Chi tiết tin tức

Lời con muốn nói…

10:51:00 - 25/08/2015
(PGNĐ) -  (Gửi Mẹ yêu mùa Vu Lan - Ất Mùi)   Con đã tìm được điểm tựa nơi Phật - Pháp - Tăng, đó là đại phúc báo của gia đình mình thưa cha mẹ. Mùa Vu Lan này con hạnh phúc vì con còn cả cha và mẹ ! Nhưng điều con mừng nhất là cha mẹ mình, dòng họ mình đã thật sự quy kính về Tam Bảo. 

Mưa! Những cơn mưa mùa hạ như xé nát lòng con khi tiết Vu Lan về…Con lặng nhìn những chiếc lá khô rơi ướt sũng trên nền gạch dưới mái hiên chùa, đôi mắt con rưng rưng hàng lệ…Ký ức chợt ùa về bên con….Mẹ ơi! Cha ơi! Con nhớ mẹ, nhớ cha nhiều quá!
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm, dù có hoá vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất
Tiết Vu Lan đầu tiên sau hè con ra trường, mẹ dẫn con lên chùa. Đây là lần đầu tiên con biết đến Phật, đến Thầy. Ấn tượng đầu tiên còn lưu lại trong con là hình ảnh của Thầy gánh nước tưới rau dưới chiều hè oi bức. Hương lan thoang thoảng tỏa theo những làn gió đồng nội thơm ngát khắp sân chùa. Mặt nước hồ sen lóng lánh dưới nắng vàng tựa như những viên kim cương tuyệt đẹp. Thi thoảng, những chú cá tinh nghịch lại quẫy đuôi chơi trò đuổi bắt làm những búp sen khẽ lay động. Mái chùa cong cong ngả bóng xuống vườn chùa. Dáng Thầy thoăn thoắt, quẩy những gánh nước mát lạnh tưới xuống những luống rau xanh ngắt. Mẹ dẫn con tới chào Thầy rồi vào chùa lễ Phật. Con đứng lặng nhìn Thầy mà đôi mắt rưng rưnng xúc động. Mẹ ơi! Tuổi học trò trôi qua, con gắn bó với biết bao bậc Thầy khả kính nhưng có lẽ con đã tìm thấy ở nơi những người Thầy áo nâu một vẻ đẹp thanh thoát của đức tin, lòng kham nhẫn đến huyền diệu!
Mẹ ơi! Mẹ đã gieo thiện duyên cho con được biết đến Phật, đến Thầy. Bốn năm con đi học xa nhà cũng chính là khoảng thời gian mẹ tìm hiểu và nghiên cứu đạo Phật. Mặc cho những lời thị phi đồn đại, mẹ đã tìm thấy một đức tin nơi Phật, một điểm tựa nơi Pháp và một lòng kính ngưỡng tuyệt vời nơi Tăng. Con đã rất ngạc nhiên khi thấy mẹ thay đổi tất cả suy nghĩ và phong cách sống kể từ ngày mẹ theo đạo Phật. Con cũng từng đặt ra câu hỏi: “Không biết đạo Phật có gì nhiệm màu mà khiến mẹ thay đổi đến vậy ?”. Ngày xưa, mẹ rất thích mặc những bộ đồ công sở thời trang để tới trường. Sao nay mẹ giản dị quá?! Mẹ không trau chuốt nhiều hình thức như xưa. Đặc biệt, mẹ ăn chay trường theo phương pháp dưỡng sinh Osawa suốt mấy năm con đi học. Nửa buổi ở nhà, ngoài việc lo chu tất cho gia đình, mẹ dành thời gian để nghe pháp và tụng kinh, niệm Phật. Đêm khuya, một mình mẹ miệt mài bên trang giáo án. Sáng sớm khi cả nhà còn đang chìm trong giấc ngủ, mẹ đã dậy để chuẩn bị cho khóa lễ trước giờ đi dạy. Ban đầu, cả nhà thật khó chịu nhưng rồi cha con con đã dần quen với tiếng chuông, tiếng mõ của mẹ. Lặng lẽ, lặng lẽ…ngày nào mẹ cũng vậy. Có ngày mẹ không kịp ăn sáng, nhưng lúc nào con cũng thấy khuôn mặt mẹ lạc quan, không chút vội vàng, ngần ngại.

 

Ảnh mang tính chất minh họa

 

Ở tuổi ngoài 40 nơi làng quê có mấy ai hay đến chùa như mẹ. Chính vì thế mà người ta mới nghĩ mẹ khác người. Mẹ vẫn thường khuyên chị em con: “Các con ơi! Lúc nào rảnh, chịu khó nghe băng đĩa Phật giáo cho khai mở nhận thức. Sống biết đến đạo, đời sẽ bớt khổ con ạ”. Con nghe xong “Vâng’’, “dạ” nhưng có lẽ chẳng khi nào con để tâm tới. Nhiều lúc, mẹ cố ý để những cuốn sách mỏng của HT.Thích Thanh Từ xuống bàn học của con như: “ Vào chùa”, “Mê tín và chính tín”, “Mê và Giác”, “Một chữ xả”….nhưng con vẫn không chịu đọc. Cho tới một ngày khi dọn bàn làm việc của mẹ, con vô tình đọc cuốn “Lược sử Đức Phật Thích Ca”, “Đức Phật và Phật pháp” - Narada Thera, con mới bắt đầu cảm thấy hay và tìm đọc những cuốn sách kia. Sau ngày ấy, chiều nào con cũng lên chùa làm việc phúc. Con tập làm sớ, thay hoa, bao sái ban bệ, quét dọn chùa và học làm những món đồ chay theo các cô phật tử. Con tập làm những việc mẹ vẫn thường làm mỗi khi mẹ đến chùa. Buổi tối sau mỗi giờ sinh hoạt với các em thiếu nhi, con lại rủ các em lên chùa lễ Phật. Con dạy các em biết chắp tay chào Thầy, chỉ cho các em đọc theo tiếng chuông, tiếng mõ. Tuy chưa hiểu gì về đạo nhưng đứa nào cũng thích thú, tò mò. 
Ba tháng hè con bận rộn với công việc ở trung tâm, chiều dạy thêm ở nhà, tối lại phụ trách văn nghệ cho các em để chuẩn bị Trung Thu, còn thời gian con lên chùa chấp tác. Mệt lắm nhưng con thấy rất vui! Mẹ và cha vẫn phàn nàn chẳng hiểu được tại sao con thay đổi nhiều quá.  Nhờ mẹ mà cha mới đồng ý cho con lên chùa chấp tác. Nhiều người trong trong xóm cứ xì xèo khiến cha bực bội. Có lần, con đã bị cha mắng cho thậm tệ: “Cứ suốt ngày lên chùa như vậy làm sao mà lấy được chồng. Ở nhà mà dạy thêm đi chứ”. Thấy cha bực, con cũng rất buồn. Để trấn an tinh thần cho cha, con quyết định nhận dạy luôn 3 ca một ngày. Đến trưa khi mẹ cha đi nghỉ, con lén dắt xe và tranh thủ lên chùa. Con xem hoa đã có ai thay nước chưa; đèn dầu đã có ai bao bóng và thắp sáng chưa? Con vội làm và phải mau về trước giờ dạy. Hơn 1 giờ chiều các em đã tới rồi. Nếu con về muộn, các em gọi cổng, nhất định cha sẽ biết. Mẹ ơi! Ngay cả mẹ cũng không biết những việc con làm phải không mẹ? Con giấu mẹ bởi con biết mẹ không muốn con vất vả. Mẹ cũng muốn con có được những tháng ngày thật bình yên bên gia đình trước khi con đi dạy. Con đã xa nhà hơn 4 năm rồi, và con biết mẹ đã mong mỏi, đợi chờ con từng ngày. Khi ra trường, con có ý định nộp hồ sơ ở lại khoa, nhưng chính những giọt nước mắt của mẹ đã khiến con thay đổi quyết định. Lúc đầu, mẹ đồng ý cho con nộp hồ sơ, sau đó mẹ lại lặng lẽ khóc vì nhớ thương con nhiều quá. Con hơi buồn vì lúc đó hoài bão của con lớn lắm. Cả khoa chỉ được 4 người bằng giỏi, con lại được thủ khoa của ngành. Đó là thành quả mà con đã cố gắng suốt 4 năm học. Con định sẽ xin việc ở đây bởi trong Nam rất trọng dụng người tài. Chỉ cần tốt nghiệp loại giỏi là sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường chuyên của thành phố. Nghĩ đến tương lai rộng mở phía trước, con đã rất thích mẹ ạ! Nhưng mẹ đã kéo con quay lại, để con tìm về với quê hương, về với cha mẹ. Mẹ bảo con: “Không có gì quý bằng tình cảm gia đình con ạ! Gần cha mẹ, ít ra con sẽ được bao bọc. Nhà mình không nhiều nhặt nhặt gì, mẹ mong con về. Hạnh phúc nhất của cha mẹ là được nhìn thấy các con trưởng thành. Người xưa vẫn bảo:
        Con gái mà lấy chồng xa
           Một là mất giỗ, hai là mất con
Cuối cùng con quyết định về Hà Nội xin việc. Nộp hồ sơ thi tuyển viên chức, lúc đầu gặp phải những khó khăn, con đã hơi thất vọng. Con có phần trách mẹ vì mẹ đã ngăn cản bước đi của con. Thế rồi bất ngờ, con nhận được quyết định đi dạy vào giữa tháng 8, lại dạy ở trường chất lượng cao của thành phố Hà Nội. Cha mừng lắm, mẹ vui lắm. Mẹ vội gọi điện báo tin cho cô dì, chú bác… Cha đi đón ông bà đến mừng cho con. Cả nhà tíu tít, bận rộn chuẩn bị cho bữa cơm chiều thật đầm ấm. Con nhớ rất rõ hôm đó mẹ làm đến 4,5 mâm cơm để họ hàng sum họp. Con cảm nhận được niềm vui, niềm phấn khởi của tất cả mọi người thay con. Cha ngồi nhâm nhi li rượu nếp với các bác, các chú đến tối mịt; mẹ say sưa nói chuyện với các dì và cô hàng xóm. Con, em Ly, Cẩm Tú và Hải Anh thì rí rách đùa nghịch trong phòng. Lúc đó, dù đùa vui nhưng mặt đứa nào cũng buồn vì sắp phải xa con. Em Tú nũng nịu xà vào lòng con: “ Chị ơi! Chị đi làm rồi chúng em nhớ chị lắm. Bao giờ chị mới về ?’’.  Thế rồi nó òa lên khóc nức nở…
Con đi dạy. Con xa cha, xa mẹ, xa em, xa tất cả những người thân yêu. Con bước vào cuộc sống tự lập chỉ có một mình con giữa phố phường Hà Nội tấp nập, đầy huyên náo. Mỗi chiều sau giờ dạy trở về căn nhà trọ, nỗi nhớ quê lại trào dâng trong con. Con nhớ quá những tháng ngày ấu thơ con cùng bè bạn đi học, chơi đùa như trong lời hát của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

 

Lễ Vu Lan-Báo hiếu tại chùa Vọng Cung

 

Con không hiểu được cảm giác của mình lúc ấy ! Con đã thay đổi thật rồi. Có việc làm là một niềm ao ước của biết bao nhiêu bạn trẻ ra trường. Con đang có được cái may mắn ấy, sao lòng con cứ thấy buồn rười rượi. Có lẽ khoảng thời gian ít ỏi sau khi ra trường con đã gắn bó với Thầy, với mái chùa, với cây đa, bến nước nơi dòng sông Tích hiền hòa ru tuổi thơ con suốt những năm tháng ấu thơ để giờ đây khi trở lại, con không muốn xa thêm lần nữa. Giấu kín tất cả những xúc cảm đan xen lẫn lộn trong lòng, con vẫn gắng vui. Thời gian ngắn ngủi ở bên Thầy, con đã học được rất nhiều điều từ cách nói năng tới việc đi, đứng, nằm, ngồi. Thầy dạy cho con cả cách thỉnh chuông, niệm Phật. Con đã chăm chỉ học thuộc cả chú Đại Bi để mỗi lúc Thầy đi vắng, con có thể cùng các phật tử đèn hương cúng Phật. Con thấy yêu dần tiếng chuông chùa buông xuống mỗi buổi chiều tà, xế bóng. Ở chùa, tâm hồn con cảm thấy thật yên bình và thư thái. Bạn bè con ai cũng thấy con khó hiểu, khác người. Có bạn còn chọc ghẹo: “ Định ở chùa luôn hay sao vậy?”. Con chỉ cười mà không trả lời.
 Mẹ ơi! Mẹ đã nuôi dưỡng trong con những thiện duyên sơ tâm ban đầu khi con mới ra trường và Thầy đã dìu dắt con ngay từ những bước đi đầu tiên khi con biết đến đạo. Con vui lắm khi Thầy cho con bộ quần áo nâu của phật tử. Khi mặc vào ai cũng khen con giống chú tiểu. Mỗi lần Thầy đi cúng ở xa, Thầy lại cho con đi thị giả. Con nhớ nhất là những lần được đi chùa Hương cùng đoàn phật tử của Thầy. Con đã nhen nhóm ý định xuất gia ngay từ những ngày tháng ấy mẹ ơi, nhưng con đã giấu kín trong lòng vì con biết sẽ không ai ủng hộ con. Mẹ nhớ không ? Có lần con hỏi mẹ: “Con ở nhà đi tu không đi làm nữa được không mẹ?”. Mẹ dường như không tin mà chỉ cười xòa: “Cứ tìm hiểu Phật pháp đi con. Con còn quá non nớt mà cuộc đời đầy những sóng gió, cạm bẫy. Con chưa đủ nhận thức để biết được tất cả. Đi làm để giúp cha mẹ nuôi em học xong rồi lúc đó con cũng đã trưởng thành thật sự. Khi ấy, con xuất gia vẫn chưa muộn”. Mẹ ơi! Con đã khóc rất nhiều vì con không nhận được sự ủng hộ của mẹ. Còn cha thì nghiêm khắc phản đối việc con lên chùa. Nhiều lần, cha gay gắt mắng con, con đã không dám lên chùa nữa. 
Cha mẹ ơi! Con xin lỗi cha mẹ, con đi làm nhưng thật ra con chưa bao giờ từ bỏ ý định xuất gia cả. Con biết cha mẹ sẽ rất thất vọng nếu biết được suy nghĩ thực của con lúc ấy. Ngoài giờ dạy ở trường, tối đến con dạy thêm để có thể tự lo tiền thuê nhà trọ. Con cứ lặng lẽ nuôi trong mình cái ước nguyện khác người mà chỉ có người xuất gia mới hiểu. Mẹ ơi! Con đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ để đưa ra một quyết định sáng suốt cho tương lai của mình. Cứ nghĩ về cha mẹ, hai hàng nước mắt con lại chảy dài. Nhà chỉ có hai chị em gái, con đi rồi, ai sẽ là người gánh vác trách nhiệm của con? Con chưa từng trải để hiểu thấu cuộc đời nhưng con đã nhận thức  được những việc mình làm. Từ bé tới giờ, con chưa bao giờ dám trái lời cha mẹ, nhưng nay một mình con tự quyết định tương lai của mình. Cha mẹ đã vất vả nuôi con ăn học thành đạt, con lại muốn tự tìm một con đường đi cho riêng mình. Mỗi lần sang trường sang trường trung cấp Phật học chỉ cho các thầy học tiếng Anh, con lại tranh thủ hỏi về giáo lý. Ai cũng rất quý mến con và tặng con rất nhiều kinh sách, băng đĩa phật giáo. Lúc rảnh rỗi, con lấy ra đọc và nghe pháp. Buổi sáng, con lên lớp với những bộ áo dài thướt tha, buổi chiều con lại sang chùa với bộ quần áo lam đã bạc. Mỗi lần lên chùa lễ Phật, con lại phát nguyện xuất gia….Cứ như vậy cho tới một ngày con quyết định đi về phương trời ấy….
Con đi xuất gia…Cái ngày định mệnh mà mẹ cha ruột đau như cắt khi biết tin con nghỉ dạy. Con không còn ở căn nhà trọ mà mẹ vẫn gửi từng cân gạo, mớ rau, gói thuốc…xuống cho con; nơi mà cha đã đóng cho con từ chiếc dây phơi đồ, sửa cho con từ chiếc bàn học cho tới cánh cửa ra vào. Lá thư khép hờ, con gửi lại nơi phòng trọ thân yêu…Con đã lấy hết dũng cảm để viết nó. Con biết, ngày con đi tim mẹ đau lắm, cha buồn lắm. Mẹ đã khóc rất nhiều phải không mẹ? Mặc dù, mẹ là một phật tử thuần thành hiểu về đạo nhưng con biết mẹ không khỏi hụt hẫng khi con đã thật sự rời xa cha mẹ. Có lần, mẹ đã từng tâm sự với con: “Mẹ thật sự không ngờ con có thể từ bỏ hết như vậy.”. Bao năm thơ bé, mẹ đã ôm ấp con trong vòng tay của mẹ. Mẹ đã hao gầy tấm thân để lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ:
Thương con thao thức bao đêm trường, 
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn. 
 Con còn nhớ mãi hình ảnh mẹ chở con đi lấy thuốc lá trên chiếc xe cáng của cha gặp trận bão giữa mùa mưa năm ấy. Tuổi thơ con lớn lên dưới mái nhà ngói chật hẹp. Con tập lẫy, tập bò trong những chiếc thúng đựng thóc của cha. Có hôm mẹ mải làm, con bò vào cả gầm giường để nghịch. Khi con biết chạy rồi, con đuổi bắt những chú gà con của mẹ; con rủ lũ bạn thân bắc ghế ăn vụng nồi cá kho mẹ treo trên nóc bếp. Thời gian qua đi, con chập chững bước vào lớp 1, rồi lớn dần, lớn dần trở thành sinh viên nối tiếp nghề của mẹ. Nhưng đúng lúc con trưởng thành lại là lúc con quyết định xuất gia tu học. Mẹ ơi! Con biết tất cả những nỗi đau mà mẹ cha đã cùng con vượt qua. Người ta sẽ xì xào: “Tại sao con được học hành và thành đạt như vậy mà lại bỏ đi tu?”. Mẹ ơi! Cha ơi! Tất cả đều đã qua rồi phải không cha mẹ ?! Con xin lỗi đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của cha mẹ. Khi có nhân duyên được biết đến Phật, họ sẽ hiểu tất cả. Chính con cũng đã vượt qua tất cả những mặc cảm về dư luận nhưng con tin ở con đường con đã chọn. Con đi làm hồ sơ xuất gia, chuyển Đảng mấy cô chú cán bộ ai cũng ngạc nhiên, gặng hỏi: “Tại sao thầy học giỏi như vậy mà lại xuất gia ạ? Phí quá!”. Con chỉ lặng lẽ cười, trả lời họ: “Tất cả là nhân duyên”. Làm sao có thể giúp cho họ hiểu nếu họ không có đức tin nơi Phật!

 

Ảnh mang tính chất minh họa

 

Trước hôm con xuống tóc, mẹ sắp xếp để con nói chuyện với ông ngoại và Bác. Mẹ muốn con trả lời câu hỏi trước cả dòng họ: “Tại sao con lại quyết định xuất gia?” để mọi người biết được chí nguyện và con đường con đi là do con chứ không phải “tại mẹ..”, “vì mẹ…” như mọi người nghĩ. Đúng là mẹ gieo thiện duyên cho con, nhưng chính con tự bước đi khi nhân duyên đã đủ. Ông ngoại vốn là luật sư đã nghỉ hưu, còn bác lại là hiệu trưởng trường đại học nhưng con đã thuyết phục được tất cả. Lần đầu tiên con được ngồi tâm sự với ông và bác. Có chút căng thẳng về áp lực vì nếu câu trả lời con đưa ra không thuyết phục thì sẽ không ai đồng ý cho con xuất gia. Nhưng con đã thành công mẹ ạ. Cuối cùng, bác nói với con: “Thật sự…Bác quá tiếc cho cháu, bởi vì nếu ở ngoài đời cháu sẽ là một người thầy giỏi”. Sau ngày hôm ấy, cha mẹ mới chính thức cho con đi xuất gia. Con chọn thời điểm ấy bởi con nghĩ nếu con vẫn tiếp tục ở ngoài đời, con sẽ phải hoàn thành 3 năm học thạc sĩ để có thể đứng vững ở môi trường làm việc của con, tiêu tốn thêm của cha mẹ biết bao nhiêu tiền của…rồi một ngày con vẫn sẽ xuất gia. Con không muốn mẹ ơi! Không biết con có ích kỉ và tàn nhẫn quá không mẹ?
    Khi con đi, cha đã khóc. Con chưa bao giờ cảm nhận được tình cảm của cha dành cho con nhiều như vậy. Cha nói, khi xuống phòng trọ thấy thư con gửi lại, cha buồn vô cùng. Cha nghĩ thương con quá, đến ngay cả mảnh vỡ trên chiếc mũ bảo hiểm của của con, cha đau lòng cũng nhặt về để gọn, tưởng như đã mất con mãi mãi. Nỗi đau ấy sẽ vẫn còn xoáy lại khi cha nhìn thấy bè bạn của con ai cũng lập ra gia đình, rồi sinh cháu cho ông bà…Nhưng mẹ ơi, cha ơi ! Con không mất. Con vẫn mãi là con của mẹ cha ngày nào. Trước khi con đi, mẹ  đã căn dặn con nhiều điều. Mẹ chỉ mong sao con sẽ tìm được bậc minh sư giúp con đi đúng đường để tự giải thoát cho mình rồi mới có thể độ cho cha mẹ. Con mừng lắm mỗi lần cả gia đình, họ hàng xuống thăm con. Ai cũng mừng vì con vẫn khỏe. Nhất là cha đã thật sự thay đổi cách nhìn về đạo từ khi con xuất gia. Cha thích nghe những bài pháp thoại trên radio con gửi về và dần tập ăn chay cùng mẹ. Họ hàng cũng tìm về xin quy y Tam Bảo. Dù con tự bước đi, nhưng con đã tìm được người thầy từ bi thật sự, hết lòng thương yêu, dìu dắt con trên đường đạo gian khó.
Mưa ! Mưa cứ mãi rơi dưới mái hiên chùa như kí ức của con cứ chảy mãi về nguồn sông Tích. Con đường con đang đi dẫu gặp ngàn chông gai thử thách thì xin cha mẹ hãy cứ an lòng. Phải vượt qua những chướng ngại ấy thì con mới có thể trưởng thành hơn được. Con đã tìm được điểm tựa nơi Phật - Pháp - Tăng, đó là đại phúc báo của gia đình mình thưa cha mẹ. Mùa Vu Lan này con hạnh phúc vì con còn cả cha và mẹ ! Nhưng điều con mừng nhất là cha mẹ mình, dòng họ mình đã thật sự quy kính về Tam Bảo. 
Tiết Vu Lan thương công cha dưỡng dục
Mùa Báo Hiếu ngậm ngùi nhớ mẹ, nhớ tình cha.
Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng,
Ấy mùa nhân loại nhớ Vu Lan.
Buâng khuân nhớ đến ơn sinh dưỡng,
Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn….


Tâm Hà
 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin