Chi tiết tin tức

Chuyện về Hoàng đế Trần Thái Tông

11:32:00 - 17/07/2016
(PGNĐ) -  Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, ra đời trong hoàn cảnh đặt biệt, thật sự hào sảng của đất nước, khi vừa trải qua 3 lần chiến thắng quân Mông Nguyên. Sơ tổ của phái thiền mang hồn cốt phong cách dân tộc Việt này là Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, người đặt những viên gạch đầu tiên cho dòng thiền này ngoài Tuệ Trung Thượng Sỹ..., còn có Hoàng đế Trần Thái Tông (1218- 1277). Ngài đã từng bỏ Ngai vàng “vượt thành” tìm lên Yên Tử “cầu làm Phật”... Tìm hiểu về ngài, những ông Vua coi Ngai vàng như “dép rách” ta soi vào tâm mình: Tự ta thấy thật hổ thẹn.


Trần Thái Tông tên là Trần Cảnh, là con thứ của Trần Thừa, sinh năm Mậu Dần niên hiệu Kiến Gia thứ 8 (1218) triều Lý. Lên ngôi Vua mùng 10/12/Ất Dậu (1266), đổi niên hiệu là Kiến Trung. Vua có thiên tư khác thường, thánh học cao minh, lại thêm rất lưu tâm nơi Phật giáo. 

Lúc mới lên ngôi, Vua tiếp nối sửa sang mỗi ngôi thứ trong thiên hạ. Đến khi Thái hậu Thánh Từ lìa trần thì Vua ở trong thời kỳ chịu tang mẹ. Qua niện hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm, ưu tư trước thế sự và nhân tình, đêm ngày mùng ba tháng tư năm Bính Thân (1236), Vua đã cải đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo với tả hữu rằng:

“Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới thấu hiểu nỗi khó khăn của trăm họ”. Đến nửa đêm, Vua cùng một số tùy tùng rời khỏi hoàng cung vượt sông Nhị Hà, lên bờ đoàn người tiếp tục thẳng hướng đông tiến bước. 

 Lúc này, Vua mới nói thực lòng cho tả hữu biết rõ ý định đi tu của Ngài và bảo họ hãy trở về. Mọi người đều vô cùng ngạc nhiên và khóc lóc thảm thiết. Vào khoảng 6 giờ sáng hôm sau, Vua đến bến đò Đại Than ở núi Phả Lại. Trời sáng sợ người nhận ra, Vua lấy áo che mặt mà qua đò, rồi theo đường tắt lên núi. Đến tối, Vua vào nghỉ trong chùa Giác Hạnh, đợi trời sáng lại đi. 

Trèo núi hiểm, lội suối sâu, ngựa đuối sức không thể đi tiếp được nữa, Vua phải bỏ ngựa vịn vào các tảng đá mà đi. Khoảng 2 giờ trưa, Vua đến chân núi Yên Tử. Sáng hôm sau Vua lên thẳng đỉnh núi và tìm vào tham kiến Thiền sư Trúc Lâm. Trong lời tựa sách “Thiền Tông Chỉ Nam”, Ngài viết:

“Thấy trẫm, quốc sư mừng rỡ, người ung dung bảo trẫm:

“Lão tăng ở chốn sơn giã đã lâu, xương cứng thân gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay Bệ hạ bỏ địa vị là nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa núi rừng, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến phải không?”. Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng: 

“Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, bơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu làm Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác”. Thầy đáp:

“Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Tâm lặng mà biết thì đó là Phật. Nếu Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.

Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quân lên núi Yên Tử đón Vua về Kinh. Thấy Trẫm, Thái sư thống thiết nói, “Tôi nhận lời ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chủ thần dân. Lòng dân đang trông đợi Bệ hạ như con đỏ mong đợi mẹ cha. Huống chi ngày nay, các vị cố lão trong triều đều là bề tôi thân thích, sĩ thứ trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. 

Và lại, Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò bên tai còn văng vẳng, thế mà Bệ hạ lại lánh vào chốn núi rừng ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình. Tôi dám nói rằng, Bệ hạ vì sự tự tu riêng cho mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về”.

Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch với Quốc sư. Người cầm tay trẫm mà nói: “Phàm làm đấng quân vương, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không trở về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu kinh điển xin Bệ hạ đừng phút nào quên”.

Bởi vậy, trẫm cùng mọi người trong triều mới trở về kinh, miền cưỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong 10 năm trời, mỗi khi có cơ hội việc trong nước nhàn rỗi, trầm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo thiền. Các kinh điển của các giáo lý chính, không kinh nào mà trẫm không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang, một hôm đọc đến câu: “ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SINH KỲ TÂM”, buông kinh xuống chiêm nghiệm, bỗng thoát nhiên đại ngộ.

Năm 1257, giặc Mông Cổ xâm lược nước ta, Ngài đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt cả ở mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ đều nức lòng chiến đấu. Kết quả, nhân dân ta đã đánh tan quân xâm lược, giặc Mông Cổ tháo chạy về Vân Nam vào đầu năm 1258.

Lãnh đạo toàn dân chiến thắng được đội quân hùng mạnh nhất thế giới này, Ngài thật sự xứng danh là một vị Vua Anh hùng.

Sau cuộc chiến, đất nước thái bình, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con năm 1258 lên làm Thái Thượng Hoàng. Từ đây, Ngài vừa làm cố vấn cho con, vừa lo nghiên cứu tu thiền. Đến lúc Vua Trần Thánh Tông đủ sức đảm đương việc nước, Ngài lui về lập am Thái Vi ở vùng rừng núi Vũ Lâm cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và tu hành.

Qua những tác phẩm của Ngài để lại, chúng ta thấy Trần Thái Tông là vị Vua rất chăm học. Trong bài tưa kinh Kim Cang Tam Muội, ngài viết: “Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ nên thì giờ nhàn rỗi không có được bao nhiêu. Chữ nghĩa thì chưa biết được là mấy, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách, hết học sách Nho rồi còn học kinh Phật”.

Không chỉ là vị Vua hiếu học mà Trần Thái Tông còn là nhà văn xuất sắc. Những áng văn cực kỳ trác tuyệt với những ngôn từ được sử dụng đắt giá như châu ngọc thật sự là di sản văn hóa vô cùng quý báu để lại cho chúng ta. 

Về thiền học, Trần Thái Tông còn là một Thiền sư có tầm cỡ, để lại nhiều trước tác, mà quan trọng nhất là tác phẩm “Khóa hư lục”... Ngài đã đạt đến sự chứng ngộ cốt tủy của thiền, sức sống thiền của Ngài rất mãnh liệt. Ngay cả đến khi sắp lâm chung, Quốc sư Đại Đăng vào thăm và hỏi Ngài:

- Bệ hạ bệnh chăng? Ngài ung dung đáp Quốc sư:

- Tứ đại là bệnh, CÁI NÀY xưa nay sinh tử còn không quan hệ, lại dính kẹt trong bệnh hoạn sao?

Tâm thái hết sức an nhiên tự tại lúc ra đi đã minh chứng hùng hồn việc thể nhập thiền đạo sâu sắc của Ngài. Năm đó là năm Kỷ Mão, nhằm niên hiệu Thiệu Bảo (1277), Ngài hưởng thọ 60 tuổi. Vua Trần Thái Tông quả thật là vị Vua Minh Quân và cũng là người phật tử thuần thanh thâm chứng Phật đạo.

Đương thời, mặc dù quốc gia đại sự, bận trăm công ngàn việc nhưng việc thực hành Phật pháp của Ngài rất tinh chuyên đáng làm gương mẫu cho hàng hậu học chúng ta noi theo.
 

Hà Quang Đức (sưu tầm)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin