khoảng gần 90000 trẻ mồ côi. Điều này đã nói lên một thực tại xã hội, do quan hệ ngoài luồn hoặc hoàn cảnh khó khăn đặc biệt mà các cha mẹ bỏ con rất nhiều. Cha mẹ li hôn, gia đình quá khó khăn, quan hệ ngoài luồn và thiếu hiểu biết là những nguyên nhân khiến trẻ mồ côi tăng trưởng quá nhanh.

 

Nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa thì việc bỏ rơi con mình là một điều mà xã hội không ai chấp nhận. Một nguyên nhân khác là nhiều bà mẹ chưa đến tuổi kết hôn đã mang thai ngoài ý muốn, hay do lối sống quá buông thả nên đã đánh mất chính mình. Một số em khi mang thai đã phải vứt bỏ đứa con của mình, bởi rất nhiều nguyên nhân do tiếng đời dị nghị.
 

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn những tấm lòng nhân ái đã cảm nhận được nỗi đau đớn đó nên đã có những hành động thiết thực giúp đỡ các em vươn lên, trở thành công dân có ích. Ngoài ra còn có những tấm lòng vàng được thể hiện qua những hành động như quyên góp sách giáo khoa, tập vở, bút viết cho các em khó khăn được đến trường học tập, hay các chương trình tài trợ học bổng cho các em học sinh nghèo.
 

Trong cuộc sống, có người giàu kẻ nghèo, ngừơi tốt kẻ xấu, người bất hạnh khổ đau và người an vui hạnh phúc. Trước mắt người luôn chịu những bất hạnh đó chính là những đứa trẻ nghèo và mồ côi cha mẹ phải đi kiếm sống bằng những nghề nghiệp thấp kém. Do đó, khi chúng ta được sống trong mái ấm gia đình, con đông cháu đầy hãy mở rộng tấm lòng để thương yêu và giúp đở những đứa trẻ tội nghiệp ấy, vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

 

Bất hạnh thay! Những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ lang thang phải sống một cuộc sống vất vả để có miếng ăn, cái mặc, chỗ ở rất là khó khăn. Chúng phải đi hết làng trên xóm dưới tới các khu phố để xin được chút thức ăn và vài đồng bạc lẽ mà sống tạm qua ngày.

 

Có khi chúng đi xin ăn gặp phải những tên ma cô hung dữ, bị chúng trấn lột, thì những đứa trẻ ấy lại càng đáng thương hơn nữa. Vì thế, chúng ta cần phải xây dựng mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đở các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp mà sau này lớn lên sống có ích cho mình và người khác.

 

Nhiều nhà hảo tâm đã lập ra một số trại mồ côi đón nhận các trẻ em ấy giúp đỡ nuôi dạy chúng có một cuộc sống tốt hơn, để chúng có cơ hội học tập và rèn luyện thành người tài đức cho mai sau.

 

Những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ lang thang khi có đuợc một mái ấm gia đình thì tất nhiên chúng sẽ rất vui vẻ và hạnh phúc, bởi vì các em không còn thấy mình cô đơn lạc loài nữa. Chúng đã được chăm sóc, được học tập, được giáo dục, được vui chơi cùng nhiều bạn bè khác. Những nhà hảo tâm ấy thật là tốt bụng khi giúp đở những đứa trẻ em cơ nhỡ như thế, mà lại không có một lời than phiền hay trách móc kêu ca gì!

 

Chúng ta cần phải tổ chức một môi trường tốt đẹp để cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ có cơ hội được học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp hơn bằng tình người trong cuộc sống.

 

9- Khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp.

 

Điều thứ 9 này rất quan trọng và cần thiết, đã làm người ai cũng phải làm sao phấn đấu cho bằng được để thể nhập Phật tính sáng suốt mà biết cách làm chủ bản thân. Thế nên, khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp.

 

Sống tốt, sống đạo đức và có nghề nghiệp chân chính, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Ngoài ra chúng ta còn phải có lòng thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người, thấy ai bị bất hạnh khổ đau thì ta tìm cách san sẻ và giúp đỡ, họ là người đáng thương hơn đáng trách.

 

Do đó, khi ta có đời sống ổn định về vật chất lẫn tinh thần, ta phải nhớ nghĩ và tìm cách động viên an ủi, những người còn đang lầm đường lạc lối, kẻ bất hạnh, họ đang sống trong biển khổ sông mê, giống như người ở trong nhà tối, ta có nhiệm vụ đem ánh sáng tới để phá si mê, tối tăm mờ mịt cho họ.

 

Con người muốn bảo tồn mạng sống và được tái sinh trong ba đường lành hoặc được giác ngộ, giải thoát viên mãn, thì phải biết kết hợp giữa thân và tâm. Chúng ta muốn thân hành động đúng đắn có lợi ích cho nhiều người thì tâm phải biết đạo diễn đi theo chiều hướng thượng mới giúp ta, biết cách làm chủ bản thân mà chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành an lạc, hạnh phúc.

 

Khi gia đình ta có chuyện mất mát đau thương, ta hết sức tha thiết chí thành, cầu khẩn van xin Phật gia hộ cho được tai qua nạn khỏi. Nếu chẳng may được như ý, thì ta cho là Phật linh thiêng, có khả năng ban phước giáng họa nên ta tiếp tục đi chùa lễ Phật, để cầu khẩn van xin những nhu cầu cần thiết khác.

 

Ta hãy nên biết rằng chính mình ăn ở hiền lành, làm nhiều việc tốt đẹp trong quá khứ và hiện tại, cho nên qua được cơn hoạn nạn hiểm nghèo, chứ không phải do cầu khẩn, van xin mà được tai qua nạn khỏi. Bằng như không được toại nguyện, ta dễ dàng sinh lòng trách móc oán hờn, phỉ báng Phật pháp không từ bi thương xót, không linh thiêng mầu nhiệm, nên từ đó ta có thể tự đánh mất chính mình mà đi theo con đường tà đạo.

 

Có nhiều người cầu khẩn van xin Phật không có kết quả, bèn đến các lăng tẩm chùa ông, chùa bà hoặc đến chỗ ông lên bà xuống, miểu ông miếu bà, để khấn vái van xin, phó thác con cái bệnh hoạn khó nuôi, xin bùa hộ mạng đeo trong người, xin phép làm ăn một vốn mười lời. Nếu những nơi đó có khả năng làm được như vậy thì coi như thế gian này làm sao có bất hạnh khổ đau, trong khi đó số người nghèo khó bệnh tật thiếu thốn khó khăn lại quá nhiều.

 

Cuộc sống của chúng ta luôn phải đối mặt với những bất hạnh khổ đau, cho nên ta hay sống trong sự lo lắng, sợ hãi. Khi gặp khó khăn hoặc bị mất mát, chúng ta thường tìm cách nương tựa vào một đấng quyền năng nào đó để cầu khẩn, van xin, mong được sự bảo bọc của đấng bề trên. Trong kinh Phật dạy ngoài tâm cầu Phật tức là ngoại đạo. Bởi vì "Phật tức tâm, tâm tức Phật", ngoài tâm không có Phật, Phật chính là tâm thanh tịnh, sáng suốt ngay nơi thân này của mỗi người.

 

Tu để chuyển hóa phiền muộn khổ đau

 

Như chúng ta đã biết, đã làm người ai cũng đều có những tâm niệm xấu ác cho nên chúng ta cần phải tu, cần phải sửa, cần phải chừa bỏ như tham lam, sân hận, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, hơn thua, cố chấp, che giấu, bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, dối trá gạt gẫm, lười biếng ăn không ngồi rồi. Chúng ta cần phải chuyển hóa từ bỏ những tâm niệm trên, như vậy mới gọi là người tu hành chân chính?

 

Thường những chướng duyên nghịch cảnh là điều lợi ích trên con đường tu đối với các vị đang hành Bồ-tát đạo, vì đó là cơ hội để Bồ-tát biết cách an nhẫn, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Ngược lại, những người chưa đủ niềm tin về nhân quả, sẽ cho đó là chướng duyên, nên đa phần đều oán trời trách đất và không kham nhẫn để vượt qua mà phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau.

 

Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.

 

Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.

 

Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn tu hành. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.

 

Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?

 

Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.

 

Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được mình sẽ an lạc, hạnh phúc.

 

Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.

 

Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị. Tại sao lại như vậy, tại vì mình không biết nhường nhịn và sẻ chia, không biết cảm thông và tha thứ cho nhau.

 

Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át? Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình chúng ta ví mình như gỗ đá và trốn tránh cuộc đời?

 

Tu là sửa, là chuyển hóa, là thay đổi, là từ bỏ, chuyển khổ đau thành an vui hạnh phúc, chuyển tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu giúp đỡ mọi người thì đó chưa phải là người tu hành chân chính.

 

Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì? Chắc chắn ai cũng nói rằng để lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gầy dựng sự nghiệp tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc sướng nên ta mặc tình gieo tạo tội lỗi!

 

Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu trong hiểu biết và biết cách hòa hợp của hai trái tim, khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.

 

Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm", nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật. Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, để đem niềm vui làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh, bằng tình người trong cuộc sống.

 

Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy. Chúng ta đã gieo nhân trước kia thì giờ đây gặt quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, kết quả tốt hay xấu khi hội đủ nhân duyên quả báo liền đến.

 

Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc nên suốt đời cứ mãi tìm kiếm để vượt qua hai điều thiếu thốn: Thứ nhất là thiếu thốn về vật chất và thứ hai là thiếu thốn về tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có khi không nhà cửa hoặc có thì với túp lều lụp sụp, thân phải khổ sở nhọc nhằn làm thuê làm mướn, đầu tắt mặt tối mà nợ nần vẫn chồng chất.

 

Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, ích kỷ, gian xảo, dối trá, ganh ghét tật đố, lường gạt, đầu trộm đuôi cướp gây ra nhiều tội lỗi làm tổn hại đến gia đình người thân và xã hội. Thế gian con người chỉ lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo lắng đến tinh thần!

 

Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội biết tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê.

 

Một người biết làm lành, tránh xa những điều xấu ác thì người ấy trở nên hiền từ và đức độ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì mọi người đều được bình yên, hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì tất cả mọi người đều sống trong an lạc, thái bình. Hết thảy mọi người đều tránh dữ làm lành, thì chúng ta sẽ sống trong thế giới đại đồng, hưởng trọn vẹn niềm vui cực lạc.

 

Tâm là "cái hiểu biết phân biệt tốt xấu, đúng sai", hay gọi là phần tinh thần. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nâu. Chúng ta không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn sờ mó rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên biết có tâm.

 

Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào bóng đèn thì thấy đèn sáng, cho điện vào quạt thì thấy quạt xoay, cho điện vào bàn ủi thì thấy nóng, cho điện vào tủ lạnh thì thể lỏng đông đặc lại v.v…. Chính vì vậy mà người ta biết là có điện. Tâm Phật chúng ta cũng lại như thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe hay biết mà không dấy niệm phân biệt tốt xấu, đúng sai v.v… nên chúng ta biết có tâm.

 

Nhưng tâm chia ra làm hai phần: Tâm chơn còn gọi là tâm thường biết rõ ràng, tâm vọng còn gọi là tâm phân biệt hư dối. Tâm chơn thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay ý thức suy nghĩ mà được, chỉ thấy nghe hay biết mà không vọng động, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Tâm vọng hư dối là hay suy nghĩ phân biệt tốt xấu, đúng sai, ta người…..

 

Chúng ta làm chủ bản thân qua suy nghĩ, lời nói rồi dẫn đến hành động chân chính bằng sự tỉnh giác trong từng phút giây, nên ta có thể cảm nhận được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

 

Người phật tử chân chính sẽ nhìn thấy tất cả mọi sự việc xãy ra, đều có thể giúp cho chúng ta đạt được bình yên, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại bằng cách buông xả mọi tâm niệm xấu ác. Nếu ai cũng sống và thấy như vậy, thì việc tu hành của mình sẽ mau chóng thành tựu, vì chúng ta thấy ai cũng là người ơn của mình, không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với ta mà thôi.

 

Khi chúng ta đã biết thế nào là tu tâm rồi, việc kế tiếp là phải cố gắng sửa đổi tâm tính của chúng ta, phải quyết chí chừa bỏ những thói hư, tật xấu, phải chiến thắng những tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, phải từ bỏ những lời nói ác độc, ganh tị, đố kỵ, phải vứt đi những hành động xấu xa tội lỗi, và sát sinh hại vật.

 

Chúng ta vì không chịu tham cứu kinh điển, học hỏi suy xét, quán chiếu lời Phật dạy, nên ta mới mắc phải những sai lầm đáng trách như vậy, vì chúng ta không có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả.

 

Phật dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Chúng ta muốn tu tâm dưỡng tánh trước tiên phải tin sâu nhân quả, hãy tự mình quán chiếu, soi sáng lại chính mình để nhìn thấy rõ những tâm niệm sai lầm mà tìm cách chuyển hóa thay đổi theo thời gian, bởi vì, ”giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

 

Kế đến chúng ta từng bước dẹp bỏ tâm xấu xa độc ác, phát triển tâm từ bi trí tuệ. Tu là điều kiện tất yếu không chỉ dành riêng cho phật tử mà tất cả mọi người muốn hết khổ được vui đều phải tu, không ai có thể ban phước giáng họa cho ta.
 

Tấm bản đồ cho sự thành công

 

Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình được bắt đầu bằng một tấm bản đồ. Mỗi người sẽ có một tấm bản đồ của riêng mình để giúp chúng ta có thể đi một mình hoặc đi cùng với nhiều người khác. Chắc chắn trên con đường chúng ta đang đi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gian nan và trắc trở. Chúng ta mỗi người phải học cách đứng lên, nếu trong suốt cuộc hành trình bị vấp ngã và sự phản kháng của nhiều thế lực, ta phải làm chủ bản thân để vươn lên thành tựu sự nghiệp.

 

Sự thành công của nhiều người là kết quả của cả một quá trình rèn luyện gian khổ, kiên trì, bền bỉ, nhờ sức mạnh ý chí mà ai cũng phải cố gắng duy trì luyện tập để có được sự chịu đựng mọi gian nan thử thách. Chúng ta sẽ phải rèn luyện để vượt qua sự lười biếng và thái độ ỷ lại dựa dẫm vào người khác. Chúng ta hãy sống như một đứa trẻ, luôn tò mò tìm tòi, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống quanh ta hằng ngày. 

 

Sợ thất bại, mong được thành công, sợ dốt nát nghèo hèn, nếu chúng ta không đủ niềm tin, không tin sâu nhân quả ta sẽ không bao giờ trốn thoát khỏi bất an, lo lắng và sợ hãi. Chính vì vậy, chúng ta phải học cách đối mặt với nó để nhận diện được sự thật của cuộc đời. Nhờ vậy ta vững lòng tin hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, và biết mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

 

Từ khi xã hội loài người được phát triển và tiến bộ theo thời gian nhờ biết phát huy cao vai trò dân chủ, ai cũng muốn mình nhanh chóng thành đạt, có địa vị cao, được nhiều người trọng vọng và ngưỡng mộ tài năng của mình. Trong sự thành đạt may mắn chỉ là một yếu tố nhỏ, sự thành đạt của một con người bởi sự cố gắng và nỗ lực siêng năng tinh cần từ chính bản thân họ.

 

Thời gian làm việc từ người lãnh đạo tối cao cho đến người dân bần cùng đều có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày như nhau. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta biết cách sử dụng thời gian như thế nào cho hợp lý. Có người dùng nó chỉ để ngủ nghỉ vui chơi cả ngày hoặc chỉ ngồi lê đôi mách hay tán gẫu chuyện đời phải quấy, đúng sai. Đối với những người này cuộc sống của họ hầu như không có sự đóng góp, họ chỉ sống lơ là qua ngày tháng chứ không có sự cầu tiến. 

 

Tuy nhiên cũng với ngần ấy thời gian, nhiều người lại biết sử dụng một cách có lô gích và nhiệt tình hăng hái không nề hà sự gian nan, khó khổ để đạt được ước mơ và mục đích của mình. Họ chính là những người dễ dàng, nhanh chóng đạt được thành công như ý muốn. Chính vì vậy, làm việc có kế hoạch và kiên trì bền chí chịu khó, chịu khổ chính là bí quyết mau dẫn đến thành đạt.

 

Phật dạy thiền trong đời sống hàng ngày
 

Thế Tôn là bậc đại y vương, là vua của các thầy thuốc, ngài tuỳ theo bệnh mà cho thuốc, phương thuốc của Ngài rất nhiệm màu, đơn giản và hết sức thực tế. Nỗi khổ, niềm đau về sự yêu thương xa lìa khổ, mất mát, đau thương, buồn tủi, khiến cho thân tâm chúng ta mê muội, bằng mọi giá ta quyết giành lại sự sống, nhưng sự sinh ly, tử biệt là lẽ đương nhiên; hạt cải vốn là như vậy chứ không có tác dụng gì để đổi chết thành sống.

 

Nhờ đi tìm hạt cải đã giúp cho người con gái nhận ra đạo lý vô thường của sự sống, cái chết có thể đến với tất cả mọi người bất cứ lúc nào, và không loại trừ một ai.

 

Sống trên cõi đời này, ai sáng suốt nhận ra được điều ấy gọi là giác ngộ, là thấy rõ sự thật của kiếp người. Sự mất mát, đau thương là lẽ đương nhiên, không có gì làm cho ta phải quá buồn khổ và đau lòng.
 

Con đường đi tìm hạt cải của người con gái ấy là một quá trình thiền quán về sự vô thường, bởi vô thường nên từ con người cho đến vạn vật đều biến thiên, thay đổi theo thời gian, không có gì là cố định cả.

 

Chính nhờ nguyên lý vô thường, con người mới thay đổi và tiến bộ được; vì sự sống muôn màu, muôn vẻ, con người cần có ý chí mãnh liệt mới có thể vượt qua được cạm bẫy cuộc đời.

 

Do bị vô minh, mê muội che lấp, chúng ta chưa nhận chân được vô thường là gì, từ đó tham ái phát sinh, và khổ đau bắt đầu có mặt. Khi ta biết rõ thế gian này là vô thường, mình sẽ có cái nhìn sáng suốt và chín chắn hơn, mình không bi quan yếm thế, không chán nản, không thất vọng, để làm mình và người khổ đau.

 

Chúng ta phải tự tin hơn nữa để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời bằng sự ý thức làm lành, lánh dữ.Nhờ thấu suốt được nguyên lý vô thường của vạn vật, chúng ta sẽ an nhiên, bất động trước mọi hoàn cảnh với vô vàn sự đổi thay. Mỗi người phật tử chúng ta bắt chước làm theo sự chỉ dạy của đức Phật cho người con gái ấy, đi tìm hạt cải để trị tâm bệnh cho chính mình.

 

Chúng ta vẫn biết, hạt cải là vật vô tri không thể cải tử hoàn sinh, nhưng Như Lai Thế Tôn đã chỉ dạy cho người con gái ấy một pháp Thiền Hạt Cải, để rồi cuối cùng nàng nhận ra nguyên lý vô thường của kiếp người.

 

Ngày nay, người phật tử chân chính có cơ hội học tập và hành trì pháp Thiền Hạt Cải ấy. Tuy hạt cải không có giá trị cứu sống đứa bé, nhưng nó đã tác động đến tâm tư của người mẹ, giúp nàng nhận ra phép lạ của sự tỉnh thức về nỗi mất mát đau lòng đang diễn ra trong từng phút giây. Người con gái ấy đã thấy rõ, hạt cải chỉ là hạt cải, đứa bé chỉ là đứa bé, có duyên thì được sinh ra làm con, hết duyên thì trả về nguyên thuỷ của nó. Chết là một sự thật hiển nhiên không ai có thể chối cãi được.

 

Sự đến đi của một con người là do nghiệp lực thúc đẩy và chi phối, khi ta làm điều tốt lành thì được hưởng quả an vui, hạnh phúc, làm điều xấu ác thì phải chịu sa đoạ, khổ đau. Nó đến và đi là tuỳ theo duyên ngắn hay dài, chậm hay mau mà thôi. Do người con gái ấy lầm chấp mình là ta, rồi dẫn đến bám víu vào sở hữu của ta, là con ta, tài sản của ta, nên nàng mới phải khổ đau đến cùng tột như vậy.

 

Khổ đau lúc nào cũng có mặt, chỉ vì chúng ta là người phàm mắt thịt, nên không nhìn thấy hết nguyên nhân sâu xa của nó mà thôi. Do tham ái, luyến tiếc, bám víu, cho rằng cái gì cũng là thật có, từ đó chúng ta sinh tâm chấp giữ, bảo thủ, bám víu vào đó, khi được thì càng thêm tham, tham không được thì đau lòng, khốn khổ mà sinh ra hận thù, oán giận.

 

Mất mát, xa lìa là lẽ đương nhiên trong cuộc đời, vậy mà có người dám nói rằng, thà chịu khổ chớ không chịu lỗ. Sống một mình, vui vẻ, hạnh phúc không chịu, phải đi tìm người bạn đời để tâm sự, sẻ chia, cuối cùng đường ai nấy đi, dù có thương yêu cách mấy cũng không thể giúp được nhau trong giờ lúc sinh ly, tử biệt.

 

Bởi do chấp trước và bám víu vào thân này, nên chúng ta luôn sống trong đau khổ lầm mê, để rồi oán trời, trách đất sao quá bất công đối với con người. Người đời thì luôn tham muốn vô cùng tận, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn khổ, hận thù, tìm cách trả đũa. Trên thế gian, cái gì có được rồi cũng sẽ mất, không có cái gì bền chắc, lâu dài mãi mãi, thương yêu mà xa lìa là một nỗi khổ, niềm đau của kiếp con người.

 

Tình thương là người bạn tốt của mọi người
 

Trong mối tương quan cuộc sống người bạn tốt nhất của chúng ta, có thể một ngày nào đó trở thành kẻ thù quay lại tìm cách hãm hại ta vì quyền lợi của chính họ. Bởi vì khi ta giàu có và thành đạt thì nhiều bạn bè đến tán thán, chúc tụng mong được giúp đỡ nhằm kiếm chút công danh sự nghiệp. Nhưng khi ta hết thời lỡ vận sự nghiệp mất hết, danh vọng tiêu tan thì lúc này quả xấu đến, chỉ mình ta gánh chịu. Cuộc sống này nếu không có tình yêu thương chân thật, thì con người sẽ tàn phá hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và làm tổn thương nặng nề đến muôn loài vật.

 

Cha mẹ lúc nào cũng thương yêu nuôi dưỡng, lo lắng bảo vệ con cái để mong rằng con mình sau này giàu có, thành đạt với tình yêu thương chân thật, tuy nhiên chúng có thể phủi sạch ơn nghĩa đó vì sự tham lam và ích kỷ. Chính vì vậy mà cha giết con, vợ giết chồng, anh em giết hại lẫn nhau vì tranh chấp tài sản từ những quyền lợi riêng tư của cá nhân mình. Con người càng ngày xa dần nếp sống đạo đức tâm linh cũng chỉ vì không tin sâu nhân quả, dẫn đến không có sự cảm thông với nhau mà đánh mất chính mình.

 

Gia đình người thân là những người gần gũi thương yêu nhất của chúng ta, những người này ta có thể gửi gắm hết công danh sự nghiệp để giữ gìn hạnh phúc, nhưng họ có thể trở thành kẻ phản bội, và đánh mất đi phẩm chất cao quý vì quyền lợi riêng tư bởi lòng tham lam và ích kỷ.

 

Tiền bạc là vật vô tri do con người tạo ra bằng mồ hôi và sức lực của chính mình mà có được, nhưng rồi nó sẽ mất đi khi ta không biết cách làm chủ trong tiêu xài. Nó sẽ làm cho ta khốn đốn, khổ đau đúng vào lúc ta rất cần đến nó. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc, bởi do lòng tham muốn quá đáng dẫn đến ta hành động trong mê muội.

 

Khi ta thành đạt thì rất nhiều người đến để phủ phục dưới chân ta mà tìm kế sống, nhưng khi ta sa cơ thất thế chính họ là kẻ sẽ dìm ta vào chỗ chết. Tuy nhiên chúng ta vẫn có một người bạn thân thiết nhất, người bạn đó không bao giờ dối trá hay tráo trở, không bao giờ vô ơn bạc nghĩa, không bao giờ bỏ ta đi, đó là con chó của ta.

 

Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, trong vinh hoa phú quý hay trong lúc bần hàn cực khổ, cũng như lúc khoẻ mạnh khi ốm đau. Dù ta có tán gia bại sản, thân bại danh liệt con chó vẫn trung thành với tình thương yêu chân thật mà nó dành cho ta như trái đất này không thể thiếu ánh sáng mặt trời. Nếu cuộc sống của chúng ta chẳng may rơi vào hoàn cảnh bi đát, mất hết gia đình người thân, không bạn bè, bị xã hội phế bỏ thì con chó trung thành vẫn đồng hành cùng ta.

 

Tiền bạc của cải, gia đình người thân, quyền cao chức trọng, sắc thân giả tạm khi đến lúc ra đi ta chỉ mang theo hai bàn tay trắng, nhưng tình thương ta dành cho đời vẫn còn đó. Chính vì vậy, thân này tuy hòa hợp giả tạm nhưng có tâm linh sáng suốt đó là Phật tính, nương nơi mắt thì thấy biết không lầm lẫn, tai mũi lẫn thân ý cũng lại như thế. Khi ta làm chủ sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì tất cả mọi thứ trên đời này đều có trong ta tình thương yêu chân thật.

 

Người đời thường chấp vào khen chê nên khổ

 

Ngày xưa, chúng tôi có quen một cô nọ là người giỏi giang, học giỏi, có bằng đại học và có nhan sắc mặn mà cũng rất dễ thương. Cô có tiền tài, danh vọng nhưng không thích lấy chồng, chỉ thích nghề gõ đầu trẻ mà thôi. 

 

Cô sống như vậy cho đến năm 28 tuổi thì bắt đầu nghe bà con cô bác hàng xóm xầm xì bàn tán với nhau: “Ôi, đồ thứ con gái hư, từng tuổi ấy mà không có ai đến rước, chắc cha mẹ cô ta ăn ở thất nhơn ác đức lắm nên bây giờ cô ta mới bị ế chồng như vậy”. Thật ra, cô ta được rất nhiều chàng trai ưa thích đến tán tỉnh, nhưng vì cô có tâm nguyện muốn xuất gia tu hành nên đã từ chối hết những lời tỏ tình đó.

 

Sau khi nghe mọi người chê bai, chỉ trích như vậy, cô tức quá mới nói: “Tôi sẽ lấy chồng liền cho mọi người coi. Tôi xinh đẹp, duyên dáng thế này mà nói tôi là cái thứ con gái hư. Để chứng minh cho mọi người thấy cha mẹ mình là người có đạo đức, cô lập gia đình rồi kế hoạch hóa không cho có con quá sớm để có thời gian rãnh rỗi mà làm nhiều việc phước thiện.

 

Có chồng đã hơn ba năm mà chưa có mụn con nào, bà con hàng xóm bắt đầu bàn tán xì xào: “Đúng là cây độc không trái, gái độc không con”. Ý họ nói cô ta không sinh con được, mà người đời nói phụ nữ ác độc nên không thể sinh con.

 

Khi nghe mọi người nói vậy cô tức quá liền bỏ kế hoạch hóa gia đình và bốn năm sau cô sinh được bốn đứa con. Lúc này cô phải đầu tắt mặt tối, vừa đi dạy, vừa chăm lo cho bốn đứa con nên nhan sắc tàn phai, mặt mày xuống cấp, trông cô chẳng khác một bà già đã U50. Vì chạy theo lời khen tiếng chê mà hôm nay cô phải chịu khổ đủ điều, nhưng như vậy đâu đã xong xuôi và êm thắm mọi việc.

 

Chồng cô bây giờ lại sinh tật bồ nhí, vợ lớn vợ bé nên lại có chuyện để hàng xóm xôn xao: “Sao chị ngu quá vậy, chị để cho nó lấy chồng mình công khai, phải cạo cái đầu khô của nó ra mới được, tụi tui sẽ phụ cho”. 

Lúc bấy giờ cô mới nói: “Thôi, ổng có vợ bé thì mặc kệ ổng. Tôi vui vẻ, hạnh phúc sống khi thấy các con đều thành đạt là đủ rồi”.

 

Thật may, cô vì biết đủ nên sống an ổn, nhẹ nhàng, giữ vững được hạnh phúc gia đình cho đến ngày nay đã gần 60 tuổi, con cái giờ đây đều khôn lớn trưởng thành, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Chồng cô qua đời trong cơn bạo bệnh nên bây giờ cô không còn bận bịu vì ai nữa, lúc này mọi người lại đến nói ra nói vào như sau: “Thật tội nghiệp cho chị quá, sao chị ở vậy có một mình, chị hổng thấy buồn hay sao?” 

 

Chuyện đời là thế đó, quý vị có thấy không? Chỉ vì lời khen tiếng chê mà cô bạn của tôi đã bị quay như chong chóng suốt gần 30 năm, nhưng những lời đó có giá trị thật sự hay không. Vậy mà khi nghe ai khen “sao dạo này nhìn chị trắng trẻo, đẹp ra nhiều” dù ta đang đen, lùn, xấu thì mình cũng mừng quýnh mà tin đó là sự thật.

 

Một lời khen đúng sẽ giúp ta thăng hoa đạo đức tâm linh, một lời khen sai chỉ làm hại ta rơi vào hố sâu tội lỗi. Do đó, ta không nên khen ai khi thấy họ làm sai. Một người nào đó uống rượu như hũ hèm, ngày nào anh ta cũng uống mà chẳng bao giờ thấy say, gặp người như vậy ta không nên khen vì sự tác hại của rượu rất ghê gớm.

 

Mỗi khi không làm chủ bản thân họ có thể hành hạ, đánh đập vợ con, hiếp dâm, giết người bừa bãi. Ta cũng không nên chê bai khi thấy người khác làm việc thiện lành, tốt đẹp, bởi chê như vậy vô tình ta làm hại người đó và làm tổn phước cho bản thân. 

 

Đứng về phương diện thế gian, một tiếng khen nhẹ nhàng, đúng lúc cũng như một liều thuốc bổ giúp ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng, làm ta cảm thấy hài lòng, mát dạ. Nhưng nếu lời khen đó không đúng sự thật, chỉ là lời của kẻ nịnh bợ hay gian dối, phĩnh gạt sẽ làm cho ta sinh tâm cống cao ngã mạn mà chuốc lấy khổ đau vì dễ dàng bị người lợi dụng làm chuyện xấu.

 

Ta không nên khen để lấy lòng cấp trên, khen để người ta đam mê dính mắc, khen để được lòng mọi người để rồi ác tâm mưu hại hoặc lường gạt của nhau. Khi thấy ai làm một việc ích lợi cho nhiều người thì ta hãy nên thành thật khen tặng, để người đó càng ngày càng làm tốt hơn trong việc chia vui sớt khổ.

 

Khi ta bị người đời khinh thường, coi rẻ, chê bai thì ta đã biết trước kia mình gieo nghiệp ác quá nhiều, thay vì bị đọa địa ngục để trả quả khổ đau, nay đời này ta bị khinh chê nhiều nên tội nghiệp đời trước lần hồi được tiêu diệt theo thời gian.

 

Khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ kích thích cho người đó thêm sự cố gắng mà làm tốt hơn. Trái lại, việc khen chê không đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ làm người đó tự ái mà có thể làm hại lại chính ta. Là người phật tử chân chính ta phải sống có ý thức trong việc khen chê, phải làm sao cho phù hợp lòng người.

 

Thường những người quản lý, các nhà lãnh đạo giỏi, các nhà giáo dục tâm linh thường sử dụng lời khen chê như một công cụ giao tiếp chủ đạo nhằm kích thích đối phương càng cố gắng phục vụ tốt hơn. Lời khen đúng như rót mật vào lòng nên ai không ham, không thích, không khoái sao được. Nó là liều thuốc bổ giúp con người hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

 

Tuy nhiên, cũng không thiếu những người quản lý, các nhà lãnh đạo có tiếng tăm khi tiếp xúc với kẻ dưới quyền họ chỉ phê phán, chê bai nhiều hơn khen ngợi. Họ ít quan tâm lắng nghe sự chia sẻ của người khác, do đó dễ đụng chạm tự ái mà sinh ra phiền muộn, khổ đau. Khen và chê là hai cặp thăng trầm trong việc đối nhân xử thế.

 

Ai cũng cảm thấy hãnh diện khi được khen và cảm thấy buồn phiền khi bị chê. Những người hay khuyên nhủ, nhắc nhở ta, hay chê trách ta đúng sự thật thì đó là thầy ta. Ta hãy nên biết ơn và cung kính học hỏi người đó. Những ai chê và khen không đúng sự thật tức là kẻ tiểu nhân, kẻ gian dối, dua nịnh, hay khen sai để lấy lòng mình thì ta nên thận trọng.

 

Tỉnh giác để làm chủ khen chê

 

Khen và chê là hai cặp đối đãi làm cho nhiều người điên đảo và si mê, vọng động. Người trí sẽ không bị lung lạc bởi tiếng khen lời chê nên hiên ngang, sừng sững như tảng đá lớn mặc tình cho mưa rơi, gió thổi vẫn không làm lay động được.

 

Như chúng ta đã biết, từ ngàn xưa đến nay không có một ai hoàn toàn bị chê, hay người trọn vẹn được khen. Nếu luận về khen chê thì quả thật trong cuộc đời này biết bao giờ ta kể cho hết, nhưng chưa có người nào hoàn toàn bị chê và cũng chưa có người nào được khen trọn vẹn.

 

Chính đức Phật mà còn bị người khác chê bai, chỉ trích, chửi mắng thì huống hồ chúng ta bây giờ chỉ là hạt cát, hạt bụi nhỏ nhoi.
 

Một hôm, trên đường đi giáo hóa Phật bị một người theo sau chửi mắng thậm tệ nhưng Người vẫn thong dong, bình tĩnh bước đi nhẹ nhàng, không nói một tiếng nào. Kẻ kia tức quá chạy lên phía trước chặn lại và nói:
 

“Này Cù Đàm, ông có điếc không?” Phật nói: “Ta không điếc.” “Nếu Ngài không điếc, tại sao nghe tôi chửi mà Ngài vẫn làm thinh?” Phật bảo: “Này anh bạn, giả sử nhà ông có tiệc tùng, ông mời bạn bè người thân tới dự và có chút quà để tặng nhưng họ không đến. Vậy quà đó thuộc về ai?” “Quà ấy vẫn thuộc về tôi chứ ai.” “Cũng vậy, ông từ sáng đến giờ cho ta quá nhiều ngôn ngữ yêu thương nhưng ta đâu có nhận. Vậy quà đó vẫn thuộc về ông.”

 

Người ta chê bai, chửi mắng Phật nhưng Ngài vẫn an nhiên, bình thản không đón nhận mà còn khởi tâm từ bi thương xót vì người kia quá vô minh, mê muội. Chúng ta tu theo Ngài cũng vậy, ta không nên để lời khen tiếng chê làm rối loạn tâm cang. Bởi người đó không dám chấp nhận người khác có tài đức hơn mình nên mới tìm cách chê bai, lăng nhục Phật như thế. Khi nghe Phật nói như vậy ông ta liền thức tỉnh mà nhận ra lỗi lầm của mình do tâm ganh ghét tật đố, từ đó ông phát tâm quy y đầu Phật. 

 

Người chê ta mà chê phải chính là thầy ta, người chê ta mà chê sai là vì ganh ghét, tật đố vì thấy ta hơn họ. Người khen ta mà khen phải là bạn ta, nhưng kẻ khen theo kiểu vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta. Ở đời có hai sự khen chê, một là khen chê bằng tấm lòng chân thật để giúp ta làm tốt hơn hoặc để ta biết sai mà sửa sai; hai là khen chê bằng sự ganh ghét, tật đố khi thấy ta thua người hay vì quyền lợi riêng tư.

 

Miệng lưỡi thế gian lúc nào cũng có hai mặt phải và trái, đúng và sai, ta cần phải nhận biết lời chê tiếng khen của mọi người thật hay giả để biết ai là bạn, ai là thù. Từ vua chúa cho đến thứ dân bần cùng thật khó một ai tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong lời nói.

 

Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người chê ta mà chê sai là kẻ muốn hại ta. Người khen ta mà khen đúng là bạn ta, người khen ta bằng cách tâng bốc, nịnh hót là kẻ vì lợi ích riêng tư, đa số là kẻ dưới quyền. Mỗi khi ta phạm sai lầm thì ta không dễ gì nhận ra.

 

Người chỉ ra cái sai của ta tức là giúp ta thấy được cái sai của mình thì hiển nhiên họ là thiện hữu tri thức có hiểu biết hơn ta. Người đó xứng đáng là bậc thầy của ta về trí tuệ. Hơn nữa, họ dám chỉ cho ta nhận ra cái sai của mình để ta có hướng khắc phục, sửa đổi nên đó chính là người có tâm từ rộng lớn muốn giúp ta thăng tiến trên con đường tu học. Ta hãy tôn xưng người ấy làm thầy để có điều kiện được gần gũi học hỏi và tu hành. 

 

Người khen ta mà khen phải là người tốt không có tâm đố kỵ, hiềm khích trước những cái tốt, cái hay của người khác. Họ khen ngợi ta để cùng chung vui, chia ngọt xẻ bùi. Đó chính là người bạn tốt, ta hãy nên kết làm bạn tri kỷ.

 

Trong cuộc đời mình nếu ta có được nhiều người thầy, người bạn như thế thì ta quá ư là diễm phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai khen hay chê mình thì đều là thầy, là bạn của ta. Để nhận ra đâu là người bạn đích thực biết khen ta đúng lúc, đúng việc chứ không gian dối, nịnh bợ thật không dễ tí nào.

 

Trước hết, kẻ gian dối, nịnh bợ khen ta là xuất phát từ lòng vị kỷ, vì mục đích mưu cầu lợi ích riêng tư. Những kẻ đó luôn lấy việc vuốt ve, nịnh bợ để tiến thân khiến cho người được khen ngày càng tự đánh mất mình, xa rời lẽ phải mà rơi vào chỗ khốn cùng. Thật đáng tiếc thay, thời đại nào cũng có vô số những kẻ như thế.

 

Sử sách đã ghi lại không biết bao nhiêu bậc vua chúa vì những lời ngon tiếng ngọt mà dẫn đến người tôi trung bị hãm hại, dân tình sống điêu linh khổ sở vì nạn bóc lột thậm tệ của kẻ quan quyền. Lời dạy của người xưa luôn giúp chúng ta biết phải sáng suốt để nhận ra đâu là bạn, đâu là thù. Ai khen ta thật lòng thì ta càng cám ơn họ và càng cố gắng làm tốt hơn nữa những việc làm có lợi ích cho xã hội.

 

Ngày nay, nền kinh tế thị trường mở cửa nên có nhiều người vì muốn được danh thơm tiếng tốt, tiền bạc dồi dào mà bằng nhiều cách thường vuốt ve, nịnh bợ cấp trên nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng mình nên dễ làm tổn hại, thất thoát của chung. Chúng ta muốn mọi người giúp ta, chỉ lỗi cho ta, chê ta thật lòng thì mình phải biết coi trọng những người đó như ân nhân của mình.

 

Cũng vậy, đối với gia đình người thân, bạn bè, anh em, ta phải sống với nhau chân tình, thành thật, dám chỉ ra những khuyết điểm của nhau để ta và người cùng sửa sai mà hoàn thiện chính mình. Nói tóm lại, người khen ta mà khen đúng, người chê ta mà chê đúng thì ta hãy nên nhận những người này là thầy bạn tốt của ta. Ngược lại, người khen ta mà khen sai, người chê ta mà chê sai thì ta hãy nên thương họ nhiều hơn vì họ quá vô minh, mê muội nên mới có thái độ và hành động không tốt như thế. 

 

Thế cho nên, khi được khen ta cũng chớ vội mừng và khi bị chê ta cũng chớ vội buồn. Nếu ta vội mừng hay buồn như vậy thì tâm mình rất dễ bị dao động, khi bị dao động ta sẽ bất an, khi bị bất an ta sẽ bị hai ngọn gió khen-chê thổi bay mất, mà người tu cần phải “Tám gió thổi chẳng động” thì sự tu mới có kết quả tốt đẹp.

 

Biết điều hòa trong cuộc sống

 

Chúng ta cần có tấm lòng rộng mở, quý trọng yêu thương gìn giữ cuộc sống và biết cách thưởng thức cuộc sống, khi nhìn lên chẳng bằng ai, ngó xuống thấy mình còn quá nhiều diễm phúc, biết đủ và bằng lòng với hiện tại thì hạnh phúc tràn đầy.

 

Sống tốt với mọi người, biết chia sẻ và giúp đỡ khi cần thiết, đó cũng là niềm vui. Con người sống giàu nghèo hay sang hèn do do phước duyên tu tạo nhiều đời, hiện tại ta chỉ biết tận tâm, tận lực vì công việc là coi như đã có chút phần cống hiến, như vậy ta có thể yên lòng mà cố gắng làm việc nghĩa nhiều hơn.

 

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình người thân, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu cho nên chúng ta quay lại chính mình mà sống ngay trong giờ phút hiện tại.
 

Chúng ta đừng để bản thân mình cứ suốt ngày miệt mài theo đuổi mục tiêu này, đam mê nọ mà hãy dành cho ta thời gian để quay lại chính mình.

 

Đôi khi chúng ta cũng phải tự khen ngợi, động viên an ủi chính mình đễ vượt qua những khó khăn. Có được như thế chúng ta mới vững tin hơn để tiếp tục cuộc hành trình mà mình đã đi và đang đi. Dù cuộc sống có bộn bề công việc, biết bao lo toan nhưng ta vẫn dành cho mình những giây phút quay trở về thực tại với bản thân mình, ta sẽ thấy cuộc sống đáng trân trọng và có ý nghĩa làm sao đâu! Nhờ vậy ta sẽ biết cách sống tốt hơn để làm hành trang cho cuộc hành trình làm mới lại chính mình.

 

Sống là phải hoạt động, làm việc để tập thói quen đóng góp chia sẻ, nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá đạm bạc thì không đủ sức khoẻ để phục vụ tha nhân, quá nhiều thịt cá thì giảm đi rất nhiều lòng từ bi. Quá nhàn rỗi thì dễ sinh buồn chán, quá ồn ào thì cảm thấy mệt mỏi, khó chịu....

 

Nói chung tất cả mọi thứ đều có chừng mực là tốt. Người thiếu hiểu biết thì đưa vào cơ thể các tạp chất độc hại như hút thuốc, uống rượu say sưa, tham ăn tham uống, vui chơi trác táng quá đáng. Người ngu dốt và nghèo thiếu chờ bệnh hoạn ốm đau mới đi khám chữa bệnh.

 

Người khôn biết phòng bệnh, biết điều hoà trong ăn ăn uống ngủ nghĩ và làm việc. Ai cũng biết hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sự bình an và tự tại trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Đây là ước mơ cao cả nhất mà con người chúng ta ai cũng mong mỏi để đạt được như ý muốn.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin