Chi tiết tin tức

Niềm tin lý trí: Sự tương đồng giữa đạo đức học Phật giáo và I. Kant

20:31:00 - 16/11/2023
(PGNĐ) -  Immanuel Kant (1724-1804) là triết gia vĩ đại, người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. Những tư tưởng triết học của ông giống như mạch nước ngầm nuôi dưỡng triết học phương Tây hơn hai thế kỷ qua. Trong đó, vấn đề “lý trí” và “niềm tin lý trí” là một phạm trù quan trọng và nổi bật nhất trong lĩnh vực đạo đức tôn giáo của I. Kant. Với ông, niềm tin vào một tôn giáo phải được thiết lập trên cơ sở của lý trí chứ không phải là niềm tin mù quáng. Chính quan điểm này đã vô hình trung đưa triết học của I. Kant đến gần với Phật giáo. Bài viết này sẽ từng bước chỉ ra những điểm tương đồng đó.

Điều cốt lõi của niềm tin Phật giáo là nó được thiết lập trên nền tảng lý trí qua hai phạm trù chính: nhận thức chân chánh (sammā-diṭṭhi) và tư duy chân chánh (sammā-saṅkappa).

VAI TRÒ CỦA LÝ TRÍ TRONG NHẬN THỨC ĐẠO ĐỨC
Lý trí (G. vernunft, E. reason) là khả năng suy luận và phán đoán của con người. Trong triết học I. Kant, lý trí được chứng minh là một khả năng đặc biệt chỉ có ở con người, là cái giúp phân biệt giữa con người với các loài động vật khác. Ông viết: “Tất cả nhận thức của chúng ta khởi đầu từ các giác quan, rồi tiến lên giác tính và kết thúc ở lý tính. Ngoài lý tính ra không gì cao hơn nữa trong tinh thần con người để xử lý chất liệu của trực quan và đưa chúng vào sự thống nhất tối cao của tư duy” [1].

I. Kant cho rằng, cơ sở xác lập nhận thức về hành vi đạo đức nhất thiết phải đến từ lý trí, không thể phát xuất từ ý định khách quan của một nhận thức thường nghiệm, bởi “nếu con người là loài vật duy nhất có lý trí, thì sinh hoạt đạo đức, tức sinh hoạt đặc biệt của con người phải được xác định hoàn toàn do lý trí, không được dựa dẫm vào những cái gọi là thường nghiệm. Mà những nguyên tắc thường nghiệm đây là gì? Là tự ái, là tình cảm và tư lợi” [2]. Bằng cách này, I. Kant muốn phân biệt hai loại động cơ có thể tác động đến nhận thức con người: loại thứ nhất thuộc cảm tính và loại thứ hai thuộc lĩnh vực lý trí. Cảm tính thường mang tính riêng tư, vị kỷ và chủ quan, còn lý trí thì ngay thẳng và chuẩn mực. Vì thế, “nếu chúng ta muốn khám phá sự thật, chúng ta phải để cảm xúc của mình được hướng dẫn càng nhiều càng tốt bởi lý trí” [3].

Trong tác phẩm Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý, I. Kant giải thích lý trí là cái sẵn có trong tất cả mọi người, một người bình thường nhất vẫn có thể phân biệt được cái gì là điều thiện, điều ác, điều hợp nghĩa vụ hay trái nghĩa vụ. Vì thế, những điều đó không cần dạy bảo thêm, mà điều mới mẻ là làm thế nào để đánh thức lý trí ở bên trong mỗi người, giúp họ lưu tâm đến các nguyên tắc đạo đức của chính bản thân [4]. Trên cơ sở nhận thức đó, I. Kant khẳng định lý trí chính là cái làm nên phẩm giá con người, nó đặt con người lên trên toàn thể vạn vật trong thế giới tự nhiên.

Tương tự, Phật giáo cũng là một tôn giáo đề cao lý trí, nhấn mạnh đến khả năng vận dụng lý trí của con người trong việc suy xét mọi sự vật hiện tượng để phân biệt cái gì là thiện và bất thiện, giữa điều được làm và không nên làm nhằm nêu ra các nguyên tắc tổng thể trong việc phân loại và đánh giá đạo đức. Vì thế, vai trò của lý trí luôn chiếm một vị trí then chốt trong tất cả lời Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết và thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy” [5]. Trong đó, cái “thấy và biết” là tượng trưng cho lý trí hay khả năng suy xét của con người. Bởi muốn đạt được sự giác ngộ giải thoát thì trước tiên con người phải có nhận thức đúng về nó. Tất nhiên, lý trí chưa phải là cấp độ nhận thức cao nhất trong Phật giáo, nhưng nó là nhân tố không thể thiếu trong quá trình vươn tới nhận thức cao nhất đó. Một đặc điểm dễ thấy trong Phật giáo đó là, giữa lý trí và con đường giải thoát có sự gắn kết với nhau. Đức Phật tuyên bố Ngài chỉ là “người chỉ đường” (maggakkhāyī) để giảng dạy con đường giải thoát, theo hay không theo con đường đó là tùy thuộc vào sự suy xét của lý trí mỗi người. Nói cách khác, “người có đạo đức phải thực hiện sự giải thoát của mình dựa vào lý trí đạo đức của chính mình” [6].

Mặc dù I. Kant chưa từng tiếp xúc với hệ thống kinh điển Phật giáo, nhưng điều trùng hợp là các quan điểm của ông về vấn đề lý trí và niềm tin lý trí lại rất tương đồng với những kiến giải của Đạo Phật. (Ảnh: sưu tầm)

QUAN ĐIỂM CỦA I. KANT VÀ PHẬT GIÁO VỀ NIỀM TIN LÝ TRÍ
Trong một tác phẩm có nội dung viết về tôn giáo được xuất bản năm 1793 là Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft (bản dịch tiếng Anh là Religion within the Boundaries of Mere Reason, tạm dịch: Tôn giáo trong ranh giới của lý trí đơn thuần), I. Kant đã triển khai nhiều vấn đề của lý trí liên hệ đến triết học tôn giáo và phương pháp tiếp cận của một tôn giáo mang tính chất đạo đức thực tiễn. Ông cho rằng: “Lòng tin vào một tôn giáo của sự phục vụ là một lòng tin nô lệ và hám lợi, không thể được coi là cứu rỗi, bởi vì nó không có đạo đức. Vì lòng tin đạo đức phải là một lòng tin tự do, được đặt trên những khuynh hướng thuần túy của con tim” [7].

Từ quan điểm của I. Kant, có hai vấn đề cần nhận thức như sau: Thứ nhất, niềm tin là cơ sở để con người đến với tôn giáo, nhưng niềm tin đó phải được thiết lập trên nền tảng của lý trí chứ không phải từ lòng tin khổ sai, thưởng phạt. Thứ hai, tôn giáo được chọn phải là một tôn giáo giúp mang lại cho con người các giá trị đạo đức. Trái lại, nếu con người theo tôn giáo với niềm tin mù quáng và không đạt được các giá trị đạo đức cho bản thân mình thì I. Kant gọi đó là “những hành động chỉ xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc hy vọng, cái mà một con người ác cũng có thể thực hiện” [8].

Điểm tương đồng về niềm tin lý trí (G. vernünftiges Glauben, P. ākāravatī saddhā) trong triết học I. Kant với Phật giáo là nằm ở sự nhận thức qua các hệ giá trị đạo đức của một người thực hành đức tin tôn giáo mang lại. Có nhiều cách giải thích khác nhau về niềm tin trong kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, theo cách cô đọng nhất thì niềm tin được xem là căn lành lớn (saddhindriya: tín căn) giúp người tu học Phật đạt được sự tiến bộ trên con đường thực hành tâm linh.

Điều cốt lõi của niềm tin Phật giáo là nó được thiết lập trên nền tảng lý trí qua hai phạm trù chính: nhận thức chân chánh (sammā-diṭṭhi) và tư duy chân chánh (sammā-saṅkappa). Như trong bài Kinh Tư sát (Vīmaṃsaka Sutta) thuộc Kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya), Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử của mình nên dùng lý trí để thẩm tra giáo pháp và về bản thân Ngài để tìm hiểu xem những điều do Ngài thuyết giảng có hợp với lý trí hay không, trước khi chấp nhận để tin hiểu và thực hành [9].

Điểm tương đồng về niềm tin lý trí (G. vernünftiges Glauben, P. ākāravatī saddhā) trong triết học I. Kant với Phật giáo là nằm ở sự nhận thức qua các hệ giá trị đạo đức của một người thực hành đức tin tôn giáo mang lại.


Một luận giải sâu sắc khác về cơ sở thiết lập niềm tin lý trí trong Phật giáo được tìm thấy ở bài Kinh Kālāma như sau: “Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình” [10].

Nội dung của đoạn kinh trên nêu lên sáu vấn đề liên quan đến mặc khải và tính thẩm quyền, bốn vấn đề liên quan đến suy luận tư biện. Ở đây, bản kinh bác bỏ tính thẩm quyền, mặc khải và các suy luận như những phương tiện tri thức thích hợp. Nghĩa là, Đức Phật xem mười vấn đề trên là các phương tiện đạt được tri thức “không thỏa đáng”, vì chúng không đáng tin cậy để cung cấp sự giải thoát cho tất cả mọi người. Do đó, Đức Phật khuyến cáo con người không nên vội tin trước bất cứ điều gì, tất cả đều phải dựa trên sự kiểm nghiệm và phân tích của lý trí. Khi nào tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người có trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc” [11] thì lúc đó con người hãy chấp nhận và thực hành theo những điều đó.

Đức Phật khuyến cáo con người không nên vội tin trước bất cứ điều gì, tất cả đều phải dựa trên sự kiểm nghiệm và phân tích của lý trí. Khi nào tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người có trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”.

KẾT LUẬN
Mặc dù I. Kant chưa từng tiếp xúc với hệ thống kinh điển Phật giáo, nhưng điều trùng hợp là các quan điểm của ông về vấn đề lý trí và niềm tin lý trí lại rất tương đồng với những kiến giải của Đạo Phật. Theo đó, I. Kant xem lý trí là điểm khởi đầu cho mọi quan niệm đạo đức, vì thế con người ta không thể rút ra bất kỳ quan niệm đạo đức nào từ các tri thức cảm tính thường nghiệm hay niềm tin mù quáng. Tương tự như vậy, Phật giáo cũng xem tất cả các loại chủ nghĩa giáo điều và các thẩm quyền đạo đức nếu không được chứng minh hợp lý bằng lý trí thì chúng không thể được chấp nhận. Qua đó cho thấy, dù có sự khác nhau trong cách diễn đạt, nhưng điểm chung ở cả hai trường phái triết học là đều xem lý trí như một phương tiện chân chánh giúp cho con người có được đời sống đạo đức và tâm tính tốt đẹp.

Nghiên cứu này còn nêu lên ý nghĩa rằng, con người với lý trí sẵn có của mình hãy luôn cảnh giác để không rơi vào những “ảo giác”, mà hãy luôn sống với nhận thức chân chánh để sinh hoạt tôn giáo lành mạnh và tránh xa các tệ nạn mê tín dị đoan.

 

ĐĐ. Thích Duy Tuệ/TCVHPG414

 

Chú thích:
* Đại đức Thích Duy Tuệ – Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
[1] Kant, Immanuel (2004), Phê phán lý tính thuần túy, tr.593.
[2] Trần Thái Đỉnh (2018), Triết học I. Kant, tr.194.
[3] Rachels, James & Rachels, Stuart (2012), The Elements of Moral Philosophy, p. 11.
[4] Kant, Immanuel (2021), Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý, tr.82.
[5] Kinh Trung bộ, tập 1, tr.25.
[6] Thích Nhật Từ (2022), Bản chất đạo đức học Phật giáo, tr.106.
[7] Kant, Immanuel (1998), Religion within the Boundaries of Mere Reason, p. 122.
[8] Ibid., pp.122-23
[9] Kinh Trung bộ, tập 1, tr.389-92.
[10] Kinh Tăng chi bộ, tập 1, tr.219.
[11] Sđd, tr.221.

Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch (2015), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch (2016), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Kant, Immanuel (1998), Religion within the Boundaries of Mere Reason, edited by Allen Wood & George di Giovanni, Cambridge University Press, Cambridge.
4. Kant, Immanuel (2004), Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der reinen Vernunft), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú, Nxb. Văn học, Hà Nội.
5. Kant, Immanuel (2021), Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten), Bùi Văn Nam Sơn & Nguyễn Trung Hậu dịch, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
6. Rachels, James & Rachels, Stuart (2012), The Elements of Moral Philosophy, McGraw-Hill, New York.
7. Thích Nhật Từ (2022), Bản chất đạo đức học Phật giáo (A Study of Buddhist Ethics), Thích Nữ Diệu Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
8. Trần Thái Đỉnh (2018), Triết học I. Kant, Nxb. Văn học, Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin