Chi tiết tin tức

Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam

20:00:00 - 10/07/2016
(PGNĐ) -  Nhu yếu vô hình và siêu hình của tâm hồn phải cần nương tựa vào một hình tượng nhất định để rồi siêu hoá và chuyển hoá tất cả những hình tượng. Chính ngay đưong thời với Ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, có đệ tử tạc tượng Ngài, nhưng chính Ngài Huệ Năng ngó tượng và mỉm cười: “Ngươi chỉ có tài nặn hình mà chẳng hiểu được tánh Phật”.

Sự thực lịch sử về việc hình thành Thiền tông được khai quật từ động Đôn Hoàng ở vùng sa mạc Tân Cương tại Trung Á.
 
Nguyên bản Pháp Bảo Đàn Kinh mà tôi dịch đây là bản mới tìm được từ động Đôn Hoàng, vùng sa mạc Tân Cương, miền Trung Á. Bản này đã được viết ra vào khoảng năm 830 và trễ nhứt là năm 860 (theo sự giảo nghiệm lối viết chữ thảo ở thời đó, do một chuyên viên danh tiếng, Giáo sư Akira Fujieda của Đại học Tokyo). Đây là bản Pháp Bảo Đàn xưa nhứt của thế giới hiện nay.

Trước đây, ở Việt Nam tôi được biết ít nhứt có ba bản dịch Việt của ba dịch giả (Hoà Thượng Thích Minh Trực, ông Đoàn Trung Còn và ông Tô Quế), nhưng cả ba bản dịch này đều dựa theo bản chữ Hán Pháp Bảo Đàn Kinh được viết vào thế kỷ thứ XIII (năm 1291), gọi là bản Tông Bảo; bản này không khác lắm với bản Đức Dị được in vào năm 1290 tại Nam Hải (Bản Đức Dị đã được du nhập vào Triều Tiên vào năm 1316 và tất cả bản Pháp Bảo Đàn Kinh bằng tiếng Triều Tiên đều xuất phát từ bản Đức Dị). Bản Pháp Bảo Đàn Kinh được thông dụng nhứt hiện nay ở Trung Hoa, Nhựt Bổn và Việt Nam chính là bản Tông Bảo được viết vào năm 1291 và được in trong Đại Tạng Kinh ở đời Minh. 
 
Ngoài những bản vừa kể, ít nhứt chúng ta được biết có gần mười bản Pháp Bảo Đàn Kinh khác nhau, ngoài bản xưa nhứt tìm lại được ở Động Đôn Hoàng, viết vào khoảng những năm 830-860 (chính là bản tôi dịch), những bản khác là bản Huệ Hân (năm 967), bản Thiều Hồi (năm 1013), bản Tồn Trung (năm 1116), bản Bắc Tống (năm 1153). Ngoài ra có hai bản đáng lưu ý và được coi đầy đủ nhứt là hai bản ở Nhựt Bổn, bản Đại Thừa Tự (Daijòji), và bản Hưng Thánh Tự (Kòshòji). Bản Đại Thừa Tự thì dựa vào bản Tồn Trung, còn bản Hưng Thánh Tự thì dựa vào bản Bắc Tống và bản Thiều Hồi. 
 
Tất cả những bản Pháp Bảo Đàn Kinh khác nhau vừa kể trên đều xuất phát từ bản duy nhứt còn tìm lại được: chính là bản Đôn Hoàng (830-860) mà tôi dịch ở đây. Bản Đôn Hoàng là bản ngắn gọn nhứt và chỉ gồm có mười ha ngàn chữ; bản Hưng Thánh Tự gồm có mười bốn ngàn chữ; còn những bản khác (bản đời Nguyên và đời Minh) gồm khoảng hai mươi mốt ngàn chữ. Bản chữ Hán tôi dịch ở đây được dựa theo bản chữ Hán đã được san định kỹ lưỡng do công phu uyên bác của Giáo sư Philip B. Yampolsky của Đại học Columbia (The Platform Sutra of the Sixth Patriarch, the Text of the Tun-Huang Manuscript with Translation, Introduction, and Notes by Philip B. Yampolsky, Columbia University Press, New York, 1967). 
 
Trong phần mở đầu của cuốn sách, giáo sư uyên bác Yampolsky đã cống hiến cho độc giả những dữ kiện lịch sử rõ rệt về sự thành hình của Thiền tông, căn cứ theo những tài liệu được khai quật từ động Đôn Hoàng; giáo sư đã chịu khó tham khảo hàng ngàn thiên khảo cứu Trung Hoa và Nhưt Bổn, cho độc giả nhìn thấy lại sự diễn biến của Thiền tông tại Trung Hoa từ những thế kỷ thứ VI, VII và VIII, và IX, giáo sư đã tham khảo tất cả những tài liệu dữ kiện liên hệ đến Thiền Tông ở những thế kỷ ấy, mà ngay rất nhiều học giả Trung Hoa và Nhựt Bổn cũng ít biết đến. Bản dịch này được dựa theo bản chữ Hán  do Giáo sư Yampolsky san nhuận thấu đáo, nhưng tôi không hẵn đồng ý với giáo sư ở nhiều điểm quan trọng, và khi dịch thì tôi dựa hẵn theo nguyên tác chữ Hán và không đồng ý với giáo sư trong vài ba chi tiết ở nguyên bản.

Giáo sư đã tự ý sửa đổi nhiều và thường lấy tiêu chuẩn nơi bản Hưng Thánh Tự. Tôi thì chỉ chú trọng giữ lại sắc thái độc đáo của nguyên bản động Đôn Hoàng, chỉ trừ ra có những điểm chép sai quá lộ liễu thì tự ý sửa lại cho đúng văn pháp. Khi dịch, tôi cũng dịch trung thành theo những thành ngữ thông tục đời Đường, chẳng hạn thành ngữ “đệ nhứt vật” (phân đoạn 13 của bản kinh) là một thành ngữ thông tục ở đời Đường có nghĩa là “không bao giờ trong bất cứ trường hợp nào” chứ không có ý nghĩa ngày nay là “vật thứ nhứt”, chẳng hạn thành ngữ “Ưng Thị” (phân đoạn 35 bản kinh) cũng là chữ thông tục đời Đường có nghĩa là “tất cả”. Còn chữ “dường” (phân đoạn 35), tôi không đồng ý với Yampolsky mà dịch là Trung Quốc (hiểu theo nghĩa đời Đường.) Tôi hiểu “đường” ở đây có nghĩa là “hành lang”, “con đường đi từ thềm ra cửa”; ý kiến này cũng đồng ý với Giáo sư Nhựt nổi tiếng về Thiền học, Ui Hakuji, tác giả bộ Zenshu shi kenkyu, cuốn II, trang 148 (Tokyo, 1939-1943). 
 
Tôi tạm đưa ra vài thí dụ vừa rồi có tánh cách kỹ thuật về phương diện khảo cứu ngôn ngữ học, nhưng có một điểm cần phải nhấn mạnh nơi đây, trong mọi trường hợp thảo luận và quyết định về những điểm dị đồng trong những bản khác nhau trong kinh điển Phật giáo, tiêu chuẩn quyết định vẫn là nội dung giáo lý căn bản. Nói một cách khác, không thể chỉ thuần tuý đứng về mặt khảo sát ngôn ngữ học mà có thể quyết định việc san nhuận kinh điển mà đồng thời phải lấy ánh sángcăn bản của giáo lý được thuyết minh trong chính kinh điển ấy để soi chiếu và giải minh những vấn đề dị biệt ở bình diện hình thức văn từ có tính cách lịch sử cục bộ giới hạn. Có nắm được căn bản giáo lý của ngài Huệ Năng thì tất cả những vấn đề nan giải về sử học và ngôn ngữ học sẽ được giải quyết một cách nghiêm chỉnh. 
 
Nói một cách khác hơn nữa, phải nhìn con người và hành trạng của ngài Huệ Năng, phải nhìn bản Pháp Bảo Đàn Kinh với cái nhìn của một thiền sư, một người đã được nuôi dưỡng trong truyền thống của Thiền Tông, thì mới thấy được những gì mà nhữg người khác, dù là học giả uyên bác nhứt, cũng không có đủ điều kiện tâm linh để nhìn thấy được. Đó là lý do tai sao tôi cảm thấy cần thiết phải dịch lại nguyên bản xưa nhứt của Pháp Bảo Đàn Kinh và nhứt là giới thiệu cho dân tộc Việt Nam một nền đạo lý chính thống đã nuôi dưỡng dân tộc ta suốt từ mười mấy thế kỷ nay. Không có ngài Huệ Năng thì chẳng bao giờ có đời Lý và đời Trần, hai triều đại quyết định tất cả tinh tuý hồn tính của Việt Nam. 
 
Chẳng những ở Việt Nam mà thôi, nếu không có Ngài Huệ Năng thì chẳng bao giờ có cái gọi là Đạo Thiền, Thiền tông Trung Hoa và Triều Tiên, Zen của Nhựt Bổn và tất cả những gì người ta nói đến Thiền hiện nay ở Tây phương; Thiền đã ảnh hưởng thế nào đến học thuật văn hoá Tây phương ở thế kỷ XX thì mọi người đều biết; Thiền đã tác động đến cả một nền văn chương Hoa Kỳ ở hạ bán thế kỷ XX này (không kể văn hào Henry Miller đã đi trước trong việc lãnh hội Thiền từ những năm 1932-1934, mà chỉ cần kể những tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới của thế hệ văn, thi sĩ Hoa Kỳ như J. D. Salinger, William Burroughs, Jack Kerouac Allen Ginsberg và nhứt là đại thi sĩ Gary Snyder, người mở đầu khai thị Thiền tông cho cả một thế hệ và nhiều thế hệ văn, thi sĩ Hoa Kỳ. 
 
Vừa mới đây Gary Snyder có đến thăm phật tử và gặp tôi tại chùa Việt Nam, Los Angeles, nhân đến nói chuyện với giới trí thức Mỹ tại Đại Học UCLA. Thiền tông đã ảnh hưởng toàn bộ đến văn hoá, học thuật Tây phương ở thế kỷ XX, và người đã thực sự sáng tạo ra Thiền tông lại chính là Huệ Năng chứ không phải Bồ Đề Đạt Ma; ngài Bồ Đề Đạt Ma chỉ là người được truyền thống Thiền chọn lựa đứng tên danh dự mà thôi để linh động hoá tinh thần tạ ơn đối với Ấn Độ, quê hương tâm linh của Phật giáo nhân loại. Một người độc thân duy nhất đã thay đổi toàn triệt truyền thống Phật giáo Trung Hoa, Triều Tiên và Nhựt Bổn và ảnh hưởng toàn diện đến văn hoá học thuật Á Đông và hiện nay của cả thế giới, người ấy là Huệ Năng, và HUỆ NĂNG LÀ NGƯỜI VIỆT NAM mà chính toàn dân Việt Nam lại không hề biết đến, và ngay cả truyền thống Phật giáo Việt Nam lại bỏ quên Ngài và coi Ngài như bao nhiêu vị sư tổ Trung Hoa khác. 
 
Những nhà học giả Tàu rất hãnh diện về Ngài Huệ Năng và cho rằng ít nhứt Ngài ngang hàng với Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử và Mạnh Tử, chẳng hạn như Giáo sư John C. H. Wu, Viện trưởng Viện Đại Học Văn Hoá Trung Hoa ở Đài Loan, hãnh diện quả quyết như vầy: “Huệ Năng nhất định là một trong những thiên tài cao lớn nhứt, vĩ đại nhứt mà đất Tàu đã sinh sản ra. Huệ Năng đứng chung ngang hàng với Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử và Trang Tử.” (Hui Nang is assuredly one of the superlative geniuses that China had ever produced. He blongs to the company of Lao Tsu, Confucius, Mencius and Chuang Tzu –xin đọc John W.C.H. Wu, The Golden Age of Zen, trang 56. Nxb United Publishing Center, Đài Loan, 1975). 
 
Lần lượt sau đây, chúng ta sẽ thấy rằng Huệ Năng là người Việt Nam và điều này đã được chứng minh dứt khoát rõ ràng trong tất cả những bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn Kinh, dù cho những đời sau cố tình thêm bớt che giấu sự thật thì tất cả những bản kinh khác đều còn giữ lại nhữg câu quyết định nhứt để nói lên sự thực lịch sử quyết định trầm trọng rằng Ngài Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam. Dù tất cả di bản, bia ký, tài liệu, văn thư, sách vở của Trung Hoa còn để lại đều để tạo ra cảm tưởng sai lầm rằng Huệ Năng là người Tàu, nhưng chính đồng thời tất cả những tài liệu lịch sử còn giữ lại đó đã giúp đỡ đưa ta đi đến những kết luận nghịch hướng và không thể chối cãi được rằng Ngài Huệ Năng là một người Việt Nam. Đây là một khám phá lớn nhứt cho cả dân tộc, và chúng ta có đặc ân khai thác và bảo tồn như viên ngọc quý nhứt của dân tộc. Tôi xin khiêm tốn trao tặng viên ngọc quí này cho nền quốc học Việt Nam.
 
 
Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam
 
Trước khi đi đến những dữ kiện tài liệu lịch sử để chứng minh Huệ Năng là người Việt Nam, tôi xin cụ thể gợi lại đây cho ta thấy “bản lai diện mục” của Ngài Huệ Năng qua cái nhìn của tôi từ những dữ kiện rõ ràng có thể thấy được dưới những luồng ánh sáng khác, chiếu rọi trên con đường cô độc của một đạo sĩ Việt Nam cách đây trên mười ba thế kỷ. Điều sai lầm lớn nhứt là mỗi khi ta nhắc tới ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung rằng Ngài có hình dáng một cụ Hoà Thượng già nua, mường tượng như những hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu, tất cả những hình ảnh của Ngài và ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của Ngài đều là những hình ảnh do những đời sau ngụy tạo. 
 
Chúng ta cần phải thành kính thờ lạy tất cả những hình ảnh về Ngài do những thế hệ đã qua để lại, vì tất cả những di ảnh ấy đều là những biểu tượng cần thiết hữu hình về Ngài, chúng ta phải cần có những biểu tượng hữu hình để thờ lạy, vì cơ cấu tâm thức của chúng ta cần phải nương tựa thành kính vào một hình tượng cụ thể để mới có khả năng vượt qua hình tượng, chứ không thì dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô. Nhu yếu vô hình và siêu hình của tâm hồn phải cần nương tựa vào một hình tượng nhất định để rồi siêu hoá và chuyển hoá tất cả những hình tượng. Chính ngay đưong thời với Ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, có đệ tử tạc tượng Ngài, nhưng chính Ngài Huệ Năng ngó tượng và mĩm cưới: “Ngươi chỉ có tài nặn hình mà chẳng hiểu được tánh Phật.” 
 
Dù đây chỉ là đoạn văn do người sau thêm vào bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn Kinh nhưng vẫn nói lên được cụ thể cái tinh thần Vô Tướng của nguyên ngữ khí của Huệ Năng. (Bản Tông Bảo có điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng,đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, đến trước Huệ Năng đến năm đời tổ). Chúng ta thường hình dung nét mặt của Ngài Huệ Năng là nét mặt hiền hậu của một cụ già nhưng chúng ta đã quên rằng Huệ Năng đã từng rất trẻ và chính tuổi trẻ của Huệ Năng đã quyết định hết tất cả sự nghiệp tâm linh vĩ đại của Huệ Năng. Vì tất cả những bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn Kinh đều giống nhau ở chỗ nói lên tuổi trẻ của Huệ Năng, khi Ngài đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ba điều cần nhấn mạnh về tuổi trẻ của Ngài Huệ Năng:
 
Thứ nhứt: Huệ Năng đã đắc đạo vừ lúc mới nghe người lạ tụng kinh Kim Cang trước khi Ngài đến gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn;
 
- Thứ hai: Huệ Năng là một thanh niên đầy tự tin, hãnh diện về sự chưứg ngộ tâm linh của mình và không hề có một mặc cảm tự ty nào cả khi mới vừa gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Theo tiêu chuẩn lễ nghi, lễ phép ở tông môn thì cách đối đáp của Huệ Năng  (vừa mới gặp Ngũ tổ lần đầu tiên) quả thực là rất “vô lễ”.
 
Ngay ở Việt Nam ngày nay, cũng không thấy một thanh niên trẻ măng mới đến chùa xin đi tu mà cả gan đối đáp như vậy với một vị Hoà thượng nổi tiếng (như Hoằng Nhẫn), huống chi đây là một thanh niên ngoại quốc ở vùng “nhược tiểu man rợ” mà dám đối đáp với Đại Lão Hoà Thượng đại cường quốc thống trị Trung Hoa Thịnh Đưòng như vậy; Hoằng Nhẫn giả vờ hỏi một câu chê trách về nguồn gốc Việt Nam của Huệ Năng thì Huệ Năng trả đũa ngay lập tức như một kẻ đã chứng ngộ rồi mới dám khẳng định rằng: “Con người tuy có Tàu và Việt, nhưng Phật Tánh chẳng có Tàu và Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hoà thượng nhưng Phật tánh trong Hoà thượng và trong tôi chẳng có gì sai biệt.” (Chúng ta phải hiểu chữ “Bắc” trong kinh có nghĩa là Trung Quốc và “Nam” có nghĩa là Việt Nam; ngày xưa người Tàu coi nước Việt Nam là thuộc địa miền Nam của họ);
 
- Thứ ba: Huệ Năng không được Hoằng Nhẫn dạy đạo gì cả và chỉ ở chùa với Ngũ tổ có tám tháng mà thôi, và được Ngũ Tổ trao truyền y pháp và ngôi Lục tổ, lúc Huệ Năng mới có được khoảng 22 tuổi và chỉ non khoảng 23 tuổi. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn chỉ giữ vai trò danh dự là ấn chứng cho Huệ Năng, vì thế Ngũ tổ mới lén lút kêu gọi Huệ Năng đêm khuya vào gặp riêng Ngũ tổ để Ngài trao y pháp và giảng cho một thời kinh Kim Cang gọi là lấy lệ thôi, rồi sau đó Ngũ tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Tàu, vì Ngũ tổ đã làm một việc can đảm phi thường đáng ngại nhứt: trao ngôi vị lớn nhứt của Thiền tông (lúc đó chưa có tên là “Thiền tông” mà chỉ có tên là Đông Sơn Pháp Môn) cho một thanh niên "mọi rợ” mới chưa đầy 23 tuổi.
 
Có một điều không nên quên, đó là lần đầu tiên và có thể là lần cuối cùng độc nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa mà ngôi vị Tổ Sư của một tông pháp lớn nhứt của Phật giáo lại được trao truyền cho một người ngoại quốc còn rất trẻ tuổi và chưa thọ giới xuất gia gì cả (Huệ Năng chỉ làm lễ thế phát xuất gia theo điệu hình thức lúc gần 40 tuổi, vì “phương tiện thiện xảo”, vì từ bi để hoằng pháp và để gìn giữ ý nghĩa siêu việt của chữ “Tăng” trong Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhưng chi tiết này cũng do các bản đời sau của Pháp Bảo Đàn Kinh thêm vào để cho “cụ túc” hình tướng cần thiết hoá độ).

Chúng ta phải tán thán công đức siêu phàm của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở đây: Hoà thượng đã nhìn nhận ra tất cả vĩ đại phi thường của một anh con nít, chưa đầy 23 tuổi, lại thuộc giống người “mọi rợ”, chưa xuất gia; và Hoà thượng khéo léo kín đáo trao truyền tất cả trách nhiệm tâm linh nặng nề nhất của đạo pháp, khéo léo khuyên Huệ Năng lui trở về Việt Nam và trốn tránh ở Việt Nam, chứ đừng ra mắt xuất hiện ở đất Tàu nữa; Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ tổ và đã mất dạng ở đất Tàu trong vòng mười sáu năm; Ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng núi Việt Nam và đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên cương Tàu Việt để thuyết pháp.
 
Từ ba điều cần nhấn mạnh trên, bây giờ chúng ta thử hình dung người thanh niên Huệ Năng. Chúng ta thử hình dung cách đây trên 13 thế kỷ, lúc đó tại vùng miền Bắc nước Việt Nam, quanh quẩn đâu đó thuộc vùng thượng du Bắc Việt, có một đứa con nít Việt Nam ra đời khoảng năm 638, tại vùng đất gọi là Lĩnh Nam, tức là Việt Nam, lúc đó nước Việt Nam đã mất chủ quyền độc lập, gọi là thời Bắc thuộc lần thứ ba, vào thời nhà Đường (cuộc Bắc thuộc dã man này kéo dài từ năm 603 cho đến năm 939). Tất cả những gì huy hoàng nhất của Việt Nam trong giai đoạn ấy đều bị Tàu đồng hoá sát nhập vào sở hữu của họ. 
 
Cũng xin trở dấu ngoặc ở đây: Phật giáo Việt Nam lúc ấy rất huy hoàng và có nhiều vị sư Việt Nam đã được triệu thỉnh về triều đình Tàu để dạy đạo Phật cho vua quan Tàu học; đó là chưa nói đến trung tâm Phật giáo Đại thừa có từ trước đời Đường ít nhất ba bốn thế kỷ là nước Vu Điền (Khotan) ở Trung Á đã sản xuất bao nhiêu đạo sĩ truyền giáo Đại thừa cho Trung Hoa, hầu hết tất cả những vị này đã mang kinh điển Phật giáo đến Trung Hoa từ thế kỷ thứ hai và mấy thế kỷ sau; hầu hết tất cả những vị truyền giáo vùng Trung Á này đều đi bằng đường biển đến Trung Hoa và bắt buộc phải ghé Việt Nam trước khi đổ bộ sang Tàu (ngay cả Bồ Đề Đạt Ma, người vùng Trung Á chứ không phải Ấn Độ, vì không có sách Phật giáo Ấn Độ nào nói đến Bồ Đề Đạt Ma cả, ngay cả tài liệu Tây Tạng về Phật giáo Ấn Độ cũng không có nói đến Bồ Đề Đạt Ma), ngay đến Bồ Đề Đạt Ma, người vùng Trung Á, cũng phải đi đường biển và mất hết ba năm trời mới đến Trung Hoa, như thế trong thới gian ba năm đó, Bồ Đề Đạt Ma cũng phải lưu lại Việt Nam trước khi sang Trung Hoa. 
 
Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng mạnh về hình thức Phật giáo Tàu nhưng ngược lại Việt Nam đã ảnh hưởng lại Tàu rất mãnh liệt mà ít ai thấy được. Và trường hợp Huệ Năng là một thí dụ điển hình. Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Phật giáo nước ngoài như một trường hợp điển hình khác ít ai biết đến: Năm 735, thiền sư Việt Nam tên là Phật Triệt đã đến Nhựt Bổn và dạy chữ Phạn cho những tăng sĩ Nhựt Bổn, đồng thời tổ sư trao truyền nhạc Phật giáo cho nền Vũ nhạc triều đình Nhựt Bổn mà ngày nay người Nhật rất hãnh diện đã giữ lại nền Vũ nhạc tuyệt vời ấy và coi như “một trong những kỳ quan ở thế giới” và chính người Nhựt cũng công nhận rằng đó là nền Vũ nhạc do chính một người Việt Nam đã trao truyền cho họ vào thế kỷ thứ VIII, đang khi đó ở Việt Nam chúng ta đã quên mất hết tất cả những gì gọi là tinh túy dân tộc (1). Đây là một trường hợp đáng lưu ý cho những người quan tâm đến quốc học mà tôi sẽ đề cập trong dịp khác. Bây giờ xin đóng dấu ngoặc lại và trở về Ngài Huệ Năng.
 
Chúng ta thử tưởng tượng hình dung một đức con nít Việt Nam khi sinh ra đời thì nước Việt Nam đã trở thành lãnh thổ của nước Tàu. Chúng ta chỉ biết đứa con nít ấy tên là Năng (chữ “Huệ” có thể do Ngũ Tổ đặt thêm cho Năng.) Không ai biết rõ tung tích của đứa bé ấy, chỉ biết rõ rằng đứa bé ấy là người đất Lĩnh Nam (tức là Việt Nam). Ngay đến tên tuổi cha mẹ của Huệ Năng trong bản Đôn Hoàng và những bản sau của Pháp Bảo Đàn Kinh đều do những thế hệ sau thêm vào (bản Đôn Hoàng Pháp Bảo Đàn Kinh xuất hiện sau năm viên tịch của Huệ Năng ít nhất trên một thế kỷ sau). 
 
Khi đứa trẻ ấy lớn lên khoảng ngoài hai mươi tuổi, ở vùng gần biên giới Tàu, nghèo khổ, phải đi bán củi nuôi sống, người nhỏ bé, ốm yếu, gầy đét nhưng thông minh siêu phàm xuất chúng. Tình cờ chỉ nghe một người tụng kinh Kim Cang mà giác ngộ. Huệ Năng biết nói tiếng Tàu nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm: dữ kiện lịch sử đã chứng minh rằng Huệ Năng nói không rành tiếng Tàu (đã được những hậu bản kinh Pháp Bảo Đàn ghi chép) dù Huệ Năng có nói tiếng Tàu theo giọng Quảng Đông đi nữa thì không có lý do gì mà Huệ Năng phải cần tự biện hộ (Ngài đối đáp với Hoằng Nhẫn) lúc Ngũ tổ đưa Ngài đến trạm Cửu Giang để trở về Việt Nam, nhứt là trong một lúc nghiêm trọng như sắp vĩnh biệt Ngũ tổ. Chẳng hạn đọc lại bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn Kinh:
 
“Lúc vào canh ba, Huệ Năng lãnh được Y, Bát rồi thì mới hỏi: ‘Năng này gốc gác là người Việt Nam, vốn chẳng biết đường đi vùng núi này, làm thế nào mà ra vàm sông?’ Ngũ tổ đáp, con chẳng cần lo, tự ta sẽ đưa con đi. Tổ đưa Huệ Năng thẳng tới trạm Cửu Giang. Rồi Tổ bảo Huệ Năng lên thuyền, Ngài cầm mái chèo lấy, nhưng Huệ Năng nói: ‘Xin Hoà Thượng ngồi và hãy để đệ tử chèo lấy mới phải.’ Tổ nói: ‘Đáng lẽ ta độ cho ngươi’. Huệ Năng trả lời: ‘Khi mê thì thầy độ cho, ngộ rồi thì mình độ lấy mình. Chữ ‘độ’ tuy có một mà chỗ dùng chẳng giống nhau. Huệ Năng này sinh ở chốn biên thùy xa xôi, thành ra tiếng nói không được đúng. Nhờ Thầy truyền Pháp rồi và nay đã đắc ngộ rồi thì chỉ tự mình mà độ lấy mình thôi.” 
 
Chúng ta thấy gì trong lời ghi chép trên? Hiển nhiên chữ Hán “độ” có nghĩa là “đưa” mà cũng có nghĩa là “cứu độ”. Khi Huệ Năng trả lời: “Lúc mê thì Tổ sư độ, ngộ rồi thì tự độ lấy mình. Huệ Năng này sanh tại xứ dã man và giọng nói không đúng, nhờ Tổ sư truyền Pháp, nay đã được tỏ sáng thì chỉ nên mình tự độ lấy mình.” Đoạn này mới nghe qua tưởng dễ hiểu. Nếu chúng ta biết nhìn thấy qua bên trong sự việc thì chúng ta sẽ thấy được mật ý của đoạn văn. Đây không phải là lúc mà Huệ Năng có thể “chơi chữ” với Tổ sư, vì đây là giây phút vô cùng nghiêm trọng và ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ bí mật giữa hai thiền sư; ngôn ngữ bí mật nằm giữa hai biên giới, biên giới sống và chết: một Tổ sư rút lui về sự chết và một Tổ sư khác mới khai sinh. 
 
Huệ Năng đã hiểu mật ý của Ngũ tổ và muốn nói với Ngũ Tổ rằng: “Thầy muốn đưa con về Việt Nam là để cứu thoát con để khỏi bị lâm nạn ở đất Tàu, vì con nói tiếng Tàu không rành, là người mọi rợ, lại lên ngôi vị Tổ sư, nhưng Thầy đưa con đi đây có nghĩa rằng Thầy muốn cứu thoát con, dù con nói không rành tiếng Tàu, nhưng con cũng hiểu ý của Thầy khi Thầy muốn ‘đưa’ con đi và đồng thời muốn ‘cứu thoát’ con (“độ”), con đã hiểu ý Thầy rồi thì con phải tự cứu thoát lấy mình và trở về Việt Nam.” Tất cả mật ý trên chỉ muốn nói lên điều duy nhứt: Huệ Năng hiểu lý do tại sao Ngũ tổ đưa trả Huệ Năng về Việt Nam, vì rất nguy hiểm cho tính mệnh của một người thanh niên trẻ tuổi, người “man rợ dã man” mà được trao truyền ngôi vị Tổ sư thống lãnh tất cả Đông Sơn Pháp Môn, trường phái nổi tiếng nhất của Tàu hồi đó. 
 
Chỉ có thể hiểu như vậy mớí không thấy cái “lố bịch” của Huệ Năng khi tỏ vẻ “khôn vặt” chơi chữ với chữ “độ” trong một giây phút linh thiêng nhứt, lúc giã biệt Thầy. Sau đó, chàng thanh niên Huệ Năng phải mai danh ẩn tích ở núi rừng Việt Nam trong khoảng mười sáu năm trời, rồi mới dám xuất đầu lộ diện thuyết pháp ở vùng biên giới Tàu-Việt.
 
Ngài Huệ Năng thuyết pháp trên ba mươi mấy năm trời chung quanh vùng Quảng Đông và vùng biên giới Tàu-Việt và cả nước Tàu lúc ấy không ai biết đến tên tuổi Ngài cả, lúc ấy Thần Tú được trọng đãi ở triều đình Tàu và được chính thức coi như Lục Tổ của Đông Sơn Pháp Môn (lúc đó chưa có phân biệt “Bắc Tú, Nam Năng” như ta thấy trong bản Đôn Hoàng và những hậu bản Pháp Bảo Đàn Kinh). Danh tiếng uy thế của Thần Tú và đệ tử Phổ Tịch lẫy lừng vang dội và được vua Tàu coi như Quốc sư, đang khi ấy Ngài Huệ Năng chỉ là một ông đạo sĩ “man rợ” tối tăm ở biên cương, chỉ có được một số môn đệ Tàu trung thành sùng bái, trong số đó có một người tên là Thần Hội; chính Thần Hội sau này là người đã khôi phục lại ngôi vị Tổ Sư Thứ Sáu cho Huệ Năng và trao truyền đạo lý Đốn Ngộ Bát Nhã của Huệ Năng và đẩy lùi tất cả những trường phái Thiền tông khác đi vào bóng tối của lịch sử. Tất cả tư tưởng đạo lý của Thần Hội đều được rút ra trực tiếp từ Huệ Năng. 
 
Vai trò quyết định của Thần Hội đối với lịch sử Phật giáo Thiền tông Trung Hoa và Nhựt Bổn chỉ mới được Hồ Thích khám phá ra từ những tài liệu đào ra được ở động Đôn Hoàng, lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Paris. 
 
Tác phẩm của Thiền sư Thần Hội đã thất lạc từ lâu ở Tàu và Nhựt Bổn, chỉ nhờ Hồ Thích khám phá ra ở thư loại Pelliot tại Paris mà lịch sử Phật giáo Thiền tông Trung Hoa đã được viết lại hết, chẳng những tài liệu của Hồ Thích thôi mà còn bao nhiêu tài liệu khác từ Đôn Hoàng đã giúp cho các học giả Nhựt và Tây phương thấy rằng sự thực lịch sử về sự thành hình của Thiền tông không giống như những tài liệu lịch sử Phật giáo Trung Hoa như chúng ta từng quen biết từ lâu. 
 
Những gì chúng ta biết được về những Tổ sư Tàu từ Bồ Đề Đạt Ma cho đến Huệ Năng đều do những truyền thuyết ngụy tạo ở những thế hệ sau. Tất cả những sử gia Tàu và ngoại quốc muốn viết gì về Huệ Năng đều lấy tài liệu chứng minh từ bộ Toàn Đường Văn (Đài Bắc, 1961, 20 cuốn), nhưng theo giáo sư Yampolsky thì “bộ sách Toàn Đường Văn được biên soạn vào năm 1814 và sử dụng tạp nhạp tất cả những tài liệu một cách bừa bãi, và nhiều tài liệu đã được viết ra sau này và rất gần đây, thành ra không thể tin vào giá trị của những tài liệu ấy.” (Yampolsky, op.cit., trang 31). 
 
Sau khi đã khảo xét rất kỹ lưỡng tất cả tài liệu liên quan đến Huệ Năng trong bộ Toàn Đường Văn, Yampolsky phải đi đến kết luận rằng tất cả đều là ngụy tạo (op. cit., trang 59). Sau khi đã duyệt qua hàng ngàn tài liệu Tàu và Nhựt, cùng những tài liệu khai quật ở Đôn Hoàng, Yampolsky đi đến kết luận rằng: “Chúng ta không có được những dữ kiện nào về Huệ Năng cả …” (“For Hui Nang we have no facts…” op. cit., trang 60). “Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng thực ra gần như không có gì để chúng ta có thể nói thực sự về Ngài Huệ Năng” (“We may only conclude that there is, infact, almost nothing that we can really say about him”, op. cit., trang 69). Theo Yampolsky, chúng ta chỉ biết chắc có một điều là có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam nước Tàu.” 
 
Theo Yampolsky chỉ có hai tài liệu đáng tin cậy: thứ nhứt là Lăng Già Sư Tư Ký (khai quật ở Đôn Hoàng), và tài liệu này chỉ nhắc đến tên Huệ Năng như là một trong mười học trò của Hoằng Nhẫn, chỉ thế thôi và không có ghi chép sự kiện gì khác; tài liệu thứ hai là bia ký của thi hào Vương Duy vào khoảng năm 740. Còn tất cả những tài liệu khác đều do những thời đại sau ngụy tạo. 
 
Trong bia ký của thi hào Vương Duy mà Yampolsky đã trích dịch ở trang 66-67 (op. cit.), chúng ta chỉ thấy Vương Duy ghi rằng: “Nơi quê quán của Thiền sư Huệ Năng không ai biết. Thiền sư sinh sống ở một thôn làng mọi rợ. Khi trẻ, học đạo với Hoằng Nhẫn, thiên tài của Ngài được Ngũ tổ ghi nhận và được trao truyền y pháp; Ngũ tổ bảo Ngài phải lìa bỏ (tức là lìa bỏ đất Tàu), và trong mười sáu năm, Ngài sống ẩn trốn với phường buôn bán dân ngu khu đen (tức là phường dân ngu khu đen ở Việt Nam). Từ hai sự kiện lịch sử trên và dựa theo tất cả những bản khác nhau của Pháp bảo Đàn Kinh, và loại bỏ tất cả những gì có tính cách thần thoại hay truyền thuyết (Và ngay cả bản Đôn Hoàng Pháp Bảo Đàn Kinh chỉ được chép vào năm 830-860, gọi là do Pháp Hải ghi lại, chưa hẳn là nguyên bản của Pháp Bảo Đàn Kinh mà những học giả Nhựt cho rằng đã có một nguyên bản khác đã được viết vào khoảng năm 713-714 sau khi Huệ Năng viên tịch, bản này đã mất và chưa tìm lại được); dựa vào tất cả những dữ kiện kiểm chứng được, chúng ta chỉ có thể có những kết luận sau đây:
 
-  Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam.
 
- Lĩnh Nam là đất Việt Nam (ngày xưa Lưỡng Quảng, Quảng Đông và Quảng Tây cũng thuộc về Việt Nam). Ngay đến Yampolsky cũng chú thích rất rõ: “Lĩnh Nam là những vùng ở Quảng Đông, Quảng Tây và miền “Bắc Đông Dương Việt Nam” (Ling-nan indicates the areas of Kwangtung, Kwangsi, and Northern Indochina” Op. cit. trang 162). Còn địa danh Nam Hải ghi trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn Kinh thì theo Yampolsky đó là Phiên Ngung, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày xưa (xin đọc Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 37: “Triệu Đà đánh được An Dương Vương, sát nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung.”)
 
Ngoài ra còn có một điểm đáng lưu ý mà Yampolsky đã nêu ra: Bài thuyết pháp quan trọng nhứt của Huệ Năng là ở chùa Đại Phạm. Nhưng theo Yampolsky thì, không ai có thể truy tìm cho ra chùa Đại Phạm ở đâu, chỉ biết chùa ấy còn có tên là chùa Báo Ân. Ngôi chùa quan trọng nhứt, nơi xảy ra bài thuyết pháp quan trọng nhứt của Huệ Năng và là nội dung quan trọng nhứt của tất cả các bản Pháp Bảo Đàn Kinh mà không có học giả nào truy ra được địa điểm đích xác, đang khi đó, một sự kiện lạ lùng, là chúng ta đã thấy cái tên chùa Báo Ân rất nhiều lần trong quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, cuốn 1, trang 342 và 344.
 
Và điều lạ lùng nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: Trong Thiền phái Tì Ni Đà Lưu Chi có hai tên khuyết lục vào thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu, vào thế kỷ thứ VII và thế kỷ thứ VIII, đồng thời với Huệ Năng và Thần Hội (mà Thần Hội ở chùa Hà Trạch, Hà Trạch nào, phải chăng Hà Trạch ở Lạc Dương hay Hà Trạch ở Việt Nam?), vì trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi rằng: “Thiền sư Không Lộ kết làm đạo hữu với Giác Hải, lần đến chùa Hà Trạch nương thân …” (trang 90). Và riêng về tài liệu Phật giáo Việt Nam có một nghi vấn mà chưa ai trả lời được và còn ghi lại trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang (trang 224 và trang 98): có hai hệ phái Đại Điên và Bát Nhã không được chép vào lịch sử những thế hệ truyền thừa. 
 
Chúng ta cũng nên nhớ rằng Huệ Năng và Thần Hội thuộc vào hệ phái Bát Nhã và chống lại hệ phái Lăng Già của Thần Tú và Phổ Tịch. Có một điều đáng nói hơn nữa, đang khi Huệ Năng đương thời không được người Tàu biết đến, và mãi sau đến sự xuất hiện hoằng pháp của Thần Hội (sau khi Huệ Năng đã chết lâu rồi) thì ảnh hưởng của Huệ Năng lớn mạnh như vũ bảo quét sạch tất cả tông phái khác ở đất Tàu, đang khi ấy nước Tàu không có một tổ đình nào mang tên là Lục Tổ thì trái lại tại Việt Nam đã có một tổ đình rất lâu đời mang tên là Tổ Đình Lục Tổ (xin đọc Nguyễn Lang, trang 218, trang 98, trang 101). 
 
Như trong Việt Nam Phật giáo Sử Luận thì Tổ Đình Lục Tổ đã có tới trên 400 năm, tính kể từ cuối thế kỷ thứ XII, tức là Tổ Đình Huệ Năng đã có từ thế kỷ thứ VIII, thời đại của Huệ Năng  (Huệ Năng viên tịch vào thập niên đầu thế kỷ thứ VIII, tức là khoảng năm 713 - Nguyễn Lang op. cit.trang 101). 
 
Thiền sư Thần Hội, đệ tử của Huệ Năng chỉ xuất hiện ở những kinh đô Tàu để vũ bảo quét sạch tất cả những tông phái Thiền của Phổ Tịch (đệ tử của Thần Tú) và lấy lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng, bắt đầu từ năm 732, và Thần Hội đã chiến thắng vẻ vang rực rỡ và mất đi vào năm 758 hay 760, thì đang lúc đó ở Việt Nam đã có một tổ đình mang tên là Lục Tổ. 
 
Còn một điều nữa là quyển Nam Tông Tự Pháp Đồ (ghi lại lịch sử truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam) đã bị mất, và chính mấy chữ “Nam Tông” đáng cho chúng ta lưu ý, vì mấy chữ ấy chỉ xuất hiện với sự xuất hiện của Thần Hội vào khoảng từ năm 732 trở đi. Còn một điểm lịch sử vô cùng quan trọng đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Thiền sư Việt Nam La Quý An quyên góp tài sản và đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan để khỏi bị trộm cắp, dặn rằng khi nào có bậc minh vương ra đời để giúp dân cứu nước thì đào lên.” 
 
Đây có ngụ ý chính trị gì đối với dân tộc Việt Nam lúc ấy và nhứt là một điểm khác sau đây: “Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn Hoàng đế trong cung thì Thiền sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ” (đọc Nguyễn Lang op. cit. trang 143-149). Nơi đây chứa đụng những bí mật nào về lịch sử mà chúng ta không còn để ý tới? Nhứt là phải cần nhớ rằng Huệ Năng là đại diện cho ý thức độc lập của Việt Nam chống lại Trung Hoa, chẳng những về phương diện đạo lý mà còn đại diện ý thức độc lập tự chủ chính trị của chính trị Việt Nam đối với Trung Hoa. 
 
Chúng ta phải cần nhớ lại rằng Thần Hội đã bị triều đình Trung Hoa bắt nhốt giam và lưu đày vì bị kết án là “muốn âm mưu chính trị có hại cho chính quyền Trung Quốc.” (cf. Yampolsky, op. cit. trang 36). Và chính Thần Hội đã tạo ra vai trò Bồ Đề Đạt Ma (truyền thừa y bát của Bồ Đề Đạt Ma cho đến Huệ Năng) và cũng chính Thần Hội lật đổ vai trò tối ư quan trọng của Thần Tú và Phổ Tịch (đệ tử Thần Tú) lúc bấy giờ và giành lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng và đưa Thiền Việt Nam của Huệ Năng thống trị cả Phật giáo Trung Hoa. 
 
Đây không phải chỉ là sự chiến thắng về ý thức đạo lý Việt Nam mà cũng là sự chiến thắng của tư tưởng Bát Nhã đối với tư tưởng Lăng Già (của phái Lăng Già Tông, tức là tất cả trường phái Thiền Trung Quốc đương thời mà đại diện là Pháp Như, Thần Tú và Phổ Tịch). Tất cả những bản kinh khác nhau của Pháp Bảo Đàn Kinh đều xác nhận hai điều quan trọng:
 
Thứ nhứt: Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu.
 
Thứ hai: Huệ Năng sinh trưởng tại Lĩnh Nam và hoằng pháp chung quanh vùng Nam Hải, tức là Phiên Ngung (thuộc lãnh thổ Việt Nam hồi đó).
 
Và điều quan trọng là tất cả các bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn Kinh đều còn giữ lại ít nhất hai lần, nếu không muốn nói là năm sáu lần những câu đại loại sau đây để chứng tỏ Huệ Năng không phải là người Hán tộc mà là người Việt Nam:
 
-  Hoằng Nhẫn mắng Huệ Năng: “Mi là dân Lĩnh Nam, vốn là đồ mọi rợ, làm thế nào thành Phật được?” (phân đoạn 3, bản Đôn Hoàng).
 
- “Thực không ai ngờ nơi đất Lĩnh Nam lại được phúc có Phật sinh ra nơi ấy.” (phân đoạn 37, bản Đôn Hoàng).
 
Mấy chữ “Đồ mọi rợ” ở đây là dịch mấy chữ chửi thề đời Đường “các lão” mà Yampolsky đã chú thích như sau: “Ko-lao (các lão) là một tiếng mắng chửi, có nghĩa là dân dã man, gần như súc vật ở phương Nam nước Tàu (tức là Việt Nam)” (op. cit. trang 127).
 
Chỉ nội mấy chữ “các lão” trên cũng đủ để chứng minh Huệ Năng không phải người Tàu mà là người ở Lĩnh Nam. Và riêng mấy chữ “Lĩnh Nam” chúng tôi xin trở lại Lĩnh Nam Chích Quái: Theo Giáo sư Lê Hữu Mục, dịch giả Lĩnh Nam Chích Quái thì “Lĩnh Nam Chích Quái còn mang nhiều giá trị lịch sử, lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước” (trang 28).
 
Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng: Nếu nói Lĩnh Nam là của Tàu thì chúng ta phải bôi hết Lĩnh Nam Chích Quái và phải bôi hết “Lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước” (Lê Hữu Mục). Nếu có người Việt Nam nào lên tiếng nói rằng Huệ Năng người đất Lĩnh Nam, là người Tàu thì tôi phải kết luận rằng “người Việt Nam” ấy cho tới thế kỷ thứ XX vẫn chấp nhận “sự Bắc thuộc lần thứ ba” của Tàu, vì lúc đó vào thời Huệ Năng, chúng ta bị coi như lệ thuộc Tàu. Mặt khác, nếu có người Tàu nào muốn chứng minh Huệ Năng là người Tàu thì phải bôi mấy chữ “các lão” và “Lĩnh Nam” trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn Kinh được chép ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ.
 
Thích Mãn Giác 

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin